Cập nhật lúc: 8/25/2014 10:56:56 PM

Tự do kinh doanh khó thật

TT - “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” - điều 33 Hiến pháp (2013) đã quy định. Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp đang được sửa theo tinh thần này. 

Nhưng lời than phiền của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 11-8 lại cho thấy hầu hết bộ ngành chưa sẵn sàng nhập cuộc.
Theo hẹn, lẽ ra Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phải đính kèm danh mục các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện vào dự án Luật đầu tư (sửa đổi) để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp này. Nhưng ông Vinh đã lỡ hẹn, lý do là bộ của ông “chờ mãi mà các bộ khác không gửi danh mục sang”.
 
Ngoài Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp và Thanh tra Chính phủ (là những bộ ngành ít phải đặt điều kiện và cấp phép nhất), thì các bộ ngành khác bặt vô âm tín, mặc cho “Thủ tướng ký một lần, Bộ Kế hoạch - đầu tư ký hai lần, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế ký một lần” công văn yêu cầu rà soát và báo cáo danh mục.
 
“Hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thêm công văn gì nữa” - ông Vinh bày tỏ bức xúc trước và cho biết sẽ tiếp tục đề nghị Thủ tướng có công văn yêu cầu các bộ ngành để ông có thể trình danh mục vào tháng 9 (tháng 10 Quốc hội sẽ họp để xem xét thông qua Luật đầu tư sửa đổi).
 
“Tôi cũng thấy rất đặc biệt. Nói vậy để biết rất cam go trong lĩnh vực này. Chắc là công việc này nó khó quá, rà soát nó nhiều quá, phức tạp quá nên họ chưa gửi” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
 
Bức xúc và than phiền như vậy nhưng có lẽ ông Vinh còn e dè, chưa nói thẳng ra một sự thật: các bộ ngành chần chừ trong việc từ bỏ quyền và lợi ích của mình, nhận phần dễ về cho mình và đẩy khó khăn cho doanh nghiệp. Điều kiện kinh doanh do các bộ ngành đặt ra chính là các giấy phép con buộc doanh nghiệp và người dân phải đi “xin”. Thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê sẽ tạo điều kiện cho nhũng nhiễu phát triển.
 
Giấy phép con tồn tại thì cũng song hành với nó là tình trạng xin - cho, ban phát, thiếu minh bạch và còn nhiều kẽ hở cho tham nhũng. Quyền và lợi ích, đó là nguyên nhân mà “bộ ngành nào cũng muốn nhúng vào một tí” như có lần Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhận xét.
 
Với 368 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, 51 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh qua quá trình tự rà soát sơ bộ mà có được, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh từng than phiền tại một phiên họp trước đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng “không hiểu tại sao lại nhiều như vậy, có những ngành nghề không hiểu tại sao lại cấm, không hiểu tại sao lại phải có điều kiện”.
Chắc hẳn ông Bùi Quang Vinh cũng tự trả lời được câu hỏi này và những người đứng đầu “bộ ngành chưa gửi báo cáo” sẽ có câu trả lời rõ hơn.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu khi trình bày dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) có nội dung đột phá là bỏ quy định ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (theo quy định hiện hành, kinh doanh những gì chưa đăng ký thì bị coi là kinh doanh trái phép), cũng tinh tế nhìn nhận “chỉ lo các bộ ngành không theo kịp”.
 
Ở trường hợp này, thực tế cho thấy các bộ ngành đã “không theo kịp yêu cầu của cuộc sống”, vì thế để đạt được mục tiêu tự do kinh doanh vẫn còn nhiều việc phải làm.
LÊ KIÊN 

Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật