Cập nhật lúc: 10/3/2014 9:32:08 PM

Thủ tướng: Thử kinh doanh như dân, sẽ thấy vướng mắc vô lý

 Các đồng chí thử đi làm doanh nghiệp, sẽ thấy rất nhiều vướng mắc vô lý. Những vướng mắc hoàn toàn có thể sửa được mà không mất tiền bạc - Thủ tướng nói với lãnh đạo Bộ Công Thương. 

Chiều 2/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với Bộ Công Thương về tình hình sản xuất, kinh doanh, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tái cơ cấu ngành và doanh nghiệp.
Thủ tướng, bộ công thương, thủ tục hành chính, xuất khẩu, tái cơ cấu, cổ phần hóa, FTA
Ảnh: VGP
 Theo báo cáo tại cuộc làm việc, trong 9 tháng đầu năm, hoạt động của ngành đạt kết quả tích cực: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,7%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt trên 216 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tăng 14,2% với 21 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, xuất siêu 2,47 tỷ USD. Dự báo cả năm tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 294,5 tỷ USD, xuất siêu khoảng 1,5 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 2,1 triệu tỷ đồng, cả năm ước tăng 12%....
 
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh 5 yêu cầu.
 
Thứ nhất, Bộ Công Thương phải tập trung rà soát, xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách theo hướng kinh tế thị trường, cạnh tranh, công khai, minh bạch, không bao cấp để đảm bảo phân bổ nguồn lực tốt hơn... Bên cạnh đó cần đề xuất ban hành mới các cơ chế, chính sách theo hướng thông thoáng nhất, thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, để thu hút đầu tư và góp phần cải thiện môi trường kinh doanh.
 
“Các đồng chí thử đi làm doanh nghiệp, đi làm kinh doanh như người dân thì sẽ thấy rất nhiều vướng mắc vô lý. Những vướng mắc hoàn toàn có thể sửa được mà không mất tiền bạc. Chúng ta phải sửa đổi vì cuộc sống đã phát triển và vượt qua tất cả các quy định cũ” - Thủ tướng nhấn mạnh.
 
Thứ hai, Thủ tướng yêu cầu ngành chỉ đạo tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xuất khẩu; đảm bảo cân đối điện, than và xăng dầu. Thủ tướng cho rằng việc vượt kế hoạch khai thác 1 triệu tấn dầu thô, tiêu thụ thêm 500 ngàn tấn than trong năm nay đã đóng góp 0,16 đến 0,2 điểm phần trăm GDP. Nếu ngành đạt tăng trưởng công nghiệp 7,2% và trên 7,2% thì tăng trưởng GDP 5,8% là hoàn toàn khả thi và có thể cao hơn.
 
Thứ ba, ngành Công Thương cần quyết liệt tái cơ cấu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp lớn thuộc Bộ phải đề xuất giải pháp cụ thể để tăng năng suất, giảm giá thành.
 
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Điện lực VN hoàn thành đề án sử dụng công nghệ quản lý lưới điện và thu tiền điện thông minh. “Làm cụ thể, không nói chung chung. Giờ không phải là so với chính mình mà phải so với thế giới, với bạn bè xung quanh, phải cạnh tranh, phải thay đổi”.
 
Thủ tướng cũng yêu cầu các DNNN thuộc Bộ khẩn trương thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa. “Vấn đề không phải là bán cổ phần để Nhà nước thu bao nhiêu tiền về, mà quan trọng hơn là chúng ta có những doanh nghiệp hiệu quả hơn, từ đó mới có nền kinh tế cạnh tranh hơn, hiệu quả hơn”.
 
Thứ tư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, cả trong nước và ngoài nước. Khai thác có hiệu quả 6 hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã có, đồng thời tích cực đàm phán 6 FTA mới.
 
Thủ tướng cho rằng với triển vọng hoàn thành 3 FTA với EU, Hàn Quốc và Liên minh Thuế quan Nga-Belarus-Kazakhstan cuối năm nay sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho hàng hóa xuất khẩu của VN. Trong đó, nếu FTA với EU đi vào thực hiện thì chỉ riêng hàng dệt may vào thị trường này sẽ tăng thêm 12 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. “Xuất khẩu dệt may thêm 1 tỷ USD, đất nước sẽ có thêm 250.000 việc làm mới” - Thủ tướng cho biết.
 
Thứ năm, ngành Công Thương cần cải cách thủ tục hành chính. Yêu cầu của Thủ tướng là thủ tục gì không cần thiết, cản trở, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp phải sửa đổi, loại bỏ.
H.Anh

Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật