Cập nhật lúc: 10/3/2015 2:44:40 PM

Nghị định 78: Có nhiều quy định “cởi trói” cho doanh nghiệp

Ngày 14-9-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2015/NĐ-CP (có hiệu lực từ 1-11-2015) về đăng ký doanh nghiệp thay thế Nghị định số 43/2010/NĐ-CP và Nghị định số 05/2013/NĐ-CP, trên cơ sở bám sát những đổi mới, cải cách trong công tác đăng ký doanh nghiệp đã được quy định tại Luật Doanh nghiệp.

Từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”
 
Theo quy định tại Nghị định số 43/2010/NĐ-CP, đối với doanh nghiệp khi kinh doanh các ngành, nghề đòi hỏi phải có vốn pháp định hoặc chứng chỉ hành nghề, thì doanh nghiệp đó chỉ được đăng ký thành lập doanh nghiệp khi có đủ vốn pháp định hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, về bản chất, việc đăng ký thành lập doanh nghiệp là việc ghi nhận sự xuất hiện về mặt pháp lý của doanh nghiệp trên thị trường. Vì vậy, quy định này chỉ mang tính “tiền kiểm”, mà không giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và không phù hợp với định hướng cải cách thủ tục hành chính và quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014.
 
Do vậy, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi gia nhập thị trường, Nghị định 78 đã gỡ bỏ hoàn toàn các điều kiện khi thành lập doanh nghiệp. Theo đó, tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp không cần phải đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Với quy định này, nghị định đã chuyển cơ chế đăng ký thành lập doanh nghiệp từ “tiền kiểm” hoàn toàn sang “hậu kiểm”.
 
Doanh nghiệp chủ động hơn
 
Nghị định 78 đã đơn giản hóa trình tự, thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp theo hướng cho phép doanh nghiệp lựa chọn đến phòng đăng ký kinh doanh hoặc truy cập Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để nhận biết kết quả thủ tục đăng ký.
 
Theo đó, trường hợp doanh nghiệp thay đổi các nội dung trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới như quy định hiện hành tại Nghị định số 43/2010/NĐ-CP.
 
Trường hợp thay đổi các nội dung khác trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ thực hiện theo quy trình thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp với hồ sơ, trình tự, thủ tục đơn giản hơn. Trong trường hợp này, phòng đăng ký kinh doanh sẽ cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn ba ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Như vậy, thay vì phải đến trực tiếp phòng đăng ký kinh doanh để nhận kết quả như trước đây, doanh nghiệp hoàn toàn có thể kiểm tra việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
 
Quy định này sẽ nâng cao sự chủ động, linh hoạt, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu, phòng đăng ký kinh doanh vẫn thực hiện cấp giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
 
Đồng thời, với việc Luật Doanh nghiệp 2014 cho phép công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật, để giúp cho doanh nghiệp hội nhập nhanh hơn, tận dụng được mọi cơ hội kinh doanh, Nghị định 78 đã quy định trường hợp doanh nghiệp có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật, chữ ký của những người đại diện theo pháp luật trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp có giá trị pháp lý như nhau. Quy định này sẽ nâng cao sự chủ động, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp khi làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô lớn với nhiều người đại diện theo pháp luật.
 
Ngoài ra, Nghị định 78 cũng đơn giản hóa hồ sơ, trình tự, thủ tục tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện. Ví dụ, đối với công ty cổ phần thì quyết định và biên bản họp của đại hội đồng cổ đông về việc tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp được thay thế bằng quyết định và biên bản họp của hội đồng quản trị công ty. Quy định này vừa tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát của tập thể hội đồng quản trị, không để cá nhân người đại diện pháp luật lạm quyền làm ảnh hưởng đến công ty và quyền lợi của người lao động.
 
Tiếp tục kế thừa quy định tại Luật Doanh nghiệp, Nghị định 78 đã trao quyền quyết định về nội dung, hình thức, số lượng con dấu. Doanh nghiệp có thể có nhiều con dấu với hình thức và nội dung như nhau. Trước khi sử dụng, doanh nghiệp chỉ có trách nhiệm gửi thông báo mẫu dấu đến cơ quan đăng ký kinh doanh để được đăng tải mẫu dấu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Việc đăng tải công khai mẫu con dấu của doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp giúp cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội có thông tin đầy đủ, chính xác, cập nhật về thông tin đăng ký doanh nghiệp nói chung và thông tin về mẫu con dấu của doanh nghiệp nói riêng.
 
Đột phá trong quy trình đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử
 
Cụ thể, theo quy trình đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử tại Nghị định 78, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có thể sử dụng chữ ký số công cộng hoặc tài khoản đăng ký kinh doanh để xác thực toàn bộ nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử có giá trị pháp lý như hồ sơ nộp bằng bản giấy.
 
Toàn bộ quy trình tiếp nhận, xử lý, cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thanh toán lệ phí và các giao dịch giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và người thành lập doanh nghiệp, được thực hiện qua mạng điện tử. Doanh nghiệp có thể ngồi tại nhà hoặc văn phòng là có thể thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp mà không cần phải đến trực tiếp xếp hàng tại các phòng đăng ký kinh doanh như trước đây. Quy định này sẽ đưa dịch vụ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đạt dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 - mức độ cao nhất về ứng dụng công nghệ thông tin.
Xử lý các quy định áp dụng cho ngành hoặc địa phương cá biệt
 
Để đảm bảo công bằng cho mọi thành phần kinh tế khi tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh, Nghị định 78 đã khẳng định các bộ, cơ quan ngang bộ, hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp không được ban hành các quy định về đăng ký doanh nghiệp áp dụng riêng cho ngành hoặc địa phương mình. Đồng thời, những quy định về đăng ký doanh nghiệp do các đơn vị nói trên ban hành trái với quy định này hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định 78 có hiệu lực. Quy định này sẽ hạn chế tối đa việc các bộ, địa phương ban hành các quy định về đăng ký doanh nghiệp áp dụng cá biệt cho ngành, địa phương mình, qua đó đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh cho tất cả nhà đầu tư, doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường, đồng thời thống nhất thực hiện quy định về đăng ký doanh nghiệp tại tất cả các địa phương trên toàn quốc.
 
Nhiều điều chưa rõ
Khoản 2, điều 9, Nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định “Cơ quan đăng ký kinh doanh không được yêu cầu người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp nộp thêm hồ sơ hoặc giấy tờ khác ngoài các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định”. Có thật sự là chỉ với những loại hồ sơ trong Nghị định 78 thì có thể thành lập doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề có điều kiện? Tôi trả lời ngay là không thể.
Nghị định chỉ là văn bản dưới luật. Luật/nghị định chuyên ngành quy định buộc phải có thêm các hồ sơ thì cơ quan đăng ký kinh doanh không thể viện dẫn Nghị định 78 để làm khác. Phải nhận thức được rằng, đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì điều kiện gồm hai loại: (i) Điều kiện để được đăng ký ngành nghề kinh doanh; và (ii) Điều kiện phải đáp ứng khi triển khai kinh doanh sau khi đã được đăng ký.

Điều kiện (ii) sẽ chuyển sang bước hậu kiểm. Song, với điều kiện (i) thì hoàn toàn ngược lại. Nghĩa là phải minh định (bằng chứng) ngay từ khi đăng ký hay bổ sung ngành nghề thì mới được chấp thuận.
Mối quan hệ giữa giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của doanh nghiệp FDI chưa được Nghị định 78 đề cập. Theo quy định thì trong thời hạn mười ngày, kể từ khi tăng vốn điều lệ, doanh nghiệp phải tiến hành thủ tục đăng ký thay đổi. Điểm lưu ý ở đây là phải tăng thực tế rồi mới đăng ký nhưng điều này không thể tiến hành được vì pháp luật về ngoại hối chỉ cho phép nhà đầu tư nước ngoài chuyển vốn vào doanh nghiệp khi trên giấy chứng nhận đăng ký đầu tư phải thể hiện được phép góp phần vốn đó và còn trong thời hạn góp.
 
Nếu suy luận từ quy định “Doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo thay đổi, bổ sung ngành, nghề kinh doanh với Phòng Đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có thay đổi - khoản 4, điều 49” thì doanh nghiệp được kinh doanh trước rồi thông báo sau. Thế thì trong thời gian đó, nếu kinh doanh mà chưa thông báo thì có bị coi là kinh doanh trái phép, theo Bộ luật Hình sự?
 

Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật