Cập nhật lúc: 10/17/2015 10:08:38 PM

Định nghĩa mới về DNNN

(TBKTSG) - Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước đã có sự thay đổi quan quan trọng. Kể từ 1-7-2015, theo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) vừa mới được Quốc hội thông qua, các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mới được xem là doanh nghiệp nhà nước, thay vì chỉ 51% như hiện nay. Sự thay đổi này được xem là sự cải cách về quan điểm để dẫn đến thay đổi về vốn và quản trị. Tuy nhiên, liệu sự thay đổi này còn dẫn đến những lụy gì? Các chuyên gia sẽ phân tích vấn đề này. 

BKTSG: Định nghĩa mới về DNNN xuất hiện trong bản dự thảo Luật Doanh nghiệp cuối cùng trình ra Quốc hội để thông qua. Ông bình luận như thế nào về việc này và ý nghĩa, tác động của định nghĩa đó?
Thay đổi này có thể mang lại sự bình đẳng trong kinh doanh giữa các thành phần doanh nghiệp, đặc biệt đem lại sự công bằng cho doanh nghiệp dân doanh.
- LS. Nguyễn Hưng Quang: Quan điểm như thế này về DNNN  không phải là mới tinh mà đã từng được đề cập trong một vài giai đoạn nhất định của quá trình soạn thảo Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp (cũng vừa được Quốc hội thông qua). Đã có nhiều ý kiến đồng tình và phản đối trong quá trình soạn thảo. Như đã từng đề cập tại nhiều hội thảo, diễn đàn, cá nhân tôi cho rằng đây là một định nghĩa phù hợp bởi rất nhiều lý do. Thứ nhất, Nhà nước chỉ nên can thiệp vào hoạt động của những doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn. Nhà nước không nên can thiệp vào những doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước và cả vốn của tư nhân vì như vậy Nhà nước có thể tạo ra những thuận lợi hoặc khó khăn hơn cho những doanh nghiệp này. Thứ hai, cần phải hạn chế khu vực tư nhân lạm dụng danh nghĩa “Nhà nước” để có lợi thế trên thị trường. Thứ ba, kinh tế nhà nước hình thành từ tiền thuế của người dân song lại được đem đi kinh doanh để cạnh tranh lại chính với người dân.
Sự thay đổi về mặt định nghĩa này có thể mang lại sự bình đẳng trong kinh doanh giữa các thành phần doanh nghiệp, đặc biệt đem lại sự công bằng cho doanh nghiệp dân doanh.
- TS. Lê Đăng Doanh: Định nghĩa về DNNN thay đổi đột ngột
vào phút chót trước khi Luật Doanh nghiệp được thông qua có thể có một số lý do, trong đó lý do quan trọng là làm giảm trên danh nghĩa và pháp lý số DNNN.
Về mặt pháp lý, sự quản lý trực tiếp của các bộ, ngành sẽ chỉ tập trung vào số DNNN này, Quốc hội cũng chỉ thanh tra, giám sát sự quản lý đối với DNNN này. Tuy vậy, trong thực tế, thời gian qua, sự quản lý đối với DNNN đã được cổ phần hóa vẫn còn rất chi tiết, nặng nề và ít thay đổi so với trước khi cổ phần hóa, ngay cả đối với những DNNN nắm chưa đến 51% tổng số vốn nhưng có vị thế thống lĩnh so với các cổ đông khác, có cổ phần ít hơn. Doanh nghiệp vẫn báo cáo kế hoạch hàng năm, nhân sự vẫn được chỉ đạo chặt chẽ, thậm chí SCIC - người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước có thể phủ quyết các đề nghị
nhân sự đối với thành viên hội đồng quản trị độc lập chỉ vì người này đã có ý kiến khác với SCIC trên các hội thảo...
- Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du: Đây là một cách tiếp cận... lạ. Theo cách hiểu thông thường mà thực tế cũng là vậy, nếu ai sở hữu doanh nghiệp trên 50% thì đã có quyền kiểm soát doanh nghiệp rồi. Hơn thế, đối với các doanh nghiệp đại chúng thì chỉ cần 20% là đủ. Có thể nó sẽ tạo ra các hệ luỵ khác.
TBKTSG: Có ý kiến cho rằng định nghĩa mới về DNNN này sẽ giúp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa DNNN. Điều đó có thực tế hay không, khi mà, vốn của Nhà nước vẫn còn chiếm tới 85% ở các doanh nghiệp đã cổ phần hóa?
- LS. Nguyễn Hưng Quang: Định nghĩa mới có thể thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn của Nhà nước tại các DNNN hiện nay. Nhưng cần nhấn mạnh rằng việc thoái vốn này sẽ phụ thuộc vào quyết tâm và kế hoạch của Nhà nước chứ không chỉ ở nội dung của điều luật. Chúng ta đã và đang có nhiều quy định pháp luật tốt nhưng chúng ta rất kém ở việc thi hành, từ Nhà nước đến doanh nghiệp, người dân.
- TS. Lê Đăng Doanh: Thực tế cho thấy nếu Nhà nước còn giữ tỷ lệ vốn gấp đôi số vốn của đối tác chiến lược
Việc giảm trên danh nghĩa và pháp lý số DNNN có thể có lợi trong quá trình đàm phán các hiệp định tự do thương mại.
khác thì vị thế của các cơ quan nhà nước vào doanh nghiệp đã được cổ phần hóa vẫn còn rất đậm nét. Hy vọng thay đổi chỉ có thể xuất hiện khi Nhà nước chỉ giữ tỷ lệ vốn bằng các cổ đông chiến lược khác, tức là ít hơn 15%. Sự can thiệp nhiều khi phản ánh lợi ích nhóm nhiều hơn là phục vụ lợi ích của nền kinh tế quốc dân như đưa người thân quen vào những vị trí nhạy cảm, can thiệp vào các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (lựa chọn đối tác, ký kết hợp đồng...). Tức là các doanh nghiệp này chưa hoạt động theo đúng tinh thần và nội dung Luật Doanh nghiệp, tôn trọng lợi ích cổ đông thiểu số.
- Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du: Với định nghĩa mới, vòng kim cô có vẻ như được nới lỏng hơn, có nghĩa là tiến trình cổ phần hóa có thể được đẩy mạnh. Tuy nhiên, tôi thấy có điều gì đó không ổn lắm với cách tiếp cận này vì rất có thể nó tạo điều kiện tốt hơn cho việc hình thành các công ty sân sau cũng như kinh doanh theo kiểu tư bản thân hữu. Thực tế cho thấy, quyền hạn của những người đang được giao quản lý vốn nhà nước hay điều hành các DNNN đã được cổ phần hóa mà Nhà nước vẫn còn sở hữu chi phối đang trở nên quá lớn, trong khi trách nhiệm đang mù mờ hơn bao giờ hết. Nếu cơ quan nhà nước can thiệp vào thì họ lấy cớ là vì mục tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, do Nhà nước chiếm sở hữu chi phối nên những người điều hành thực chất không bị chi phối hay giới hạn gì cả, nhất là khi họ đã có sự “đảm bảo” nào đó từ những người có thẩm quyền cao hơn. Hệ lụy của vấn đề này có khả năng sẽ rất lớn và sự thất thoát tài sản công, sự lãng phí nguồn lực có thể sẽ rất lớn.
TBKTSG: Nghĩa là tốc độ cổ phần hóa DNNN không phụ thuộc vào con số “100% vốn Nhà nước” trong định nghĩa mới về DNNN, mà phụ thuộc vào việc Nhà nước “nhả” càng nhiều càng tốt phần vốn mình muốn nắm giữ tại doanh nghiệp?
- LS. Nguyễn Hưng Quang: Đúng là như vậy. Pháp luật đưa ra định nghĩa và khuôn khổ thực hiện. Điều quan trọng là Nhà nước - một thực thể tạo ra pháp luật nhưng cũng phải chấp hành pháp luật - có nghiêm chỉnh chấp hành hay không. Việc Nhà nước chấp nhận “bán” các doanh nghiệp của mình thì có thể thị trường chấp nhận hoặc từ chối. Nhưng qua đó, Nhà nước sẽ xác định được những phạm vi hoạt động kinh doanh nào Nhà nước cần phải thực hiện theo trách nhiệm của mình, ví dụ: doanh nghiệp công ích, doanh nghiệp định hướng, doanh nghiệp quốc phòng... Còn những phạm vi hoạt động mà khu vực tư nhân đang kinh doanh tốt thì Nhà nước không nên đầu tư để cạnh tranh lại với chính những người đóng thuế cho mình.
- TS. Lê Đăng Doanh: Như trên đã trình bày, khả năng can thiệp thực tế của các cơ quan nhà nước dựa trên tỷ lệ vốn lớn hơn so với các cổ đông chiến lược khác khi bỏ phiếu tại hội đồng quản trị doanh nghiệp là rất lớn. Người đại diện chủ sở hữu nhà nước có thể áp đặt ý chí của mình và gạt bỏ ý kiến các nhà đầu tư khác. Đó cũng là lý do các cổ đông chiến lược rất dè dặt khi đầu tư vào những DNNN mà Nhà nước còn nắm tỷ lệ cổ phần áp đảo ngay khi DNNN đó rất hấp dẫn về mặt lợi nhuận hay vị thế trên thị trường. Nếu Nhà nước thực sự muốn thu hút nhà đầu tư chiến lược, chuyển doanh nghiệp sang hoạt động công khai minh bạch, giảm bớt lợi ích nhóm, can thiệp hành chính... thì tỷ lệ cổ phần của Nhà nước nên rút xuống mức không thể áp đảo các nhà đầu tư chiến lược khác.
- Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du: Thực ra, vấn đề lớn nhất hiện nay là gần như không ai muốn giữ và cũng
Đây là một cách tiếp cận lạ. Có thể nó sẽ tạo ra các hệ lụy khác.
chẳng ai muốn nhả. Để giải quyết vấn đề này, theo tôi nên đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa ở tất cả các doanh nghiệp hay lĩnh vực mà Nhà nước không cần phải nắm giữ theo cách là bán toàn bộ phần vốn của Nhà nước hoặc nếu cần Nhà nước chỉ sở hữu một phần rất nhỏ theo kiểu đầu tư thụ động với đầu mối quản lý là SCIC. Khi đó doanh nghiệp này sẽ được giao một chỉ tiêu về hiệu quả rõ ràng. Chẳng hạn suất sinh lợi hàng năm bằng với tăng GDP danh nghĩa.
TBKTSG: Vậy theo ông, ý nghĩa thực sự của định nghĩa mới về DNNN nằm ở chỗ nào?
- LS. Nguyễn Hưng Quang: Ý nghĩa trước mắt đó là Nhà nước đã cam kết và đưa ra khuôn khổ pháp luật. Để các cam kết này trở nên có ý nghĩa thực tế thì cần thiết phải có những tác động từ nhiều thành tố, như: yêu cầu từ các thể chế quốc tế; đòi hỏi về công bằng trong kinh doanh từ chính bản thân của nền kinh tế trong nước; sức ép từ hiệu quả của việc cải cách các DNNN... Những thành tố này sẽ tác động tới sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế. Như đã đề cập, việc thu hẹp lại phạm vi DNNN và lĩnh vực hoạt động của DNNN là mang lại sự công bằng trong xã hội.
- TS. Lê Đăng Doanh: Việc giảm trên danh nghĩa và pháp lý số DNNN có thể có lợi trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiệp định này có hẳn một chương về DNNN với quy định về cạnh tranh bình đẳng, không được ưu đãi... Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên hiệp châu Âu (EU) cũng có nội dung tương tự về DNNN. Nhà đàm phán Việt Nam có thể lập luận với đối tác rằng số DNNN đã giảm đáng kể, số DNNN sẽ chịu tác động của các cam kết về DNNN sẽ ít đi, khả năng được công nhận là nền kinh tế thị trường có thể thuận lợi hơn. 
- Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du: Thực tình mà nói tôi thấy có gì đó không ổn với định nghĩa này vì phần lớn vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối đang nằm lơ lửng trong chân không, có thể tạo ra các hệ luỵ rất khó lường.
TBKTSG: Từ ngày 1-7-2015, Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực. Việc điều chỉnh hoạt động của DNNN sẽ thay đổi như thế nào và dự báo có xáo trộn gì?
- LS. Nguyễn Hưng Quang: Có thể sẽ có xáo trộn nhưng không tác động lớn tới nền kinh tế. Ví dụ việc Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ sẽ thông qua các quyết định mang tính quy phạm (văn bản pháp luật) thay vì bằng những mệnh lệnh hành chính (cấp trên - cấp dưới) với các ngân hàng thương mại nhà nước. Xáo trộn nếu có xảy ra đó là tình trạng bán cổ phần nhà nước hoặc các lợi thế của Nhà nước áp dụng cho các DNNN với giá thấp để thu lợi cá nhân. Có thể xảy ra làn sóng tư nhân hóa các tài sản của Nhà nước đang được nắm giữ tại các doanh nghiệp với giá rẻ.
- Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du: Việc điều hành thị trường theo mệnh lệnh hành chính thường không hiệu quả. Do vậy, đây có thể là một điểm tích cực theo cách tiếp cận về việc sử dụng các công cụ gián tiếp theo hướng thị trường để điều tiết và dẫn dắt thị trường thay vì dùng mệnh lệnh hoặc công cụ hành chính
- TS. Lê Đăng Doanh: Thật ra thì khả năng can thiệp hành chính trong thực tế vẫn còn lớn như thông qua các nhân sự trong hội đồng quản trị do cơ quan quản lý nhà nước đề cử.
TBKTSG: Có sự thay đổi nào về tư duy làm luật qua định nghĩa mới về DNNN này, so với cách định nghĩa về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài?
- LS. Nguyễn Hưng Quang: Không có thay đổi nhiều về tư duy làm luật nhưng thay đổi về tư duy lập chính sách. Nếu nói về tư duy làm luật thì Luật Doanh nghiệp 2005 và Luật Đầu tư 2005 và các luật trước đó đã có tư duy tương tự, như: doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (từ 0,1% trở lên), doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Pháp luật từ năm 2005 đã không có ưu đãi nào đặc biệt hơn cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lẫn 100% vốn nước ngoài với doanh nghiệp tư nhân trong nước. Nguyên tắc không phân biệt đối xử này được thiết chế tại Luật Doanh nghiệp 2014 để áp dụng thống nhất giữa các loại hình doanh nghiệp. Thay đổi lớn về tư duy lập chính sách ở Luật Doanh nghiệp 2014 đó chính là Nhà nước chấp nhận về sự công bằng, bình đẳng trong kinh doanh giữa các loại hình doanh nghiệp, bao gồm cả DNNN, chấp nhận hạn chế lại quy mô và phạm vi hoạt động kinh doanh của các DNNN. Hy vọng rằng tư duy chính sách này sẽ là kiên định và được nghiêm túc thực thi. 

Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật