Cập nhật lúc: 5/12/2014 9:32:44 PM

Điện Biên: Vì sao doanh nghiệp dễ rút ruột 26,5 tỷ đồng?

Thay vì thực hiện nghiêm túc các dự án trồng rừng, Cty TNHH Hoàng Lâm Điện Biên lại nhăm nhăm rút ruột tiền ngân sách hỗ trợ.  

“Rải thảm” mời DN rút ruột tiền ngân sách

Cty Hoàng Lâm Điện Biên từng được ca ngợi là DN số một của tỉnh Điện Biên trong lĩnh vực trồng, sản xuất rừng nguyên liệu. Sau rất nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thất bại, Hoàng Lâm được tỉnh Điện Biên “cưng chiều” cũng là điều có thể lý giải. 

Nhưng khi vụ rút ruột 26,5 tỷ đồng tiền ngân sách hỗ trợ bị phanh phui, nhiều người đặt ra câu hỏi: Phải chăng DN này lên Điện Biên là nhằm vào tiền hỗ trợ thay vì các kế hoạch phát triển rừng được quảng bá rầm rộ trước đó?

Điện Biên: Vì sao doanh nghiệp dễ rút ruột 26,5 tỷ đồng?
Xưởng sản xuất của Cty Hoàng Lâm Điện Biên ở xã Núa Ngam 

Năm 2012, tỉnh Điện Biên được Chính phủ phê duyệt chi tiền ngân sách để phục vụ cho việc thực hiện các chính sách về phát triển rừng. Đánh hơi khoản tiền hỗ trợ, Cty Hoàng Lâm Điện Biên đã thành lập các hồ sơ trình lên UBND tỉnh Điện Biên xin xỏ. Cụ thể, tháng 10/2012, Hoàng Lâm đã vẽ ra viễn cảnh hoành tráng về việc xây dựng các nhà máy chế biến gỗ Điện Biên với công suất sản xuất 100.000m3 sản phẩm/năm.
 
 
Điện Biên: Vì sao doanh nghiệp dễ rút ruột 26,5 tỷ đồng? Tôi thề là không nhận bất cứ một đồng nào từ phía Hoàng Lâm Điện Biên cả (!?) Điện Biên: Vì sao doanh nghiệp dễ rút ruột 26,5 tỷ đồng?
 
Ông Phạm Đức Hiển, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Điện Biên
 

Dự kiến, năm 2014, sau khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc tiêu thụ nguyên liệu cho tất cả các xã có điều kiện trồng tre, gỗ của tỉnh Điện Biên, tạo nên chuỗi giá trị gia tăng cao cho vùng nguyên liệu các tỉnh vùng Tây Bắc. 

Giải quyết việc làm thường xuyên cho 500 lao động địa phương với mức lương tối thiểu 3 triệu đồng/người/tháng, doanh thu đạt 300 tỷ đồng/năm, nộp thuế cho ngân sách địa phương khoảng 20 đến 30 tỷ đồng/năm... 


Bằng các con số trên giấy tờ vô cùng lý tưởng, Cty Hoàng Lâm trở thành DN duy nhất được hưởng tiền hỗ trợ. Sau nhiều tờ trình, văn bản đề nghị và nhận sự hậu thuẫn tối đa từ cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên, ngày 9/4/2013 Kho bạc Nhà nước tỉnh đã chuyển trọn gói hỗ trợ 26,5 tỷ đồng cho Hoàng Lâm Điện Biên, đối trừ số tiền 6 tỷ đồng mà kho bạc đã chi tạm ứng cho Cty này trước đó.

Và có lẽ, mọi việc sẽ êm xuôi nếu như không có sự vào cuộc của Thanh tra Bộ Tài chính, phanh phui ra các sai phạm động trời trong quá trình thực hiện.

Trong quá trình kiểm tra, Thanh tra Bộ Tài chính phát hiện Cty Hoàng Lâm Điện Biên đã mua sắm, lắp đặt thiết bị nhà máy không đủ điều kiện so với quy định của Chính phủ về tiêu chuẩn nhận hỗ trợ. Quy định “Thiết bị máy mới 100% hoặc thiết bị đã qua sử dụng nhưng được sản xuất tại các nước phát triển sau năm 2000” đã không được thực hiện.

Từ đây, nhiều manh mối về sự tiếp tay của một số cơ quan chức năng hé mở như nhà máy chưa hoàn tất việc xây dựng, chưa có kết quả nghiệm thu công suất thực tế của Hội đồng nghiệm thu...
Điện Biên: Vì sao doanh nghiệp dễ rút ruột 26,5 tỷ đồng?
Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Điện Biên Phạm Đức Hiển 

Nhiều cơ quan tiếp tay

Các sai phạm của Hoàng Lâm Điện Biên lần lượt bị phanh phui và cho kết quả ngỡ ngàng: hầu hết các sai phạm đều có sự tiếp tay của một số cơ quan trong tỉnh. Vì thế, đại diện DN này từng nói rằng: Chúng tôi không tự vào kho bạc lấy tiền ra!

Đầu tiên là việc một số cơ quan chức năng có động thái giúp đỡ đắc lực cho Hoàng Lâm Điện Biên lập các biên bản, tờ trình xin được lấy tiền khi chưa đủ điều kiện.

Với Sở NN-PTNT Điện Biên, cuối tháng 12/2012, mặc dù dự án của Cty Hoàng Lâm mới xây dựng và lắp đặt được 2 nhà xưởng, chưa đủ điều kiện để thành lập Hội đồng nghiệm thu nhà máy nhưng ngày 21/12/2012, Sở NN-PTNT Điện Biên lại có văn bản 2525/TTr-SNN trình UBND tỉnh thành lập hội đồng nghiệm thu dự án?

Ngày 28/12/2012, đại diện Sở NN-PTNT, Chi cục Lâm nghiệp và Cty Hoàng Lâm đã tự lập Biên bản xác nhận khối lượng, tiến độ xây dựng nhà máy chế biến gỗ công nghiệp của DN này, với tổng các hạng mục đã đầu tư cho dây chuyền 1 của nhà máy đến thời điểm kiểm tra, nghiệm thu là hơn 16,8 tỷ đồng, ước đạt 35% khối lượng đầu tư của dây chuyền 1. 

Việc làm trên đã bị Thanh tra Bộ Tài chính vạch trần, bởi căn cứ TT 03/2012/TTLT-BKHĐT-NNPTNT-TC về việc hỗ trợ thanh toán lần 1 là khi nhà máy trong quá trình đầu tư với khối lượng đã thực hiện 30% trở lên.


Tuy nhiên, theo GCN đầu tư ngày 8/7/2011, Nhà máy gỗ công nghiệp của Cty Hoàng Lâm nêu trên được đầu tư xây dựng có công suất 100.000m3/năm và tổng mức đầu tư là 290 tỷ đồng, thì 35% khối lượng đầu tư của dây chuyền 1 (công suất 20.000m3) chỉ mới đạt 7% khối lượng so với công suất nhà máy. Tổng giá trị khối lượng đã đầu tư 16,8 tỷ mới chỉ bằng 5,8% so với tổng mức đầu tư nhà máy.

Về UBND tỉnh Điện Biên, cơ quan này đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Cty Hoàng Lâm, với tổng vốn đầu tư 290 tỷ đồng là vượt quá khả năng năng lực về vốn theo giấy chứng nhận Đăng kí kinh doanh của Cty ngày 14/1/2011, với vốn điều lệ chỉ 2 tỷ đồng.

UBND tỉnh Điện Biên cũng ra quyết định về kế hoạch hỗ trợ vận chuyển sản phẩm từ gỗ cho Nhà máy chế biến gỗ công nghiệp của Cty Hoàng Lâm số tiền 218,750 tỷ đồng trong 5 năm đầu (2010-2015) với khối lượng sản phẩm 500.000m3/năm bằng toàn bộ công suất thiết kế của nhà máy được phê duyệt, ngay từ khi nhà máy bắt đầu khởi công (năm 2012) là chưa phù hợp với QĐ 66 của Thủ tướng Chính phủ “Nhà nước hỗ trợ đầu tư và hỗ trợ chi phí vận chuyển sản phẩm trong 5 năm đầu tiên tính từ khi nhà máy bắt đầu sản xuất”.

Sau thanh tra, Bộ Tài chính đã công bố kết luận chỉ rõ sai phạm. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã kết luận thanh tra yêu cầu UBND tỉnh Điện Biên tổ chức, chỉ đạo thu hồi về ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền 26,5 tỷ đồng đã chi sai nguyên tắc cho Cty Hoàng Lâm Điện Biên; Chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ các sai phạm và xử lý trách nhiệm cá nhân và các tập thể có liên quan.  

Có dấu hiệu chìm xuồng, đổ lỗi lẫn nhau

Ngay sau khi có kết luận của Bộ Tài chính, Hoàng Lâm Điện Biên đã có cam kết với UBND tỉnh và các ngành về lộ trình xử lí công việc, cũng như trả lại số tiền trên. Cụ thể, ngày 20/2 sẽ nộp lại 10 tỷ đồng, trước 31/3 sẽ hoàn thành các tiêu chí về máy móc. Tuy nhiên sự việc đã và đang bị kéo giãn, cù nhầy, đổ lỗi cho nhau...
Điện Biên: Vì sao doanh nghiệp dễ rút ruột 26,5 tỷ đồng?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Hoàng Văn Nhân 

Làm việc với PV, ông Hoàng Văn Nhân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nói rõ quan điểm: “Sai phạm trước tiên là thuộc về Cty TNHH Hoàng Lâm Điện Biên, tiếp đến là Sở NN-PTNT và Kho bạc Nhà nước tỉnh. Chủ tịch tỉnh đã giao cơ quan chức năng tiến hành thu hồi lại số tiền 26,5 tỷ đồng về ngân sách, đồng thời giao cơ quan điều tra Công an tỉnh Điện Biên vào cuộc làm rõ các dấu hiệu vi phạm hình sự để xử lý theo quy định pháp luật”.

Đây là vụ việc có dấu hiệu cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan CSĐT cần khởi tố vụ án cũng như tiếp tục điều tra làm rõ thêm các vấn đề như ai đã tiếp tay cho Hoàng Lâm Điện Biên? Có ai nhận tiền hối lộ của DN này để tiếp tay cho việc rút ruột tiền ngân sách hay không? Và trong trường hợp DN trả lại tiền thì chỉ được xem xét như một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hay là trả xong tiền rồi thôi?

Tiếp xúc với cơ quan công an tỉnh Điện Biên, chúng tôi được biết vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra. Vì vậy, có hay không chuyện một số người nhận tiền của Cty Hoàng Lâm Điện Biên để DN này dễ dàng rút ruột tiền ngân sách vẫn chưa thể khẳng định.

Tại buổi làm việc, ngay sau khi vừa thừa lệnh Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên tổ chức cuộc họp bàn phương án xử lý trước khi báo cáo Chính phủ, ông Phạm Đức Hiển, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Điện Biên thừa nhận: “Khi đã sai rồi nếu chẻ trách nhiệm ra thì nhiều lắm. Với tư cách người đứng đầu Sở NN-PTNT tôi xin nhận trách nhiệm trong quá trình tham mưu cho UBND tỉnh đồng ý giải ngân cho Hoàng Lâm Điện Biên có đôi chút cảm tính. Nhưng tôi thề là không nhận bất cứ một đồng nào từ phía Hoàng Lâm Điện Biên cả.

Chúng tôi đã tìm hiểu kỹ về năng lực của họ nhưng rất tiếc là sự việc vẫn xảy ra. Hiện Tập đoàn Thống Nhất đã vào cuộc cho Hoàng Lâm vay tiền để trả lại cho Nhà nước, đồng thời mua mới máy móc đáp ứng các yêu cầu, tiếp tục sản xuất, phát triển”. 

Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật