Cập nhật lúc: 6/13/2014 1:53:03 PM

Như đi trong rừng

“Bộ trưởng nói rất mạnh về Nhà nước pháp quyền, tức Nhà nước và nhân dân đều phải chấp hành luật. Dân làm trái luật thì phạt hết sức ghê gớm, các cơ quan nhà nước làm sai đến 312 văn bản lại xử lý rất thấp” – đó là vấn đề mà đại biểu Nguyễn Bá Thuyền chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tại phiên chất vấn chiều 11.6. 

Ông Nguyễn Bá Thuyền phát biểu như vậy, nhưng cũng không định lượng được bao nhiêu trường hợp bị xử lý khi soạn thảo và ban hành văn bản pháp luật sai để có thể gọi là “xử lý rất thấp”. Lâu nay, khi một văn bản pháp luật ban hành, bị phản ứng từ dư luận, bị phát hiện sai sót thì rút lại. 
 
Còn việc xử lý thuộc nội bộ của cơ quan ban hành, dân không biết.
 
Văn bản quy phạm pháp luật sai thì rút lại là đương nhiên, nhưng chưa ai nói đến hậu quả của nó khi áp dụng vào đời sống. Về vấn đề này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa phân tích, nhiều khi người dân, doanh nghiệp không làm sai luật, chỉ là không đúng các văn bản hướng dẫn mà bị quy tội cố ý làm trái, có thể bị xử lý hình sự.
 
Còn nhiều hậu quả khác, có thể thấy rõ nhất, các văn bản với nhiều quy định sai sót làm cản trở các hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Cộng đồng doanh nghiệp gặp khó khăn thì thiệt hại đó không chỉ đối với riêng họ, mà là thiệt hại chung cho nền kinh tế, cho toàn xã hội.
 
Biết là vậy, nhưng người dân thực sự đang sống trong một xã hội mà nghị định, thông tư và nhiều quy định rườm rà, chồng chéo. Luật được ban hành nhưng phải chờ đợi các văn bản dưới luật, tạo nên “một rừng luật” thì mới vận hành được vào đời sống. Chính Bộ trưởng Hà Hùng Cường phải thốt lên rằng, hệ thống pháp luật của ta hiện phức tạp nhất thế giới, với nhiều chủ thể được ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thậm chí là đến chủ tịch xã.
 
Thử kiểm điểm lại xem, luật của chúng ta cả "rừng" như thế, nhưng chất lượng xã hội như thế nào. Câu trả lời chính từ trong thực tiễn mà bất cứ ai cũng có thể kiểm chứng. Những tồn tại tiêu cực nhiều mặt hiện nay chứng minh rằng, chất lượng làm luật không cao.
 
Các chất vấn từ trước đến nay tại Quốc hội về vấn đề này đều có chung câu trả lời là do chất lượng cán bộ làm luật. Vậy thì ai chọn cán bộ làm luật yếu kém? Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng mãi đến năm 1986, Việt Nam mới bắt đầu đào tạo cử nhân luật nên thâm hụt ghê gớm đội ngũ chuyên gia có kiến thức pháp luật. Lập luận này rất không thuyết phục, từ năm 1986 đến nay là gần 30 năm, chẳng lẽ ngần ấy thời gian mà không đào tạo đủ chuyên gia pháp luật để đáp ứng công việc biên soạn luật?
 
Có một điều chắc chắn, 90 triệu dân nước Việt không thiếu người giỏi, tinh thông pháp luật để đảm đương nhiệm vụ biên soạn luật, chỉ có điều không có cơ chế để sử dụng người tài mà thôi. 

Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật