Cập nhật lúc: 7/22/2014 11:37:15 AM

Doanh nghiệp sẵn sàng khiếu kiện truy thu thuế

Maseco vừa được xử thắng kiện quyết định truy thu của Cục thuế TP HCM là chuyện chưa có tiền lệ nhưng sẽ là ví dụ đáng tham khảo cho doanh nghiệp mỗi khi muốn cậy nhờ pháp lý để vệ mình. 

Chuyện doanh nghiệp bị truy thu thuế lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng thời gian qua không hiếm. Nhưng trong bối cảnh các đơn vị chắt chiu từng đồng, giảm tối đa chi phí để tồn tại thì khoản tiền phạt này khiến giới kinh doanh không cam lòng, nhất là khi lỗi không thuộc về họ. Do đó, biện pháp khiếu kiện lên trên, thậm chí đưa nhau ra toà đang trở thành lựa chọn của nhiều doanh nghiệp.
 
Nóng dư luận gần đây là vụ Nhựa Bình Minh bị truy thu và phạt hơn 117 tỷ đồng (truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời kỳ 2009-2012 hơn 74,98 tỷ đồng, kèm theo khoản phạt vi phạm hành chính hơn 42,13 tỷ đồng bao gồm 34,63 tỷ phạt chậm nộp thuế và 7,5 tỷ hành vi khai sai dẫn đến thiếu thuế).
 
Theo lãnh đạo Công ty, đây không phải sai sót chủ quan của doanh nghiệp mà do văn bản hướng dẫn về việc hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và niêm yết lần đầu giữa Cục Thuế TP HCM và Tổng cục Thuế không thống nhất. Do vậy, Nhựa Bình Minh đã gửi đơn khiếu nại lên Cục Thuế TP HCM, Tổng cục Thuế xin hoãn nộp khoản truy thu thuế cho đến khi sự việc rõ ràng.
 
Maseco-9479-1405998658.jpg
Công ty cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận - Maseco vừa được xử thắng kiện trong phiên sơ thẩm vừa qua, nhằm khiếu nại quyết định truy thu thuế mà doanh nghiệp cho là bất hợp lý. Ảnh: Người lao động
Sau khi khiếu nại lần hai lên Tổng cục Thuế, Nhựa Bình Minh chỉ được miễn tiền phạt chậm nộp và phạt vi phạm hành chính hơn 42 tỷ đồng. Song, vẫn phải nộp 75 tỷ đồng tiền thuế đã bị yêu cầu truy thu trước đây do không kê khai đúng quy định. Cơ quan thuế cho rằng, nếu Nhựa Bình Minh không đồng ý có quyền kiện ra toà.
 
Cũng liên quan vấn đề truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp được ưu đãi do niêm yết cổ phần lần đầu, Công ty cổ phần Kim khí TP HCM (HMC) bị truy thu 3,5 tỷ đồng và phạt nộp chập 501 triệu đồng, phạt khai thiếu thuế số tiền 320 triệu đồng. Sau khi khiếu kiện, vừa qua Tổng cục Thuế đã ra quyết định không phạt nộp chậm và phạt kê khai thiếu thuế đối với HMC. Tuy nhiên, khoản truy thu thuế vẫn được giữ nguyên.
 
Nhưng sự kiện được dư luận quan tâm nhất hiện nay là quyết định truy thu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và phạt đối với Công ty cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận - Maseco (năm 2007, 2008) khoảng 10 tỷ đồng của Cục Thuế TP HCM. Cơ quan này cho rằng từ năm 2007 trở đi, Maseco phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất 28%, trong khi doanh nghiệp cho rằng mình được hưởng thuế suất ưu đãi 20% đến hết năm 2011 nên đã kê khai nộp thuế theo thuế suất 20%.
 
Do hai bên không đi đến được thoả thuận nên Maseco khởi kiện ra toà và thắng phiên sơ thẩm, đồng thời tiếp tục thắng trong phiên phúc thẩm vào cuối tháng 6 vừa qua. Dự kiến, cuối tháng 7 này, Toà sẽ xử phúc thẩm vụ kiện của Maseco với Thanh tra Tổng cục Thuế. Sự kiện này được giới chuyên gia đánh giá cao vì cho rằng nó sẽ tạo niềm tin cho doanh nghiệp vào pháp luật Việt Nam.
 
Luật sư Phạm Ngọc Hưng, đồng thời là Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM nhìn nhận, trước hết xét về khía cạnh khách quan, hiện nay có quá nhiều quy định chồng chéo nhau dẫn đến tình trạng cả doanh nghiệp lẫn cơ quan thuế chưa nắm chuẩn xác các quy định, nên mỗi nơi áp dụng một kiểu.
 
Trên thực tế, nguyên nhân khiến nhiều công ty bị truy thu, xử phạt thuế với số tiền lớn nói trên là do những quy định bất nhất về thuế.Cụ thể, theo Công văn 11924 của Bộ Tài chính ban hành năm 2004 thì các tổ chức niêm yết lần đầu được giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 2 năm kể từ khi niêm yết. Nếu đang trong thời gian được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp thì thời gian hưởng ưu đãi do niêm yết lần đầu được tính kể từ khi kết thúc thời gian miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.
 
Nhưng đến tháng 9/2006, Bộ Tài chính ban hành Công văn 10997 bãi bỏ ưu đãi giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với công ty niêm yết lần đầu. Năm 2008, ưu đãi 50% cho các công ty niêm yết lần đầu lại được khôi phục theo đề nghị của Bộ Tài chính với Thủ tướng Chính phủ.
 
"Với sự thay đổi liên tục như vậy, hàng loạt công ty dù không cố ý cũng đã sai phạm và hậu quả là bị truy thu, xử phạt", ông Hưng nói.
 
Thậm chí, theo ông Hưng, nhiều doanh nghiệp khi lúng túng trong việc áp dụng các chính sách thuế, làm văn bản hỏi đáp lên trên thì mỗi nơi trả lời mỗi cách dẫn đến tình trạng doanh nghiệp làm theo hướng dẫn vẫn bị xử phạt.
 
Vị Phó chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp nhìn nhận, việc Maseco được toà xử thắng kiện Cục thuế TP HCM cho thấy ngay cả những người làm chuyên môn về thuế  vẫn áp dụng sai quy định thì chứng tỏ luật pháp Việt Nam rất phức tạp.
 
Do đó, Luật sư Hưng cho rằng, khi muốn đưa ra quyết định truy thu thuế, cơ quan quản lý cần cân nhắc xem doanh nghiệp vi phạm là do cố tình hay là khách quan (do hướng dẫn thuế chưa phù hợp, các chính sách thay đổi...) để có giải pháp xử lý thích đáng, tránh tình trang nơi xử phạt, nơi phản pháo, tạo ra những xung đột không cần thiết.
 
"Sau vụ Maseco này sẽ cho doanh nghiệp tin vào luật pháp, tin vào toà án và các thẩm phán. Một khi niềm tin của doanh nghiệp vào luật pháp tăng lên sẽ là một dấu hiệu rất đáng mừng", ông Hưng nói.
 
Theo ông Hưng, nếu các quyết định khiếu kiện lên trên không thoả đáng, doanh nghiệp nên chọn giải pháp khởi kiện ra toà. Điều này sẽ có lợi nhiều mặt đối với doanh nghiệp. Thứ nhất, Toà là cơ quan xét xử dựa trên các quy định pháp luật nên có sự công tâm và khách quan theo các quy định của luật. Ngoài ra, khi khởi kiện, dù thắng hay bại đều mang lại những giá trị nhất định cho doanh nghiệp.
 
Khi nói về những khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng nhấn mạnh, luật pháp đang là khó khăn lớn nhất. Theo đó, bà cho rằng do tình trạng các cơ quan Nhà nước không hiểu luật hoặc là hiểu khác so với tinh thần của luật, gây khó cho doanh nghiệp.
 
Thời gian tới để hạn chế tình trạng trên, các chuyên gia cho rằng có ba vấn đề chính cần quan tâm. Thứ nhất là các điều khoản, quy định về thuế cần phải rõ ràng, minh bạch và có sự thống nhất với quy định của các ngành khác.
 
Thứ hai là cán bộ thuế phải hiểu luật, và có đạo đức trong sạch. Cuối cùng là doanh nghiệp phải thượng tôn pháp luật. Có được ba điều này sẽ tránh được tình trạng khiếu nại truy thu thuế, xung đột giữa doanh nghiệp và thuế...
Hoài Thu 

Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật