Cập nhật lúc: 12/2/2013 12:47:36 PM

Luật sư đề nghị điều tra bổ sung vụ tham ô tại Công ty Vifon

Sau phiên luận tội buổi sáng, chiều 25-11, HĐXX vụ án tham ô tại Công ty cổ phần Vifon tiếp tục với phần tranh luận của các luật sư tại phiên tòa. 

Theo đó, luật sư Phan Trung Hoài, người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Huyền, đã đưa ra kiến nghị mong HĐXX xem xét trả hồ sơ điều tra bổ sung đối với vụ án tham ô này.

Theo lập luận của luật sư này, quá trình tố tụng đã có nhiều vi phạm từ khâu xác định nguyên đơn vụ án đến việc xác định chủ thể bị thiệt hại, đến giám định viên và các tội danh bị Viện kiểm sát cáo buộc. Đây cũng là ý kiến bào chữa của luật sư của bị cáo Nguyễn Bi.

Luật sư Phan Trung Hoài cho rằng hồ sơ của vụ án thể hiện công tác giám định các tài liệu và thiệt hại tài sản đã vi phạm Luật tố tụng trong vấn đề giám định. Cụ thể, trong quá trình giám định lại, một chuyên viên của Bộ Tài chính đã trở thành giám định viên của vụ án.

Như vậy, Bộ Tài chính vừa được xác định là nguyên đơn của vụ việc, đồng thời cũng là giám định viên giám định thiệt hại về tài sản của vụ án, điều này dễ gây ra sự thiên kiến và phiến diện trong quá trình giám định.

Sau nữa, luật sư Phan Trung Hoài cũng khẳng định việc HĐXX truy tố bị cáo Huyền về tội “tham ô” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là chưa thỏa đáng, bởi số tiền được Viện kiểm sát cáo buộc bị cáo Huyền chiếm đoạt là 9,8 tỉ đồng từ nhiều món khác nhau được luật sư khẳng định đây không phải là tiền của Nhà nước, vàcơ quanđiều tracũng chưa xác minh, bóc tách rạch ròi xem khoản tiền này là của đơn vị nào.

Một vấn đề khác, mấu chốt mà luật sư Phan Trung Hoài đưa ra chính là số tiền 43 tỉ đồng hiện đã được Vifon tự nguyện nộp cho cơ quan điều tra.

Ông Hoài khẳng định đây là số tiền đã được xác định có trong tài khoản của Vifon từ trước khi Vifon được cổ phần hóa, và số tiền này đã nhiều lần được báo cáo với cơ quan chủ quản là Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương), Bộ Tài chính nhưng cơ quan cấp trên không có ý kiến gì về hướng xử lý số tiền này.

Và chính việc tồn tại của số tiền khiến bị cáo Huyền bị tố cáo là chiếm đoạt tài sản.Theo hồ sơ vụ án,xuất phát từ đơn tố cáo của ông Nguyễn Văn Bên (tổng giám đốc Vifon) tố cáo bị cáo Huyền bởi “có nguồn tin thân cận cho biết bà Huyền sắp rút 30 tỉ đồng từ số tiền 43 tỉ đồng này để tiêu xài cá nhân”.

Nhưng trong quá trình điều tra, khi cơ quan điều tra chưa tìm ra số tiền này thì phía Vifon cũng không báo cáo về sự tồn tại của số tiền. Tuy nhiên, khi cơ quan điều tra tìm thấy thì Vifon đã tự nguyện nộp lại cho cơ quan điều tra.

Luật sư Hoài cho rằng như vậy số tiền 43 tỉ vẫn còn và mấu chốt của vụ án chính là ở đây nhưng cơ quan công tố và cơ quan điều tra đã không xem xét đến yếu tố này.

Bởi vậy, luật sư Phan Trung Hoài đề nghị HĐXX xem xét thật kỹ về khoản tiền này, đồng thời ông cũng đề nghị HĐXX xem xét trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án.

Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bi, luật sư Lê Hồng Nguyên cho rằng việc kết tội bị cáo Bi phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là chưa thỏa đáng, bởi trong suốt phiên tòa bị cáo Nguyễn Bi đã không nhận việc mình chỉ đạo bị cáo Nguyễn Thanh Huyền chuyển tiền vào tài khoản cho mình nhưng Viện kiểm sát chỉ căn cứ vào lời khai của bà Huyền để kết tội ông Bi, như vậy là không thỏa đáng.

Đồng thời, luật sư của bị cáo Bi cũng khẳng định việc ký các quyết định chi thưởng của bị cáo này cũng không vi phạm quy định của pháp luật và nằm trong điều lệ của công ty.

Ngày mai, 26-11, phiên tòa tiếp tục với phần tranh tụng.

Theo HOÀNG ĐIỆP

Tuổi trẻ 

Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật