Cập nhật lúc: 4/15/2014 2:07:48 PM

Gỡ được vạ, nhưng má có sưng?

(PL&XH)- Thực tế chứng minh, có những vụ án dù qua nhiều cấp xét xử vẫn để xảy ra tình trạng oan sai. Có những vụ nạn nhân “ngậm oan” cả 10 năm trời trong trại giam, đến lúc ra tù, công lý mới dần sáng tỏ, được xin lỗi, được hứa hẹn bồi thường. 

Thế nhưng, có trường hợp người vô tội mắc hàm oan phải chờ thêm cả chục năm trời để tiến hành các thủ tục yêu cầu cơ quan chức năng xem xét bồi thường thiệt hại… Vậy do đâu lại có sự chậm trễ này là câu hỏi mà dư luận yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ...

Trì hoãn xin lỗi, bồi thường…

Không khó để kể ra những vụ án oan sai điển hình trong ngành tư pháp, như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở tỉnh Bắc Giang, bị kết án oan dẫn đến phải ngồi tù 10 năm mới được minh oan. Hiện tại ông Chấn đang tiến hành những thủ tục để yêu cầu bồi thường.

Gần đây là vụ ông Nguyễn Hồng Cầu, 50 tuổi, ở huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng, sau 17 năm người đàn ông bị kết án oan sai này, mới nhận được lời “công khai xin lỗi”.

Cụ thể, sáng 28 – 3 - 2014, tại trụ sở UBND xã Đông Hưng, huyện Tiên Lãng, TAND TP Hải Phòng đã tổ chức xin lỗi công khai ông Nguyễn Hồng Cầu vì đã kết án oan đối với ông này.

Trước đó, vào khoảng tháng 6 - 1997, TAND huyện Tiên Lãng tuyên phạt ông Cầu 3 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản công dân”, và buộc ông Cầu phải trả lại 150kg thóc được cho là ông Cầu ăn cắp của người khác. Không đồng ý với bản ản này, ông Cầu làm đơn kháng cáo, và tại phiên phúc thẩm, TAND huyện Tiên Lãng đã “giảm án” khi tuyên phạt ông mức án 2 tháng 10 ngày về tội “Trộm cắp tài sản của công dân”. Nhưng ông Cầu vẫn tiếp tục kháng cáo. Đến tháng 8 - 1997, TAND TP Hải Phòng xử phúc thẩm “y án” phạt ông Cầu mức án bằng thời hạn tạm giam 2 tháng 10 ngày, ông được trả tự do tại tòa. Đến ngày 8-10-1998, Tòa hình sự, TAND tối cao đã đưa ra xét xử giám đốc thẩm vụ án hình sự “Trộm cắp tài sản công dân” đối với ông Cầu. HĐXX tuyên: Ông Nguyễn Hồng Cầu vô tội và đình chỉ vụ án hình sự đối với Nguyễn Hồng Cầu.

Ngay từ thời điểm đó, ông Nguyễn Hồng Cầu đã có đơn yêu cầu bồi thường oan sai nhưng tháng 8 - 2004, TAND TP Hải Phòng có văn bản trả lời ông không được bồi thường.

Cho rằng mình bị oan nhưng cách khắc phục hậu quả của cơ quan chức năng như vậy là chưa thỏa đáng. Ròng rã 17 năm, ông Cầu không ngừng đi kêu oan các cửa, đến ngày 28 – 3 – 2014, TAND TP Hải Phòng đã tổ chức công khai xin lỗi vì đã kết oán oan sai đối với ông Cầu.

Tại buổi công khai xin lỗi, Phó chánh án TAND TP Hải Phòng Phạm Đức Tuyên nói: “Tôi đại diện cho TAND TP Hải Phòng xin được nhận lỗi và trân trọng gửi tới ông Cầu lời xin lỗi sâu sắc. Tòa án Hải Phòng nghiêm túc nhận thiếu sót trước Đảng và nhân dân…”.

Ông Cầu tiếp tục yêu cầu cơ quan chức năng phải có trách nhiệm tính toán bồi thường oan sai; và đề nghị cơ quan chức năng làm rõ việc căn nhà bị kẻ xấu đốt trụi, tài sản bị vơ vét trong khoảng thời gian ông bị “bắt giữ”.

Sự việc gần đây nhất được dư luận quan tâm vào ngày 4 - 4, TAND TP Hà Nội tổ chức xin lỗi công khai ông Phạm Đức Bình, SN 1956, ở phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, người bị kết án oan 14 năm trước.

Trước đó, tại phiên toà sơ thẩm diễn ra ngày 16-3-2000, ông Bình (lúc này là cửa hàng trưởng cửa hàng kinh doanh dịch vụ tổng hợp số 1 của Cty Thi công cơ giới xây lắp thuộc TCty xây dựng Hà Nội) đã bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 30 tháng tù cho cả 2 tội danh “Tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa” và “Sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa”. Cũng từ đó, bắt đầu chuỗi ngày “trầy trật” của ông Bình trong hành trình đòi lại công lý.

Đến ngày 5-1-2001, Tòa phúc thẩm, TAND Tối cao tại Hà Nội đã xem xét toàn bộ bản án sơ thẩm. Tòa phúc thẩm TAND Tối cao đã quyết định tuyên hủy bản án sơ thẩm do TAND TP Hà Nội xét xử và tuyên ông Phạm Đức Bình không phạm tội “Tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa” và “Sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa”. Đồng thời Tòa cấp phúc thẩm cũng ra quyết định đình chỉ vụ án hình sự đối với ông Bình.

Tuy nhiên, sau 14 năm, ông Phạm Đức Bình mới được đại diện TAND TP Hà Nội công khai xin lỗi trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương, CA, VKS và đại diện phía Cty cũ của ông Bình.

Tiền “bồi thường” là tiền ngân sách

Hầu hết những vụ án oan sai, việc bồi thường cho nạn nhân là một vấn đề nan giải, khi rất khó chứng minh những thiệt hại mà nạn nhân phải gánh chịu thực tế. Trong việc bồi thường, cơ quan chức năng thường chỉ chấp nhận một phần (rất nhỏ) so với mức thiệt hại thực tế mà người dân đưa ra. Và việc không chứng minh được mức thiệt hại, đồng nghĩa với việc người dân buộc phải gánh chịu thiệt thòi.

Những thiệt hại mà người dân bị oan sai là không thể đo đếm: Tổn thất về sức khỏe, tinh thần, công việc làm ăn kinh doanh sa sút, thua lỗ, thậm chí gia đình nạn nhân rơi vào hoản cảnh ly tán… Và ngay cả có trường hợp chứng minh được thiệt hại về vật chất, với số tiền nhiều tỷ đồng, thì việc đền bù số tiền ấy, đối với cơ quan chức năng cũng là một gánh nặng không nhỏ.

Hẳn dư luận chưa quên, tháng 8 - 2013, cơ quan tố tụng buộc phải bồi thường cho người bị oan sai số tiền lớn tới mức “khó tưởng tượng”, vì chưa từng xảy ra trong lịch sử tư pháp. Nạn nhân trong vụ án oan sai này là ông Lương Ngọc Phi, ở tỉnh Thái Bình - một doanh nhân đang làm ăn phát đạt, bất ngờ bị sa vào vòng lao lý. Gần 10 năm đi đòi công lý, cuối cùng TAND tỉnh Thái Bình buộc phải bồi thường cho ông Phi số tiền 21,4 tỷ đồng vì đã ra bản án oan, gây thiệt hại về tài sản cho ông.

Một vấn đề mới đang được dư luận đưa ra xem xét, đó là số tiền TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Phi là số tiền “khổng lồ”, đây là tiền ngân sách phải “gánh” cho lỗi của một số người tiến hành tố tụng gây ra thời điểm cả chục năm trước đây. Trong khi số tiền mà những cán bộ, công chức trực tiếp gây oan sai phải hoàn trả, có thể nói là khá khiêm tốn so với mức Nhà nước phải bỏ ra để bồi thường.

Thực tế là, ngân sách bồi thường ấy chính là ngân sách của Nhà nước, cũng chính là tiền thuế của nhân dân.

Liệu rằng nội bộ cơ quan pháp luật để xảy ra sai phạm khi kết án oan sai người vô tội, gây ra những hậu quả nghiêm trọng như vậy có xử lý nghiêm túc người trực tiếp gây oan sai để truy thu lại ngân sách hay không?

Được biết, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng quy định số tiền bồi thường cho người bị oan sai sẽ lấy từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, khâu sau đó là xác định lỗi chủ quan của cá nhân nào để truy thu lại ngân sách Nhà nước đã bỏ ra đền bù cho người oan sai thì rất khó. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng cơ chế giám sát và việc xử lý đối với những cán bộ tham gia tố tụng cố ý làm sai, còn chưa nghiêm.

Câu hỏi tiếp theo đang được dư luận đặt ra là, pháp luật sẽ xử lý những “phán quan” trực tiếp gây ra hậu quả, khi đưa ra những phán quyết “oan sai” đối với người vô tội, sẽ chịu hình thức xử lý kỷ luật như thế nào? Rõ ràng, trong thực tế đã có nhiều vụ “oan sai” nhưng cách giải quyết chưa thấu tình đạt lý khiến người dân bất bình. Nếu như trong các vụ án oan sai “tày trời”, các cán bộ vi phạm lại quanh co chối tội, không bị xử lý kỷ luật. Trong khi cơ quan chức năng vẫn vin vào cớ “không có bằng chứng”, và người bị oan sai, chỉ nhận một ít tiền bồi thường, hay một câu “xin lỗi”, thì rõ ràng người dân không tâm phục, khẩu phục, cũng là điều dễ hiểu.

Cần có biện pháp khắc phục

Thừa nhận việc chậm trễ bồi thường cho người bị kết án oan sai, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) cho rằng, tại một số cơ quan, địa phương, mặc dù đã làm đủ hồ sơ thủ tục theo quy định nhưng việc cấp kinh phí bồi thường vẫn còn chậm hoặc chưa thực hiện được. Theo ông Tịnh, về việc này Bộ Tư pháp sẽ ghi nhận và sớm có biện pháp khắc phục.

Trao đổi với PV báo PL&XH xung quanh vấn đề kết án oan sai, luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Chủ tịch Hội đồng khen thưởng kỷ luật Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, ở các vụ án oan sai đều cho thấy CQĐT và cả VKS đã không khách quan, thận trọng. Họ đã điều tra xử lý vụ việc theo hướng áp đặt ý chí chủ quan.

“Thực tế, theo luật định, ngay khi bị can bị tạm giữ thì phải cho luật sư tham gia cùng các cơ quan chức năng tiến hành hoạt động điều tra làm sáng tỏ sự việc. Nhưng thường CQĐT và VKS gây cản trở khó khăn cho luật sư trong việc thu thập chứng cứ. Bằng vô số lý do, trong đó có cả việc ép bị can từ chối gặp luật sư. Tình hình này nếu không được cải thiện, e rằng sẽ có thêm nhiều vụ oan sai tương tự tái diễn” – luật sư Nguyễn Hoàng Tiến khẳng định.

Về vấn đề bồi thường cho nạn nhân trong các vụ án oan sai, luật sư Nguyễn Hoàng Tiến khẳng định, nạn nhân bao giờ cũng phải chịu thiệt thòi. Cơ quan Nhà nước để xảy ra oan sai phải bồi thường theo các quy định của pháp luật, nhưng rất khó xác định thiệt hại của nạn nhân trong thực tế. Vì thế yêu cầu bồi thường của nạn nhân đưa ra và xác định mức bồi thường của cơ quan chức năng luôn vênh nhau. Trường hợp xác định tổn thất kinh tế của người kinh doanh, đã rất phức tạp, thì xác định vấn đề tổn thất tinh thần, tổn hại sức khỏe thì lại vô cùng khó khăn. Nhiều trường hợp đến khi được pháp luật minh oan xin lỗi thì dường như đã quá muộn, thậm chí có trường hợp ôm nỗi oan ức xuống suối vàng.

Cần phải hiểu rằng ngay cả khi họ được minh oan, được phục hồi danh dự… cũng không bao giờ bù đắp được toàn bộ thiệt hại mà người “ngậm oan” buộc phải gánh chịu. CQĐT, VKS; Tòa án, cần nghiêm túc học tập rút kinh nghiệm. Từ đó để làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ trong hoạt động tố tụng hình sự: Tránh bỏ lọt tội phạm; giảm thiểu oan sai; tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật; mang lại niềm tin cho nhân dân.

Mỗi cán bộ tòa án, khi “phụng công thủ pháp” cần phải nhận thức rằng, người bị kết án oan sai, ngoài việc thiệt hại về vật chất, còn mang những mặc cảm tinh thần, những tủi hổ rất lớn trước dư luận xã hội. Và kể cả khi có được bồi thường thì cũng khó bù đắp hết được những mất mát mà bản thân người bị kết án oan sai và người thân của họ, phải gánh chịu trong thực tế. Vì vậy, việc nhận ra lỗi, để khắc phục hậu quả là cần thiết, và không thể thiếu sự thành khẩn của lãnh đạo cơ quan, đặc biệt là những người trực tiếp gây ra sai lầm. Đương nhiên, việc đền bù vật chất cũng phải như thế nào, để người dân có thể xem đó là những “bù đắp” cho thiệt hại mà họ đã gánh chịu.

Mặt khác, việc giải quyết bồi thường của cơ quan pháp luật có thể thấy vẫn còn chậm trễ và né tránh. Người bị kết án oan sai, khi tiến hành các thủ tục yêu cầu cơ quan chức năng gây hậu quả phải đền bù, nhưng chẳng khác gì đi xin xỏ. Ở nhiều vụ kiện yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại trở thành các vụ “cò kè” về giá bồi thường giữa hai bên. Do vậy, nhiều chuyên gia pháp lý cũng kiến nghị, cần phải xử lý hành vi của cán bộ, cơ quan pháp luật khi chậm trễ trong tiến hành công khai xin lỗi và bồi thường cho người bị oan sai.
Sỹ Hào

Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật