Cập nhật lúc: 12/2/2015 9:01:12 PM

Doanh nghiệp: Kẻ "cô đơn", người như "ốc đảo"

DN Việt Nam “cô đơn”, còn doanh nghiệp FDI phát triển mạnh và tồn tại như một “ốc đảo”. 

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2015, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc tỏ ra nhiều lo ngại về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trước bối cảnh hội nhập quốc tế.
 Doanh nghiệp: Kẻ "cô đơn", người như "ốc đảo" - 1
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2015
Chủ tịch VCCI cho biết, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong những năm qua nhưng so với yêu cầu hội nhập vẫn còn nhiều hạn chế. Cho đến nay 96% doanh nghiệp vẫn là quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chỉ chưa đầy 2% doanh nghiệp lớn, 2% doanh nghiệp cỡ vừa. Làm thế nào để doanh nghiệp tư nhân trong nước có thể lớn lên được, đó là thách thức lớn nhất với Việt Nam hiện nay.
“Chúng ta mở cửa, chúng ta hội nhập nhưng vấn đề chính là làm thế nào để khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh, có thể hội nhập được”, ông lo ngại.
Đáng nói hơn, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lại đang cô đơn trong hội nhập.
"Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ nhưng khu vực trong nước vẫn cô đơn, không tham gia được chuỗi sản xuất toàn cầu", ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ.
Theo ông, doanh nghiệp tư nhân trong nước giữ vai trò là động lực trong nền kinh tế tuy nhiên Chính sách phát triển khu vực này chưa đủ mức và chưa đủ tầm. Bên cạnh đó, hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, mô hình hỗ trợ chưa đạt yêu cầu nên chưa khuyến khích được các doanh nghiệp vừa và nhỏ lớn lên. Các doanh nghiệp trong thời gian qua vẫn chủ yếu vận động bằng nội lực của mình.
Khu vực trong nước vẫn “cô đơn”, đứng ngoài chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu có tham gia được cũng chỉ dừng lại ở gia công, tay nghề thấp, giá rẻ.
Hơn nữa các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam vẫn tồn tại như một “ốc đảo” trong nền kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam không trở thành đối tác địa phương của họ, không thể tham gia vào chuỗi giá trị của họ.
“Doanh nghiệp Việt Nam cô đơn là như thế. Họ không kết nối được với các doanh nghiệp FDI và chưa kết nối được với doanh nghiệp lớn có hiệu quả trong nền kinh tế, chưa kết nối được với doanh nghiệp nhà nước cho nên việc nâng cao năng lực của doanh nghiệp vừa và nhỏ là 1 yêu cầu khẩn thiết hiện nay”, Chủ tịch VCCI nói.
Chủ tịch VCCI lo ngại với tình trạng 70% xuất khẩu hiện nay đều đến từ các doanh nghiệp FDI; Các linh kiện, phụ tùng chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài. Có những mặt hàng trên 90% nhập khẩu đầu vào từ nước ngoài chứ không phải nguồn cung từ doanh nghiệp nội địa Việt Nam.
“Nếu công nghiệp hỗ trợ không phát triển thì giá trị gia tăng đạt được của Việt Nam rất thấp. Có nghĩa là doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam sẽ đứng ngoài lề sự phát triển, ngoài lề của quá trình hội nhập, ngoài lề của vận hành chuỗi giá trị”, ông Lộc bày tỏ.
Đồng tình với ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng cản trở lớn nhất khi hội nhập quốc tế, là doanh nghiệp FDI phát triển mạnh mẽ còn doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam phát triển không tương xứng.
“Tôi đã trả lời rất nhiều cuộc phỏng vấn rằng không phải doanh nghiệp Việt Nam yếu kém, kéo lùi tăng trưởng của FDI mà Việt Nam phải đi bằng hai chân. Một chân là thành phần kinh tế FDI và một chân là thành phần kinh tế trong nước Việt Nam. Hai bên phải liên kết với nhau mới trở thành một nền kinh tế mạnh”, Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.
Do đó, Bộ trưởng Vinh cho rằng, vấn đề quan trọng hiện nay là cần nghiên cứu nội dung kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ với doanh nghiệp FDI , tạo ra mối liên kết để doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.
Để có một khu vực kinh tế tư nhân trong nước đủ mạnh trở thành đối tác của các doanh nghiệp FDI và tận dụng được các lợi thế của các Hiệp định tự do, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chính phủ cần có chính sách phải hỗ trợ các ngành hàng theo chuỗi giá trị chứ không nên hỗ trợ cá biệt.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải đạt được chuẩn mực giá trị toàn cầu. Đây là cơ hội để doanh nghiệp nhỏ nâng mình lên, đồng thời cũng là sức ép đối với chính phủ phải có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ hiệu quả hơn.
Theo Diệu Thùy (Infonet) 

Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật