Cập nhật lúc: 5/7/2014 7:48:23 PM

Hy vọng thị trương khởi sắc, Nhiều doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận cao chót vót

Bên cạnh những đơn vị thận trọng với kết quả kinh doanh 2014, mùa đại hội cổ đông vừa qua cũng ghi nhận nhiều công ty địa ốc, ngân hàng đặt kỳ vọng tăng trưởng 3 con số trong năm nay. 

Với dự tính lợi nhuận sau thuế hợp nhất 2014 cao hơn 330% so với mức thực hiện 2013 và đạt trên 64 tỷ đồng, Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức (Thủ Đức House, Mã CK: TDH) đang được xem là một trong những doanh nghiệp có kế hoạch tăng trưởng lãi cao nhất năm nay. Mục tiêu này vấp phải không ít hoài nghi từ phía cổ đông khi năm ngoái, công ty suy giảm doanh thu từ hoạt động đầu tư tài chính và lỗ 4,4 tỷ đồng trong các đơn vị liên doanh liên kết. Cộng thêm chi phí lãi vay, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 2013 của Thủ Đức House chỉ đủ hoàn thành 36% kế hoạch năm.
 
Dù vậy, lãnh đạo Thủ Đức House cho rằng kế hoạch kinh doanh năm nay khác và khẳng định ban điều hành sẽ nỗ lực đưa công ty tăng trưởng. Ông Lê Chí Hiếu – Tổng giám đốc doanh nghiệp chia sẻ lĩnh vực chính Thủ Đức House hướng đến vẫn là bất động sản, xuất nhập khẩu và xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Dự kiến doanh thu từ địa ốc và xuất nhập khẩu sẽ chiếm tỷ trọng nhiều nhất với lần lượt 56-32%.
PDR-2174-1399347278.jpg
Năm nay Công ty Phát triển Bất động sản Phát Đạt dự tính thu lãi cao trên chục lần so với 2013. Ảnh: PDR

Ngoài Thủ Đức House, một đơn vị khác cũng trong lĩnh vực địa ốc đặt mục tiêu lợi nhuận cao chót vót là Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã CK: PDR). Năm nay doanh nghiệp của người giàu thứ 9 trên sàn chứng khoán – ông Nguyễn Văn Đạt dự kiến thu về 50,4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, cao gấp 13 lần so với mức thực hiện 2013.
 
Kế hoạch này cũng lại gặp không ít nghi ngại từ phía cổ đông khi cuối năm ngoái, Bất động sản Phát Đạt còn xin giảm chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế xuống 12 lần so với mức từng đề ra hồi đầu năm. Tại đại hội thường niên vừa tổ chức hồi tháng Tư, ông Nguyễn Văn Đạt – Chủ tịch doanh nghiệp đã trấn an các cổ đông và khẳng định kế hoạch 2014 là khả thi.
 
“Do tình hình thị trường bất động sản đã có các dấu hiệu tốt lên nhiều và thủ tục dự án chủ đạo của công ty là The Everrich 3 sắp hoàn tất để bán các villa, khả năng đạt kế hoạch năm nay là rất cao. Chúng tôi tin tưởng sẽ không điều chỉnh kế hoạch. Tuy nhiên, tùy tình hình thực tế, HĐQT sẽ quyết định”, ông Đạt chia sẻ với cổ đông trong đại hội.
 
Trao đổi với VnExpress, ông Võ Tấn Thành – Phó tổng giám đốc Đầu tư của Bất động sản Phát Đạt cho biết thêm “quý III công ty sẽ có doanh thu và tạo lợi nhuận từ dự án Everrich 3”. Vị này cũng cho hay hiện thời chỉ còn 1-2 thủ tục dứt điểm là có thể triển khai bán hàng. Riêng tiền đất nền có thể thu xong hết trong năm nay, còn tiền nhà phải kéo dài sang năm tới.
 
Quý I vừa qua, kết quả kinh doanh của Bất động sản Phát Đạt chưa thực sự khả quan khi lãi sau thuế chỉ 235 triệu đồng, chủ yếu nhờ thu nhập từ các khoản tiền phạt hợp đồng nhận được. Trước đó, ba tháng đầu năm công ty thu về 19 tỷ đồng doanh thu nhưng giá vốn hàng bán quá cao (trên 13 tỷ đồng) đã khiến lợi nhuận giảm mạnh. Tại ngày 31/3, vốn chủ sở hữu của Bất động sản Phát Đạt trên 1.427 tỷ đồng.
 
Không chỉ doanh nghiệp bất động sản, một số đơn vị khác trong lĩnh vực sản xuất hay ngân hàng cũng liên tục trình cổ đông mục tiêu lãi năm nay cao trên 100% so với năm ngoái. Trong số này, HĐQT Ngân hàng An Bình (ABBank) dự kiến lãi trước thuế 2014 tăng 110%, đạt 400 tỷ đồng.
 
Năm ngoái, tổng lợi nhuận trước thuế của ABBank là 191 tỷ đồng, giảm 61% so với năm 2012 và chỉ hoàn thành 29% kế hoạch. Với kết quả này, nhà băng chỉ có thể trả cổ tức là 246 đồng trên mỗi cổ phiếu và từng khiến nhiều cổ đông tỏ thái độ thất vọng trong đại hội cổ đông vừa tổ chức gần đây.
 
Còn tại Ngân hàng cổ phần Quốc dân, lợi nhuận trước thuế 2014 cũng được HĐQT dự kiến tăng 402,6% so với năm ngoái, đạt 96,3 tỷ đồng. Ngân hàng cổ phần Phát triển Mekong (MDBank) cũng đặt mục tiêu lãi cao hơn 202%, lên 222 tỷ đồng. Phía doanh nghiệp sản xuất-thương mại, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang kỳ vọng tăng lãi trước thuế năm nay 224% (lên 120 tỷ đồng).
 
Trao đổi với VnExpress, ông Tống Minh Tuấn – Giám đốc Khối Ngân hàng Đầu tư tại Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng việc đặt mục tiêu lợi nhuận cao có thể chỉ nhằm mục đích ngắn hạn như tăng vốn, phát hành thêm cổ phần. Đối với cổ đông, động thái này cũng có thể củng cố thêm tiềm năng, triển vọng của cổ phiếu do chính công ty niêm yết, ông Tuấn chia sẻ.
 
Cũng chung quan điểm trên, ông Phan Dũng Khánh – Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán MayBank Kim Eng (MBKE) nhận định thêm một trong những yếu tố lớn nhất để các doanh nghiệp đưa ra mức chỉ tiêu cao như vậy là họ hầu như đã tính toán xong đầu ra.
 
“Thật sự mình là người ngoài thì có thể chưa thấy rõ nội bộ công ty. Có thể họ đã tìm xong đối tác chiến lược hay người mua để bảo đảm sẽ thu lãi khi bán hàng, dịch vụ. Những thương vụ này đa phần chỉ người trong doanh nghiệp nắm trước, về nguyên tắc là phải công khai nhưng có thể chưa đến thời điểm ban lãnh đạo muốn công bố”, chuyên gia MBKE giải thích thêm.
 
Dù vậy, ông Khánh cho rằng chỉ tiêu lợi nhuận chót vót vẫn chưa đủ thuyết phục để khẳng định sức khỏe cũng như độ bền vững hoạt động của các công ty. Bản thân nhà đầu tư phải tỉnh táo và làm chủ tình thế bằng cách luôn đặt câu hỏi đến doanh nghiệp về việc triển khai hoạt động, đồng thời kiểm tra tính hợp lý trong các câu trả lời.
 
Theo chuyên gia này, không loại trừ trường hợp tung chỉ tiêu kinh doanh “khủng” là biện pháp quảng bá đỡ tốn chi phí nhất cho doanh nghiệp. “Trong bối cảnh ai cũng đặt chỉ tiêu lợi nhuận thấp, riêng những công ty này lại nhắm mức cao hẳn nên sẽ thu hút nhà đầu tư, tạo tiếng vang. Ngay cả những dự án đang triển khai cũng được quảng bá khiến nhiều người biết đến”, ông Khánh chia sẻ.
Trong ba tháng đầu năm, đa phần các doanh nghiệp trên vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh. Ngoài Bất động sản Phát Đạt, chỉ mới có Ngân hàng Quốc Dân công bố báo cáo riêng lẻ quý I nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ bằng hơn 3% so với mục tiêu đề ra, tương đương trên 3 tỷ đồng.
 
Ông Khánh khuyến nghị các cổ đông, nhà đầu tư vẫn nên là người chủ động nhất đến hoạt động công ty bằng cách thường xuyên trao đổi với đại diện doanh nghiệp. Còn nếu không hoàn thành kế hoạch, các đơn vị này vẫn có đường lui thông qua việc xin giảm mục tiêu lợi nhuận. Theo chuyên gia VCBS - ông Tống Minh Tuấn, phần lớn những trường hợp như vậy, cổ đông là người chịu thiệt nhiều nhất.
 
Cuối năm ngoái, hàng loạt doanh nghiệp đã liên tục xin cổ đông giảm mục tiêu lãi từ 15% đến hơn 20%. Sang những tháng đầu năm 2014, đa phần các công ty đều rụt rè với kế hoạch lợi nhuận năm. Nhiều đơn vị có quy mô vốn cả nghìn tỷ đồng năm nay lại chỉ dám đặt tăng trưởng doanh thu trong khi trình cổ đông mục tiêu lợi nhuận thấp hơn so với 2013.
Tường Vi 

Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật