Cập nhật lúc: 2/11/2014 11:53:31 AM

Tại sao doanh nghiệp tư nhân không phải là pháp nhân? và không được góp vốn? cảm ơn.

Một doanh nghiệp tư nhân (DNTN) muốn góp vốn với một công ty trách nhiệm hữu hạn nhưng bị Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM từ chối với lý do DNTN là loại hình trách nhiệm vô hạn. Sự từ chối đó là đúng, nhưng lý do thì không hẳn như thế vì vô hạn hay hữu hạn thì cũng là chịu trách nhiệm

Lý do của nó khác, liên quan đến những khái niệm pháp lý nền tảng về công ty.

Hai cách phát triển trái ngược nhau

Sự phát triển của định chế công ty ở ta so với định chế tương tự của các nước đi đầu trên thế giới thì ngược hẳn nhau. Ở các nước kia, công ty có trước sau đó mới có luật pháp điều chỉnh nó. Lý do là ở đó do nhu cầu của cuộc sống người ta phải giao ước, hứa hẹn (vay nợ, mua bán, lập hội). Sau đó họ cãi nhau; bèn thưa ra chính quyền; nơi này giải quyết và kết quả giải quyết tạo nên luật pháp. Ở đó thực tại cuộc sống có trước, luật pháp có sau. Đó là sự diễn tiến tự nhiên của lịch sử.

Ở ta luật pháp tạo nên thực tại cuộc sống. Và định chế công ty ở ta đã hình thành trong hoàn cảnh này. Trước năm 1990, không có DNTN hay công ty. Chính Luật Công ty năm 1990 tạo nên chúng; sau đó Luật Doanh nghiệp2000 và 2005 tiếp tục cải tiến chúng. Vì từ luật pháp mà ra nên các loại hình doanh nghiệp được sắp xếp theo sự hợp lý: DNTN, hợp danh, trách nhiệm hữu hạn… Ở các nước khác, chúng không đi theo trình tự hợp lý đó. Lý do là từ trong cuộc sống chúng nảy sinh và không chính quyền nào muốn đụng cho đến khi có sự tranh chấp xảy ra trong nội bộ của chúng; chính quyền can thiệp và chúng trở thành một định chế theo luật pháp. Chẳng hạn ở Anh, nước phát triển nhất trong thế kỷ 19 và trở thành mẫu mực cho các nước khác về các loại hình doanh nghiệp, thì luật công ty cổ phần của họ có vào năm 1862, trong khi luật công ty hợp danh mãi đến năm 1890 mới có, còn DNTN không có luật! Đấy là vì người ta coi DNTN là một con người (một thể nhân trên 18 tuổi) và hoạt động của nó bị chi phối bởi các luật căn bản dành cho thể nhân kia (hợp đồng, dân sự…). Thành ra nếu chúng ta lấy các khái niệm pháp lý trong luật pháp của mình, vốn phát sinh theo sự hợp lý, để suy ra những thứ tương tự trong luật của các nước, vốn phát sinh theo nhu cầu cuộc sống, thì nhiều lúc thấy khó hiểu và dễ hiểu sai. Do đó phải đi riêng lẻ vào từng khái niệm pháp lý nhất định.

Tư cách

Khi mỗi người chúng ta sống thì chúng ta có thể gây ra trách nhiệm. Thí dụ cành cây xoài nhà mình rơi vào đầu người khác lúc họ đi qua. Do đó dễ có tranh chấp trong cuộc sống và luật pháp phải giải quyết. Nó làm bằng cách xoay vào trách nhiệm là một khái niệm đạo đức đã tồn tại trong cuộc sống. Và nó ấn định ai ở vị trí nào thì phải chịu trách nhiệm gì? Một người chịu trách nhiệm với một người khác thì người sau có quyền lợi. Do đó trong luật có khái niệm địa vị pháp lý. Từ ngữ đó được dùng khi một người đứng một mình và không bao hàm một mối tương quan có với ai. Nếu có, thì người ấy có một tư cách. Vợ đối với chồng, thầy đối với trò. Tất cả chúng ta, khi đến 18 tuổi và tâm thần bình thường thì đều có một tư cách. Nói đến tư cách là để xác định trách nhiệm. Và trách nhiệm cho phép chúng ta đi kiện người khác khi bị thiệt hại, và bị người khác kiện trong trường hợp ngược lại. Vậy nói đến tư cách là nói đến việc đi kiện và bị kiện để thực thi trách nhiệm hay quyền lợi của mình. Muốn thực thi thì phải có “tài sản riêng”. Bị kiện là trách nhiệm thì đi kiện là quyền lợi. Từ cơ sở này chúng ta sang các loại hình doanh nghiệp.

Tư cách pháp nhân

Anh A 25 tuổi, mở một quán phở. Phở bán gây ngộ độc, thì anh – do trách nhiệm mình có – sẽ phải đền. Có một người bị ngộ độc, anh đền một; có 15 người, anh đền 15. Khi bị đền như thế, anh A và tiệm phở của anh ta là một. Anh ta phải đền cho đến khi chỉ còn vật dụng cá nhân với đồ thờ cúng! Luật nói rằng anh ta chịu trách nhiệm vô hạn. Ngược lại, ai ăn phở không trả tiền, anh có quyền đòi. Rõ ràng anh A và tiệm phở của anh chỉ là một. Luật của các nước khác gọi hình thức này là làm chủ một mình, còn ta gọi là DNTN.

Một mình A làm ăn thì khó mở mang cơ sở vì thiếu tiền. Muốn vượt qua, anh rủ người khác góp. Họ lập thành một “hội” (đầu tiên gọi là societas), thí dụ “Phở 25”. Giữa họ với nhau không có vấn đề gì; nhưng nếu tiệm bị ăn cắp ai sẽ đứng ra thưa; nếu phở gây ngộ độc, khách thưa ai? Vấn đề trách nhiệm được đặt ra. Và luật pháp trả lời; lúc đầu – chưa có kinh nghiệm – nó bảo: “Tất cả các anh và vô hạn”. Và cái hội kia được gọi là công ty hợp danh.

Trong hội có người tham gia trực tiếp, có người không; nếu ai cũng phải chịu trách nhiệm vô hạn cả thì sẽ khó có Phở 26, 27, 28! Chính quyền muốn có nhiều “hội phở”cho dân ta xài; bèn đổi ý và tuyên bố: “Thôi các anh bỏ tiền thì không phải chịu trách nhiệm như vậy nữa; tôi sẽ tách các anh ra khỏi khối tài sản mà các anh đã mua và gọi nó là hội”. Khối tài sản thì làm sao mà đi kiện và bị kiện? Do đó luật phải biến nó thành “người”. Bây giờ “hội” có thể đi kiện và bị kiện y như anh A. Việc ấy do luật pháp đặt ra, chỉ có trong con mắt của luật pháp và được gọi là “pháp nhân”. Cái “hội” có tư cách pháp nhân kia được gọi là “công ty trách nhiệm hữu hạn”. Sau này để nó có thể gọi thêm vốn nhiều người, người ta đặt ra công ty cổ phần. Đây là diễn giải theo một trình tự hợp lý. Trên thực tế ở Anh, luật cho công ty cổ phần có trước, trách nhiệm hữu hạn có sau; vì người ta phải giải quyết vấn đề trách nhiệm, mối âu lo chính, để cho ra đời công ty Đông Ấn đi sang Ấn Độ, bắt đầu tiến trình mở mang một đế quốc mà mặt trời không bao giờ lặn!

Đến đây ta có thể trở lại câu hỏi nêu trong tựa của bài. Ở loại hình công ty, luật pháp tách người bỏ vốn ra khỏi khối tài sản mà họ tạo nên; ban cho khối đó tư cách làm “người”, nó có thể đi kiện và bị kiện và phong nó là “pháp nhân”. Khối tài sản mà anh A có trong tiệm phở của mình không được coi là người; do đó tiệm phở của anh không có tư cách pháp nhân; nên DNTN không thể lấy tên nó góp vốn cho ai được. Chỉ có anh A thôi và anh phải dùng tên cúng cơm của mình.

Nếu anh kỵ húy thì bây giờ luật cho anh mở công ty trách nhiệm một thành viên, công ty này có tư cách pháp nhân; tức là khối tài sản anh A đã tạo nên trong DNTN trước ngày 1-7-2006 không được coi là “người” thì bây giờ – nhờ kinh nghiệm loài người – tình cảnh bất công của nó được đảo ngược! Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chỉ bắt đầu có ở Anh vào khoảng năm 1972. Nếu ta so sánh quá trình phát triển của họ thì sẽ thấy để có loại hình này họ mất hơn 100 năm (1862-1972). Ta mất 10 năm (1990-2000)! Luật pháp phục vụ con người mà!

THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN SỐ 46-2006 (830), NGÀY 9/11/2006
 
Qúy khách cần tư vấn luật doanh nghiệp xin liên hệ địa chỉ:

CÔNG TY TƯ VẤN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

Đ/C: P-2911-G3, KĐT Vinhomes Green Bay, Đại Lộ Thăng Long, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Đ/C: Số 6, Ngách 121, Ngõ Thái Thịnh 1, Thái Thịnh, Đống Đa , Hà Nội.

Đ/C: Số 11/44, Phan Bội Châu, phường Tân Sơn, TP. Thanh Hóa, Thanh Hóa.

Đ/C: Số 15, đường Trần Phú, phường Quang Trung, Phú lý, Hà Nam.

Đ/C: Số 68, Chùa Chuông, phường Hiến Nam, TP. Hưng Yên, Hưng Yên .

Đ/C: Số 802, Lý Chính Thắng, Quận 3, TP HCM.

Luật sư tư vấn miễn phí: 0979 981 981 - 0983 138 381


Website:  
www.thanhlapdoanhnghiep.pro.vn


Các hỏi đáp khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật