Dươi đây là ý kiến của các chuyên gia kinh tế và các nhà quản lý, đưa ra những quan điểm và lý do nên cấm bán hàng đa cấp mô hình kim tự tháp:
Mô hình bán hàng đa cấp theo hình “kim tự tháp” nên bị cấm, đó là phát biểu của ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) trong buổi họp báo chiều 30-9. Theo ông Nam, việc bán hàng theo mô hình này không hề giúp ích gì cho người tiêu dùng (NTD), hàng hóa không đến tay được NTD mà chủ yếu nguồn thu nhập được hình thành từ phí tham gia mạng lưới.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trương Đình Chiến, Trưởng khoa marketing trường ĐH Kinh tế quốc dân, nhận định, hình thức bán hàng đa cấp tại nước ta đã bị biến tướng. Về bản chất, bán hàng đa cấp phải đảm bảo các yếu tố sau: Thứ nhất, giá bán phải là giá thật, thấp hơn giá bán lẻ thông qua các kênh phân phối khác trên thị trường. Thứ hai, chất lượng sản phẩm phải được đảm bảo và phải công khai các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm để người tham gia cũng như người tiêu dùng biết. Thứ ba, hoa hồng mà người tham gia bán hàng đa cấp được hưởng phải thấp hơn chiết khấu hàng hóa mà các kênh phân phối khác được hưởng.
Thực tế, trên thế giới có khá nhiều Cty tiêu thụ mạnh sản phẩm thông qua hình thức này. NTD được mua và sử dụng những sản phẩm tốt với giá bán rẻ hơn giá bán lẻ ngoài thị trường. Ở nước ta, thông tin về sản phẩm khá “mập mờ”, từ giá cả cũng như chất lượng sản phẩm đều được “bí mật” với NTD. Một số doanh nghiệp (DN) đã lợi dụng “lòng tham” của người tham gia mạng lưới để hướng dẫn và “vẽ” ra các chiêu trò “lừa” người khác thông qua việc chi hoa hồng tới 70 – 80% thông qua nhiều cấp bậc. Cứ người này “lừa” người khác. Điều này sẽ gây ra nhiều hệ lụy xấu cho xã hội.
Trước sự “lộn xộn” của hình thức kinh doanh đa cấp biến tướng này, Cục Quản lý cạnh tranh đã trình Bộ Công Thương Dự thảo sửa đổi Nghị định số 110/2005/NĐ-CP về việc quản lý hoạt động bán hàng đa cấp theo hướng chặt chẽ hơn. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ trực tiếp cấp giấy phép hoạt động thay vì giao cho các tỉnh, TP thuộc Trung ương như trước đây. Khi ấy, hình thức bán hàng đa cấp sẽ được coi là một mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Đồng thời, Bộ cũng sẽ rà soát và cấp lại các giấy phép kinh doanh bán hàng đa cấp. Theo thống kê, hiện cả nước có hơn 60 DN đăng ký kinh doanh bán hàng đa cấp, giảm khoảng 30 DN so với trước đây.
Cũng theo dự thảo, mức ký quỹ sẽ được nâng lên 5 tỷ đồng chứ không phải là 1 tỷ đồng như trước đây. Hơn nữa, việc ký quỹ sẽ được thực hiện bằng tiền mặt chứ không thông qua bảo lãnh ngân hàng. Trước đây, các DN chủ yếu dùng tài sản để thế chấp rồi ngân hàng sẽ đứng ra bảo lãnh. Nhưng điều đó gây ra nhiều khó khăn trong xử lý vi phạm cũng như NTD khó có thể đòi lại quyền lợi nếu DN bị dính “phốt”.
Có thể thấy, hình thức kinh doanh đa cấp đang là một trong những chủ đề mà dư luận quan tâm. Chúng ta đã có một số bài học xung quanh vấn đề này nhưng nhiều người vẫn bị dụ dỗ, cả tin vào những lời quảng cáo và nghĩ rằng mình có thể kiếm được tiền một cách đơn giản cũng như sẽ giàu lên từ hoạt động bán hàng đa cấp. Do đó, trong khi Nghị định 110 đang còn thiếu chặt chẽ, chưa theo kịp với hình thức bán hàng đa cấp biến tướng thì các cơ quan quản lý cần phải tăng cường hơn nữa công tác phổ biến, tuyên truyền rộng rãi cho người dân hiểu và nắm rõ hơn về hình thức kinh doanh này.
Nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Báo PL&XH rất mong nhận được những ý kiến đóng góp và thông tin phản hồi thông qua hòm thư bvntieudung@phapluatxahoi.vn
Có phải cơ quan chức năng biết mà chưa “làm”?
Để tìm hiểu thêm về hình thức bán hàng đa cấp cũng như những tác động xung quanh, PV báo PL&XH đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trương Đình Chiến, Trưởng khoa marketing trường ĐH Kinh tế quốc dân:
Thưa ông, bán hàng đa cấp có phải là một kênh phân phối sản phẩm đến tay NTD hay không? DN và NTD sẽ được hưởng lợi gì khi mua bán qua hình thức này?
PGS.TS Trương Đình Chiến: Đúng vậy, phải khẳng định đây là một hình thức bán sản phẩm trực tiếp đến NTD. Nó mang lại nhiều hiệu quả cho DN như tiết kiệm chi phí bán hàng (thuê địa điểm, lương nhân viên, ...), tiết kiệm chi phí quảng cáo,... Ngoài các kênh phân phối khác, việc giới thiệu, truyền tai nhau về sản phẩm giữa những NTD sẽ giúp cho DN mở rộng được hình ảnh sản phẩm cũng như thị phần. Đó là cái lợi của DN, còn NTD? Họ sẽ được mua và sử dụng những sản phẩm hàng hóa tốt với giá bán rẻ hơn ngoài thị trường. Đồng thời, họ lại có một việc làm thêm, kiếm thêm thu nhập cho bản thân và gia đình.
Điều này đúng là quá tốt đối với không chỉ DN mà ngay cả NTD. Nhưng tại sao ở nước ta, cứ hễ nói đến bán hàng đa cấp là người ta liên tưởng ngay đến hành vi lừa đảo?
PGS.TS Trương Đình Chiến: Lừa đảo quá đi chứ nếu như sản phẩm hàng hóa chỉ đáng 10 đồng nhưng anh lại bán đến 100 đồng. Đó là còn chưa kể đến việc thông tin về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa ra sao, có được niêm yết công khai cho NTD hay không? Sản phẩm có được các cơ quan quản lý cấp phép hay không? Phần lớn hình thức bán hàng đa cấp tại nước ta đang là kiểu bán hàng đa cấp bất chính bởi: Giá sản phẩm không phải là giá trị thật. Sản phẩm chủ yếu là sản phẩm “độc”, không công khai khiến NTD không có nhiều thông tin để so sánh. Hoa hồng chiết khấu cho người tham gia lại quá cao, phân cho nhiều cấp trong khi đáng lẽ người tham gia chỉ được hưởng 1 tỷ lệ % nhất định trên giá trị thực tế của sản phẩm.
Vậy nếu là lừa đảo thì “ắt hẳn” những người tham gia sẽ là một “mắt xích” trong đường dây này? Ông nghĩ sao về điều đó?
PGS.TS Trương Đình Chiến: Theo tôi, họ vừa là nạn nhân vừa là những người có đóng góp tích cực cho việc phát triển mạng lưới của các Cty đa cấp. Nhiều khi họ bị lừa nhưng không làm sao xoay xở được tiền nên đành đi lừa lại người khác, mà đầu tiên phải là những người thân, người quen của mình rồi mới đến bạn bè. Họ nhiều khi không phải là người được hưởng lợi nhiều, người hưởng lợi nhiều nhất lại là người khác chứ không phải những người đi mời chúng ta.
Theo ông, hình thức bán hàng đa cấp biến tướng như vậy gây ra hệ lụy gì?
PGS.TS Trương Đình Chiến: Đối tượng mà các Cty đa cấp nhắm tới chủ yếu là sinh viên, công nhân, nông dân,.., những người không có nhiều khả năng về kinh tế. Vậy khi họ bị lừa mất 1 số tiền lớn thì họ biết bù lại bằng cách nào nếu như không bán được sản phẩm. Chỉ còn cách lại đi lừa người khác mà thôi, cứ thế số người dạng này nhân rộng lên hàng nghìn, hàng chục nghìn người. Điều này chắc chắn sẽ gây ra xung đột.
Không chỉ thế, nhiều sinh viên đã bỏ học để biến mình thành công cụ kiếm tiền cho các Cty đa cấp đó. Những người tham gia này đang mất dần mọi thứ như người thân, bạn bè, tương lai, .... Đây là những hệ lụy không nhìn thấy ngay được, mà nó sẽ gây tác động xấu trong nhiều năm, thậm chí cả một thế hệ.
Mặt khác, hình thức này sẽ sản sinh ra một lượng lớn người không muốn lao động bằng mồ hôi công sức mà chỉ bằng việc dụ dỗ, lừa lọc người khác. Đến khi Cty đa cấp đó bị “dẹp” thì lượng lao động dư thừa này sẽ làm gì? Họ sẽ tiếp tục lừa lọc người khác nữa hay không?
Quả thật, nếu như vậy thì những hệ lụy này thật nguy hiểm. Tại sao các cơ quan chức năng không sớm vào cuộc để xử lý các Cty kinh doanh đa cấp có dấu hiệu lừa đảo như vậy?
PGS.TS Trương Đình Chiến: Theo tôi, việc lừa đảo được xuất phát từ ý đồ kinh doanh xấu cộng với khía cạnh quản lý và kiểm soát của luật pháp còn lỏng lẻo, thiếu cơ sở pháp lý. Nhưng quan trọng hơn là hệ thống quản lý của chúng ta đang còn yếu kém. Nhiều Cty có dấu hiệu vi phạm rất rõ, người dân và ngay cả một số cán bộ quản lý đều biết nhưng lại không làm, không kiểm soát và xử lý. Tôi chỉ sợ rằng có nhiều trường hợp biết nhưng không chịu làm.
Xin cảm ơn ông !
Nguyễn Tuấn