CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 60/2016/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 01 tháng 07 năm 2016
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH MỘT SỐ ĐIỀU KIỆN ĐẦU TƯ KINH DOANH TRONG LĨNH VỰC TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật khoáng sản ngày 17 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Luật tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản và bảo vệ môi trường gồm:
a) Điều kiện để được cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất;
b) Điều kiện về năng lực của tổ chức thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước, tư vấn lập quy hoạch tài nguyên nước; điều kiện về năng lực của tổ chức, cá nhân tư vấn lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước;
c) Điều kiện của tổ chức hành nghề thăm dò khoáng sản;
d) Điều kiện kinh doanh chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải;
đ) Điều kiện kinh doanh vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm thuộc loại 6 quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 29/2005/NĐ-CP ngày 10 tháng 3 năm 2005 củaChính phủ quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm và việc vận tải hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa (sau đây gọi tắt là Nghị định số 29/2005/NĐ-CP); khoản 1 Điều 22 Nghị định số 14/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đường sắt (sau đây gọi tắt là Nghị định số 14/2015/NĐ-CP) và khoản 1 Điều 4 Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ quy định danh mục hàng nguy hiểm và vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 104/2009/NĐ-CP);
e) Điều kiện cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại.
2. Ngoài các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh tại Nghị định này, điều kiện đầu tư kinh doanh khác trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường được thực hiện theo quy định tại luật và các nghị định chuyên ngành.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Điều kiện hành nghề khoan nước dưới đất áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân hành nghề khoan điều tra, khảo sát, thăm dò, khai thác nước dưới đất (sau đây gọi chung là hành nghề khoan nước dưới đất) trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Điều kiện về năng lực của tổ chức thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước, tư vấn lập quy hoạch tài nguyên nước; điều kiện về năng lực của tổ chức, cá nhân tư vấn lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước áp dụng đối với:
a) Tổ chức thực hiện đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước; tư vấn lập quy hoạch tài nguyên nước và tư vấn lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước; cá nhân tư vấn độc lập thực hiện việc lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn giấy phép tài nguyên nước (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân hành nghề trong lĩnh vực tài nguyên nước);
b) Tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước có liên quan đến hoạt động lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước;
c) Cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến hoạt động điều tra cơ bản, quy hoạch tài nguyên nước, thẩm định, cấp, gia hạn giấy phép tài nguyên nước.
3. Điều kiện của tổ chức hành nghề thăm dò khoáng sản áp dụng với các tổ chức hành nghề thăm dò khoáng sản; các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản; cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản.
4. Điều kiện kinh doanh chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải tại Việt Nam áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước; tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến đánh giá hồ sơ đăng ký lưu hành chế phẩm sinh học; sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, khảo nghiệm chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải tại Việt Nam.
5. Điều kiện đầu tư kinh doanh quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 1 Nghị định này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
6. Điều kiện cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước; tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất thải nguy hại (sau đây viết tắt là CTNH).
Chương II
ĐIỀU KIỆN ĐẦU TƯ KINH DOANH TRONG LĨNH VỰC TÀI NGUYÊN NƯỚC
Điều 3. Quy mô hành nghề khoan nước dưới đất
1. Quy mô hành nghề khoan nước dưới đất được quy định như sau:
a) Hành nghề khoan nước dưới đất quy mô nhỏ là hành nghề khoan và lắp đặt các giếng khoan nước dưới đất có đường kính ống chống hoặc ống vách nhỏ hơn 110 mm và thuộc công trình có lưu lượng nhỏ hơn 200 m3/ngày đêm;
b) Hành nghề khoan nước dưới đất quy mô vừa là hành nghề khoan và lắp đặt các giếng khoan nước dưới đất có đường kính ống chống hoặc ống vách nhỏ hơn 250 mm và thuộc công trình có lưu lượng từ 200 m3/ngày đêm đến dưới 3.000 m3/ngày đêm;
c) Hành nghề khoan nước dưới đất quy mô lớn gồm các trường hợp không quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này.
2. Công trình quy định tại khoản 1 Điều này là hệ thống gồm một hoặc nhiều giếng khoan nằm trong một khu vực thăm dò, khai thác nước dưới đất và khoảng cách liền kề giữa chúng không lớn hơn 1.000 m, thuộc sở hữu của một tổ chức hoặc cá nhân; lưu lượng của một công trình là tổng lưu lượng của các giếng khoan thuộc công trình đó.
3. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất ở quy mô nào thì được phép hành nghề ở quy mô đó và các quy mô nhỏ hơn; được hành nghề khoan, lắp đặt các lỗ khoan, giếng khoan thăm dò, khai thác, điều tra, khảo sát để phục vụ mục đích khai thác, nghiên cứu, đánh giá, quan trắc nước dưới đất, có đường kính tương đương với quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 4. Điều kiện để được cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất
Tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước khoan nước dưới đất có đủ các điều kiện sau đây:
1. Có quyết định thành lập tổ chức của cấp có thẩm quyền hoặc một trong các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với tổ chức hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với nhóm cá nhân, hộ gia đình do cơ quan có thẩm quyền cấp.
2. Người đứng đầu tổ chức (Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc) hoặc người chịu trách nhiệm chínhvề kỹ thuật của tổ chức, cá nhân hành nghề (sau đây gọi chung là người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật) phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Đối với hành nghề khoan nước dưới đất quy mô nhỏ:
Có trình độ chuyên môn tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc các ngành địa chất (địa chất thăm dò, địa chất thủy văn, địa chất công trình, địa kỹ thuật), khoan và có ít nhất 02 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề hoặc công nhân khoan có tay nghề bậc 3/7 hoặc tương đương trở lên và có ít nhất 04 năm kinh nghiệm liên tục trong lĩnh vực hành nghề; đã trực tiếp tham gia thiết kế, lập báo cáo hoặc thi công khoan ít nhất 05 công trình khoan nước dưới đất.
Trường hợp không có một trong các văn bằng quy định nêu trên thì phải có ít nhất 05 năm kinh nghiệm liên tục trong lĩnh vực hành nghề, đã trực tiếp thi công ít nhất 10 công trình khoan nước dưới đất và phải có chứng nhận đã qua khóa tập huấn kỹ thuật về bảo vệ tài nguyên nước dưới đất trong hoạt động hành nghề khoan nước dưới đất do Cục Quản lý tài nguyên nước hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức;
b) Đối với hành nghề khoan nước dưới đất quy mô vừa:
Có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các ngành địa chất (địa chất thăm dò, địa chất thủy văn, địa chất công trình, địa kỹ thuật), khoan và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề hoặc tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc các ngành địa chất (địa chất thăm dò, địa chất thủy văn, địa chất công trình, địa kỹ thuật), khoan và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề; đã trực tiếp tham gia lập đề án, báo cáo thăm dò, thiết kế hệ thống giếng khai thác hoặc chỉ đạo thi công ít nhất 05 công trình khoan nước dưới đất có lưu lượng từ 200 m3/ngày đêm trở lên;
c) Đối với hành nghề khoan nước dưới đất quy mô lớn:
Có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các ngành địa chất (địa chất thăm dò, địa chất thủy văn, địa chất công trình, địa kỹ thuật), khoan và có ít nhất 07 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề; đã trực tiếp tham gia lập đề án, báo cáo thăm dò, thiết kế hệ thống giếng khai thác hoặc chỉ đạo thi công ít nhất 03 công trình khoan nước dưới đất có lưu lượng từ 3.000m3/ngày đêm trở lên;
d) Người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật phải là người của tổ chức, cá nhân hành nghề hoặc có hợp đồng lao động với tổ chức, cá nhân hành nghề theo quy định của pháp luật về lao động. Trường hợp hợp đồng lao động là loại xác định thời hạn thì tại thời điểm nộp hồ sơ, thời hạn hiệu lực của hợp đồng lao động phải còn ít nhất là 12 tháng.
3. Máy khoan và các thiết bị thi công khoan phải bảo đảm có tính năng kỹ thuật phù hợp đáp ứng quy định tại Điều 10 Nghị định này.
Điều 5. Điều kiện về năng lực đối với tổ chức hành nghề trong lĩnh vực tài nguyên nước
1. Tổ chức hành nghề trong lĩnh vực tài nguyên nước phải có một trong các loại giấy tờ sau:
a) Quyết định thành lập tổ chức của cơ quan có thẩm quyền, trong đó có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến hoạt động điều tra cơ bản, lập quy hoạch tài nguyên nước và các hoạt động khác về tài nguyên nước;
b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng kýthuế hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cơ quan có thẩm quyền cấp.
2. Có đội ngũ cán bộ chuyên môn tham gia thực hiện đề án, dự án, báo cáo đáp ứng điều kiện sau đây:
a) Đối với đề án, dự án điều tra cơ bản, lập quy hoạch tài nguyên nước: có cơ cấu chuyên môn, kinh nghiệm công tác đáp ứng quy định tại Điều 6, người được giao phụ trách kỹ thuật đáp ứng quy định tại Điều 7 của Nghị định này;
b) Đối với lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước: Có cơ cấu chuyên môn, kinh nghiệm công tác đáp ứng quy định tại Điều 8 của Nghị định này.
3. Cá nhân thuộc đội ngũ cán bộ chuyên môn quy định tại khoản 2 Điều này đáp ứng các điều kiện sau:
a) Là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài có giấy phép lao động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Có văn bằng đào tạo trình độ từ đại học trở lên, chuyên ngành đào tạo phù hợp với nhiệm vụ được giao. Các văn bằng này được các cơ sở đào tạo của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp theo quy định của pháp luật;
c) Có quyết định tuyển dụng hoặc có hợp đồng lao động với tổ chức theo quy định của pháp luật. Trường hợp hợp đồng lao động là loại xác định thời hạn thì tại thời điểm lập hồ sơ chứng minh năng lực hành nghề trong lĩnh vực tài nguyên nước, thời hạn hiệu lực của hợp đồng lao động phải còn ít nhất 06 tháng.
4. Có máy móc, thiết bị chuyên dùng đáp ứng quy định tại Điều 10 của Nghị định này. Trường hợp máy móc, thiết bị không thuộc sở hữu của tổ chức thì phải có hợp đồng thuê với tổ chức, cá nhân khác.
5. Trường hợp hạng mục công việc của đề án, dự án, báo cáo có yêu cầu điều kiện khi thực hiện thì tổ chức phải đáp ứng các điều kiện đó hoặc có hợp đồng liên doanh, liên kết hoặc hợp đồngthuê với tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện để thực hiện.
Điều 6. Điều kiện đối với đội ngũ cán bộ chuyên môn của tổ chức tham gia thực hiện đề án, dự án điều tra cơ bản, tư vấn lập quy hoạch tài nguyên nước
1. Đối với tổ chức thực hiện đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước:
a) Cơ cấu chuyên môn: Có ít nhất 05 cán bộ được đào tạo các chuyên ngành liên quan đến nước mặt, nước biển (thủy văn, hải văn, thủy văn công trình, thủy văn môi trường, kỹ thuật tài nguyên nước), nước dưới đất (địa chất, địa chất thủy văn, địa chất công trình, khoan thăm dò, địa vật lý, địa kỹ thuật), môi trường (khoa học môi trường, công nghệ môi trường, kỹ thuật môi trường, quản lý môi trường), quản lý tài nguyên nước hoặc các chuyên ngành đào tạo khác có liên quan đến tài nguyên nước. Cơ cấu cán bộ chuyên môn phải phù hợp với nội dung cụ thể của từng đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước;
b) Kinh nghiệm công tác: Có ít nhất 03 năm kinh nghiệm liên quan đến hoạt động điều tra cơ bản, quy hoạch tài nguyên nước hoặc đã trực tiếp tham gia thực hiện ít nhất 02 đề án, dự án điều tra cơ bản, lập quy hoạch tài nguyên nước.
2. Đối với tổ chức thực hiện dự án lập quy hoạch tài nguyên nước:
a) Cơ cấu chuyên môn: Có ít nhất 07 cán bộ được đào tạo các chuyên ngành liên quan đến nước mặt, nước biển (thủy văn, hải văn, thủy văn công trình, thủy văn môi trường, kỹ thuật tài nguyên nước), nước dưới đất (địa chất, địa chất thủy văn, địa chất công trình, khoan thăm dò, địa vật lý, địa kỹ thuật), môi trường (khoa học môi trường, công nghệ môi trường, kỹ thuật môi trường, quản lý môi trường), quản lý tài nguyên nước hoặc các chuyên ngành đào tạo khác có liên quan đến tài nguyên nước. Cơ cấu cán bộ chuyên môn phải phù hợp với nội dung cụ thể của từng dự án lập quy hoạch tài nguyên nước;
b) Kinh nghiệm công tác: Có ít nhất 04 năm kinh nghiệm liên quan đến hoạt động điều tra cơ bản, lập quy hoạch tài nguyên nước hoặc đã trực tiếp tham gia thực hiện ít nhất 03 đề án, dự án điều tra cơ bản, lập quy hoạch tài nguyên nước.
Điều 7. Điều kiện đối với người phụ trách kỹ thuật của đề án, dự án điều tra cơ bản, lập quy hoạch tài nguyên nước
1. Đối với đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước:
a) Chuyên ngành đào tạo: Được đào tạo một trong các chuyên ngành về thủy văn, hải văn, địa chất thủy văn, kỹ thuật môi trường, kỹ thuật tài nguyên nước;
b) Kinh nghiệm công tác: Có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước, lập quy hoạch tài nguyên nước hoặc đã tham gia thực hiện ít nhất 03 đề án, dự án điều tra cơ bản, lập quy hoạch tài nguyên nước;
c) Cùng một thời điểm, chỉ đảm nhận phụ trách kỹ thuật tối đa không quá 03 đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước.
2. Đối với dự án lập quy hoạch tài nguyên nước:
a) Chuyên ngành đào tạo: Được đào tạo một trong các chuyên ngành về thủy văn, địa chất thủy văn, kỹ thuật môi trường, kỹ thuật tài nguyên nước;
b) Kinh nghiệm công tác: Có ít nhất 07 năm kinh nghiệm trong hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước, lập quy hoạch tài nguyên nước hoặc đã tham gia thực hiện ít nhất 05 đề án, dự án điều tra cơ bản, lập quy hoạch tài nguyên nước;
c) Cùng một thời điểm, chỉ đảm nhận phụ trách kỹ thuật tối đa không quá 02 dự án lập quy hoạch tài nguyên nước.
Điều 8. Điều kiện đối với đội ngũ cán bộ chuyên môn của tổ chức lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước
1. Số lượng cán bộ chuyên môn:
a) Đối với đề án, báo cáo thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Có ít nhất 03 cán bộ được đào tạo các chuyên ngành quy định tại khoản 2 của Điều này;
b) Đối với đề án, báo cáo thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Có ít nhất 02 cán bộ được đào tạo các chuyên ngành phù hợp với quy định tại khoản 2 của Điều này.
2. Chuyên ngành đào tạo:
a) Đối với đề án, báo cáo khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển: Bao gồm các chuyên ngành đào tạo liên quan đến nước mặt, nước biển (thủy văn, hải văn, thủy văn công trình, thủy văn môi trường, kỹ thuật tài nguyên nước);
b) Đối với đề án, báo cáo thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất: Bao gồm các chuyên ngành đào tạo liên quan đến nước dưới đất (địa chất, địa chất thủy văn, địa chất công trình, khoan thăm dò, địa vật lý, địa kỹ thuật);
c) Đối với đề án, báo cáo xả nước thải vào nguồn nước: Bao gồm các chuyên ngành đào tạo liên quan đến môi trường (khoa học môi trường, công nghệ môi trường, kỹ thuật môi trường, quản lý môi trường).
3. Kinh nghiệm công tác:
a) Đối với đề án, báo cáo thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Có ít nhất 03 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài nguyên nước, môi trường hoặc đã trực tiếp tham gia lập ít nhất 03 đề án, báo cáo. Trong đó, người phụ trách kỹ thuật của đề án, báo cáo phải có ít nhất 05 năm kinh nghiệm hoặc đã trực tiếp tham gia lập ít nhất 05 đề án, báo cáo;
b) Đối với đề án, báo cáo thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Có ít nhất 02 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài nguyên nước, môi trường hoặc đã trực tiếp tham gia lập ít nhất 01 đề án, báo cáo. Trong đó, người phụ trách kỹ thuật của đề án, báo cáo phải có ít nhất 03 năm kinh nghiệm hoặc đã trực tiếp tham gia lập ít nhất 03 đề án, báo cáo.
4. Cùng một thời điểm, người phụ trách kỹ thuật của đề án, báo cáo chỉ đảm nhận phụ trách kỹ thuật tối đa không quá 03 đề án, báo cáo.
Điều 9. Điều kiện đối với cá nhân tư vấn độc lập thực hiện việc lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước
Đối với cá nhân tư vấn độc lập thực hiện việc lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước phải đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định này và các điều kiện sau đây:
1. Chuyên ngành đào tạo phải phù hợp với loại đề án, báo cáo theo quy định tại khoản 2 Điều 8 của Nghị định này.
2. Kinh nghiệm công tác:
a) Đối với việc lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường phải có ít nhất 15 năm kinh nghiệm và đã là người phụ trách kỹ thuật của ít nhất 07 đề án, báo cáo;
b) Đối với việc lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Có ít nhất 08 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài nguyên nước và đã là người phụ trách kỹ thuật của ít nhất 05 đề án, báo cáo.
3. Cùng một thời điểm, cá nhân tư vấn độc lập chỉ được nhận tư vấn lập 01 đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước.
Điều 10. Điều kiện về máy móc, thiết bị chuyên dùng
1. Máy móc, thiết bị chuyên dùng hiện có hoặc đi thuê phải đảm bảo số lượng, chất lượng, tính năng kỹ thuật phù hợp với nội dung hạng mục công việc.
2. Trường hợp máy móc, thiết bị yêu cầu phải có kiểm định chất lượng theo quy định thì phải cógiấy chứng nhận kiểm định chất lượng do cơ quan có thẩm quyền cấp.
3. Trường hợp đề án, dự án có hạng mục thi công công trình khoan nước dưới đất thì máy khoan, thiết bị thi công khoan phải đáp ứng yêu cầu đối với quy mô hành nghề và an toàn lao động theo quy định.
Điều 11. Hồ sơ năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện đề án, dự án, báo cáo trong lĩnh vực tài nguyên nước
1. Tổ chức, cá nhân hành nghề khi thực hiện đề án, dự án điều tra cơ bản, tư vấn lập quy hoạch, lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước phải có hồ sơ chứng minh năng lực đáp ứng các quy định của Nghị định này.
2. Hồ sơ năng lực đối với trường hợp là tổ chức hành nghề trong lĩnh vực tài nguyên nước:
a) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao có kèm bản chính để đối chiếu các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 5 và các giấy tờ, tài liệu, hợp đồng để chứng minh việc đáp ứng yêu cầu đối với các hạng mục công việc có quy định điều kiện khi thực hiện (nếu có) theo quy định tại khoản 5 Điều 5 của Nghị định này;
b) Danh sách đội ngũ cán bộ chuyên môn, người được giao phụ trách kỹ thuật; bản sao có chứng thực hoặc bản sao có kèm bản chính để đối chiếu giấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu, văn bằng đào tạo, giấy phép hành nghề (nếu có), hợp đồng lao động hoặc quyết định tuyển dụng; các tài liệu, giấy tờ để chứng minh kinh nghiệm công tác của từng cá nhân đáp ứng yêu cầu quy định tại các Điều 6, 7 và Điều 8 của Nghị định này;
c) Danh mục máy móc, thiết bị chuyên dùng được sử dụng để thực hiện đề án, dự án và tài liệu chứng minh việc đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 10 của Nghị định này.
3. Hồ sơ năng lực đối với trường hợp là cá nhân tư vấn độc lập thực hiện việc lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước:
a) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao có kèm bản chính để đối chiếu giấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu, văn bằng đào tạo;
b) Các tài liệu, giấy tờ để chứng minh kinh nghiệm công tác của cá nhân đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 9 của Nghị định này.
4. Tổ chức, cá nhân hành nghề phải nộp hồ sơ năng lực cho cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu hoặc tổ chức cá nhân thuê lập đề án, báo cáo để làm căn cứ lựa chọn tổ chức, cá nhân đủ điều kiện về năng lực thực hiện đề án, dự án, báo cáo.
Chương III
ĐIỀU KIỆN CỦA TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ THĂM DÒ KHOÁNG SẢN
Điều 12. Tổ chức hành nghề thăm dò khoáng sản
Tổ chức hành nghề thăm dò khoáng sản khi hợp đồng thi công đề án thăm dò khoáng sản với tổ chức, cá nhân có giấy phép thăm dò khoáng sản phải đáp ứng quy định tại Điều 35 Luật khoáng sản và các quy định tại Nghị định này, gồm:
1. Doanh nghiệp thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp.
2. Tổ chức khoa học và công nghệ thành lập theo quy định của Luật khoa học và công nghệ.
3. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập theo quy định của Luật hợp tác xã.
4. Tổ chức sự nghiệp chuyên ngành địa chất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập có chức năng, nhiệm vụ thăm dò khoáng sản.
Điều 13. Hồ sơ hành nghề thăm dò khoáng sản
1. Tổ chức hành nghề thăm dò khoáng sản quy định tại Điều 12 Nghị định này khi thi công đề án thăm dò khoáng sản phải có hồ sơ hành nghề thăm dò khoáng sản, gồm:
a) Bản sao có chứng thực quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận hoạt động khoa học và công nghệ hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cơ quan có thẩm quyền cấp;
b) Hợp đồng thi công đề án thăm dò khoáng sản với tổ chức, cá nhân được phép thăm dò khoáng sản, kèm theo giấy phép thăm dò khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền cấp;
c) Danh sách cán bộ, công nhân tham gia thi công đề án thăm dò khoáng sản; các hợp đồng lao động (hoặc văn bản tương đương) của người phụ trách kỹ thuật và công nhân kỹ thuật tham gia trực tiếp thi công đề án theo quy định;
d) Tài liệu của các cá nhân tham gia thi công đề án thăm dò khoáng sản (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu) gồm: Quyết định giao nhiệm vụ cho người phụ trách kỹ thuật (sau đây được gọi là chủ nhiệm đề án thăm dò khoáng sản) kèm theo văn bằng chứng chỉ ngành nghề, lý lịch khoa học của chủ nhiệm đề án; hợp đồng lao động hoặc quyết định tuyển dụng; quyết định bổ nhiệm chức danh hoặc giao nhiệm vụ; văn bằng chứng chỉ ngành nghề phù hợp với nhiệm vụ giao; bản sao chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu;
đ) Danh mục các thiết bị, công cụ chuyên dùng để thi công công trình thăm dò khoáng sản phù hợp với đề án thăm dò khoáng sản.
2. Trường hợp đề án thăm dò khoáng sản do tổ chức có giấy phép thăm dò khoáng sản trực tiếp thi công thì phải có hồ sơ đáp ứng yêu cầu quy định tại các điểm c, d và điểm đ khoản 1 Điều này.
3. Hồ sơ hành nghề thăm dò khoáng sản quy định tại khoản 1 Điều này được quản lý, lưu giữ tại tổ chức, cá nhân có giấy phép thăm dò khoáng sản và tổ chức hành nghề thăm dò khoáng sản.
Điều 14. Điều kiện đối với chủ nhiệm đề án thăm dò khoáng sản
1. Chủ nhiệm đề án thăm dò khoáng sản phải đáp ứng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35 Luật khoáng sản và các quy định sau đây:
a) Là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài có giấy phép lao động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Có văn bằng đào tạo trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành địa chất thăm dò khoáng sản hoặc tương đương; đối với đề án thăm dò nước khoáng, nước nóng là chuyên ngành địa chất thủy văn - địa chất công trình;
c) Có kinh nghiệm tham gia thi công đề án điều tra địa chất, thăm dò khoáng sản tối thiểu 05 năm; có chứng chỉ chủ nhiệm đề án thăm dò khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp;
d) Chủ nhiệm đề án thăm dò khoáng sản thực hiện nhiệm vụ thi công đề án thăm dò phải đáp ứng các điều kiện về thời gian kinh nghiệm theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35 Luật khoáng sản và đối với đề án thăm dò khoáng sản độc hại, phải có thời gian tham gia thi công với tư cách là cán bộ kỹ thuật địa chất ít nhất 01 đề án thăm dò khoáng sản độc hại; đối với các đề án thăm dò khoáng sản khác, phải có thời gian tham gia thi công với tư cách là cán bộ kỹ thuật địa chất ít nhất 01 đề án thăm dò.
2. Chủ nhiệm đề án thăm dò khoáng sản chỉ thực hiện chức trách khi có quyết định giao nhiệm vụ của tổ chức được phép thăm dò khoáng sản hoặc tổ chức hành nghề thăm dò khoáng sản.
3. Trong cùng một thời gian, chủ nhiệm đề án thăm dò khoáng sản chỉ đảm nhận chức trách tối đa 02 đề án thăm dò khoáng sản. Khi lập báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản, chủ nhiệm đề án thăm dò khoáng sản phải có thời gian chỉ đạo thi công ít nhất bằng 25% thời gian thi công đề án thăm dò được quy định trong giấy phép thăm dò khoáng sản.
Điều 15. Điều kiện đối với đội ngũ công nhân kỹ thuật thực hiện đề án thăm dò khoáng sản
1. Đội ngũ công nhân kỹ thuật theo các chuyên ngành trắc địa, địa chất, địa chất thủy văn, địa chất công trình, địa vật lý, thi công công trình (khai đào, khoan) và các chuyên ngành khác có liên quan phải đáp ứng yêu cầu phù hợp về số lượng theo đề án thăm dò khoáng sản đã được thẩm định khi cấp giấy phép thăm dò khoáng sản.
2. Các nhóm công nhân kỹ thuật theo các chuyên ngành khi thi công phải cử người phụ trách đáp ứng yêu cầu chuyên môn và thời gian kinh nghiệm như sau:
a) Đối với đề án thăm dò khoáng sản độc hại, phải có thời gian công tác tối thiểu 05 năm đối vớingười có trình độ trung cấp nghề hoặc 03 năm đối với người có trình độ đại học; trong đó, có ít nhất 01 năm tham gia thi công đề án điều tra địa chất hoặc thăm dò đối với khoáng sản độc hại;
b) Đối với các đề án thăm dò khoáng sản còn lại, phải có thời gian làm việc tối thiểu 03 năm đối với người có trình độ trung cấp nghề hoặc 02 năm đối với người có trình độ đại học.
Điều 16. Điều kiện về thiết bị, công cụ chuyên dùng thi công công trình thăm dò khoáng sản
1. Thiết bị, công cụ chuyên dùng để thi công công trình thăm dò khoáng sản phải đảm bảo số lượng, chất lượng, tính năng kỹ thuật đáp ứng với hạng mục, công việc trong đề án thăm dò đã được thẩm định khi cấp giấy phép thăm dò khoáng sản.
2. Thăm dò khoáng sản phóng xạ, đất hiếm phải có thiết bị, công cụ chuyên dụng và đội ngũ cán bộ kỹ thuật vận hành đáp ứng các yêu cầu về an toàn phóng xạ theo quy định của pháp luật về an toàn bức xạ hạt nhân.
Chương IV
ĐIỀU KIỆN ĐẦU TƯ KINH DOANH TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Mục 1. ĐIỀU KIỆN KINH DOANH CHẾ PHẨM SINH HỌC TRONG XỬ LÝ CHẤT THẢI
Điều 17. Điều kiện kinh doanh chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải
1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh, nhập khẩu chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải (sau đây viết tắt là chế phẩm sinh học) phải được cấp giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học do Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp theo quy định tại Nghị định này.
2. Chế phẩm sinh học đã được cấp giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học nhưng có thay đổi về thành phần hoặc hàm lượng các hoạt chất trong chế phẩm sinh học làm ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý và tính an toàn đối với sức khỏe con người và sinh vật thì phải đăng ký cấp lại giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học theo quy định tại Điều 20 Nghị định này.
Điều 18. Giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học
Giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải quy định rõ các nội dung:
1. Tên chế phẩm sinh học đăng ký.
2. Số lượng chế phẩm sinh học được phép lưu hành.
3. Thành phần các hoạt chất, vi sinh vật (tên khoa học, nồng độ, mật độ) trong chế phẩm.
4. Cơ sở sản xuất (tên cơ sở, địa chỉ, số điện thoại liên hệ).
5. Cơ sở đăng ký (tên cơ sở, địa chỉ, số điện thoại liên hệ).
6. Phương pháp sử dụng, thời hạn sử dụng chế phẩm sinh học.
7. Quy cách đóng gói chế phẩm sinh học.
Điều 19. Hồ sơ đăng ký lưu hành chế phẩm sinh học
1. Văn bản đề nghị đăng ký lưu hành chế phẩm sinh học theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Bản sao Giấy đăng ký doanh nghiệp (nếu có).
3. Quy trình sản xuất chế phẩm sinh học.
4. Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu (trường hợp tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp) phiếu kết quả kiểm nghiệm hoặc phân tích chất lượng chế phẩm sinh học của đơn vị có chức năng kiểm định trong nước hoặc nước ngoài.
5. Bản giới thiệu chế phẩm sinh học theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
6. Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu (trường hợp tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp) biên bản đánh giá của Hội đồng khoa học cấp quản lý đối với những chế phẩm sinh học là kết quả đề tài nghiên cứu khoa học (nếu có).
7. Kết quả khảo nghiệm chế phẩm sinh học (nếu có).
8. Nhãn, hình thức bao gói chính thức đề nghị lưu hành kèm theo tờ hướng dẫn bảo quản, sử dụng chế phẩm sinh học và những cảnh báo rủi ro đối với sức khỏe con người và sinh vật.
9. Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu (trường hợp tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp) văn bằng bảo hộ sáng chế hoặc bản cam kết không vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ đối với các chế phẩm sản xuất trong nước đề nghị đăng ký lưu hành.
10. Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu (trường hợp tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp) giấy phép lưu hành chế phẩm sinh học do cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất cấp đối với chế phẩm sinh học nhập khẩu.
11. Kế hoạch khảo nghiệm chi tiết, bao gồm các nội dung chủ yếu sau: nội dung khảo nghiệm, thời gian, địa điểm và cơ quan khảo nghiệm đối với chế phẩm sinh học chưa có kết quả khảo nghiệm được công nhận.
Điều 20. Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học
1. Tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 17 Nghị định này lập 07 bộ hồ sơ đăng ký lưu hành chế phẩm sinh học theo quy định tại Điều 19 Nghị định này gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Tổng cục Môi trường để tổ chức xem xét, đánh giá, cấp giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Tổng cục Môi trường có trách nhiệm xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đăng ký để chỉnh sửa, bổ sung.
3. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ,đối với các chế phẩm sinh học chưa có kết quả khảo nghiệm, Tổng cục Môi trường thông báo bằng văn bản về chương trình giám sát, kiểm tra theo các nội dung của kế hoạch khảo nghiệm chi tiết của tổ chức, cá nhân đăng ký lưu hành chế phẩm sinh học.
4. Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, theo quy định tại khoản 2 Điều này hoặc kết quả khảo nghiệm chế phẩm quy định tại khoản 3 Điều này, Tổng cục Môi trường thành lập, tổ chức họp Hội đồng khoa học chuyên ngành đánh giá hồ sơ đăng ký lưu hành chế phẩm sinh học (sau đây gọi tắt là Hội đồng).
5. Cấp giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học
a) Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày Hội đồng thông qua kết quả và không phải chỉnh sửa, bổ sung, Tổng cục Môi trường xem xét, quyết định cấp giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học;
b) Trường hợp Hội đồng thông qua có chỉnh sửa, bổ sung, Tổng cục Môi trường thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân để hoàn thiện hồ sơ. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hoàn thiện của tổ chức, cá nhân, Tổng cục Môi trường xem xét, quyết định cấp giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học;
c) Trường hợp Hội đồng không thông qua, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc họp Hội đồng, Tổng cục Môi trường thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đăng ký lưu hành chế phẩm sinh học biết và nêu rõ lý do.
6. Đối với các chế phẩm sinh học đã được cấp Giấy chứng nhận lưu hành, tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp tục kinh doanh, nhập khẩu chế phẩm sinh học có trách nhiệm thông báo về tên và số lượng chế phẩm sinh học với Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường trước thời gian lưu hành ít nhất 15 ngày làm việc. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của tổ chức, cá nhân, Tổng cục Môi trường có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân. Tổ chức, cá nhân chỉ được phép lưu hành khi có sự chấp thuận của Tổng cục Môi trường.
Điều 21. Thu hồi giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học
1. Giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học bị thu hồi trong các trường hợp sau:
a) Giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học được cấp không đúng quy định;
b) Thay đổi thành phần chế phẩm sinh học;
c) Có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chế phẩm sinh học đã đăng ký lưu hành.
2. Tổ chức, cá nhân bị thu hồi giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học có trách nhiệm thu hồi và xử lý chế phẩm sinh học đã được sản xuất, nhập khẩu và đang lưu hành theo quy định của pháp luật.
3. Khi giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học bị thu hồi, Tổng cục Môi trường có trách nhiệm đưa chế phẩm sinh học này ra khỏi Danh mục chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải tại Việt Nam và đăng tải trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Môi trường và trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Điều 22. Cơ sở khảo nghiệm chế phẩm sinh học
1. Cơ sở khảo nghiệm là tổ chức có chức năng nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sinh học hoặc công nghệ môi trường (theo quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ của cơ quan có thẩm quyền) có đủ trang thiết bị, nguyên vật liệu và nhân lực triển khai ứng dụng tại hiện trường theo hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học.
2. Tổ chức, cá nhân đề nghị đăng ký lưu hành chế phẩm sinh học được lựa chọn cơ quan, địa điểm để khảo nghiệm và phải trả chi phí thực hiện khảo nghiệm theo hợp đồng thỏa thuận.
3. Cơ sở khảo nghiệm tự lựa chọn cơ quan phối hợp trong quá trình khảo nghiệm; có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ kết quả ít nhất là 60 tháng sau khi kết thúc khảo nghiệm.
Điều 23. Nội dung, phương pháp, báo cáo kết quả khảo nghiệm chế phẩm sinh học
1. Nội dung khảo nghiệm cho từng loại chế phẩm sinh học bao gồm:
a) Thành phần, chất lượng chế phẩm sinh học theo tiêu chuẩn công bố;
b) Hiệu quả sử dụng chế phẩm theo hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học;
c) Tính an toàn đối với sức khỏe con người và sinh vật trong quá trình sử dụng chế phẩm sinh học.
2. Phương pháp khảo nghiệm được thực hiện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan hoặc phương pháp khác bảo đảm tính khách quan, khoa học.
3. Báo cáo kết quả khảo nghiệm chế phẩm của cơ sở khảo nghiệm phải đầy đủ các nội dung sau:
a) Tên cơ sở khảo nghiệm và tên tổ chức, cá nhân yêu cầu khảo nghiệm;
b) Tên chế phẩm sinh học khảo nghiệm kèm theo hồ sơ về thành phần, hiệu quả, cách bảo quản, sử dụng, nhãn mác, bao bì;
c) Tình trạng chế phẩm sinh học trước khi khảo nghiệm;
d) Nội dung yêu cầu khảo nghiệm;
đ) Địa điểm, thời gian, quy mô và phương pháp khảo nghiệm;
e) Kết quả khảo nghiệm, kết luận và kiến nghị.
Điều 24. Giám sát, kiểm tra khảo nghiệm chế phẩm sinh học
1. Tổng cục Môi trường có trách nhiệm giám sát, kiểm tra hoặc ủy quyền Chi cục Bảo vệ môi trường địa phương thực hiện việc giám sát, kiểm tra việc khảo nghiệm sử dụng chế phẩm sinh học theo văn bản thông báo quy định tại khoản 3 Điều 20 Nghị định này.
2. Đoàn giám sát, kiểm tra gồm đại diện của Tổng cục Môi trường hoặc Chi cục Bảo vệ môi trường địa phương và các chuyên gia chuyên ngành công nghệ sinh học.
3. Kết quả giám sát, kiểm tra phải được lập bằng văn bản cùng các ý kiến thảo luận, kiến nghị với sự có mặt và xác nhận của các thành viên đoàn kiểm tra, đại diện cơ quan khảo nghiệm chế phẩm sinh học.
Điều 25. Danh mục chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải tại Việt Nam
1. Chế phẩm sinh học được cấp giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học phải lập thành danh mục chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải tại Việt Nam và đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường và trang thông tin điện tử của Tổng cục Môi trường.
2. Định kỳ 06 tháng một lần, Tổng cục Môi trường có trách nhiệm rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải tại Việt Nam.
Mục 2. ĐIỀU KIỆN KINH DOANH VẬN CHUYỂN HÀNG NGUY HIỂM LÀ CÁC CHẤT ĐỘC HẠI, CHẤT LÂY NHIỄM
Điều 26. Yêu cầu về Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm
1. Tổ chức, cá nhân phải có giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm trong các trường hợp sau:
a) Khi vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ với khối lượng bằng hoặc vượt ngưỡng khối lượng phải cấp phép vận chuyển theo quy định tại cột 6 Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Khi vận chuyển từng loại hàng nguy hiểm có khối lượng không vượt ngưỡng khối lượng phải cấp phép vận chuyển theo quy định tại cột 6 Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này, nhưng tổng khối lượng của các chất độc hại, chất lây nhiễm vận chuyển trên cùng một phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lớn hơn 01 tấn/chuyến (không tính khối lượng bao bì).
2. Tổ chức, cá nhân phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định này, không cần có giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm trong các trường hợp sau:
a) Khi vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ với khối lượng dưới ngưỡng khối lượng phải cấp phép vận chuyển theo quy định tại cột 6 Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này, nhưng phải có kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường trong vận chuyển hàng nguy hiểm (theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này) và phải tuân theo các điều kiện vận chuyển quy định tại các Điều 27, 28 và Điều 29 Nghị định này;
b) Khi vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm bằng phương tiện giao thông đường thủy nội địa hoặc đường sắt, nhưng phải tuân theo các quy định tương ứng tại Nghị định số 29/2005/NĐ-CP hoặc Nghị định số
14/2015/NĐ-CP và phải tuân theo các điều kiện vận chuyển quy định tại các Điều 27, 28 và Điều 29 Nghị định này.
Điều 27. Điều kiện về đóng gói, bao bì, vật chứa, ghi nhãn và biểu trưng, báo hiệu nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm
1. Yêu cầu về đóng gói, bao bì, vật chứa hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm:
a) Việc đóng gói hàng nguy hiểm và sử dụng các loại vật liệu dùng để làm bao bì, vật chứa hàng nguy hiểm phải đáp ứng các quy định của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5507:2002 - Hóa chất nguy hiểm - Quy phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển (sau đây gọi tắt là TCVN 5507:2002) hoặc các văn bản thay thế và phù hợp với các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng với loại hàng hóa đó (nếu có);
b) Bao bì, vật chứa hàng nguy hiểm có khả năng chống được sự ăn mòn, không bị hoen gỉ, không phản ứng hóa học với chất chứa bên trong; có khả năng chống thấm, kín và chắc chắn để đảm bảo không rò rỉ khi vận chuyển trong điều kiện bình thường và hạn chế tối đa sự rò rỉ hàng nguy hiểm ra môi trường trong trường hợp xảy ra sự cố;
c) Trong trường hợp tổ chức, cá nhân vận chuyển sử dụng bao bì, vật chứa để tự đóng gói hàng nguy hiểm thì phải thực hiện thử nghiệm và chịu trách nhiệm về kết quả thử nghiệm bao bì, vật chứa đó trước khi sử dụng để tránh rơi lọt hoặc rò rỉ khi vận chuyển;
b) Bao bì, vật chứa hàng nguy hiểm sau khi sử dụng phải được bảo quản riêng đáp ứng các quy định của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5507:2002.
2. Yêu cầu về ghi nhãn:
Việc ghi nhãn hàng nguy hiểm được thực hiện theo quy định về nhãn hàng hóa, ghi nhãn hóa chất.
3. Yêu cầu về biểu trưng, báo hiệu nguy hiểm:
a) Bên ngoài bao bì, vật chứa hàng nguy hiểm phải dán biểu trưng nguy hiểm và báo hiệu nguy hiểm;
b) Phương tiện vận chuyển phải dán biểu trưng nguy hiểm của loại, nhóm hàng vận chuyển. Nếu cùng một phương tiện vận chuyển nhiều loại hàng nguy hiểm khác nhau tại một thời điểm thì trên phương tiện phải dán đủ các biểu trưng nguy hiểm của các loại hàng đó. Vị trí dán biểu trưng ởhai bên thành và phía sau phương tiện, có độ bền đủ chịu được tác động của thời tiết và các tác động thông thường khi bốc, xếp, vận chuyển. Không được có biểu trưng, báo hiệu nguy hiểm trên phương tiện vận chuyển nếu không vận chuyển hàng nguy hiểm;
c) Biểu trưng nguy hiểm và báo hiệu nguy hiểm của loại, nhóm hàng vận chuyển thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 29/2005/NĐ-CP, Điều 24 Nghị định số 14/2015/NĐ-CP hoặc Điều 9 Nghị định số 104/2009/NĐ-CP;
d) Đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt vận chuyển hàng rời với khối lượng bằng hoặc vượt ngưỡng khối lượng phải cấp phép vận chuyển theo quy định tại cột 6 Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này, ngoài biểu trưng và báo hiệu nguy hiểm phải có bảng thông tin khẩn cấp đặt tại cuối phương tiện vận chuyển, mép dưới của bảng thông tin khẩn cấp phải cách mặt đất ít nhất 450 mm.
4. Yêu cầu về xếp, dỡ và lưu kho bãi hàng nguy hiểm:
a) Tổ chức, cá nhân có liên quan phải tuân thủ đúng chỉ dẫn về bảo quản, xếp, dỡ và lưu kho bãi từng loại hàng nguy hiểm phù hợp với các quy định của tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5507:2002hoặc trong thông báo của chủ hàng nguy hiểm, chủ phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm;
b) Việc xếp, dỡ và lưu kho bãi hàng nguy hiểm được thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 29/2005/NĐ-CP, Điều 29 Nghị định số 14/2015/NĐ-CP hoặc Điều 12 Nghị định số104/2009/NĐ-CP.
5. Hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm được vận chuyển phải kèm phiếu an toàn hóa chất theo quy định hiện hành.
Điều 28. Điều kiện đối với các phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm
Các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm phải đáp ứng các điều kiện tương ứng với loại phương tiện quy định tại Điều 13 Nghị định số 104/2009/NĐ-CP, Điều 30 Nghị định số14/2015/NĐ-CP, Điều 10 Nghị định số 29/2005/NĐ-CP và các điều kiện sau:
1. Không vận chuyển hàng nguy hiểm cùng với hành khách, vật nuôi, lương thực, thực phẩm hoặc vận chuyển hàng nguy hiểm có khả năng phản ứng với nhau gây cháy, nổ hoặc tạo ra các chất mới độc hại đối với môi trường và sức khỏe con người trên cùng một phương tiện.
2. Có trang thiết bị che, phủ kín toàn bộ khoang chở hàng. Trang thiết bị che phủ phải phù hợp với yêu cầu chống thấm, chống cháy, không bị phá hủy khi tiếp xúc với loại hàng được vận chuyển; chịu được sự va đập và đảm bảo an toàn, hạn chế sự rò rỉ các chất độc hại và lây nhiễm ra môi trường trong trường hợp xảy ra sự cố.
3. Đảm bảo đầy đủ thiết bị, vật liệu ứng phó sự cố trong quá trình vận chuyển như đã mô tả trong kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường trong vận chuyển hàng nguy hiểm theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.
4. Đáp ứng các quy phạm, quy chuẩn, tiêu chuẩn về vận chuyển hóa chất nguy hiểm hoặc hàng nguy hiểm, các điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật và thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định của pháp luật.
5. Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khi vận chuyển hàng nguy hiểm phải có ca bin đủ chỗ cho ít nhất 02 người ngồi, gồm 01 người điều khiển phương tiện vận chuyển và 01 người áp tải hàng nguy hiểm.
Điều 29. Điều kiện đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển và người áp tải hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm
1. Người điều khiển phương tiện vận chuyển phải có giấy phép điều khiển phương tiện còn hiệu lực, phù hợp với loại phương tiện ghi trong giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm.
2. Người điều khiển phương tiện vận chuyển và người áp tải hàng nguy hiểm phải đáp ứng một trong các điều kiện sau:
a) Được huấn luyện và được cấp giấy chứng nhận huấn luyện về vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp;
b) Được huấn luyện và được cấp giấy chứng nhận huấn luyện về an toàn hóa chất hoặc vận chuyển hàng nguy hiểm khác còn hiệu lực do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;
c) Tốt nghiệp từ trung cấp trở lên chuyên ngành hóa chất.
Điều 30. Thuê vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm
Trong trường hợp chủ hàng nguy hiểm thuê chủ phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm thực hiện việc vận chuyển hàng nguy hiểm phải tuân thủ các quy định sau:
1. Đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ:
a) Đối với hàng nguy hiểm chủ hàng phải có hợp đồng kinh tế hoặc thỏa thuận bằng văn bản về việc vận chuyển với chủ phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm có giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm phù hợp với loại hàng cần vận chuyển;
b) Trường hợp chủ phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm không có giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm phù hợp với loại hàng cần vận chuyển, chủ hàng nguy hiểm phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện vận chuyển theo quy định tại các Điều 27, 28 và Điều 29 Nghị định này và nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo từng chuyến hàng theo quy định.
2. Đối với phương tiện giao thông đường thủy nội địa và đường sắt:
Đối với hàng nguy hiểm chủ hàng phải có hợp đồng kinh tế hoặc thỏa thuận bằng văn bản về việc vận chuyển với chủ phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm, trong đó có điều khoản quy định chủ phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm phải đáp ứng điều kiện về việc vận chuyển an toàn và bảo vệ môi trường phù hợp với loại hàng cần vận chuyển tương ứng theo quy định tại Điều 27, khoản 1, 2, 3 và khoản 4 Điều 28 và Điều 29 Nghị định này.
3. Việc thuê vận chuyển hàng nguy hiểm phải phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Mục 3. ĐIỀU KIỆN CẤP PHÉP XỬ LÝ CHẤT THẢI NGUY HẠI
Điều 31. Điều kiện cấp phép xử lý chất thải nguy hại
Tổ chức, cá nhân đăng ký cấp giấy phép xử lý CTNH phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 9 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu và các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý liên quan đến điều kiện cấp phép xử lý CTNH gồm:
1. Các phương tiện, thiết bị lưu giữ, vận chuyển và xử lý CTNH (kể cả sơ chế, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng từ CTNH) phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Phương tiện vận chuyển CTNH phải có hệ thống định vị vệ tinh (GPS) được kết nối mạng thông tin trực tuyến để xác định vị trí và ghi lại hành trình vận chuyển CTNH.
3. Một phương tiện, thiết bị chỉ được đăng ký cho một giấy phép xử lý CTNH, trừ các phương tiện vận chuyển đường biển, đường sắt, đường hàng không.
4. Công trình bảo vệ môi trường tại cơ sở xử lý CTNH và trạm trung chuyển CTNH (nếu có) phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.
5. Tổ chức, cá nhân đăng ký cấp phép xử lý CTNH phải xây dựng đầy đủ các nội dung về quy trình vận hành an toàn các hệ thống, phương tiện, thiết bị; các kế hoạch về kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường, an toàn lao động và bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa và ứng phó sự cố, đào tạo, tập huấn định kỳ hàng năm, xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường khi chấm dứt hoạt động; chương trình giám sát môi trường, giám sát vận hành xử lý và đánh giá hiệu quả xử lý CTNH.
6. Tổ chức, cá nhân đăng ký cấp phép xử lý CTNH phải lập các bảng hướng dẫn dạng rút gọn hoặc dạng sơ đồ về quy trình vận hành an toàn quy định tại khoản 5 Điều này với kích thước phù hợp và lắp đặt tại vị trí thuận tiện để quan sát trên phương tiện vận chuyển, trong cơ sở xử lý và trạm trung chuyển CTNH (nếu có).
Chương V
TRÁCH NHIỆM THI HÀNH
Điều 32. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
2. Quy định chuyển tiếp
a) Tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng. Hồ sơ đề nghị cấp phép hành nghề khoan nước dưới đất được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì được xử lý theo quy định của pháp luật tại thời điểm tiếp nhận.
Tổ chức, cá nhân có quyết định phê duyệt, giao nhiệm vụ hoặc ký hợp đồng thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước, tư vấn lập quy hoạch tài nguyên nước, lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện;
b) Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép lưu hành chế phẩm sinh học trước ngày Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng trừ trường hợp bị thu hồi. Hồ sơ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận để giải quyết theo thủ tục hành chính về đăng ký lưu hành chế phẩm sinh học trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì được xử lý theo quy định của pháp luật tại thời điểm tiếp nhận;
c) Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm có thời hạn hiệu lực trước ngày Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng, trừ trường hợp bị thu hồi và cấp lại. Việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ đề nghị cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm trước ngày Nghị định này có hiệu lực được thực hiện theo quy định pháp luật tại thời điểm tiếp nhận.
Điều 33. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịchỦy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTN (3b).M
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|
PHỤ LỤC I
MẪU ĐĂNG KÝ KINH DOANH CHẾ PHẨM SINH HỌC TRONG XỬ LÝ CHẤT THẢI
(Kèm theo Nghị định số 60/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ)
TÊN TỔ CHỨC/CƠ SỞ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: ………….
|
……….., ngày ….. tháng ….. năm 20…….
|
ĐĂNG KÝ
LƯU HÀNH CHẾ PHẨM SINH HỌC TRONG XỬ LÝ CHẤT THẢI TẠI VIỆT NAM
Kính gửi: …………………………..
Căn cứ Nghị định ...../2016/NĐ-CP ngày ....tháng ....năm 2016 của Chính phủ quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường;
Tên tổ chức/cá nhân đăng ký: …………………………………………………………………
Người đại diện: ………………………………….. Chức vụ: ………………………………….
Địa chỉ: ……………………………………………………………………………………………
Số điện thoại: ………………………. Số Fax: ……………….. Địa chỉ E-mail: …………….
- Tên chế phẩm sinh học đăng ký lưu hành: …………………………………………………
- Tổ chức, cá nhân sản xuất: ……………………………………………………………………
- Địa điểm sản xuất: ………………………………………………………………………………
- Số lượng đề nghị được phép lưu hành: ………………………………………………………
- Điện thoại: ………………………………….. Số Fax: …………………………………………
- Hồ sơ đăng ký, bao gồm: ………………………………………………………………………
(Tên tổ chức, cá nhân:) ………………………. cam đoan thực hiện đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định của pháp luật khác có liên quan.
Đề nghị ………………………. xem xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành chế phẩm sinh học./.
Tài liệu gửi kèm theo:
|
ĐẠI DIỆN TỔ CHỨC, CƠ SỞ
CÁ NHÂN ĐĂNG KÝ
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu (nếu có))
|
PHỤ LỤC II
MẪU GIỚI THIỆU CHẾ PHẨM SINH HỌC TRONG XỬ LÝ CHẤT THẢI TẠI VIỆT NAM
(Kèm theo Nghị định số 60/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ)
TÊN TỔ CHỨC/CƠ SỞ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: ………….
|
……….., ngày ….. tháng ….. năm 20…….
|
GIỚI THIỆU
CHẾ PHẨM SINH HỌC TRONG XỬ LÝ CHẤT THẢI TẠI VIỆT NAM
1. Tên chế phẩm sinh học:
2. Mục đích sử dụng:
3. Dạng chế phẩm sinh học.
□ Vi sinh
□ Enzym
□ Chiết suất
4. Những đặc tính của chế phẩm sinh học:
a) Thành phần/Vi sinh 1/Đơn vị tính
Thành phần 1/Vi sinh 1: ....(mol/l, %, CFU/mg, CFU/ml…)…
Thành phần n/Vi sinh n: ....(mol/l, %, CFU/mg, CFU/ml...)
b) Đặc tính:
d) Hiệu quả:
d) Tính an toàn môi trường:
đ) Phương pháp bảo quản:
e) Hướng dẫn sử dụng:
g) Xuất xứ chủng gốc vi sinh vật đối với chế phẩm vi sinh vật:
5. Những lưu ý khác:
|
ĐẠI DIỆN TỔ CHỨC/CƠ SỞ CÁ NHÂN ĐĂNG KÝ
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu (nếu có))
|
PHỤ LỤC III
DANH MỤC HÀNG NGUY HIỂM LÀ CÁC CHẤT ĐỘC HẠI, CHẤT LÂY NHIỄM
(Kèm theo Nghị định số 60/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ)
STT
|
Tên hàng
|
Số UN
|
Loại, nhóm hàng
|
Sốhiệu nguy hiểm
|
Ngưỡng khối lượng phải có giấy phép vận chuyển bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ
|
(1)
|
(2)
|
(3)
|
(4)
|
(5)
|
(6)
|
1
|
Methyl bromide
|
1062
|
6.1
|
26
|
0,2 tấn/chuyến
|
2
|
Thuốc nhuộm, rắn, độc
|
1143
|
6.1
|
66
|
1 tấn/chuyến
|
3
|
Acetone cyanohydrin, được làm ổn định
|
1541
|
6.1
|
66
|
0,5 tấn/chuyến
|
4
|
Alkaloids hoặc muối alcaloids, chất rắn
|
1544
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
5
|
Alkaloids hoặc muối alcaloids, chất rắn
|
1544
|
6.1
|
66
|
1 tấn/chuyến
|
6
|
Ammonium arsenate
|
1546
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
7
|
Aniline
|
1547
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
8
|
Aniline hydrochloride
|
1548
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
9
|
Hợp chất Antimony, chất vô cơ, chất rắn
|
1549
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
10
|
Antimony Iactate
|
1550
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
11
|
Antimony potassium tartrate
|
1551
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
12
|
Arsenic acid, dạng lỏng
|
1553
|
6.1
|
66
|
0,1 tấn/chuyến
|
13
|
Arsenic acid, dạng rắn
|
1554
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
14
|
Arsenic bromide
|
1555
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
15
|
Hợp chất arsenic, dạng lỏng, chất vô cơ (bao gồm arsenates, arenites và arsenic sulphide)
|
1556
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
16
|
Hợp chất arsenic, dạng lỏng, chất vô cơ (bao gồm arsenates, arsenites và arsenic sulphide)
|
1556
|
6.1
|
66
|
0,1 tấn/chuyến
|
17
|
Hợp chất arsenic, dạng rắn, chất vô cơ (bao gồm arsenates, arsenites và arsenic sulphide)
|
1557
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
18
|
Hợp chất arsenic, dạng rắn, chất vô cơ (bao gồm arsenates, asenites và arsenic sulphide)
|
1557
|
6.1
|
66
|
0,1 tấn/chuyến
|
19
|
Arsenic
|
1558
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
20
|
Axsenic pentoxide
|
1559
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
21
|
Arsenic trichloride
|
1560
|
6.1
|
66
|
0,1 tấn/chuyến
|
22
|
Arsenic trioxide
|
1561
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
23
|
Bụi arsenic
|
1562
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
24
|
Barium hợp chất
|
1564
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
25
|
Barium cyanide
|
1565
|
6.1
|
66
|
1 tấn/chuyến
|
26
|
Beryllium hợp chất
|
1566
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
27
|
Brucine
|
1570
|
6.1
|
66
|
1 tấn/chuyến
|
28
|
Cacodylic acid
|
1572
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
29
|
Calcium arsenate
|
1573
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
30
|
Calcium arsenate và calcium arsenite hỗn hợp, chất rắn
|
1574
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
31
|
Calcium cyanide
|
1575
|
6.1
|
66
|
1 tấn/chuyến
|
32
|
Chlorodinitrobenzenes
|
1577
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
33
|
Chloronitrobenzenes
|
1578
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
34
|
4-Chloro-o-toluidine hydrochloride
|
1579
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
35
|
Chloropicrin
|
1580
|
6.1
|
66
|
1 tấn/chuyến
|
36
|
Chloropicrin và methyl bromide hỗn hợp
|
1581
|
6.1
|
26
|
0,5 tấn/chuyến
|
37
|
Chloropicrin và methyl chloride hỗn hợp
|
1582
|
6.1
|
26
|
0,5 tấn/chuyến
|
38
|
Chloropicrin hỗn hợp
|
1583
|
6.1
|
66
|
0,5 tấn/chuyến
|
39
|
Chloropicrin hỗn hợp
|
1583
|
6.1
|
60
|
0,5 tấn/chuyến
|
40
|
Acetoarsenite đồng
|
1585
|
6.1
|
60
|
0,2 tấn/chuyến
|
41
|
Arsenite đồng
|
1586
|
6.1
|
60
|
0,2 tấn/chuyến
|
42
|
Cyanide đồng
|
1587
|
6.1
|
60
|
0,5 tấn/chuyến
|
43
|
Cyanides, chất vô cơ, rắn
|
1588
|
6.1
|
66
|
0,5 tấn/chuyến
|
44
|
Cyanides, chất vô cơ, rắn
|
1588
|
6.1
|
60
|
0,5 tấn/chuyến
|
45
|
Dichloroanilines
|
1590
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
46
|
o-Dichlorobenzene
|
1591
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
47
|
Dichloromethane
|
1593
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
48
|
Diethyl sulphate
|
1594
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
49
|
Dinitroanilines
|
1596
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
50
|
Dinitrobenzenes
|
1597
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
51
|
Dinitro-o-cresol
|
1598
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
52
|
Dinitrophenol dung dịch
|
1599
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
53
|
Dinitrotoluenes, dạng chảy
|
1600
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
54
|
Thuốc nhuộm, dạng lỏng, độc
|
1602
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
55
|
Thuốc nhuộm, dạng lỏng, độc
|
1602
|
6.1
|
66
|
1 tấn/chuyến
|
56
|
Thuốc nhuộm, dạng lỏng, độc
|
1602
|
6.1
|
66
|
1 tấn/chuyến
|
57
|
Thuốc nhuộm, dạng lỏng, độc
|
1602
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
58
|
Ethylene dibromide
|
1605
|
6.1
|
66
|
1 tấn/chuyến
|
59
|
Arsenate sắt
|
1606
|
6.1
|
60
|
0,5 tấn/chuyến
|
60
|
Arsenite sắt
|
1607
|
6.1
|
60
|
0,5 tấn/chuyến
|
61
|
Arsenate sắt
|
1608
|
6.1
|
60
|
0,5 tấn/chuyến
|
62
|
Hexaethyl tetraphosphate
|
1611
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
63
|
Hexaethyl tetraphosphate và hỗn hợp khí nén
|
1612
|
6.1
|
26
|
1 tấn/chuyến
|
64
|
Axetat chì
|
1616
|
6.1
|
60
|
0,5 tấn/chuyến
|
65
|
Arsenates chì
|
1617
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
66
|
Arsenites chì
|
1618
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
67
|
Cyanide chì
|
1620
|
6.1
|
60
|
0,2 tấn/chuyến
|
68
|
London tía
|
1621
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
69
|
Arsenate magie (Magnesium arsenate)
|
1622
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
70
|
Arsenate thủy ngân
|
1623
|
6.1
|
60
|
0,01 tấn/chuyến
|
71
|
Chloride thủy ngân
|
1624
|
6.1
|
60
|
0,01 tấn/chuyến
|
72
|
Nitrate thủy ngân
|
1625
|
6.1
|
60
|
0,01 tấn/chuyến
|
73
|
Cyanide potassium thủy ngân
|
1626
|
6.1
|
66
|
0,01 tấn/chuyến
|
74
|
Nitrate thủy ngân
|
1627
|
6.1
|
60
|
0,01 tấn/chuyến
|
75
|
Axetat thủy ngân
|
1629
|
6.1
|
60
|
0,01 tấn/chuyến
|
76
|
Chloride ammonium thủy ngân
|
1630
|
6.1
|
60
|
0,01 tấn/chuyến
|
77
|
Benzoate thủy ngân
|
1631
|
6.1
|
60
|
0,01 tấn/chuyến
|
78
|
Bromide thủy ngân
|
1634
|
6.1
|
60
|
0,01 tấn/chuyến
|
79
|
Cyanide thủy ngân
|
1636
|
6.1
|
60
|
0,01 tấn/chuyến
|
80
|
Gluconate thủy ngân
|
1637
|
6.1
|
60
|
0,01 tấn/chuyến
|
81
|
Iodide thủy ngân
|
1638
|
6.1
|
60
|
0,01 tấn/chuyến
|
82
|
Nucleate thủy ngân
|
1639
|
6.1
|
60
|
0,01 tấn/chuyến
|
83
|
Oleate thủy ngân
|
1640
|
6.1
|
60
|
0,01 tấn/chuyến
|
84
|
Oxide thủy ngân
|
1641
|
6.1
|
60
|
0,01 tấn/chuyến
|
85
|
Oxycyanide thủy ngân, chất gây tê
|
1642
|
6.1
|
60
|
0,01 tấn/chuyến
|
86
|
Iodide potassium thủy ngân
|
1643
|
6.1
|
60
|
0,01 tấn/chuyến
|
87
|
Salicylate thủy ngân
|
1644
|
6.1
|
60
|
0,01 tấn/chuyến
|
88
|
Sulphate thủy ngân
|
1645
|
6.1
|
60
|
0,01 tấn/chuyến
|
89
|
Thiocyanate thủy ngân
|
1646
|
6.1
|
60
|
0,01 tấn/chuyến
|
90
|
Methyl bromide và ethylene dibromide hỗn hợp, dạng lỏng
|
1647
|
6.1
|
66
|
0,01 tấn/chuyến
|
91
|
Hỗn hợp phụ gia chống kích nổ nhiên liệu động cơ
|
1649
|
6.1
|
66
|
0,5 tấn/chuyến
|
92
|
Beta-Naphthylamine
|
1650
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
93
|
Naphthylthiourea
|
1651
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
94
|
Naphthylurea
|
1652
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
95
|
Nickel cyanide
|
1653
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
96
|
Nicotine
|
1654
|
6.1
|
60
|
0,01 tấn/chuyến
|
97
|
Nicotine hợp chất hoặc nicotine rắn
|
1655
|
6.1
|
66
|
0,01 tấn/chuyến
|
98
|
Nicotine hợp chất hoặc nicotine điều chế, rắn
|
1655
|
6.1
|
60
|
0,01 tấn/chuyến
|
99
|
Nicotine hydrochloride, dạng lỏng hoặc dung dịch
|
1656
|
6.1
|
60
|
0,01 tấn/chuyến
|
100
|
Nicotine salicylate
|
1657
|
6.1
|
60
|
0,01 tấn/chuyến
|
101
|
Nicotine sulphate, chất rắn
|
1658
|
6.1
|
60
|
0,01 tấn/chuyến
|
102
|
Nicotine sulphate, dung dịch
|
1658
|
6.1
|
60
|
0,01 tấn/chuyến
|
103
|
Nicotine tartrate
|
1659
|
6.1
|
60
|
0,01 tấn/chuyến
|
104
|
Nitroaniline (o-, m-, p-.)
|
1661
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
105
|
Nitrobenzene
|
1662
|
6.1
|
60
|
0,01 tấn/chuyến
|
106
|
Nitrophenols
|
1663
|
6.1
|
60
|
0,5 tấn/chuyến
|
107
|
Nitrotoluenes, dạng lỏng
|
1664
|
6.1
|
60
|
0,5 tấn/chuyến
|
108
|
Nitroxylenes, dạng lỏng
|
1665
|
6.1
|
60
|
0,5 tấn/chuyến
|
109
|
Pentachloroethane
|
1669
|
6.1
|
60
|
0,5 tấn/chuyến
|
110
|
Perchloromethyl mercaptan
|
1670
|
6.1
|
66
|
0,5 tấn/chuyến
|
111
|
Phenol, rắn
|
1671
|
6.1
|
60
|
0,5 tấn/chuyến
|
112
|
Phenylcarbylamine chloride
|
1672
|
6.1
|
66
|
1 tấn/chuyến
|
113
|
Phenylenediamines (o-, m-, p-)
|
1673
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
114
|
Phenylmercuric axetat
|
1674
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
115
|
Potassium arsenate
|
1677
|
6.1
|
60
|
0,2 tấn/chuyến
|
116
|
Potassium arsenite
|
1678
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
117
|
Potassium cuprocyanide
|
1679
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
118
|
Potassium cyanide
|
1680
|
6.1
|
66
|
0,1 tấn/chuyến
|
119
|
Silver arsenite
|
1683
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
120
|
Silver cyanide
|
1684
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
121
|
Nátri arsenate
|
1685
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
122
|
Nátri arsenite, dung dịch
|
1686
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
123
|
Nátri cacodylate
|
1688
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
124
|
Nátri cyanide
|
1689
|
6.1
|
66
|
0,1 tấn/chuyến
|
125
|
Nátri fluoride
|
1690
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
126
|
Strontium arsenite
|
1691
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
127
|
Strychnine hoặc muối strychnine
|
1692
|
6.1
|
66
|
1 tấn/chuyến
|
128
|
Chất khí gây chảy nước mắt, dạng lỏng
|
1693
|
6.1
|
66
|
1 tấn/chuyến
|
129
|
Chất khí gây chảy nước mắt, dạng lỏng
|
1693
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
130
|
Bromobenzyl cyanides
|
1694
|
6.1
|
66
|
1 tấn/chuyến
|
131
|
Chloroacetophenone
|
1697
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
132
|
Diphenylamine chloroarsine
|
1698
|
6.1
|
66
|
0,1 tấn/chuyến
|
133
|
Diphenylchloroarsine
|
1699
|
6.1
|
66
|
1 tấn/chuyến
|
134
|
Xylyl bromide
|
1701
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
135
|
1,1,2,2-Tetrachloroethane
|
1702
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
136
|
Tetraethyl dithiopyrophosphate
|
1704
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
137
|
Thallium hợp chất
|
1707
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
138
|
Toluidines
|
1708
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
139
|
2,4 - Toluylenediamine
|
1709
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
140
|
Trichloroethylene
|
1710
|
6.1
|
60
|
0,05 tấn/chuyến
|
141
|
Xylidines
|
1711
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
142
|
Kẽm arsenate
|
1712
|
6.1
|
60
|
0,5 tấn/chuyến
|
143
|
Kẽm arsenate và kẽm arsenite hỗn hợp
|
1712
|
6.1
|
60
|
0,5 tấn/chuyến
|
144
|
Kẽm arsenite
|
1712
|
6.1
|
60
|
0,5 tấn/chuyến
|
145
|
Kẽm cyanide
|
1713
|
6.1
|
66
|
0,5 tấn/chuyến
|
146
|
Potassium fluoride
|
1812
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
147
|
Carbon tetrachloride
|
1846
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
148
|
Thuốc độc dạng lỏng
|
1851
|
6.1
|
60
|
0,01 tấn/chuyến
|
149
|
Barium oxide
|
1884
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
150
|
Benzidine
|
1885
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
151
|
Benzylidene chloride
|
1886
|
6.1
|
60
|
0,05 tấn/chuyến
|
152
|
Bromochloromethane
|
1887
|
6.1
|
60
|
0,05 tấn/chuyến
|
153
|
Chloroform
|
1888
|
6.1
|
60
|
0,05 tấn/chuyến
|
154
|
Ethyl bromide
|
1891
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
155
|
Ethyldichloroarsine
|
1892
|
6.1
|
66
|
1 tấn/chuyến
|
156
|
Phenylmercuric hydroxide
|
1894
|
6.1
|
60
|
0,05 tấn/chuyến
|
157
|
Phenylmercuric nitate
|
1895
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
158
|
Tetrachloroethylene
|
1897
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
159
|
Cyanide dung dịch
|
1935
|
6.1
|
66
|
0,1 tấn/chuyến
|
160
|
Cyanide dung dịch
|
1935
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
161
|
Khí dạng nén, độc
|
1955
|
6.1
|
26
|
0,1 tấn/chuyến
|
162
|
Chloroanilines, chất rắn
|
2018
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
163
|
Chloroanilines, dạng lỏng
|
2019
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
164
|
Chlorophenols, chất rắn
|
2020
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
165
|
Chlorophenols, dạng lỏng
|
2021
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
166
|
Thủy ngân hợp chất, dạng lỏng
|
2024
|
6.1
|
66
|
0,01 tấn/chuyến
|
167
|
Thủy ngân hợp chất, dạng lỏng
|
2024
|
6.1
|
60
|
0,01 tấn/chuyến
|
168
|
Thủy ngân hợp chất, chất rắn
|
2025
|
6.1
|
60
|
0,01 tấn/chuyến
|
169
|
Thủy ngân hợp chất, chất rắn
|
2025
|
6.1
|
66
|
0,01 tấn/chuyến
|
170
|
Phenylmercuric hợp chất
|
2026
|
6.1
|
66
|
0,01 tấn/chuyến
|
171
|
Phenylmercuric hợp chất
|
2026
|
6.1
|
60
|
0,01 tấn/chuyến
|
172
|
Nátri arsenite, chất rắn
|
2027
|
6.1
|
60
|
0,05 tấn/chuyến
|
173
|
Dinitrotoluenes
|
2038
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
174
|
Acrylamide
|
2074
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
175
|
Chloral, khan, hạn chế
|
2075
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
176
|
alpha-Naphthylamine
|
2077
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
177
|
Toluene diisocyanate
|
2078
|
6.1
|
60
|
0,5 tấn/chuyến
|
178
|
Sulphuryl fluoride
|
2191
|
6.1
|
26
|
1 tấn/chuyến
|
179
|
Adiponitrile
|
2205
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
180
|
Isocyanates dung dịch, chất độc
|
2206
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
181
|
Isocyanates, chất độc
|
2206
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
182
|
Benzonitrile
|
2224
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
183
|
Chloroacetaldehyde
|
2232
|
6.1
|
66
|
1 tấn/chuyến
|
184
|
Chloroanisidines
|
2233
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
185
|
Chlorobenzyl chlorides
|
2235
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
186
|
3-Chloro-4-methylphenyl isocyanate
|
2236
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
187
|
Chloronitroanilines
|
2237
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
188
|
Chlorotoluidines
|
2239
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
189
|
Dichlorophenyl isocyanates
|
2250
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
190
|
N,N-Dimethylaniline
|
2253
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
191
|
Xylenols
|
2261
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
192
|
N-Ethylaniline
|
2272
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
193
|
2-Ethylaniline
|
2273
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
194
|
N-Ethyl-N-benzylaniline
|
2274
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
195
|
Hexachlorobutadiene
|
2279
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
196
|
Hexamethylene diisocyanate
|
2281
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
197
|
Isophorone diisocyanate
|
2290
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
198
|
Hợp chất chì, có khả năng hòa tan, nếu không có mô tả khác
|
2291
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
199
|
N-Methylaniline
|
2294
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
200
|
Methyl dichloroaxetat
|
2299
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
201
|
2-Methyl-5-ethylpyridine
|
2300
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
202
|
Nitrobenzotrifluorides
|
2306
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
203
|
3-Nitro-4-chlorobenzotrifluoride
|
2307
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
204
|
Phenetidines
|
2311
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
205
|
Phenol, dạng chảy
|
2312
|
6.1
|
60
|
0,5 tấn/chuyến
|
206
|
Nátri cuprocyanide, chất rắn
|
2316
|
6.1
|
66
|
0,5 tấn/chuyến
|
207
|
Nátri cuprocyanide, dung dịch
|
2317
|
6.1
|
66
|
0,5 tấn/chuyến
|
208
|
Trichlorobenzens, dạng lỏng
|
2321
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
209
|
Trichlorobutene
|
2322
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
210
|
Trimethylhexamethylene diisocyanate
|
2328
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
211
|
Anisidines
|
2431
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
212
|
N,N-Diethylaniline
|
2432
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
213
|
Chloronitrotoluenes
|
2433
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
214
|
Nitrocresols (o-,m-,p-)
|
2446
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
215
|
Phenylacetonitrile, dạng lỏng
|
2470
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
216
|
Osmium tetroxide
|
2471
|
6.1
|
66
|
1 tấn/chuyến
|
217
|
Nátri arsanilate
|
2473
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
218
|
Thiophosgene
|
2474
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
219
|
Dichloroisopropyl ether
|
2490
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
220
|
Tris-(1-aziridinyl) phosphine oxide dung dịch
|
2501
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
221
|
Tetrabromoethane
|
2504
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
222
|
Ammnium fluoride
|
2505
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
223
|
Aminophenols (o-,m-,p-)
|
2512
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
224
|
Bromoform
|
2515
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
225
|
Carbon tetrabromide
|
2516
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
226
|
1,5,9-Cyclododecatriene
|
2518
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
227
|
2-Dimethylaminoethyl methacrylate
|
2522
|
6.1
|
69
|
1 tấn/chuyến
|
228
|
Ethyl oxalate
|
2525
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
229
|
Methyl trichloroaxetat
|
2533
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
230
|
Tributylamine
|
2542
|
6
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
231
|
Hexafluoroacetone hydrate
|
2552
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
232
|
Nátri pentachlorophenate
|
2567
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
233
|
Cadmium hợp chất
|
2570
|
6.1
|
66
|
0,01 tấn/chuyến
|
234
|
Cadmium hợp chất
|
2570
|
6.1
|
60
|
0,01 tấn/chuyến
|
235
|
Phenylhydrazine
|
2572
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
236
|
Tricresyl phosphate
|
2574
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
237
|
Benzoquinone
|
2587
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
238
|
Triallyl borale
|
2609
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
239
|
Potassium fluoroaxetat
|
2628
|
6.1
|
66
|
0,1 tấn/chuyến
|
240
|
Nátri fluoroaxetat
|
2629
|
6.1
|
66
|
0,1 tấn/chuyến
|
241
|
Selenates
|
2630
|
6.1
|
66
|
1 tấn/chuyến
|
242
|
Selenites
|
2630
|
6.1
|
66
|
1 tấn/chuyến
|
243
|
Fluoroacetic acid
|
2642
|
6.1
|
66
|
0,5 tấn/chuyến
|
244
|
Methyl bromoaxetat
|
2643
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
245
|
Methyl iodide
|
2644
|
6.1
|
66
|
1 tấn/chuyến
|
246
|
Phenacyl bromide
|
2645
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
247
|
Hexachlorocyclopentadiene
|
2646
|
6.1
|
66
|
0,1 tấn/chuyến
|
248
|
Malononitrile
|
2647
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
249
|
1,2-Dibromobutan-3-one
|
2648
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
250
|
1,3-Dichloroacetone
|
2649
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
251
|
1,1-Dichloro-1-nitroethane
|
2650
|
6,1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
252
|
4,4’-Diaminodiphenylmethana
|
2651
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
253
|
Benzyl iodide
|
2653
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
254
|
Potassium fluorosilicate
|
2655
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
255
|
Quinoline
|
2656
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
256
|
Selenium disulphide
|
2657
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
257
|
Nátri chloroaxetat
|
2659
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
258
|
Nitrotoluidines (mono)
|
2660
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
259
|
Hexachloroacetone
|
2661
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
260
|
Hydroquinone
|
2662
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
261
|
Dibromomethane
|
2664
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
262
|
Butyltoluenes
|
2667
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
263
|
Chlorocresols
|
2669
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
264
|
Aminopyridines (o-, m-. p-)
|
2671
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
265
|
2-Amino-4-chlorophenol
|
2673
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
266
|
Nátri fluorosilicate
|
2674
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
267
|
1-Bromo-3-chloropropane
|
2688
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
268
|
Glycerol alpha-monochlorohydrin
|
2689
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
269
|
N,n-Butylimidazole
|
2690
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
270
|
Acridine
|
2713
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
271
|
1,4-Butynediol
|
2716
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
272
|
Hexachlorobenzene
|
2729
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
273
|
Nitroanisole, dạng lỏng
|
2730
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
274
|
Nitrobromobenzene
|
2732
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
275
|
N-Butylaniline
|
2738
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
276
|
Tert-Butylcyclohexyl chloroformate
|
2747
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
277
|
1,3-Dichloropropanol-2
|
2750
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
278
|
N-Ethylbenzyltoluidines
|
2753
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
279
|
N-Ethyltoluidines
|
2754
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
280
|
4-ThiapentanaI
|
2785
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
281
|
Organotin hợp chất, dạng lỏng nếu không có mô tả khác.
|
2788
|
6.1
|
66
|
0,01 tấn/chuyến
|
282
|
Chất độc dạng lỏng, chất hữu cơ
|
2810
|
6.1
|
66
|
0,01 tấn/chuyến
|
283
|
Chất độc dạng lỏng, chất hữu cơ
|
2810
|
6.1
|
60
|
0,01 tấn/chuyến
|
284
|
Chất độc dạng rắn, chất hữu cơ
|
2811
|
6.1
|
66
|
0,01 tấn/chuyến
|
285
|
Chất độc dạng rắn, chất hữu cơ
|
2811
|
6.1
|
60
|
0,01 tấn/chuyến
|
286
|
Các chất nhiễm độc, ảnh hưởng đến người
|
2814
|
6.2
|
606
|
0,01 tấn/chuyến
|
287
|
Phenol dung dịch
|
2821
|
6.1
|
60
|
0,5 tấn/chuyến
|
288
|
2-Chloropyridine
|
2822
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
289
|
1,1,1 -Trichloroethane
|
2831
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
290
|
Aldol
|
2839
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
291
|
3-Chloropropanol-1
|
2849
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
292
|
Magnesium fluorosilicate
|
2853
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
293
|
Ammonium fluorosilicate
|
2854
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
294
|
Kẽm fluorosilicate
|
2855
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
295
|
Fluorosilicates
|
2856
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
296
|
Ammonium metavanadate
|
2859
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
297
|
Ammonium polyvanadate
|
2861
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
298
|
Vanadium pentoxide
|
2862
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
299
|
Nátri ammonium vanadate
|
2863
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
300
|
Potassium metavanadate
|
2864
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
301
|
Antimony dạng bột
|
2871
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
302
|
Dibromochloropropanes
|
2872
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
303
|
Dibutylaminoethanol
|
2873
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
304
|
Cồn furfuryl
|
2874
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
305
|
Hexachlorophene
|
2875
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
306
|
Resorcinol
|
2876
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
307
|
Các chất độc, chỉ ảnh hưởng đến động vật
|
2900
|
6.2
|
606
|
0,5 tấn/chuyến
|
308
|
Vanadyl sulphate
|
2931
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
309
|
Thiolactic acid
|
2936
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
310
|
Alpha - Methylbenzyl Rượu cồn
|
2937
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
311
|
Fluoroanilines
|
2941
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
312
|
2-TrifluoromethyIaniline
|
2942
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
313
|
2-Amino-5-diethylaminopentane
|
2946
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
314
|
3-Trifluoromethylaniline
|
2948
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
315
|
Thioglycol
|
2966
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
316
|
Alkaloids hoặc muối Alkaloids, dạng lỏng
|
3140
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
317
|
Alkaloids hoặc muối Alkaloids, dạng lỏng
|
3140
|
6.1
|
66
|
1 tấn/chuyến
|
318
|
Antimony hợp chất, chất vô cơ, dạng lỏng
|
3141
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
319
|
Thuốc nhuộm hoặc thuốc nhuộm trung gian, rắn, độc
|
3143
|
6.1
|
66
|
1 tấn/chuyến
|
320
|
Thuốc nhuộm hoặc thuốc nhuộm trung gian, rắn, độc
|
3143
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
321
|
Thuốc nhuộm hoặc thuốc nhuộm trung gian, rắn, độc
|
3143
|
6.1
|
66
|
1 tấn/chuyến
|
322
|
Nicotine hợp chất hoặc chất điều chế nicotine, dạng lỏng
|
3144
|
6.1
|
66
|
0,01 tấn/chuyến
|
323
|
Nicotine hợp chất hoặc chất điều chế nicotine, dạng lỏng
|
3144
|
6.1
|
66
|
0,01 tấn/chuyến
|
324
|
Hợp chất organotin, dạng rắn
|
3146
|
6.1
|
60
|
0,01 tấn/chuyến
|
325
|
Hợp chất organotin, dạng rắn
|
3146
|
6.1
|
66
|
0,01 tấn/chuyến
|
326
|
Pentachlorophenol
|
3155
|
6.1
|
60
|
0,01 tấn/chuyến
|
327
|
Khí hóa lỏng, độc
|
3162
|
6.1
|
26
|
1 tấn/chuyến
|
328
|
Chất độc, chiết xuất từ sản phẩm sống
|
3172
|
6.1
|
66
|
0,1 tấn/chuyến
|
329
|
Chất độc, chiết xuất từ sản phẩm sống
|
3172
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
330
|
Chất rắn chứa chất độc dạng lỏng
|
3243
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
331
|
Thuốc dạng rắn, chất độc
|
3249
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
332
|
Nitriles chất độc, dạng lỏng
|
3276
|
6.1
|
66
|
1 tấn/chuyến
|
333
|
Nitriles chất độc, dạng lỏng
|
3276
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
334
|
Hợp chất orgnophosphorus, chất độc
|
3278
|
6.1
|
66
|
0,1 tấn/chuyến
|
335
|
Hợp chất orgnophosphorus, chất độc
|
3278
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
336
|
Hợp chất organoarsenic, dạng lỏng
|
3280
|
6.1
|
66
|
0,1 tấn/chuyến
|
337
|
Hợp chất organoarsenic, dạng lỏng
|
3280
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
338
|
Metal carbonyls, dạng lỏng
|
3281
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
339
|
Metal carbonyls, dạng lỏng
|
3281
|
6.1
|
66
|
1 tấn/chuyến
|
340
|
Hợp chất organometallic, chất độc, dạng lỏng
|
3282
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
341
|
Hợp chất organometallic, chất độc, dạng lỏng
|
3282
|
6.1
|
66
|
0,1 tấn/chuyến
|
342
|
Selenium hợp chất
|
3283
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
343
|
Selenium hợp chất
|
3283
|
6.1
|
66
|
1 tấn/chuyến
|
344
|
Tellurium hợp chất
|
3284
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
345
|
Vanadium hợp chất
|
3285
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
346
|
Chất lỏng độc, chất vô cơ
|
3287
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
347
|
Chất lỏng độc, chất vô cơ
|
3287
|
6.1
|
66
|
0,1 tấn/chuyến
|
348
|
Chất rắn độc, chất vô cơ
|
3288
|
6.1
|
66
|
0,1 tấn/chuyến
|
349
|
Chất rắn độc, chất vô cơ
|
3288
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
350
|
Chất thải bệnh viện
|
3291
|
6.2
|
606
|
0,1 tấn/chuyến
|
351
|
Hydrazine, dung dịch nước
|
3293
|
6.1
|
60
|
0,1 tấn/chuyến
|
352
|
2-Dimethylaminoethyl acrylate
|
3302
|
6.1
|
60
|
1 tấn/chuyến
|
Ghi chú: Cột (5) - Số hiệu nguy hiểm là mã số gồm hai hoặc ba chữ số và thể hiện bản chất vật lý hoặc hóa học của loại hàng nguy hiểm được vận chuyển (26: khí độc, 60: chất độc, 66: chất có độc tính cao, 606: chất lây nhiễm) theo hướng dẫn chung của Liên hợp quốc về vận chuyển hàng nguy hiểm, trong đó:
- Chữ số đầu tiên là số 6 thể hiện là chất độc hoặc có rủi ro lây nhiễm; chữ số đầu tiên là số 2 thể hiện là phát thải khí khi chịu áp suất hoặc có phản ứng hóa học;
- Chữ số thứ hai lặp lại chữ số thứ nhất thể hiện sự gia tăng tính nguy hiểm; chữ số thứ hai là số 0 thể hiện sự miêu tả chính xác đặc tính nguy hiểm của hàng vận chuyển.
PHỤ LỤC IV
KẾ HOẠCH PHÒNG NGỪA VÀ ỨNG PHÓ SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG TRONG VẬN CHUYỂN HÀNG NGUY HIỂM
(Kèm theo Nghị định số 60/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ)
I. THÔNG TIN VỀ LOẠI HÀNG NGUY HIỂM CẦN VẬN CHUYỂN
1. Tên hàng nguy hiểm, loại, nhóm hàng, số UN, mã số CAS, số hiệu nguy hiểm.
2. Khối lượng hàng nguy hiểm cần vận chuyển.
3. Lịch trình vận chuyển (thời gian vận chuyển, địa điểm (nơi đi, điểm trung chuyển, nơi đến)).
4. Bản mô tả đóng gói, bao bì, vật chứa hàng nguy hiểm và phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm (kèm theo hình ảnh minh họa, nếu có), bao gồm:
a) Các loại bao bì, vật chứa dự kiến sử dụng trong quá trình vận chuyển; chất liệu và lượng chứa của từng bao bì, vật chứa;
b) Các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với đóng gói, bao bì, vật chứa hàng nguy hiểm kèm theo tiêu chuẩn áp dụng do doanh nghiệp sản xuất công bố; các điều kiện bảo quản;
c) Các yêu cầu về ghi nhãn, dán biểu trưng, báo hiệu nguy hiểm;
d) Dự kiến phương tiện vận chuyển và việc đáp ứng các yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy,trang thiết bị che phủ hàng nguy hiểm và các thiết bị, vật liệu ứng phó sự cố.
II. DỰ BÁO NGUY CƠ XẢY RA SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG TRONG QUÁ TRÌNH VẬN CHUYỂN
1. Dự báo các nguy cơ như: Rò rỉ, tràn đổ; cháy nổ; hoặc mất cắp hàng nguy hiểm.
2. Xác định các điều kiện, nguyên nhân bên trong cũng như tác động từ bên ngoài có thể dẫn đến sự cố.
3. Ước lượng về hậu quả tiếp theo, phạm vi và mức độ tác động đến con người và môi trường xung quanh khi sự cố không được kiểm soát, ngăn chặn.
III. CÁC BIỆN PHÁP HẠN CHẾ, ỨNG PHÓ VÀ KHẮC PHỤC SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG
1. Các biện pháp hạn chế, ứng phó và khắc phục sự cố phải được xây dựng cụ thể và tương ứng với nguy cơ xảy ra sự cố.
2. Mô tả các biện pháp, quy trình về quản lý; các biện pháp kỹ thuật thu gom và làm sạch khu vực bị ô nhiễm (đối với môi trường nước mặt, nước ngầm, đất, không khí,...).
IV. NĂNG LỰC ỨNG PHÓ VÀ KHẮC PHỤC SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG
1. Mô tả tình trạng và số lượng trang thiết bị, phương tiện sử dụng ứng phó, khắc phục sự cố (loại trang thiết bị, số lượng, chức năng/đặc điểm,...): mùn cưa, cát hoặc diatonit; xẻng; thùng phuy rỗng; bơm tay và ống,...
2. Mô tả tình trạng và số lượng phương tiện bảo vệ an toàn cá nhân (đồ bảo hộ polylaminated; găng tay (viton hoặc nitrile hoặc vitrile); giầy ống; mặt nạ phòng độc; bình bột chữa cháy...).
3. Mô tả nhân lực tham gia ứng phó, khắc phục sự cố.
a) Mô tả hệ thống tổ chức, điều hành và trực tiếp tham gia xử lý sự cố;
b) Kế hoạch sơ tán dân cư, tài sản ra khỏi khu vực ảnh hưởng nguy hiểm (trong những tình huống nào thì phải sơ tán và tổ chức sơ tán như thế nào);
c) Mô tả hệ thống thông tin nội bộ và thông báo ra bên ngoài trong trường hợp có sự cố:
- Tên và số điện thoại liên lạc của chủ hàng nguy hiểm, chủ phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm, người điều khiển phương tiện vận chuyển và người áp tải hàng nguy hiểm.
- Số điện thoại liên lạc của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm; cơ quan quản lý môi trường, cơ quan cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, cơ quan cảnh sát môi trường và các cơ quan có liên quan khác tại các địa phương theo lịch trình vận chuyển.
- Mô tả kế hoạch phối hợp giữa các cơ quan có liên quan.
|
………, ngày ….. tháng ….. năm ………….
Chủ phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm/ Chủ hàng nguy hiểm
(Ký tên, đóng dấu)
|
PHỤ LỤC V
YÊU CẦU KỸ THUẬT, QUY TRÌNH QUẢN LÝ ĐỐI VỚI CHỦ XỬ LÝ CHẤT THẢI NGUY HẠI
(Kèm theo Nghị định số 60/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ)
I. BAO BÌ CHẤT THẢI NGUY HẠI (sau đây gọi tắt là CTNH)
1. Bao bì CTNH (vỏ cứng hoặc vỏ mềm) phải đáp ứng các yêu cầu chung như sau:
a) Toàn bộ vỏ bao bì có khả năng chống được sự ăn mòn, không bị gỉ, không phản ứng hóa học với CTNH chứa bên trong, có khả năng chống thấm hoặc thẩm thấu, rò rỉ, đặc biệt tại điểm tiếp nối và vị trí nạp, xả chất thải; bao bì mềm có ít nhất 02 lớp vỏ.
b) Chịu được va chạm, không bị hư hỏng, rách vỡ vỏ bởi trọng lượng chất thải trong quá trình sử dụng thông thường.
c) Bao bì mềm được buộc kín và bao bì cứng có nắp đậy kín để bảo đảm ngăn chất thải rò rỉ hoặc bay hơi ra ngoài.
d) Chất thải lỏng, bùn thải dạng nhão hoặc chất thải có các thành phần nguy hại dễ bay hơi phải chứa trong bao bì cứng.
2. Bao bì phải được dán nhãn CTNH. Trường hợp chỉ vận chuyển một loại CTNH, không bắt buộc dán nhãn riêng cho từng bao bì mà dán nhãn chung cho một chuyến vận chuyển.
II. THIẾT BỊ LƯU CHỨA CTNH
1. Các thiết bị lưu chứa (có vỏ cứng với cỡ lớn hơn các bao bì thông thường, như các bồn, bể, công ten nơ...) để bảo quản CTNH phải đáp ứng các yêu cầu chung như sau:
a) Vỏ có khả năng chống được sự ăn mòn, không bị gỉ, không phản ứng hóa học với CTNH chứa bên trong, có khả năng chống thấm hoặc thẩm thấu, có gia cố hoặc thiết kế đặc biệt tại điểm tiếp nối và vị trí xếp, dỡ hoặc nạp, xả chất thải để tránh rò rỉ.
b) Kết cấu cứng chịu được va chạm, không bị hư hỏng, biến dạng, rách vỡ bởi trọng lượng chất thải trong quá trình sử dụng.
c) Có dấu hiệu cảnh báo theo quy định.
2. Thiết bị lưu chứa CTNH ở thể lỏng hoặc có thành phần nguy hại dễ bay hơi phải có nắp đậy kín, biện pháp kiểm soát bay hơi.
3. Trường hợp thiết bị lưu chứa CTNH không có các thành phần nguy hại dễ bay hơi thì có thể không cần nắp đậy kín nhưng phải có mái hoặc biện pháp che hoàn toàn nắng, mưa khác và biện pháp kiểm soát gió trực tiếp vào bên trong.
III. KHU VỰC LƯU GIỮ HOẶC TRUNG CHUYỂN CTNH
1. Khu vực lưu giữ hoặc trung chuyển CTNH phải đáp ứng các yêu cầu chung như sau:
a) Có cao độ nền bảo đảm không bị ngập lụt; mặt sàn trong khu vực lưu giữ CTNH được thiết kế để tránh nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào.
b) Có sàn bảo đảm kín khít, không rạn nứt, bằng vật liệu chống thấm, chịu ăn mòn, không có khả năng phản ứng hóa học với CTNH; sàn có đủ độ bền chịu được tải trọng của lượng CTNH cao nhất theo tính toán; tường và vách ngăn bằng vật liệu không cháy.
c) Có mái che kín nắng, mưa cho toàn bộ khu vực lưu giữ CTNH bằng vật liệu không cháy, trừ các thiết bị lưu chứa CTNH với dung tích lớn hơn 05 m3 thì được đặt ngoài trời; có biện pháp hoặc thiết kế để hạn chế gió trực tiếp vào bên trong.
d) Có phân chia các ô hoặc bộ phận riêng cho từng loại CTNH hoặc nhóm CTNH có cùng tính chất để cách ly với các loại hoặc nhóm CTNH khác có khả năng phản ứng hóa học với nhau bằng vách không cháy cao hơn chiều cao xếp CTNH.
2. Khu vực lưu giữ hoặc trung chuyển đáp ứng theo quy định về xây dựng.
3. Khu vực lưu giữ hoặc trung chuyển CTNH ở thể lỏng phải có tường, đê, hoặc gờ bao quanh toàn bộ hoặc từng phần của khu vực hoặc một biện pháp cách ly thứ cấp khác để dự phòng CTNH phát tán ra ngoài môi trường trong trường hợp có sự cố; có rãnh thu về một hố ga thấp hơn sàn để bảo đảm không chảy tràn ra bên ngoài.
4. Khu vực lưu giữ hoặc trung chuyển CTNH dễ cháy, nổ bảo đảm khoảng cách không dưới 10 m với lò đốt, lò hơi và các thiết bị đốt khác.
5. Khu vực lưu giữ chất thải y tế lây nhiễm phải trang bị hệ thống bảo quản lạnh.
6. Khu vực lưu giữ hoặc trung chuyển CTNH phải được trang bị như sau:
a) Thiết bị phòng cháy chữa cháy (ít nhất bao gồm bình bọt chữa cháy, cát để dập lửa) theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy.
b) Vật liệu hấp thụ (như cát khô hoặc mùn cưa) và xẻng để sử dụng trong trường hợp rò rỉ, rơi vãi, đổ tràn CTNH ở thể lỏng.
c) Hộp sơ cứu vết thương; bình chứa dung dịch sođa gia dụng để trung hòa khẩn cấp vết bỏng axít trong trường hợp lưu giữ chất thải có tính axít.
d) Thiết bị xếp dỡ (thủ công hoặc cơ giới).
đ) Thiết bị thông tin liên lạc (điện thoại cố định hoặc bộ đàm).
e) Thiết bị báo động (như còi, kẻng, loa).
g) Trong từng ô hoặc bộ phận của khu vực lưu giữ hoặc trung chuyển và trên từng thiết bị lưu chứa phải có dấu hiệu cảnh báo CTNH theo quy định.
h) Sơ đồ thoát hiểm, ký hiệu hướng dẫn thoát hiểm (ký hiệu exit hoặc ký hiệu chỉ lối thoát) đặt ởcác điểm đầu mối của lối đi.
i) Các bảng hướng dẫn rút gọn về quy trình vận hành an toàn khu vực lưu giữ hoặc trung chuyển, quy trình ứng phó sự cố (kèm theo danh sách điện thoại của các cơ quan quản lý môi trường, công an, cấp cứu, cứu hỏa tại địa phương), nội quy về an toàn lao động và bảo vệ sức khỏe (kèm theo yêu cầu sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân); có kích thước và ở vị trí bảo đảm thuận tiện quan sát đối với người vận hành, được in rõ ràng, dễ đọc, không bị mờ.
IV. PHƯƠNG TIỆN VẬN CHUYỂN CTNH
1. Các phương tiện vận chuyển CTNH phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tương tự các phương tiện vận chuyển hàng hóa cùng loại theo quy định của pháp luật.
2. Thiết bị lưu chứa CTNH lắp cố định hoặc có thể tháo rời trên phương tiện vận chuyển phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Mục II Phụ lục này.
3. Yêu cầu đặc thù cho một số loại phương tiện vận chuyển CTNH như sau:
a) Xe tải thùng lắp cố định có lắp đặt thùng hoặc hộp thu chất lỏng dự phòng bên dưới đáy thùng.
b) Công ten nơ hoặc thùng có thể tháo rời phải được bắt chặt vào xe tải trước khi hoạt động.
c) Xe tải thùng hở phải được phủ bạt kín che nắng, mưa sau khi chứa CTNH.
d) Xe tải bồn (hay còn gọi là xe xitéc) và khoang chứa tàu thủy đối với CTNH ở thể lỏng phải có biện pháp kiểm soát bay hơi.
đ) Xe tải ben (có thùng có thể vận hành nghiêng để đổ hàng xuống) có phủ bạt kín che nắng, mưa sau khi chứa CTNH và chỉ được sử dụng cho một số trường hợp đặc biệt theo hướng dẫn của Tổng cục Môi trường.
e) Xe mô tô, xe gắn máy phải có thùng chứa và được gắn chặt trên giá để hàng (phía sau vị trí ngồi lái) của xe mô tô, xe gắn máy. Kích thước của thùng chứa gắn trên xe mô tô, xe gắn máy phải tuân theo quy định khi tham gia giao thông trên đường bộ.
4. Khu vực chứa CTNH trên tàu thủy, xà lan bảo đảm các yêu cầu sau:
a) Có sàn và vách xung quanh bảo đảm kín khít đặc biệt tại đường tiếp giáp giữa sàn và vách, bằng vật liệu chống thấm, không cháy, chịu ăn mòn, không có khả năng phản ứng hóa học với CTNH; sàn có đủ độ bền để chịu được tải trọng CTNH cao nhất theo tính toán.
b) Có mái hoặc phủ bạt che hoàn toàn nắng, mưa, trừ khu vực chứa CTNH trong các thiết bị lưu chứa với dung tích lớn hơn 02 m3 thì được đặt ngoài trời; có biện pháp hoặc thiết kế để hạn chế gió trực tiếp vào bên trong.
5. Phương tiện vận chuyển CTNH khi đang hoạt động phải được trang bị như sau:
a) Các dụng cụ cứu hỏa (ít nhất là bình bọt dập lửa) theo quy định về phòng cháy chữa cháy.
b) Vật liệu thấm hút (như cát khô hoặc mùn cưa) và xẻng để sử dụng trong trường hợp rò rỉ, rơi vãi, đổ tràn CTNH ở thể lỏng.
c) Hộp sơ cứu vết thương; bình chứa dung dịch sođa gia dụng để trung hòa khẩn cấp vết bỏng axít trong trường hợp vận chuyển chất thải có tính axít.
d) Thiết bị thông tin liên lạc (điện thoại di động hoặc bộ đàm).
đ) Dấu hiệu cảnh báo lắp linh hoạt tùy theo loại CTNH được vận chuyển ít nhất ở hai bên của phương tiện; có dòng chữ “VẬN CHUYỂN CHẤT THẢI” với chiều cao chữ ít nhất 15 cm kèm theo tên cơ sở, địa chỉ, số điện thoại liên hệ được đặt cố định ít nhất ở hai bên của phương tiện; vật liệu và mực của dấu hiệu và các dòng chữ nêu trên không bị mờ và phai màu. Trừ trường hợp xe gắn máy thì kích thước lựa chọn phù hợp với thực tế.
e) Biển thông báo sự cố cho các đối tượng giao thông khác trong trường hợp sự cố trên đường.
g) Các bản hướng dẫn rút gọn về quy trình vận hành an toàn phương tiện vận chuyển và xếp dỡ hay nạp xả CTNH, quy trình ứng phó sự cố (kèm theo danh sách điện thoại của các cơ quan quản lý môi trường, công an, cấp cứu, cứu hỏa của các địa phương trên địa bàn hoạt động), nội quy vềan toàn lao động và bảo vệ sức khỏe (kèm theo yêu cầu về thiết bị bảo hộ cá nhân) đặt ở cabin hoặc khu vực điều khiển theo quy định của pháp luật, được in rõ ràng, dễ đọc, không bị mờ.
V. HỆ THỐNG, THIẾT BỊ XỬ LÝ CTNH
1. Hệ thống hoặc thiết bị xử lý CTNH (kể cả sơ chế, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng từ CTNH, sau đây gọi chung là xử lý CTNH) phải có công nghệ, công suất phù hợp với đặc tính hóa học, vật lý, sinh học và số lượng các loại CTNH đăng ký xử lý CTNH.
2. Yêu cầu đặc thù đối với một số hệ thống hoặc thiết bị xử lý CTNH như sau:
a) Lò đốt CTNH tuân thủ theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật môi trường (QCKTMT) về lò đốt chất thải công nghiệp. Lò đốt CTNH phải có công suất không dưới 100 kg/giờ trừ trường hợp đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc cấp phép hoạt động trước ngày 01 tháng 6 năm 2011.
b) Khí thải từ việc đồng xử lý CTNH trong lò nung xi măng phải tuân thủ theo quy định tại QCKTMT về đồng xử lý CTNH trong lò nung xi măng.
c) Sản phẩm của quá trình hóa rắn hoặc ổn định hóa CTNH phải tuân thủ theo quy định tại QCKTMT về ngưỡng CTNH.
d) Cô lập CTNH bằng đóng kén trong bể bê tông (còn gọi là bể đóng kén) phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Bể đóng kén gồm ba dạng: Chìm dưới mặt đất, nửa chìm nửa nổi và nổi trên mặt đất.
- Diện tích đáy của mỗi bể không quá 100 m2 và chiều cao không quá 05 m; trường hợp có nhiều hơn một bể thì các bể phải được xây dựng với kết cấu tách rời không chung vách trừ trường hợp tổng diện tích các bể không quá 100 m2.
- Vách và đáy bằng bê tông chống thấm, kết cấu cốt thép bền vững (bổ sung hệ khung dầm để tăng cường kết cấu chịu lực nếu cần thiết) đặt trên nền đất được gia cố (bổ sung đóng cọc nếu nền đất yếu) để bảo đảm tránh sụt lún gây nứt gãy, rò rỉ, thẩm thấu theo đúng quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về xây dựng.
Xung quanh vách (phần chìm dưới mặt đất) và dưới đáy bể có bổ sung lớp lót chống thấm ít nhất gồm một trong các vật liệu sau: Lớp đất sét có hệ số thấm K ≤ 10-7 cm/s được đầm nén chặt với bề dày ≥ 60 cm; màng HDPE (High Density Polyethylen) hoặc nhựa tổng hợp PVC, cao su butila, cao su tổng hợp neopren hoặc vật liệu tương đương với chiều dày ≥ 02 (hai) mm.
- Có mái che kín nắng, mưa cho toàn bộ mặt bể và biện pháp hạn chế gió trực tiếp vào trong bểtrong thời gian sử dụng cho đến khi đóng bể.
- Sau khi đầy, phải đóng bể bằng nắp bằng bê tông chống thấm, kết cấu cốt thép bền vững theo đúng quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về xây dựng; nắp phải phủ kín toàn bộ bề mặt bể bảo đảm tuyệt đối không để nước rò rỉ, thẩm thấu; nắp bể có bổ sung lớp lót tương tự như quy định tại tiết 4 điểm d khoản 2 mục V Phụ lục này.
- Trường hợp sử dụng khu vực mặt bể sau khi đóng kín để cho các chức năng khác (trừ đường giao thông cho phương tiện cơ giới) thì phải bảo đảm các tải trọng phía trên bể không vượt quá 25% khả năng chịu lực theo tính toán của bể.
3. Trong thời gian chưa có QCKTMT về bãi chôn lấp CTNH, việc thiết kế, xây dựng bãi chôn lấp CTNH phải tuân thủ nội dung của báo cáo ĐTM, quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM trên cơ sởTiêu chuẩn xây dựng TCXDVN 320:2004 về Bãi chôn lấp chất thải nguy hại - Tiêu chuẩn thiết kế. Việc vận hành bãi chôn lấp CTNH phải tuân thủ nội dung giấy phép xử lý CTNH trên cơ sở Quyết định số 60/2002/QĐ-BKHCNMT ngày 07 tháng 8 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành Hướng dẫn kỹ thuật chôn lấp chất thải nguy hại.
4. Khu vực lắp đặt các hệ thống hoặc thiết bị xử lý CTNH phải được trang bị như sau:
a) Thiết bị phòng cháy chữa cháy (ít nhất bao gồm bình bọt chữa cháy, cát để dập lửa) theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật vềphòng cháy chữa cháy.
b) Vật liệu thấm hút (như cát khô hoặc mùn cưa) và xẻng để sử dụng trong trường hợp rò rỉ, rơi vãi, đổ tràn CTNH ở thể lỏng.
c) Hộp sơ cứu vết thương. Phải trang bị bình chứa dung dịch sođa gia dụng để trung hòa khẩn cấp vết bỏng axít trong trường hợp xử lý chất thải có tính axít.
d) Thiết bị thông tin liên lạc (điện thoại cố định).
đ) Thiết bị báo động (như còi, kẻng, loa).
e) Sơ đồ thoát hiểm, ký hiệu hướng dẫn thoát hiểm (ký hiệu exit hoặc ký hiệu chỉ lối thoát) đặt ở điểm đầu mối của lối đi.
g) Các bản hướng dẫn rút gọn về quy trình vận hành an toàn của các hệ thống, thiết bị, quy trình ứng phó các loại sự cố (kèm theo danh sách điện thoại của các cơ quan quản lý môi trường, công an, cấp cứu, cứu hỏa tại địa phương), nội quy an toàn lao động và bảo vệ sức khỏe (kèm theo yêu cầu sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân); có kích thước và ở vị trí bảo đảm thuận tiện quan sát đối với người vận hành, được in rõ ràng, dễ đọc và không bị mờ.
5. Hệ thống hoặc thiết bị xử lý CTNH ở nhiệt độ cao có khả năng gây sự cố cháy nổ phải có cơ chế cảnh báo và tự động ngắt khi ở tình trạng vận hành không an toàn song song với cơ chế ngắt bằng tay.
VI. YÊU CẦU CHUNG ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH, BIỆN PHÁP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
1. Có công trình bảo vệ môi trường để xử lý khí thải phát sinh từ toàn bộ hoạt động tại cơ sở xử lý hoặc trạm trung chuyển CTNH (nếu có) bảo đảm đạt các QCKTMT hiện hành trước khi thải ra môi trường hoặc có biện pháp kiểm soát khí thải khác.
2. Có công trình bảo vệ môi trường để xử lý nước thải phát sinh từ toàn bộ hoạt động tại cơ sở xử lý hoặc trạm trung chuyển CTNH (nếu có) bảo đảm đạt các QCKTMT hiện hành trước khi xả ra môi trường hoặc có biện pháp quản lý nước thải khác.
3. Khu vực lắp đặt các công trình bảo vệ môi trường để xử lý khí thải, nước thải có các bản hướng dẫn rút gọn về quy trình vận hành an toàn của công trình; có kích thước và ở vị trí bảo đảm thuận tiện quan sát đối với người vận hành, được in rõ ràng, dễ đọc, không bị mờ.
4. Có biện pháp thông gió (cưỡng bức hoặc tự nhiên) hoặc điều hòa không khí trong các nhà kho, nhà xưởng, để giảm bụi, mùi, khí có hại và bảo đảm nhiệt độ không quá 35°C (trừ trường hợp nhiệt độ ngoài trời cao hơn 35°C.
5. Có biện pháp giảm tiếng ồn, rung trong trường hợp gây tiếng ồn, rung vượt tiêu chuẩn, QCKTMT hiện hành.
6. Hệ thống hoặc thiết bị xử lý CTNH có chứa các thành phần halogen hữu cơ vượt ngưỡng CTNH theo quy định tại QCKTMT về ngưỡng CTNH thì phải có thiết bị giám sát môi trường tự động liên tục trừ trường hợp xử lý bằng phương pháp hóa rắn, chôn lấp. Các trường hợp khác chỉ phải lắp thiết bị giám sát môi trường tự động liên tục nếu có yêu cầu của cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM hoặc cơ quan cấp phép. Các thông số giám sát do các cơ quan này yêu cầu tùy theo tình hình thực tế căn cứ vào các QCKTMT hiện hành.
VII. CÁC QUY ĐỊNH KHÁC
1. Ngoài các yêu cầu kỹ thuật quy định tại Phụ lục này, các phương tiện, thiết bị cho việc thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý CTNH trong lĩnh vực y tế phải tuân thủ theo quy định hiện hành về quản lý chất thải y tế.
2. Trường hợp có QCKTMT riêng đối với từng phương tiện, thiết bị cho việc thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý CTNH thì áp dụng theo QCKTMT đó.