Cập nhật lúc: 5/23/2014 9:35:27 AM

Hàng trăm nghìn doanh nghiệp thấp thỏm chờ kết quả phiên tòa!?

(PL&XH) - Bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã khiến phiên tòa bước vào ngày xét xử thứ 2 “nóng” lên hầm hập. Bị cáo rành rọt từng câu trả lời, từng điều khoản, điều luật để dẫn chứng bảo vệ cho mình. 

Trong khi đó, các cơ quan liên quan được triệu tập tỏ ra lúng túng không biết phải có đăng ký kinh doanh hay không khi mua cổ phần, cổ phiếu, góp vốn?

“Bầu” Kiên có lừa… bạn thân?

Sáng 21-5, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “bầu” Kiên bước vào ngày thứ 2, tiếp tục diễn ra phần xét hỏi. HĐXX tiếp tục gọi bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến (nguyên kế toán trưởng ngân hàng Thương mại CP ACB (ACBI)) về hợp đồng bán cổ phiếu cho Cty CP Thép Hòa Phát, mà theo cáo trạng là theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên, lừa bán 20 triệu cổ phần khi số cổ phần này đang thế chấp trong ngân hàng ACB.  

HĐXX hỏi: “Khi nguồn tiền bán số cổ phần cho Cty Thép Hòa Phát đã về ACBI, bị cáo có biết không? Bị cáo có biết tiền đã về, mà bị cáo biết số cổ phần đó vẫn chưa giải chấp không? Vậy nguồn tiền đó có biết là bất hợp pháp hay không?”. Bị cáo Yến: “Bị cáo có biết tiền về, biết số cổ phần chưa giải chấp nên với tư cách là kế toán trưởng, bị cáo đã báo cáo anh Kiên. Theo bị cáo, nguồn tiền này không phải là bất hợp pháp, có đầy đủ chứng cứ kế toán”. 

HĐXX gọi hỏi đại diện Cty Thép Hòa Phát xung quanh hợp đồng mua 20 triệu cổ phần của ACBI. Người đại diện Cty Thép Hòa Phát cho rằng: “Tôi không biết số cổ phần Cty mua của ACBI đang thế chấp ở ngân hàng. Tôi có đơn yêu cầu CQĐT làm rõ, có 2 đơn gửi CQĐT, vì trách nhiệm trước cổ đông, chứ tôi không nói là hợp đồng này là bất hợp pháp”. HĐXX hỏi tiếp: “Ông có đơn đề nghị C46 Bộ Công an, đề nghị CQĐT làm rõ nội dung chuyển nhượng cổ phần với ACBI”. Đại diện Cty Thép Hòa Phát: “Đơn này là sau khi CQĐT có yêu cầu Cty, tôi mới làm”. HĐXX hỏi Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hòa Phát xung quanh hợp đồng mua bán cổ phần, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hòa Phát cho rằng: “Tôi với anh Kiên quen biết và rất thân với nhau cùng ham mê bóng đá. ACBI và Cty chúng tôi có ký hợp đồng mua 20 triệu cổ phiếu. Tôi không biết số cổ phần này đang thế chấp”.

HĐXX hỏi bị cáo Nguyễn Đức Kiên: “Số cổ phiếu bán cho Cty Thép Hòa Phát đã giải chấp chưa?”. Bị cáo Kiên: “Chưa giải chấp”. Tòa hỏi: “Nguyên tắc muốn chuyển nhượng cho ai, thì cơ quan nhận thế chấp, quản lý thế chấp biết không?”. Bị cáo Kiên: “Tôi là bạn bè kinh doanh với các anh Long, anh Dương (TGĐ tập đoàn Hòa Phát). Anh Long nhiều lần muốn mua cổ phiếu, nhưng tôi không bán. Tôi không đàm phán. Tôi khai với CQĐT, thỏa thuận với anh Long 3 điểm. Anh Long muốn thoái vốn ở Hòa Phát và muốn mua cổ phần ở ACBI, tôi sẽ là người cho giá… theo Luật Đầu tư tôi được làm điều này”. HĐXX hỏi: “Trong thỏa thuận mua số cổ phần thì Hòa Phát có biết số cổ phần này thế chấp cho ACB không?”. Bị cáo Kiên: “Anh Long, anh Dương (tập đoàn Hòa Phát) đương nhiên biết”. Lúc này, tòa gọi hỏi ông Long, thì ông Long cho rằng: “Tôi không biết cổ phần đang thế chấp”. HĐXX hỏi: “Ông Dương và Long có biết cổ phần thế chấp mà vẫn cho phép bán?”, bị cáo Kiên: “Anh Dương và anh Long không có quyền cho phép tôi bán hay không. Anh Dương là TGĐ ký giấy chứng nhận, tôi và anh Dương, Long là bạn bè, ăn cơm với nhau hàng ngày, trong mọi trường hợp lời nói cần phải thực hiện. Hai anh đều biết cổ phần đang thế chấp tại ACB”. 

Theo luật sư Hoàng Đôn Hùng (bào chữa cho bị cáo Kiên): “Việc chuyển nhượng cổ phần khi đang thế chấp tại Ngân hàng ACB chỉ là sơ suất về thủ tục, đây là lỗi của cả hai bên. Sơ suất này đã được khắc phục xong. Không thể nói ông Kiên gian dối vì chính phía Cty CP Thép Hòa Phát cũng biết việc thế chấp này, ông Trần Tuấn Dương không thể bị lừa dối về một sự việc đã biết. Cty Thép Hòa Phát cũng có văn bản xác nhận không bị thiệt hại bởi hành vi của bị cáo Kiên, không đòi bồi thường. Trong giai đoạn điều tra, các văn bản yêu cầu, trình bày đều nêu đây là mối quan hệ giữa Cty Thép Hòa Phát và Cty ACBI, không phải quan hệ với cá nhân bị cáo Kiên”.

“Bầu” Kiên tỏ ra tự tin khi trả lời tất cả câu hỏi của tòa.     Ảnh: Minh Thắng

Mua cổ phần, cổ phiếu, góp vốn là vi phạm pháp luật? 

Xung quanh phần xét hỏi hành vi “kinh doanh trái phép”, bị cáo Kiên khẳng định: “Có gần một triệu doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam, thì hơn 25 năm qua kinh doanh, không có một DN nào đăng ký kinh doanh khi mua cổ phần, cổ phiếu, góp vốn kinh doanh với Cty khác. Luật cũng không quy định DN phải đăng ký kinh doanh khi đầu tư, góp vốn”. Tòa cho gọi đại diện Sở KH-ĐT TP HCM, về việc vào đầu năm 2014, luật sư Hoàng Đôn Hùng đã có văn bản hỏi về việc khi muốn mua cổ phần, cổ phiếu, góp vốn đầu từ với Cty khác, thì phải xin giấy phép kinh doanh hay không và luật sư Hùng được Sở KH-ĐT TP HCM trả lời bằng văn bản khi góp vốn, đầu tư, mua cổ phần, cổ phiếu thì không cần đăng ký kinh doanh (hiện luật sư Hùng đã nộp văn bản đó cho tòa). Tuy nhiên, tại phiên tòa hôm qua, vị đại diện Sở KH-ĐT TP HCM cho rằng: “Sở chưa giải thích được, mà hỏi Bộ KH-ĐT. Sau đó, Bộ KH-ĐT hướng dẫn Sở KH-ĐT hỏi… Bộ Tài chính. Tòa hỏi: “Vậy theo cá nhân ông, khi mua cổ phần, cổ phiếu, góp vốn đầu tư có phải xin giấy phép kinh doanh không ?”, vị đại diện Sở KH-ĐT TP HCM đáp: “Theo cá nhân tôi, mua cổ phần cổ phiếu, góp vốn không đăng ký kinh doanh, nhưng mà nếu là ngành nghề kinh doanh, thì phải đăng ký kinh doanh”(!?). Lúc này HĐXX tiếp tục hỏi các đại diện cơ quan, tổ chức Nhà nước về thế nào là ngành nghề góp vốn, mua cổ phần cổ phiếu và phải đăng ký kinh doanh ? Đại diện Sở KH-ĐT TP Hà Nội, HĐXX (cũng từng có văn bản trả lời luật sư Hùng tương tự Sở KH-ĐT TP HCM) hỏi: “Vậy tổ chức cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu ?”, vị đại diện Sở KH-ĐT TP Hà Nội trả lời: “DN được kinh doanh tất cả các điều luật không cấm”. HĐXX hỏi: “Theo suy nghĩ của ông, việc góp vốn, mua cổ phần cổ phiếu có đăng ký kinh doanh không?”, đại diện Sở KH-ĐT TP Hà Nội đáp: “Đề nghị tòa hỏi Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính và cần hỏi Ủy ban chứng khoán Nhà nước ?”.  

Cũng xoay quanh câu hỏi của tòa về góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu có phải đăng ký kinh doanh hay không, nhằm làm rõ hành vi mà theo cáo trạng quy buộc ông Kiên về hành vi “kinh doanh trái phép”? Chuyên viên Ủy ban chứng khoán Nhà nước đáp: “Tôi không có thẩm quyền trả lời”. Tòa tiếp tục hỏi vị đại diện Cục Đăng ký kinh doanh Bộ KH-ĐT về vấn đề này. Người đại diện Cục Đăng ký kinh doanh Bộ KH-ĐT cũng tỏ ra lúng túng không đi vào nội dung câu hỏi của chủ tọa phiên tòa. HĐXX đã phải hỏi thẳng, nhấn mạnh một lần nữa: “Về việc có phải xin phép kinh doanh khi góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu không?”, lúc này vị đại diện Cục Đăng ký kinh doanh Bộ KH-ĐT lại từ chối: “Tôi không trả lời câu hỏi này”. 

Chiều 21-5, bị cáo Nguyễn Đức Kiên đề nghị tòa triệu tập đại diện Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam, vì liên quan đến hàng trăm nghìn DN hiện nay khi đã mua cổ phần, cổ phiếu. Nếu mua cổ phần, cổ phiếu, góp vốn đầu tư với Cty khác mà phải xin giấy phép kinh doanh, thì phải triệu tập Phòng đến trả lời được. HĐXX cho biết chỉ triệu tập những người có liên quan, bị cáo Kiên đáp: “Những vị đại diện mà tòa triệu tập hôm nay không có đủ thẩm quyền trả lời”. Như vậy, tính đến nay, việc làm sáng tỏ cáo buộc tội kinh doanh trái phép, khi “bầu” Kiên đầu tư, góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu vẫn chưa ngã ngũNhư vậy, các vị đại diện cơ quan được tòa triệu tập hỏi chưa có câu trả lời chính thức là có phải đăng ký giấy phép kinh doanh hay không khi đầu tư góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu. Đây là vấn đề khiến dư luận đặc biệt quan tâm, hàng trăm nghìn DN, nhà đầu tư thấp thỏm vì bấy lâu nay đã góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu không biết có phạm tội “kinh doanh trái phép” hay không!? 

Theo luật sư Hoàng Đôn Hùng : “Bị cáo Kiên không thể lừa vì những người chủ tập đoàn Hòa Phát là bạn thân của bị cáo Kiên, như tại phiên tòa ngày 21-5 cả bị cáo Kiên và ông Long đều nói về điều này, họ là bạn thân, cùng nhau ăn cơm hàng ngày, cùng đi nước ngoài… trong nhiều năm và đặc biệt là họ đã và đang cùng kinh doanh nhiều dự án”.
 
Minh Thắng - Hải Lý 

Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật