Cập nhật lúc: 12/2/2015 8:32:30 AM

Doanh nghiệp than phiền nhiều về luật Doanh nghiệp và Đầu tư

(TBKTSG Online) - Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã thuyết phục cộng đồng doanh nghiệp về sự tiến bộ và thông thoáng của hai luật quan trọng là Doanh nghiệp và Đầu tư sau khi nhận được nhiều lời than phiền của họ tại Diễn đàn VBF 2015 về những vướng mắc trong hai luật này. 

Phàn nàn của doanh nghiệp
 
Những hạn chế, vướng mắc trong hai luật Doanh nghiệp và Đầu tư được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm tại Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam - VBF 2015.
Tài liệu của Nhóm công tác Đầu tư và Thương mại cho biết, các luật này đặt ra thủ tục nhiều hơn, thời gian cấp phép dài hơn.
 
Trước đây, trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài chỉ có một Giấy chứng nhận đầu tư; nay luật mới qui định ba giấy là chấp thuận chủ trương đầu tư; giấy đăng ký đầu tư; và giấy đăng ký doanh nghiệp. Trong khi luật cũ qui định thời hạn cấp phép là 45 ngày, thì luật mới không qui định thời hạn ngắn hơn.
 
Bên cạnh đó, Nhóm cho biết, thủ tục hành chính vẫn quá phức tạp. Theo Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14-9-2015, khi chuyển trụ sở, doanh nghiệp phải đăng ký chuyển trụ sở và phải nộp kèm theo năm loại tài liệu gồm sửa đổi điều lệ; chấp thuận của đại hội đồng cổ đông về việc sửa đổi điều lệ; danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông nước ngoài; và người được ủy quyền của cổ đông nước ngoài.
Nhóm này khẳng định, Nghị định 78 trái luật. “Trong nhiều thủ tục đăng ký, luật mới chỉ yêu cầu doanh nghiệp phải nộp văn bản thông báo. Tuy nhiên, Nghị định 78 đã yêu cầu một loạt giấy tờ kèm theo”, Nhóm phàn nàn.
 
Chẳng hạn, đối với việc thay đổi cổ đông nước ngoài, Nghị định 78 yêu cầu phải nộp kèm theo năm loại tài liệu khác như quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông; danh sách các cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài; …
 
Bên cạnh đó, Nhóm cho rằng, quyền tự do kinh doanh bị hạn chế theo Nghị định 78.
 
Nhóm dẫn chứng, luật cho phép doanh nghiệp được tự do kinh doanh những ngành nghề không bị cấm và chỉ cần thông báo cho Cơ quan đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, Nghị định 78 đã dựng lên hàng rào kỹ thuật với việc yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai đúng với “Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam” và đúng với “các văn bản qui phạm pháp luật”. Đây là việc rất khó, tốn nhiều thời gian và công sức.
 
Theo Nghị định 78, đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền xem xét ghi nhận ngành, nghề đó vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
 
Nhóm cũng phàn nàn, Luật mới có những qui định can thiệp quá sâu vào quyền tự quyết của doanh nghiệp. Trước đây, công ty trách nhiệm hữu hạn có thời hạn ba năm để góp vốn điều lệ; tuy nhiên luật mới đã yêu cầu phải góp đủ vốn điều lệ trong 90 ngày, một thời hạn quá ngắn đối với các dự án lớn có vốn điều lệ hàng trăm triệu đô la Mỹ.
 
Bên cạnh đó, Nhóm cho rằng, luật mới nhưng vẫn theo qui trình cấp phép cũ. Các cơ quan cấp phép địa phương vẫn phải tham vấn cơ quan trung ương trong những ngành nghề không bị cấm, bị hạn chế kinh doanh. Qui trình tham vấn đã kéo dài thời hạn cấp phép.
 
Hơn nữa, Luật mới nhưng chưa có hướng dẫn chi tiết đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nhà đầu tư nước ngoài hết sức lúng túng trong việc tuân thủ qui định phải xin đăng ký đầu tư.
 
Nhóm này cũng cho rằng, không có nhiều chuyển biến tích cực với tình trạng làm việc thiếu hiệu quả của công chức. Nhiều công chức làm việc chưa hiệu quả trong việc giải quyết hồ sơ đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp. Trên thực tế, việc đăng ký kinh doanh trong một lĩnh vực dịch vụ đơn giản như “Dịch vụ sửa chữa, bảo trì và lắp đặt máy móc và thiết bị” đã bị kéo dài tới 3-4 tháng.
Giải đáp của bộ trưởng
 
Là người chủ trì soạn thảo hai bộ luật này, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đại diện Chính phủ giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp.
 
Ông nói: “Người dân và doanh nghiệp được làm tất cả những gì mà luật pháp không cấm, tư tưởng làm hai luật này là rất tiến bộ, với một phương pháp hiện đại, minh bạch nhưng lại vô cùng khó làm, nên có vướng mắc; đây là luật có nhiều tiến bộ nên sự mong đợi và kỳ vọng của doanh nghiệp rất lớn”.
 
“Cho đến giờ này tất cả sáu nghị định và ba thông tư hướng dẫn hai luật trên đã được Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành, chúng tôi không nợ văn bản nào. Tất cả đã được hoàn thành và đây là nỗ lực rất lớn”, ông nói.
 
Ông Vinh giải thích thêm, luật được xây dựng trên tinh thần chọn bỏ là phương pháp rất khó. Hiện nay, khi Việt Nam tham dự các hiệp định quốc tế song phương và đa phương vẫn là chọn cho, nghĩa là cho các doanh nghiệp được đầu tư lĩnh vực nào thì được ghi rõ trong luật. “Do đó, việc công bố cấm lĩnh vực nào hiện nay nhiều bộ chuyên ngành vẫn chưa làm được”, ông Vinh thừa nhận.
 
Liên quan đến cơ chế về thủ tục đầu tư, Bộ trưởng cho biết, trong Nghị định 108 quy định chi tiết hướng dẫn một số điều của Luật Đầu tư, đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư thống nhất liên thông một cửa, nghĩa là phòng đăng ký kinh doanh và cấp phép đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và đầu tư, UBND tỉnh đã có sự liên thông.
 
Đối với vấn đề giấy tờ trùng lặp cũng đã xem xét và loại bỏ, hạn chế vướng mắc cho nhà đầu tư và dự án đầu tư, quy định này cũng đã ban hành và sắp có hiệu lực.
 
Đối với vấn đề điều kiện đầu tư áp dụng với nhà đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng cho biết ngày 27-12 Bộ sẽ rà soát và điều chỉnh hệ thống hóa để công bố công khai danh mục điều kiện và hệ thống hóa điều kiện đầu tư về nhà đầu tư nước ngoài trên Cổng thông tin đầu tư quốc gia.
 
Liên quan đến việc xây dựng cơ chế kiểm soát quy trình đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp để không giới hạn nhà đầu tư và hồ sơ bổ sung đầu tư, Bộ trưởng khẳng định cơ quan đăng ký đầu tư không được yêu cầu nộp thêm giấy tờ nào khác theo quy định của hồ sơ.
 
Theo đó, khi bổ sung hồ sơ đăng ký thì cơ quan thông báo một lần về toàn bộ nội dung sửa đổi, chỉ được phép một lần sửa đổi và nhà đầu tư có quyền khiếu nại nếu cơ quan đăng ký yêu cầu hai lần trở lên.
 
Trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính về đầu tư, các cơ quan được lấy ý kiến sẽ có trách nhiệm trả lời về các ngành nghề liên quan. Trường hợp quá thời hạn không lấy ý kiến thì được xem là đồng ý về vấn đề này.
 
Bộ trưởng Vinh cũng cho biết, đối với vấn đề góp vốn điều lệ, Nghị định cũng cho phép được huy động vốn từ nhiều nguồn khác theo tiến độ dự án đầu tư. Đây là quy định không có khó khăn gì cho các doanh nghiệp nên Bộ trưởng cho rằng các doanh nghiệp khi đầu tư cần chứng minh đủ năng lực tài chính để thực hiện được yêu cầu này.
 
Doanh nghiệp tư nhân vẫn manh mún
 
Theo báo cáo của VCCI, có 46% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 50% doanh nghiệp FDI dự kiến sẽ mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, là mức cao nhất kể từ năm 2012 đến nay.
 
Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước còn chưa được cải thiện đáng kể. Gần 70% doanh nghiệp vẫn kinh doanh không có lãi, và mặc dù khu vực kinh tế tư nhân trong nước đã đóng góp gần 50% GDP, nhưng riêng khu vực cá thể đã đóng góp tới 33% GDP, cho thấy khu vực kinh tế tư còn quá manh mún.
 
Trong số các doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động thì doanh nghiệp lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, doanh nghiệp vừa chiếm 2%, còn lại 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
 
Quy mô nhỏ, tính chất phi chính thức lớn, quản trị yếu kém, công nghệ thấp, khó tiếp cận nguồn vốn, khó tiếp cận thị trường, sức cạnh tranh không cao… đang là tình trạng phổ biến của các doanh nghiệp tư nhân trong nước. 

Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật