Không phải ai cũng có thể thành công ở vị trí lãnh đạo. Điều này được minh chứng bởi việc không thiếu những lãnh đạo ra những quyết định sai lầm. Vị trí này quan trọng là thế mà hiện nay không ít các tổ chức bổ nhiệm những người không đủ khả năng vào ghế lãnh đạo. Các nhân viên rất "tinh", họ có thể dễ dàng nhận ra ai chưa và ai đã sẵn sàng nhận trách nhiệm cho vị trí lãnh đạo.
Nhân viên sẽ có động lực và cảm hứng làm việc khi lãnh đạo của họ đưa ra những quyết định một cách cẩn thận và sáng suốt. Họ kính nể những lãnh đạo biết tính toán kỹ càng các rủi ro khi quyết định điều gì. Nếu lãnh đạo ra quyết định sai, nhân viên sẽ bắt đầu mất lòng tin, đặc biệt là khi lãnh đạo của họ lặp lại những sai lầm có phần giống nhau.
Có 6 dấu hiệu để có thể nhận ra một lãnh đạo chưa thật sự sẵn sàng cho vị trí của mình:
Các nhân viên rất "tinh", họ dễ dàng nhận ra ai chưa và ai đã sẵn sàng cho vị trí lãnh đạo
1. Quá dựa dẫm vào kinh nghiệm từ quá khứ
Giáo sư kinh tế Sydney Finkelstein viết trong một cuốn sách của ông rằng "Các lãnh đạo thường dựa vào kinh nghiệm của mình. Điều đó hoàn toàn có thể rất hữu dụng, nhưng thật ra lại rất nguy hiểm. Chúng ta không nên quá đề cao kinh nghiệm, bởi vì những kinh nghiệm có được không hẳn phù hợp với tình hình hiện tại nữa".
Nhận xét này giải thích tại sao lãnh đạo thường có những khó khăn khi họ sang đầu quân cho một công ty khác. Vì, lãnh đạo đã thành công ở công ty cũ không có nghĩa là họ có thể áp dụng những kinh nghiệm có được ở công ty mới. Chính vì thế, lãnh đạo cần phải có một "tâm lý mở" để có thể cập nhật tình hình, tìm hiểu đồng nghiệp mới cũng như những tài nguyên có trên "đất mới".
Đừng quá áp đặt những phương pháp cũ mà lại trông đợi những kết quả tương tự. Lãnh đạo nên tôn trọng những nhân viên hiện tại của mình và những thay đổi ở nơi làm mới; nếu không sẽ rất dễ mắc lỗi trong quyết định.
2. "Dính" vào "chính trị" của doanh nghiệp
Bị cuốn vào những cuộc tranh đấu liên quan đến quyền lực "chính trị doanh nghiệp" sẽ khiến các lãnh đạo không thể ra quyết định một cách chủ quan, bởi vì họ bị vướng vào bẫy của những động cơ và âm mưu chính trị từ những người khác. Phần lớn các động cơ này không song hành với những quan điểm của lãnh đạo, vì thế, họ đưa ra nhiều những quyết định sai chỉ để duy trì quan hệ tốt với các "chính trị gia" khác.
Một điều nguy hiểm là khi có động lực tiến thân, các lãnh đạo sẽ bị cuốn vào nền chính trị doanh nghiệp. Họ sẽ bị che mắt bởi quyền lực và quên đi nhiệm vụ chính và trách nhiệm của một lãnh đạo. Dần dần, nhân viên sẽ cảm nhận được sự thay đổi này và mất lòng tin ở lãnh đạo.
3. Không có mục đích rõ ràng
Khi chưa có mục đích và không mong đợi một kết quả rõ ràng, sẽ rất khó để lãnh đạo có thể ra quyết định đúng. Có một mục đích rõ ràng sẽ giúp lãnh đạo biết được mình mong đợi điều gì rồi mục đích này sẽ dẫn đường cho một quyết định.
Bên cạnh đó, không có mục tiêu chi tiết khiến lãnh đạo mất đi khả năng phân tích rủi ro và ra quyết định khi mà không có cái gì để có thể "soi đường dẫn lối" cho quyết định ấy.
4. Không biết cách quản lý tài nguyên
Nếu như không biết được những tài nguyên có sẵn và dùng chúng một cách hiệu quả cũng có thể ảnh hưởng không hay đến quyết định. Những lãnh đạo chỉ nhảy ngay vào công việc mà không bỏ thời gian tìm hiểu những nguồn tài nguyên sẵn có sẽ là một trở ngại lớn cho họ hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Công việc lãnh đạo không chỉ đơn thuần là khuyến khích động viên nhân viên mà còn đòi hỏi khả năng quản lý và biết cách sử dụng nguồn tài nguyên, hoặc biết được doanh nghiệp cần những tài nguyên gì để có thể cạnh tranh.
Một lãnh đạo giỏi và hay đưa ra quyết định đúng đắn thường biết cách lấy được những thông tin cần thiết, sử dụng những con số thống kê hiệu quả từ tài nguyên có được và liên kết chúng với nhau để ra quyết định.
5. Không thấy được cơ hội
Quả là tiếc cho những lãnh đạo không thể cho ra quyết định đúng lúc vì họ không biết nắm lấy cơ hội ngay trước mắt. Họ không có khả năng nhìn tình hình từ nhiều khóc độ, vì thế, thật khó cho họ có thể thành thạo trong việc nhìn thấy những nguy cơ trong tương lai và đưa ra quyết định để ngăn chặn nó.
6. Không tin vào chính mình
Là một lãnh đạo mà không tự tin vào khả năng của mình thì việc ra một quyết định sai cũng không phải là khó đoán. Bởi vì khi họ không tin vào chính mình, họ sẽ cảm thấy lóng ngóng, không biết nên quyết định theo hướng nào. Sự tự tin có ảnh hưởng rất lớn đến tính kiên định. Khi không có sự kiên định và quả quyết, lãnh đạo sẽ thất bại trong việc tìm ra một quyết định đúng đắn.
KRISTEN NGUYEN (theo Forbes)