Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm quyết định theo thẩm quyền đối với một số giải pháp như gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng máy móc, thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định của doanh nghiệp.
Trong 2 ngày 30 - 31/7/2014, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2014.
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận về Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2014. Theo đó, lạm phát tiếp tục được kiểm soát, xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng khá cao, cân bằng xuất nhập khẩu và liên tục có xuất siêu kể từ đầu năm. Tính chung 7 tháng đầu năm, xuất siêu khoảng 1,26 tỷ USD. Tiến độ thu NSNN đạt cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Giải ngân vốn FDI, vốn ODA và vay ưu đãi đạt khá. Trong 7 tháng đầu năm, vốn FDI thực hiện ước đạt 6,8 tỷ USD – tăng 2,3% so với cùng kỳ. Vốn ODA và vay ưu đãi giải ngân ước đạt 2,51 tỷ USD – tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.
Phát biểu kết luận về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2014 tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực; tuy nhiên cần nỗ lực và phấn đấu quyết liệt để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8%. Mặc dù kinh tế nước ta còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, song Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ không điều chỉnh mà bằng các biện pháp và quyết tâm phấn đấu để đạt được các chỉ tiêu đã đề ra từ đầu năm”.
Riêng về đầu tư xây dựng cơ bản, Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA; khuyến khích đầu tư tư nhân và tăng cường thu hút, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thủ tướng cho biết Chính phủ trong sẽ sớm họp và quyết định về nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện.
Về tái cơ cấu nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện, nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và tái cơ cấu các ngân hàng thương mại yếu kém. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, trong đó có Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tập trung rà soát, có phương án nhanh chóng giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành, tăng năng suất lao động để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đối với tái cơ cấu đầu tư công, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc để tiếp tục triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới.
Về hỗ trợ doanh nghiệp, tại Phiên họp này, Chính phủ đã thảo luận, nhất trí sẽ ban hành Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp về thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm quyết định theo thẩm quyền đối với một số giải pháp như gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng máy móc, thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định của doanh nghiệp, gia hạn thời hạn nộp thuế đối với doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước mà ngân sách nhà nước chậm thanh toán; bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp được trừ vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với khoản chi phúc lợi cho người lao động nếu có hóa đơn, chứng từ hợp lệ... Đồng thời kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp tới đối với các giải pháp như bổ sung quy định nguyên tắc áp dụng ưu đãi thuế TNDN; bổ sung ưu đãi thuế TNDN đối với công nghiệp hỗ trợ; bổ sung ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng và một số giải pháp quan trọng khác.