TT - Cần tìm cách đưa vốn ra nền kinh tế, có thể lập gói tín dụng trung và dài hạn để thúc đẩy đầu tư, đổi mới công nghệ.
Ông Trần Hoàng Ngân - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ - đề xuất như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ. Ông Ngân nói:
|
Ảnh: T.V.N. - Đồ họa: V.Cường |
|
Ông Trần Hoàng Ngân - Ảnh: Thanh Đạm |
- Hiện nay các
doanh nghiệp (DN), nhất là DN vừa và nhỏ, dùng thiết bị cũ, công nghệ Trung Quốc, dẫn đến lệ thuộc vào nguyên phụ liệu, phụ tùng thay thế và chuyên gia Trung Quốc. Khi chúng ta tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), DN phải có công nghệ tốt hơn, nhất là từ châu Âu, mới tận dụng được cơ hội này.
Chúng ta đang kiểm soát chặt đầu tư công, hạn chế mở rộng đầu tư của DN nhà nước thì phải thay vào đó là đầu tư từ khối dân doanh. Nhưng thời gian qua đầu tư của khối dân doanh lại giảm, quy mô của kinh tế tư nhân co lại. Phải thúc đẩy đầu tư của khối này mới hi vọng có tăng trưởng kinh tế cao hơn.
Nhưng muốn đầu tư phải có vốn. Nhu cầu vốn là có nhưng vốn lại đọng trong ngân hàng (NH). Tăng trưởng tín dụng bảy tháng mới được 3,68% trong khi kế hoạch năm 2014 là 12-14%. Giải quyết nghịch lý này nên tận dụng “không gian” của sự “trì trệ” tín dụng để thiết lập gói tín dụng trung- dài hạn từ 100.000 - 150.000 tỉ đồng cho đổi mới công nghệ.
Chúng ta sẽ kiểm soát lạm phát ở mức trên dưới 5%/năm, lãi suất cho vay 6-7%/năm, thời hạn vay theo đời dự án, tối đa 10 năm. Ưu tiên những dự án dùng công nghệ tiên tiến, xanh, sạch, gắn với tăng năng suất lao động.
* Nhưng vốn đọng trong NH là do DN ngại vay vốn khi hoạt động kinh tế chưa khởi sắc thì làm sao dám vay đầu tư trung và dài hạn, thưa ông?
- Tâm lý đó là có thật và thể hiện ở tốc độ tăng tín dụng ì ạch. Nhưng đầu tư trung - dài hạn là nhìn vào những năm tới, không phải là trước mắt. Có cơ sở tin rằng đây là lúc thuận lợi để đầu tư và hái quả trong những năm tới.
Chúng ta đã kiên trì, kể cả chấp nhận trả giá trong những năm qua để ổn định kinh tế vĩ mô làm cơ sở phát triển ổn định trong những năm tới. Lạm phát đã được kiểm soát theo hướng giảm dần, năm 2014 chỉ còn khoảng 5%. Từ bị động nay NH Nhà nước đã chủ động trong điều hành tỉ giá nhờ dự trữ ngoại hối tăng đáng kể.
Cán cân thanh toán vãng lai trong những năm 2007 - 2010 luôn thâm hụt trên 5% GDP, ở mức báo động đỏ thì nay đã có dư (2011: +2%, 2012: +5,8% và 2013: +6,5% GDP). Nền kinh tế đã xuất siêu thay vì nhập siêu triền miên.
* DN ngán vay NH để đầu tư bởi không biết năm sau lãi suất còn như họ tính toán hay tăng vọt theo lạm phát, đẩy dự án, thậm chí cả NH vào chỗ đổ vỡ. Làm sao để DN thoát khỏi tâm lý làm cầm chừng?
- Không ít DN vẫn nhắc lại chuyện “chết hai lần” vì lãi suất tăng đột biến, trong đó lần “chết” thứ hai là sau năm 2009 khi Nhà nước có chương trình bù lãi suất nhưng sau đó do không kiểm soát tốt lạm phát khiến lãi suất tăng 2-3 lần, đẩy nhiều DN vào chỗ khánh kiệt.
Nay nếu chào mời họ vay vốn đầu tư mà cũng chỉ dựa vào sự ổn định kinh tế vĩ mô để nói rằng thời gian tới lãi suất sẽ ổn định thì họ chưa tin đâu. Do vậy, trong gói tín dụng trung - dài hạn cần phải kèm theo điều kiện ổn định lãi suất theo đời dự án hoặc trong 5-10 năm.
Nếu để xảy ra lạm phát cao dẫn đến lãi suất thay đổi, tức là do điều hành, thì Chính phủ phải bù phần này. Như vậy họ mới yên tâm vay, không lo bị phá vỡ bài toán tài chính của dự án.
* Đúng là NH đang thừa vốn nhưng là vốn ngắn hạn, còn vốn trung - dài hạn gần như cạn kiệt sau khi NH Nhà nước đã giảm dần tỉ lệ cho phép chuyển vốn huy động ngắn sang cho vay trung - dài hạn từ mức 40%, vậy lấy đâu ra vốn này để cho vay?
- Việc giảm dần tỉ lệ vốn huy động ngắn hạn chuyển sang cho vay trung - dài hạn trong thời gian qua là cần thiết để đảm bảo thanh khoản của NH. Nhưng nếu thực hiện máy móc lại ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Hiện thanh khoản của các NH đã dồi dào, NH Nhà nước nên nới dần tỉ lệ này ở mức cao hơn.
Đặc biệt là xem xét đưa các khoản vay trung - dài hạn đã cho vay trước đây và nay phải bán cho công ty mua bán nợ ra khỏi tỉ lệ vốn đã chuyển đổi để mở lại “room” giúp các NH có vốn trung - dài hạn mới để cho vay. Gỡ nút thắt này thì NH mới có nhiều vốn trung - dài hạn để cho vay.
* Nếu được triển khai sẽ có thêm gói tín dụng theo mục tiêu, trước đó là gói 30.000 tỉ đồng cho nhà ở, rồi 4.500 tỉ đồng cho đóng - sửa tàu đánh bắt xa bờ, liệu có làm méo mó thị trường?
- Muốn phát triển thì phải đầu tư mới. Thời gian qua hoạt động này gần như chùng xuống. Vì vậy cần phải “mồi”, nhóm lửa, có chương trình mục tiêu, ưu đãi để tạo sinh khí mới cho hoạt động đầu tư không chỉ trong công nghiệp mà cả nông nghiệp.
Chúng ta đang tái cơ cấu nền kinh tế mà trọng tâm chính là tăng năng suất lao động, muốn vậy phải đổi mới công nghệ. Thêm gói tín dụng, nếu xây dựng chính sách hợp thực tế, khi đó tự thân thị trường có nhu cầu mà không cần đến gói tín dụng theo mục tiêu.
Ở đây vai trò của NH Nhà nước rất lớn vì chính sách có vào cuộc sống hay không phụ thuộc hoàn toàn vào điều hành.
T.TU.
thực hiện