Cập nhật lúc: 5/29/2014 1:07:19 PM

Tự do kinh doanh, tăng cường hậu kiểm

“Cá nhân, tổ chức được tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm”, quy định cởi mở, thông thoáng này trong dự thảo luật Doanh nghiệp sửa đổi nhận được ủng hộ của nhiều ĐB trong phiên thảo luận tại tổ của QH ngày 28.5. 

 
 Tự do kinh doanh, tăng cường hậu kiểm
Dự thảo luật DN tạo điều kiện tối đa cho người dân sản xuất kinh doanh. Trong ảnh: DN làm thủ tục đăng ký kinh doanh ở Sở  KH-ĐT TP.HCM - Ảnh: Khả Hòa

Công khai danh mục cấm

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) đánh giá luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi đã rất cố gắng tháo gỡ các rào cản để tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các DN. So với luật hiện hành vốn đã cởi mở thì dự thảo luật mới càng cởi mở hơn, đặc biệt là về quyền kinh doanh. ĐB Lịch đề nghị, để thực hiện tốt quyền DN được kinh doanh những gì pháp luật không cấm thì phải giải quyết 2 vấn đề: Phải kèm theo danh mục những gì nhà nước cấm và danh mục nghề kinh doanh có điều kiện. Ngoài 2 danh mục này người dân có quyền kinh doanh. “Tôi đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Chính phủ cung cấp danh sách những ngành nghề cấm thật rõ ràng. Thứ 2 là danh sách những lĩnh vực có điều kiện, bởi hiện nay các bộ ngành đang nắm rất nhiều. Cứ đưa ra cho QH xem cho ý kiến, ông nào thật sự có điều kiện, ông nào bày ra điều kiện thì có cách chế định”, ĐB Lịch nói, đồng thời cũng đề xuất luật quy định không cần thực hiện đăng ký ngành nghề kinh doanh trong giấy phép đầu tư như hiện nay.
 
 
Tôi đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Chính phủ cung cấp danh sách những ngành nghề cấm thật rõ ràng. Thứ 2 là danh sách những lĩnh vực có điều kiện, bởi hiện nay các bộ ngành đang nắm rất nhiều. Cứ đưa ra cho QH xem cho ý kiến, ông nào thật sự có điều kiện, ông nào bày ra điều kiện thì có cách chế định
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM)
Đồng tình với dự thảo luật về quy định DN được tự do kinh doanh mọi ngành nghề pháp luật không cấm, như vậy sẽ tạo thuận lợi cho DN phát triển và mở rộng sản xuất kinh doanh, nhưng ĐB Đặng Thế Vinh (Hậu Giang) đề nghị nên bổ sung quy định tạo điều kiện để nhà nước thực hiện tốt hơn chức năng quản lý đối với DN. Đơn cử, luật không yêu cầu DN ghi ngành nghề trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhưng cần thêm vào quy định DN phải tự khai báo và đăng ký với cơ quan nhà nước về hoạt động sản xuất kinh doanh của mình qua mạng. Trường hợp DN làm mà không báo hoặc báo nhưng không làm cũng phải có chế tài để quản lý cho chặt chẽ. Đồng thời, tăng biện pháp xử phạt bằng tiền để tăng tính răn đe, vì nếu chỉ thu hồi giấy phép kinh doanh sẽ không mang lại hiệu quả cao.
 
Liên quan đến quyền tự do kinh doanh ngành nghề pháp luật không cấm, ĐB Vinh cho rằng các cơ quan nhà nước phải đưa ra danh mục, ngành nghề cấm kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bởi như vừa qua, có trường hợp một hộ nuôi gián đất ở Bắc Ninh đã xảy ra tranh cãi, kiện tụng với cơ quan quản lý do không biết có trong danh mục cấm hay không. Hay các lĩnh vực mới có nhiều ngành nghề phát sinh, như việc vừa qua các cơ quan chức năng lúng túng khi một thanh niên viết phần mềm trò chơi Flappy Bird.
 
Tránh sự vận dụng tùy tiện

Còn theo ĐB Đào Tiến Sinh (Hòa Bình), tinh thần Hiến pháp cho phép kinh doanh những gì pháp luật không cấm nhưng khi cụ thể hóa trong luật DN cần cân nhắc tránh việc chuyển từ trạng thái quản lý quá chặt sang quá lỏng, sẽ có những hậu quả rất khó lường. ĐB Sinh lấy ví dụ kinh doanh giết mổ gia súc, bán hàng đa cấp cần có điều kiện đảm bảo chứ không phải ai muốn cũng làm được. “Trong điều kiện các cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn có nhiều hạn chế thì vấn đề này càng cần được quan tâm cân nhắc”, ĐB Sinh nói.
 
Cũng theo ĐB Đào Tiến Sinh, điều khoản hằng năm Chính phủ rà soát kiến nghị, đề xuất bổ sung các quy định về kinh doanh có điều kiện, các ngành nghề cấm kinh doanh, là đáng lo ngại. Nếu mỗi năm đều thực hiện việc này mà không có sự quản lý chặt sẽ dẫn đến tình trạng vận dụng tùy tiện. “Ví dụ trường hợp có DN đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện kinh doanh một lĩnh vực nào đó nhưng đột ngột có quyết định dừng, cấm kinh doanh hoặc phải có điều kiện thì họ sẽ thiệt hại rất nặng”, ĐB Sinh nói.
 
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề nghị luật phải đưa ra các quy định để làm tốt khâu hậu kiểm, đây là vấn đề đang có nhiều yếu kém nhất. “Ở các nước thì cơ quan thuế, tài nguyên môi trường, lao động, kiểm toán là cơ quan hậu kiểm quan trọng. Còn ở ta có vụ công ty nước ngoài vào làm ăn, lừa đảo mấy triệu đô nhưng đi tìm công ty này thì không biết ở đâu. Luật DN sửa đổi phải đặt mạnh cơ chế hậu kiểm và có trách nhiệm xử lý anh hậu kiểm”, ĐB Nghĩa nói.
 
Không để tiền ngân sách bị ném qua cửa sổ

Cùng ngày, thảo luận về luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư và sản xuất kinh doanh, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng trong giai đoạn vừa qua các DN nhà nước làm ăn thua lỗ rất nhiều nhưng cuối cùng đại diện chủ sở hữu không có ai chịu trách nhiệm. Nếu trong dự luật không làm rõ điều này dễ lại xảy ra tình trạng đem vốn ngân sách ném qua cửa sổ, cuối cùng thiệt hại là nhân dân. ĐB An đề xuất cần làm rõ việc giám sát trong dự luật này. “Người giám sát phải chịu trách nhiệm cả về chính trị lẫn pháp lý chứ nếu chỉ là trách nhiệm chính trị không sẽ rất khó”, ĐB An nói.
ĐB Trần Du Lịch cho rằng còn rất nhiều vấn đề không được làm rõ trong luật này, trong đó chưa rõ về mô hình, cơ quan nào đại diện vốn kinh doanh nhà nước và “Cái khó nhất là giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước là ông chủ và người đại diện của mình là DN nhưng luật chưa làm rõ”.
Anh Vũ - Trường Sơn - Thái Sơn 

Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật