(Dân trí) - Liên quan đến con số "80% người dân hài lòng với dịch vụ hành chính công" mà Bộ Nội vụ phối hợp với Ngân hàng Thế giới vừa công bố, dư luận nói chung rất xôn xao, người dân giật mình ngỡ ngàng.
Trước đó, Tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm khảo sát mức độ hài lòng đối với dịch vụ công do Bộ Nội vụ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức ngày 20/8, ba tỉnh Thanh Hóa, Phú Thọ và Bình Định đều cho biết tỉ lệ người dân hài lòng và rất hài lòng với các dịch vụ công tại các địa phương này đều trên 80%. Đáng lưu ý là trong lĩnh vực đất đai, lâu nay người dân vẫn ngán ngẩm vì thủ tục rườm rà, nhưng con số khảo sát ở ba tỉnh này cho thấy tỉ lệ người dân lại... rất hài lòng.
Kết quả khảo sát được công bố khiến người dân vô cùng ngỡ ngàng.
Dân “dài cổ” chờ làm thủ tục
Ngày 22/8, PV Dân trí đã có cuộc khảo sát tại một số cơ quan công quyền trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như Sở Lao động - Thương binh & Xã hội, Sở GTVT, Sở Tài chính, Bệnh viện Đa khoa thành phố Thanh Hóa, bộ phận một cửa của TP Thanh Hóa…
Đại đa số người dân đều cho biết họ không hài lòng mới các dịch vụ. Tình trạng nhũng nhiễu, gây khó thường xảy ra ở nhiều nơi. Có Sở giải quyết công việc cho người dân rất nhanh gọn nhưng cũng có Sở cố tình gây phiền toái cho dân.
Ghi nhận tại bộ phận một cửa của TP Thanh Hóa, Công an TP Thanh Hóa, nhiều người dân đến đây đều khẳng định làm giấy tờ thủ tục ở đây rất mệt mỏi vì phải chờ đợi lâu.
Một người sống tại phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa bức xúc: “Chỉ có mỗi giấy tờ giao đất, ủy ban đã có quyết định giao đất rồi thì thủ tục chỉ rơi vào khoảng 15-20 ngày thôi nhưng đằng này cứ phải hơn 1 tháng mới lấy được. Không những thế nhân viên ở đây cũng rất hay sai hẹn. Ví dụ hẹn chúng tôi ngày nọ ngày kia quay lại lấy nhưng khi đến lại viện lý do này khác để nói là chưa có làm người dân chúng tôi rất mất công, ảnh hưởng đến công việc. Nhiều khi họ chẳng cần biết là người dân đang cần rất gấp những giấy tờ ấy”.
“Không những kéo dài thời gian một cách vô lý mà còn có tình trạng, khi chúng tôi đi nộp hồ sơ nhân viên kiểm tra không nói gì, nhưng đến ngày hẹn đến lấy thì lại nói thiếu cái này cái kia, người dân lúc đó mới đi bổ sung và lại tiếp tục chờ” - anh N.T.T ở phường Đông Sơn cho biết.
Cũng theo anh T. thì con số khảo sát 80% người dân hài lòng với dịch vụ công là con số “không có thực”; có chăng chỉ khoảng 40%.
Nhiều nơi dịch vụ công vẫn "hành là chính"
Một học sinh ở xã Hoằng Anh, TP Thanh Hóa cũng cho biết, không hiểu vì lý do gì mà chỉ mỗi đóng dấu và công chứng một tờ giấy thôi em cũng phải đợi từ đầu giờ chiều cho tới cuối giờ mới lấy được, mặc dù lúc đó không hề đông người đến làm thủ tục.
Chủ người bán hàng sống gần bộ phận một cửa TP Thanh Hóa cho hay: “Việc người dân đến đây năm lần bảy lượt chưa làm được thủ tục vì những lý do vô lý không còn lạ gì. Những nơi này thân quen thì may ra còn nhanh, còn không thì cứ thế mà đợi”.
Không chỉ riêng người dân đi làm thủ tục bị “hành” mà ngay cả những doanh nghiệp trên địa bàn cũng không thoát khỏi nạn “hành là chính” của dịch vụ công.
Theo ông Đỗ Đình Hiệu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa khẳng định: “Khi nghe con số 80% dân số được khảo sát hài lòng với dịch vụ công, tôi đã giật mình. Nếu đúng thực tế như thế thì quá tốt, nhưng chắc chắn con số thực không thể cao như thế, khoảng 40-50% thôi. Tôi cho rằng việc chọn đối tượng để khảo sát cũng vô cùng quan trọng. Nếu các đối tượng là công chức và ít va chạm thì họ không thể nhìn nhận và đánh giá chính xác được”.
“Bản thân làm ở Hiệp hội doanh nghiệp, tôi được nghe phản ánh nhiều từ phía các doanh nghiệp về việc bị “hành” mỗi khi đi làm thủ tục gì đó. Ví như một công ty trình phê duyệt hay là lấy ý kiến cho bộ hồ sơ thuê đất chẳng hạn, văn bản cứ lòng vòng mãi không xong. Họ yêu cầu, đòi hỏi những cái không cần thiết hoặc có khi rất vô lý. Nhiều thủ tục lại kéo dài thời gian, khi đến hỏi thì họ nói bận chưa làm xong thành ra ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ công việc" - ông Hiệu nói.
Kết quả khảo sát tại bệnh viện liệu có chính xác?
Tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Thanh Hóa, người dân đến khám chữa bệnh ở đây vẫn phàn nàn, kêu ca việc nhân viên y tế có thái độ phục vụ không nhiệt tình, gây khó, bên cạnh đó còn quát nạt lại người bệnh. Đặc biệt là bộ phận đón tiếp bệnh nhân đến khám bệnh và tại các phòng khám của khoa khám bệnh.
Bệnh nhân N.T.T khám tại đây cho biết: “Tôi đi khám bảo hiểm nên họ thường khám qua loa đại khái, nhiều khi còn bị các y bác sĩ quát nạt. Khám bệnh xong cũng chưa thấy yên tâm về bệnh tình của mình”.
Người dân chờ được khám bệnh tại BV Đa khoa TP Thanh Hóa
Được biết, khảo sát mảng y tế tại Thanh Hóa, Bộ Nội vụ phối hợp với Ngân hàng thế giới đã khảo sát tại Bệnh viện Phụ sản và cho kết quả 72% sử dụng dịch vụ hài lòng và rất hài lòng, chỉ có 23% không hài lòng.
Thế nhưng, mới đây, tại Bệnh viện này, Dân trí đã đưa tin phản ánh của một bệnh nhân mang bầu tuần thứ 33 đến cấp cứu trong tình trạng bị sốt cao. Tuy nhiên, bệnh nhân phải đợi cả tiếng đồng hồ sau khi được người nhà đi đóng phí mới được nhân viên bệnh viện cho siêu âm, xét nghiệm. Không những thế, nếu muốn được nhập viện phải đóng tiền tạm ứng. Không mang theo tiền, nhà lại xa và giữa đêm khuya, chị P buộc phải đi vay 200 nghìn đồng mới được bệnh viện cho làm bệnh án.
Không những chị P mà một số các bệnh nhân nằm ở các khoa khác cũng phản ánh việc làm việc cẩu thả, tắc trách của nhân viên bệnh viện này. Thế nhưng điều “lạ lùng” là kết quả khảo sát vấn đề hài lòng của bệnh nhân lại ở con số cao “ngất ngưởng” không khỏi khiến dư luận băn khoăn.
Kết quả khảo sát tại BV Phụ sản Thanh Hóa việc hài lòng của bệnh nhân đối với BV đang khiến dư luận băn khoăn
Bên cạnh những cơ sở dịch vụ công “hành” dân thì tại Thanh Hóa vẫn có Sở tận tình tiếp đón, hướng dẫn cho người dân, tuy nhiên con số đó không nhiều. Theo ghi nhận thì tại phòng Tiếp nhận và trả hồ sơ lái xe của Sở GTVT Thanh Hóa hay tại Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Thanh Hóa, nhiều người dân đến làm việc tại đây khá hài lòng với chất lượng dịch vụ.
Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề trên, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nội Vụ Thanh Hóa cho biết: “Con số 80% chỉ là con số khảo sát thí điểm và đưa ra bàn luận tại cuộc hội thảo chứ chưa phải là con số chính thức công bố. Do thực hiện thí điểm nên chỉ khảo sát trên một số ít lĩnh vực, mỗi lĩnh vực lại chỉ lấy 1 nhóm thôi nên chưa đủ tính đại diện vì thế có thể thực tế sẽ khác so với con số 80%. Có thể người dân đang hiểu sai bản chất nên mới phản ứng như vậy”.
Nguyễn Thùy - Thái Bá