TT - Cùng một việc công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thế nhưng các nơi lại có nhiều cách thực hiện khác nhau.
TP.HCM đơn giản thủ tục
Bà Nguyễn Kim Chi - phó phòng công chứng số 4, Sở Tư pháp TP.HCM - cho biết tại TP.HCM, khi công chứng hợp đồng mua bán, chuyển nhượng nhà, đất, các công chứng viên không yêu cầu bên mua phải có giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, giấy ủy quyền của vợ (hoặc chồng) hay phải có người vợ (chồng) cùng ký vào hợp đồng mua bán, chuyển nhượng nhà, đất vì việc công chứng hợp đồng chỉ xác nhận giao dịch. Khi bên mua đi đăng bộ thì văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất sẽ yêu cầu chứng minh những tình huống này: nếu chưa có gia đình thì phải có xác nhận tình trạng hôn nhân, nếu đã có gia đình thì vợ (chồng) sẽ đứng tên chung, đã có gia đình mà đứng tên một mình thì người vợ (chồng) phải cam kết đó là tài sản riêng của người mua. Chính vì vậy nên khi công chứng hợp đồng, công chứng viên không yêu cầu người vợ (chồng) phải có mặt nhằm đơn giản thủ tục.
K.Y.
|
Chị Đặng Thị Hồng Ngọc (ngụ Q.7, TP.HCM) cho biết theo thủ tục hành chính mà chị đã quen làm tại TP.HCM khi mua nhà đất, chị thường đi công chứng một mình. Sau khi đóng thuế, chị nộp đầy đủ giấy tờ tùy thân vợ chồng, hộ khẩu và giấy đăng ký kết hôn, UBND cấp quận sẽ cấp giấy chủ quyền có tên hai vợ chồng cho chị mà không cơ quan nào yêu cầu chồng chị phải có mặt để làm bất kỳ thủ tục gì. Ngày 9-5, chị về TP Long Xuyên (An Giang) công chứng một hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Vì nghĩ thủ tục cũng tương tự TP.HCM nên chị đi một mình, nhưng nhân viên của văn phòng công chứng Long Xuyên yêu cầu chồng chị Ngọc phải có mặt nếu chị không có giấy xác nhận độc thân hoặc giấy cam kết tài sản riêng. Khi chị nói mình “không có nhu cầu tài sản riêng”, nhân viên này cũng nói chồng chị phải có mặt làm thủ tục vì đây là tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung.
Chị Ngọc phản ảnh: “Không phải lần đầu chúng tôi mua nhà đất nên không thể nói chúng tôi không hiểu pháp luật. Nhưng nhân viên văn phòng công chứng nói TP.HCM áp dụng sai là tôi không đồng ý. Bức xúc quá, tôi tìm đến phòng công chứng số 01 của Sở Tư pháp (An Giang). Ở đây họ cũng giải thích tương tự. Họ cho rằng: căn cứ pháp lý để xác định tài sản chung là hợp đồng công chứng. Đồng nghĩa tôi phải chọn một trong hai cách là chồng tôi phải về Long Xuyên hoặc tôi phải quay về TP.HCM làm ủy quyền”.
Trao đổi qua điện thoại, bà Nguyễn Thúy Nga - công chứng viên văn phòng công chứng Bình Phú (Bình Tân) - cho biết: theo quy định, tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung vợ chồng. Nếu một trong hai bên không chứng minh được là tài sản riêng thì đương nhiên được pháp luật coi là tài sản chung. Căn cứ pháp lý cho việc xác định này là điều 219 Bộ luật dân sự năm 2005 và điều 27 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 về sở hữu chung của vợ chồng. Theo đó, quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Tại TP.HCM, khi làm thủ tục đăng bộ, UBND cấp quận sẽ yêu cầu đương sự nộp các giấy tờ liên quan của vợ chồng. Nếu bên đứng tên công chứng không chứng minh là tài sản riêng thì đương nhiên tài sản này được coi là tài sản chung và sẽ được cấp chủ quyền cho cả vợ lẫn chồng. Điều này đã đơn giản hóa thủ tục hành chính mà vẫn đảm bảo đúng pháp lý.
Sự việc nói trên cho thấy cùng một quy phạm pháp luật, cùng một hệ thống cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp nhưng khi áp dụng pháp luật vào cuộc sống, mỗi địa phương lại áp dụng mỗi kiểu. Quy phạm pháp luật chỉ đặt ra khuôn mẫu, mô hình của cách xử sự nhưng thực tiễn thì vô cùng sinh động và phức tạp. Do đó đòi hỏi các cơ quan nhà nước với tư cách chủ thể áp dụng pháp luật phải linh hoạt và sáng tạo, đánh giá đúng bản chất của vụ việc, vừa đảm bảo đúng pháp luật vừa đáp ứng nhu cầu người dân. Đó mới là mục tiêu của cải cách hành chính hiện nay.NGÔ MINH SANG
An Giang: phòng ngừa phát sinh tranh chấp
Ông Dương Bá Lộc - trưởng văn phòng công chứng Long Xuyên - cho biết theo quy định, các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và UBND các huyện, thị, thành phố tại An Giang đều căn cứ vào hợp đồng công chứng để xác định tài sản giao dịch là tài sản chung. Trừ trường hợp vợ hoặc chồng có giấy khước từ tài sản hay có giấy ủy quyền giao dịch (đã được công chứng), còn nếu thấy trong hợp đồng giao dịch chỉ có một người thì họ sẽ yêu cầu ký hợp đồng công chứng lại với đầy đủ tên và chữ ký của cả vợ chồng. Vì vậy các phòng công chứng đều yêu cầu cả vợ chồng cùng có mặt ký hợp đồng. Mặt khác, khi cả vợ chồng cùng có mặt ký hợp đồng giao dịch tài sản sẽ hạn chế, phòng tránh được những tình huống tranh chấp phát sinh khó giải quyết sau này. “Theo tôi biết, các tỉnh ĐBSCL cũng đều làm theo quy trình như vậy” - ông Lộc nói.
Ông Huỳnh Chánh Huy, giám đốc Sở Tư pháp An Giang, cũng cho rằng tại An Giang, các phòng công chứng đều thực hiện tương tự. Theo Luật công chứng, khi thực hiện hợp đồng chuyển nhượng bất động sản, cả vợ chồng phải trực tiếp cùng đến phòng công chứng ký hợp đồng. Nếu đi một người thì phải có hợp đồng ủy quyền giao dịch tài sản (có công chứng) hoặc giấy khước từ tài sản của người còn lại. Việc này nhằm bảo vệ tài sản cho người dân, phòng ngừa những tranh chấp phát sinh.
Đ.VỊNH
|