Cập nhật lúc: 4/26/2014 12:17:01 AM

Thị trường BĐS sẽ sôi động từ nay đến cuối năm

Số lượng quan tâm đầu tư trong nước và nước ngoài đã tăng lên rõ rệt. Đây sẽ là lực đẩy cho thị trường sôi động từ nay tới cuối năm 2014. 

Gần đây, nhiều chuyên gia cũng như lãnh đạo quản lý các cơ quan chuyên ngành đều đánh giá thị trường đang ấm lên, và chính thức tan băng sau nhiều năm trầm lắng, theo ông Timothy Horton – CEO Cushman & Wakefield Việt Nam, nửa đầu 2014 thị trường đã xuất hiện nhiều phản ứng tích cực nhờ vào niềm tin thị trường đã dần phục hồi cùng nhiều những chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ. Số lượng quan tâm đầu tư trong nước và nước ngoài đã tăng lên rõ rệt. Đây sẽ là lực đẩy cho thị trường sôi động từ nay tới cuối năm 2014.

Phân khúc BĐS nào sẽ thu hút được nhà đầu tư, và có sự hồi phúc nhanh?

Ông Timothy Horton: Dựa trên tình hình hiện tại, tôi thấy một trong những phân khúc tiềm năng tại thị trường bất động sản Việt Nam là phân khúc văn phòng tại Tp.HCM. Nhiều nhà đầu tư đang tìm thuê tòa nhà văn phòng và mua lại tòa nhà văn phòng để đầu tư.

Bên cạnh đó, khu công nghiệp cũng là một trong những phân khúc bất động sản tiềm năng. Năm ngoái, các nhà đầu tư Nhật Bản đã triển khai đầu tư mạnh mẽ vào khu công nghiệp, phát triển nhà máy sản xuất, chế tạo với hàm lượng kỹ thuật cao. Nhờ vào những đóng góp này, nền kinh tế Việt Nam cũng có nhiều điều kiện phát triển hơn.

Một lần nữa, tôi nghĩ rằng phân khúc nhà ở sẽ phục hồi, cụ thể là phân khúc căn hộ cao cấp và căn hộ bình dân, và BĐS ở trung tâm HN và Tp.HCM đang hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông có đánh giá như thế nào về triển vọng thị trường BĐS Việt Nam 2014?

Ông Timothy Horton: Hiện tôi thấy có hai xu hướng thuận lợi cho thị trường bất động sản Việt Nam. Thứ nhất, nhiều nhà sản xuất muốn chuyển hướng xây dựng nhà máy ở VN, do giá BĐS và nhân công ở Trung Quốc gần đây đều tăng lên, còn ở VN thì rẻ hơn.

Thứ hai, nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản vốn là những nhà đầu tư tích cực tại thị trường Việt Nam trong nhiều năm qua. Trong 12 tháng trở lại đây, cả hai quốc gia Hàn Quốc và Nhật Bản đều có những bước hồi phục nền kinh tế. Vì điều này, điều kiện và cơ hội cho các nhà đầu tư từ hai đất nước này đều tăng lên.

Đã có nhiều lo ngại đầu tư vào KCN từ các nhà đầu tư Nhật Bản bắt đầu chững lại, ý kiến của ông thế nào?

Ông Timothy Horton: Thực tế, tại thị trường khu công nghiệp, tôi chưa thấy xuất hiện xu hướng sụt giảm về đầu tư và các nhà đầu tư đang tiếp cận và có những bước đi vững chắc trong quá trình xem xét đầu tư. Lý do thứ nhất là luồng đầu tư chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Lý do thứ hai là xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư Nhật Bản khi đến Việt Nam – họ không chỉ đầu tư vào một lĩnh vực mà còn đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Việt Nam có kết cấu dân số trẻ, công nhân lành nghề.

Chính lợi thế này đã thu hút nhiều nhà đầu tư đến thị trường Việt Nam. Một trong những dự án nổi bật là dự án khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) I và II có giá chào thuê đất đến nay đã tăng lên gấp hai lần là 150 usd/m2, trong khi giá chào thuê của khu vực này 5 năm trước chỉ giao động từ 70 usd/m2 đến 80 usd/m2.

Hiện nay thị trường Việt Nam xuất hiện nhiều hoạt động sáp nhập. Ông đánh giá gì về xu hướng này?

Ông Timothy Horton: Đây là một tín hiệu tích cực, cho thấy thị trường đã phát triển đến trình độ tinh vi và có quy luật hơn. Sau những hoạt động M&A, thị trường đã phản ánh quan hệ thực của cung và cầu, rút ngắn chênh lệch giữa nguồn cung và nguồn cầu trên thị trường.

Theo tôi, hoạt động M&A góp phần giải quyết những dự án tồn đọng chưa hoàn thành tới 50%, 40%, 30% và hỗ trợ vốn cho những dự án này hoàn thiện. Việc hoàn thiện của những dự án này đương nhiên mang đến tín hiệu tích cực cho thị trường.

Hiện tại thành phố Hồ Chí Minh, nguồn cung văn phòng hiện đang hiếm. Sau sáp nhập, nhiều dự án văn phòng bị chuyển thành dự án nhà ở. Liệu điều này có gây khan hiếm nguồn cung văn phòng hơn không?

Ông Timothy Horton: Điều này còn phụ thuộc nhiều vào phân khúc văn phòng hay phân khúc nhà ở nào. Từ năm 2010, trên thị trường xuất hiện xu hướng các dự án văn phòng diện tích nhỏ, cụ thể là nhỏ hơn 10.000 m2, chuyển sang xây dựng thành dự án căn hộ dịch vụ do nhu cầu căn hộ lúc đó khá cao so với nhu cầu văn phòng.

Tuy nhiên, tại Tp.HCM thời điểm hiện tại, phân khúc văn phòng chưa lâm vào tình trạng cung vượt quá cầu. Hiện thị trường này vẫn còn đủ nguồn cung văn phòng để đáp ứng cho nhu cầu thuê mua trong thời gian tới. Từ giờ đến cuối năm không có dự án văn phòng mới, tuy nhiên từ đầu năm 2015 trở đi, thị trường văn phòng sẽ chào đón nhiều dự án mới, từ đó đáp ứng đủ nhu cầu văn phòng cho các khách thuê.

Sau quý đầu tiên, lời khuyên của ông về mặt chiến lược dành cho các công ty nước ngoài đang đầu tư vào bất động sản Việt Nam là gì?

Ông Timothy Horton: Đối với các lĩnh vực khác như chứng khoán chẳng hạn, các nhà đầu tư sẽ có tầm nhìn ngắn và trung hạn. Tuy nhiên riêng với bất động sản, tầm nhìn sẽ là trung và dài hạn, do đó các nhà đầu tư không nên mua đi bán lại bất động sản nhanh chóng như cổ phiếu và trái phiếu.

Tầm nhìn về đầu tư bất động sản thường trong khoảng thời gian từ 5 đến 10 năm. Vì vậy, các nhà đầu tư sẽ không thay đổi chiến lược đầu tư theo từng quý. Nhưng trong hai quý vừa qua, nhìn về tình hình kinh tế và bất động sản thì cả hai đang phát triển mạnh mẽ và điều quan trọng là nó đang mang đến một xu hướng tích cực cho nền kinh tế.

Vì vậy, nếu được chia sẻ điều gì thì tôi cho rằng nó là niềm tin của các nhà đầu tư đang quay trở lại, tôi không thấy sự thay đổi nào trong chiến lược đầu tư của họ mà chỉ thấy các dấu hiệu tích cực đang được hồi phục.

Kiều Thuật
Theo Trí Thức Trẻ 

Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật