Trước sức ép giảm giá thị trường, nhiều nhà đầu tư đặt tiền mua chung cư đã bỏ tiền đặt cọc, chấp nhận nộp phạt vì tính đi tính lại làm như vậy còn hiệu quả hơn việc tiếp tục đổ tiền vào đầu tư.
Thông tin Tài chính - Bất động sản, Thị trường chứng khoán, Giá vàng cập nhật liên tục và nhanh nhất
Việc này không phải chuyện hiếm trên thị trường bất động sản. Thông thường, khi thị trường sôi động, giá tăng mạnh, việc huỷ hợp đồng đặt cọc xuất phát từ phía người bán, để bán lại cho người mua khác với giá cao hơn. Thế nhưng, hiện tại việc phá cọc lại chủ yếu xuất phát từ bên mua khi mà thị trường đang giảm giá như hiện nay. Người mua thà chọn cách phá cọc còn hơn đóng tiền để rồi không biết bao giờ mới bán được, thậm chí điều này diễn ra với cả người có nhu cầu mua nhà để ở.
Anh Nguyễn Vũ Hải (nhà đầu tư) cho biết, anh vừa đăng ký mua một căn hộ chung cư tại khu đô thị mới Mỹ Đình. Dự án này được là chung cư cao cấp có giá bán 2.000 – 2.200 USD/m2. Hiện tại theo yêu cầu chủ đầu tư, khách hàng đặt cọc 200 triệu đồng.
“Nếu căn cứ đúng tiến độ thì trong vòng 2 tuần, chúng tôi phải nộp 50% tiền nhận hợp đồng mua bán căn hộ với chủ đầu tư. Tính sơ sơ, một căn chung cư rộng 168 m2 có giá bán 2.200 USD tôi phải nộp 184 ngàn USD (tương đương hơn 3 tỷ đồng). Do quen biết với chủ đầu tư nên tôi xin được hưởng chiết khấu 5%. Mới đầu, cũng có một số khách hỏi mua, những tưởng bán lướt bằng giá gốc kiếm lời nhưng sau họ lại không lấy nữa. Vì vậy tôi đành “muối mặt” xin chủ đầu tư cho nộp phạt 100 triệu đồng để xóa hợp đồng mua bán. Bởi, trong bối cảnh này chỉ cần cắm 3 tỷ đồng vào đó khoảng 6 tháng thì tôi đã mất cả vài trăm triệu tiền lãi rồi”, anh Hải than thở.
Không chỉ nhà đầu tư, chị Ngọc Minh – người mua nhà để ở cũng rơi vào cảnh ngược đời như vậy.
Hai vợ chồng chị Minh tính toán tìm mua căn chung cư tại khu nhà ở văn phòng quốc hội nằm trên phố Lê Đức Thọ kéo dài. Hiện giờ, khu chung cư này đang trong quá trình xây móng, giá gốc căn hộ 16 triệu đồng/m2 nhưng chị Minh mua lại với giá bán là 28 triệu đồng/m2, chênh 12 triệu đồng/m2.
Khách mua chung cư ồ ạt bỏ đặt cọc - 1
Thị trường bất động sản từng chứng kiến sự thoái lui của rất nhiều nhà đầu tư khi ồ ạt đòi rút vốn tại nhiều dự án chung cư. (Ảnh minh họa).
“Do không tìm hiểu kỹ thông tin, sau khi đặt cọc mua nhà tôi mới biết nhiều khu chung cư mới đẹp, đang trong quá trình hoàn thiện nhà rồi giá hiện chỉ rơi vào khoảng 22-24 triệu đồng/m2. Đơn cử như dọc tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài, chung cư tại khu đô thị mới Văn Khê đã đi vào sử dụng giá 23 triệu đồng/m2, khu Trung Văn chung cư đang xây dựng tầng 15-17 giá cũng chỉ 25 triệu đồng/m2… Vì vậy, đành chấp nhận mất 50 triệu đồng tiền phạt để mua chung cư khác vậy” chị Minh cho biết.
Theo chị Minh, còn nguyên nhân nữa khiến chị lo lắng đó là tiến độ công trình khó đảm bảo được đúng hẹn nhất là trong bối cảnh giá nguyên liệu xây dựng tăng cao, nguồn tiền bị siết chặt khiến nhiều dự án dừng triển khai do thiếu vốn. Vì vậy, việc mua nhà đã xây dựng rồi đỡ rủi ro hơn rất nhiều.
Vừa qua, thị trường bất động sản cũng đã chứng khiến sự thoái lui của rất nhiều nhà đầu tư khi ồ ạt đòi rút vốn tại nhiều dự án chung cư. Điển hình là vụ việc một nhóm nhà đầu tư cá nhân đã tìm cách khởi kiện chủ đầu tư Dự án Mulberry Lane (quận Hà Đông, Hà Nội) vi phạm pháp luật để đòi lại tiền đặt cọc căn hộ. Hay một nhóm nhà đầu tư mua dự án chung cư Khu đô thị Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) do Công ty cổ phần Bất động sản AZ (AZ Land) làm chủ đầu tư cũng tìm mọi cách để rút vốn khỏi dự án này do tiến độ dự án quá chậm.
Ông Nguyễn Phất Đạt, người mua hai căn hộ tại lô cao tầng Dự án Khu đô thị Vân Canh cho biết, ông đã có hợp đồng góp vốn và được quyền mua căn hộ tại Dự án Vân Canh với chủ Dự án AZ Land từ tháng 3/2010. Thế nhưng, đến ngày 12/6/2011, đến khu Dự án, ông vẫn chỉ thấy một khu đất trống có tường tôn vây quanh...
Theo chuyên gia phân tích, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nhà đầu tư ồ ạt thoái lui khỏi thị trường nhất là trong bối cảnh bất động sản đang giảm mạnh như hiện tại. Phổ biến nhất là tại các dự án chậm tiến độ, trong đó nhiều dự án nhận tiền của khách hàng nhiều năm nhưng vẫn không triển khai xây dựng.
Ông Phạm Thanh Hưng - Phó tổng giám đốc tập đoàn CenGroup cho rằng, đã qua rồi thời kỳ của chung cư góp vốn. Khách hàng, nhà đầu tư hiện tại đã tỉnh táo hơn rất nhiều họ thường tìm đến những chủ đầu tư có uy tín, lựa chọn dự án đã xây xong hoặc chí ít thì cũng hoàn thành xong móng thì mới nộp tiền theo đúng quy định của pháp luật. Những dự án chậm hoặc chủ đầu tư không có uy tín sẽ không còn "đất sống" trên thị trường bất động sản.
Theo Anh Đào (VnMedia)
Xem thêm: Thành lập công ty bất động sản, thành lập công ty cổ phần bất động sản, thành lập công ty tnhh bất động sản, dịch vụ môi giới, sàn bất động sản, dịch vụ định giá.