Nguyên tắc của các ngân hàng là những chủ đầu tư uy tín mới được “chọn mặt gửi vàng”.
Một trong những yếu tố khiến thị trường bất động sản có cơ hội để kích cầu là vốn giá rẻ từ ngân hàng. Đây là cách thức hợp tác rất phổ biến hiện nay giữa chủ đầu tư và nhà băng trên thị trường BĐS. Mô hình này đã phát triển khá mạnh mẽ ở thị trường Tp.HCM trong những năm qua, và tiếp tục lan rộng ra thị trường Hà Nội trong một hai năm gần đây.
So với mặt bằng những năm trước, lãi suất vay mua nhà đất, căn hộ hiện nay dễ chịu hơn khá nhiều trung bình ở mức khoảng 12%/năm. Để kích thích nhu cầu mua căn hộ, rất nhiều dự án đang đưa ra những chương trình vốn ưu đãi khác nhau.
Điển hình như căn hộ OCT2- Khu đô thị Xuân Phương vừa mở bán được ngân hàng MB tiếp sức với gói cho vay 50% giá trị hợp đồng, khách hàng chỉ phải chi trả 5%/năm. Tại dự án Thăng Long Number One khách hàng được vay vốn với lãi suất 5,99% trong 6 tháng đầu. Chủ đầu tư chung cư AZ Land cũng hợp tác với MB để hỗ trợ cho người vay tới 70% giá trị căn hộ trong vòng 10 năm. Mới đây, SHB tài trợ vốn cho khách hàng mua căn hộ tại dự án Thăng Long Victory với lãi suất ưu đãi...
Vốn giá rẻ không chỉ kích thích phân khúc bình dân mà còn là động lực của các phân khúc hạng sang. Điển hình là dự án căn hộ ven hồ Đống Đa D’. Le Pont D’or. Tân Hoàng Minh đã quyết định cùng với SHB hỗ trợ người mua với lãi suất năm đầu tiên là 8,68%, trong đó chủ đầu tư tài trợ 3,68%, như vậy người mua chỉ phải trả lãi suất 5%/năm. Các năm tiếp theo lãi suất cho vay điều chỉnh 03 tháng/lần theo lãi suất cho vay tại thời điểm điều chỉnh.
Tương tự Vingroup từng kết hợp với Techcombank tung ra các gói lãi suất ưu đãi khác nhau, cho vay từ 50% - 70% trong 20 năm với lãi suất cho vay ưu đãi 3% trong năm đầu tiên cho các tòa T18 và một số căn hộ trong đợt mở bán quy mô hẹp hồi tháng 3/2014. Được biết, ngày 23/5 tới gói cho vay ưu đãi tới 70% căn hộ Times City các tòa T8, T9, T11 sẽ được triển khai.
Hiện các ngân hàng cũng rất thận trọng khi thẩm định cho vay vốn sau “cú sốc” về khủng hoảng tín dụng
BĐS và nỗi ám ảnh nợ xấu vẫn còn đó. Nguyên tắc của các ngân hàng là những chủ đầu tư uy tín mới được “chọn mặt gửi vàng”
Bên cạnh nguồn vốn giá rẻ từ ngân hàng, sự hợp tác phát triển các dự án BĐS ngày càng chặt chẽ hơn với sự xuất hiện mô hình liên kết 4 nhà (chủ đầu tư –nhà thầu-nhà cung ứng vật liệu –nhà băng) cũng đang tạo dòng vốn mới cho thị trường BĐS. Tín dụng đã bắt đầu lan tỏa vào các dự án BĐS thông qua mô hình này, điển hình như chương trình gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho ngành xây dựng do Ngân hàng Xây dựng cùng tập đoàn Thiên Thanh triển khai.
Mới đây, SHB cũng quyết định cung cấp hạn mức tín dụng 70 tỷ bổ sung vốn lưu động để thanh toán cho các nhà thầu, nhà cung cấp vật tư, thiết bị, tư vấn giám sát...cho dự án Thăng Long Victory. Agribank cũng đã có hợp đồng hạn mức tín dụng 400 tỷ cho dự án AZ CT Number One, đến nay đã giải ngân 172 tỷ….
Với dòng vốn giá rẻ tiếp tục đang đổ vào BĐS, cả ở đầu ra và đầu vào đang là một trong những yếu tố thúc đẩy nguồn cầu cho thị trường. Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, nhu cầu nhà ở đang tăng lên trông thấy, giao dịch 4 tháng đầu năm tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái đạt con số 2.300 tại Hà Nội và Tp.HCM là 1.300 căn.
Kiều Thuật
Theo Trí Thức Trẻ