Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi của Bộ Xây dựng đưa ra lấy ý kiến về phương án sở hữu nhà ở chung có thời gian tối đa 70 năm, đã khiến nhiều người dân và chủ đầu tư bất động sản bức xúc.
Nếu tiếp tục đặt ra những rào cản phát triển nhà ở chung cư như vậy, thì mục tiêu Chiến lược này sẽ rất khó thành công và các chủ đầu tư cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển thị trường.
Theo một sàn giao dịch địa ốc chuyên giao dịch sản phẩm chung cư, đây là câu hỏi được khá nhiều người đến tham quan, thăm dò thông tin và tìm kiếm sản phẩm đầu tư, mua nhà ở đặt ra trong thời gian gần đây.
Mua nhà phi tài sản?
Việc Bộ Xây dựng đưa ra phương án người dân có thể chỉ được sở hữu nhà ở với thời hạn tối đa 70 năm, trong trường hợp đất được Nhà nước giao chủ đầu tư để phát triển nhà ở thương mại và cho thuê và sau thời gian đó, Nhà nước sẽ thu hồi lại còn người dân được bố trí phương án tái định cư, khiến nhiều người đang có ý định mua nhà ở chung cư lo ngại.
Lo ngại lớn nhất của họ là tích lũy vốn liếng gần như cả đời và với trường hợp của nhiều người là gánh nợ trang trải cho khoản tiền mua nhà chiếm phần lớn trong khoảng thời gian lao động trong cuộc đời (10-20 năm/ 40 năm lao động trung bình) chỉ để mua một căn nhà ở chung cư với mong muốn có thể để lại chút tài sản cho con cháu, sẽ bị tan như bong bóng xà phòng, không để lại chút vết tích gì cho thế hệ sau ngoài “được bố trí tái định cư”.
Chị Quỳnh Như, một cán bộ lao công ở một chi nhánh Vietcombank TP HCM cho biết chị, cũng như nhiều người khác đều có cảm nghĩ rằng có vẻ như Bộ Xây dựng đều cho rằng người Việt ta quá giàu có và người Việt không có nhu cầu để lại tài sản cho cháu con. “Thực tế thì không có quá nhiều người Việt giàu xổi để có thể mua được tài sản là nhà ở đất nền. Mặt khác đất đai của nước ta thì cũng chỉ có hạn. Nếu quy định như vậy chẳng khác nào gián tiếp đẩy giá đất lên cao, về sau thì càng quý càng hiếm, đất nền sẽ càng cao giá hơn nữa. Bao nhiêu người lao động như chúng ta sẽ sở hữu được vài ba mét vuông đất nền tài sản như vậy ?”.
Chủ đầu tư: Cười nụ hay khóc thầm ?
Không phải tất cả các chủ đầu tư sản phẩm chung cư đều phản đối phương án này. Nếu theo quan điểm của những nhà tiên phong phát triển sản phẩm chung cư có thời hạn (cho thuê hoặc sở hữu ngắn đến dài hạn 50 năm), việc sở hữu chung cư có thời hạn là có lý do. Ở nước ngoài, sau 50 năm, người ta đập bỏ chung cư xây mới. Tránh cho đô thị tình trạng nhếch nhác xuống cấp và đó cũng là một cách tạo điều kiện cho người dân được có nơi ăn chốn ở sạch đẹp an toàn.
Mặt khác, những ai không có nhiều tiền, không tích lũy được lớn thì mua một căn nhà sở hữu có thời hạn giá rẻ, cũng là một phương án tối ưu giải quyết chuyện có nhà. Tất nhiên, với phương án này thì với mục tiêu có tài sản kế thừa cho con cháu, sẽ phải xếp hàng thứ yếu, tính sau. Thậm chí, có chủ đầu tư còn cho rằng xã hội đã văn minh và tư duy người Việt cũng đã thay đổi, tiến bộ, chuyện đời con đời cháu thì con cháu tự tính. 70 năm, chứ 50 năm cũng đã là hết một cuộc đời, đã trọn vẹn.
Bộ Xây dựng đưa ra phương án này, vậy có tính giải pháp đối với những trường hợp đã cấp sổ hồng vĩnh viễn hay không?
Ở góc độ ngược lại, những chủ đầu tư đã và đang phát triển dự án chung cư vô thời hạn (tức chung cư có sổ hồng cho người mua nhà) thì cực kỳ lo lắng trước phương án này. Một chủ đầu tư không muốn nêu tên cho biết: Bộ Xây dựng đưa ra phương án này, vậy có tính giải pháp đối với những trường hợp đã cấp sổ hồng vĩnh viễn hay không? Bởi điều này sẽ liên quan đến chế độ hậu mãi và cam kết của chủ đầu tư đối với những trường hợp dự án đã bán hết, bàn giao nhà, ra sổ hồng cho khách hàng và thậm chí không cẩn thận chủ đầu tư còn có thể bị khách hàng kiện ngược.
Còn nếu chỉ quy định cho những dự án mới phát triển thì đó cũng sẽ là vấn đề khiến thị trường sẽ có mức lệch pha trong giá cả sản phẩm rất lớn và chắc chắn, những dự án phát triển không nằm trong thời hạn quy định đưa ra sẽ có giá sản phẩm ngất trời, được mua đi bán lại “chóng mặt”, còn với những dự án đang và sẽ triển khai sau đó, nằm trong danh mục chỉ cấp sở hữu có thời hạn cho người mua, trong tình trạng thị trường được cho là sẽ còn khó khăn kéo dài như hiện nay, bao nhiêu người sẽ còn giữ ý định mua nhà và góp vốn cho chủ đầu tư? Chưa kể, bao nhiêu dự án, sản phẩm chung cư còn tồn đọng, sẽ được tháo ngòi bằng cách nào?
Ông Trần Như Trung - Phó Giám đốc Savills VN nhận định để đạt được mục tiêu Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia 2020-2030, không thể không trông đợi vào thị trường nhà ở chung cư. Nay nếu tiếp tục đặt ra những rào cản phát triển nhà ở chung cư như vậy, thì mục tiêu Chiến lược này sẽ rất khó thành công và các chủ đầu tư cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển thị trường.
Theo Thuận Hóa
Diễn Đàn Doanh Nghiệp