Cập nhật lúc: 6/1/2022 11:48:16 AM

Chung cư sẽ “mất giá” nếu chỉ được sở hữu 50 năm

Khả năng người dân sẽ “quay lưng” với loại hình chung cư là rất lớn nếu đề xuất quy định quyền sở hữu chỉ còn 50 năm. 

Dù chỉ mới đề xuất, nhưng ý tưởng quy định thời hạn sở hữu chung cư xuống chỉ còn 50 – 70 năm so với sở hữu lâu dài như hiện nay đang gây ra nhiều tranh luận trái chiều.

Phần lớn người dân đang sở hữu và người đang có ý định mua chung cư đều phản đối ý tưởng này. Nhiều người khẳng định, nếu quy định thời hạn sở hữu chung cư như vậy thì họ chẳng khác nào đi ở thuê dài hạn. 

Chị Dạ Thảo (TP. Thủ Đức), cho rằng đề xuất này rất bất hợp lý và không phù hợp với thói quen tích luỹ tài sản của người Việt. Theo chị, với giá nhà như hiện nay để mua được một căn chung cư là thành quả của nhiều năm lao động, vay mượn khắp nơi. Do đó, chung cư phải được xem như tài sản được sở hữu lâu dài. Không chỉ cho một mà còn truyền lại cho nhiều thế hệ sau này.

Đồng quan điểm, anh Hưng (quận Gò Vấp) cho biết, đề xuất này đã đụng tới tâm lý truyền đời của người Việt Nam là “an cư lạc nghiệp”. Dù là nhà đất hay chung cư thì người Việt vẫn giữ tâm lý được sở hữu của riêng mình và lâu dài.

Theo anh Hưng, hiện nay người mua chưng cư không chỉ mua căn hộ mà còn cả khu đất. Do đó, theo thời hạn nếu công trình xuống cấp thì có thể đập bỏ xây mới lại. Người dân vẫn có quyền được tái định cư tại chỗ hoặc được đền bù một cách tương xứng để tìm kiếm chỗ ở mới.

“Chứ đề xuất thì hết thời hạn 50 năm quyền lợi người dân sẽ như thế nào? Lúc đó biết ở đâu vì không dễ gì để mua được một căn nhà ở thành phố”, anh Hưng nói.

Anh Thái, đang sống ở một chung cư ở TP. Thủ Đức cho rằng, giá nhà ở thành phố quá cao, người dân không có đủ điều kiện để mua nhà phố nên mới mua chung cư. Bởi tâm lý người Việt vẫn chuộng nhà đất hơn.

Với chung cư, người mua xác định là một chỗ ở ổn định lâu dài hơn là chờ tăng giá như đất, ngược lại chung cư xuống cấp theo thời gian nên càng khó bán.

Theo anh Thái, nếu bây giờ quy định sở hữu chung cư còn 50 năm thì phân khúc này càng mất giá cả về “nghĩa đen lẫn bóng” đó là mất giá trị và không còn được người mua mặn mà.

Trong khi đó, phân khúc đất nền, Nhà phố lại càng tăng cao. Tâm lý mong muốn sở hữu bằng được nhà đất của người dân càng tạo cơ hội cho các nhóm đầu cơ trục lợi trên thị trường.

Cần đảm bảo quyền lợi của người dân

Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Đầu tư của Savills Việt Nam, xét về góc độ xã hội học, việc quy định thời hạn của các dự án chung cư có thể hỗ trợ phần nào quá trình di dời người dân sinh sống tại các chung cư xuống cấp tại những thành phố lớn đảm bảo an toàn cho người dân. Như vậy, có thể thấy đề xuất này cũng mang đến mặt tích cực ở góc độ về quản lý.

Tuy nhiên, về quy hoạch tại các đô thị lớn, chung cư là lời giải được áp dụng trên toàn cầu cho bài toán về nhà ở với những đô thị nén. Nếu đề xuất này được đưa vào thực tế, người dân có thể sẽ không ở thành phố mà chuyển sang các khu vực có bất động sản liền thổ để tối ưu nguồn tài chính mình chi trả.

“Bất động sản luôn được hiểu là tài sản có giá trị gia tăng trong tương lai. Nếu đề xuất này được áp dụng, trong tương lai có khả năng dẫn đến xu hướng người dân sẽ không chọn chung cư mà chuyển sang mua Nhà phố hoặc các đơn nguyên ở ngoài để đảm bảo giá trị lâu dài của tài sản. Do đó, điều này sẽ khiến tính thanh khoản của thị trường căn hộ sẽ bị ảnh hưởng và giá bán căn hộ sẽ bị chững lại”, ông Khương nhấn mạnh.

Theo Giám đốc Savills Việt Nam, có 2 vấn đề quan trọng cần cân nhắc liên quan đến đề xuất này. Thứ nhất, việc cấp sổ hồng đồng nghĩa với việc xác nhận quyền sử dụng và sở hữu tài sản trên đất có thời hạn. Như vậy, theo đề xuất, người dân có quyền định đoạt và sử dụng trong thời gian 50-70 năm cho đến khi công trình xuống cấp. Thứ hai, chứng nhận quyền sử dụng đất của chủ đầu tư dự án lại là sở hữu lâu dài.

Đề xuất này cho thấy sau 50-70 năm này thì quyền định đoạt, sở hữu, sử dụng tài sản trên đất sẽ được kết thúc theo niên hạn công trình. Tuy nhiên, quyền lợi gắn liền với đất sở hữu lâu dài của chủ đầu tư sẽ được xử lý như thế nào vẫn chưa được xác định rõ. Đây là điểm cần phải quy định rõ ràng trong dự thảo luật bởi khi mua sản phẩm căn hộ, người dân luôn hiểu rằng tài sản của mình có giá trị sở hữu và sử dụng lâu dài.

Ông Khương cũng chỉ ra, trong trường hợp hết hạn sử dụng 50-70 năm, nếu công trình bị tháo dỡ thì tại thời điểm đó, việc định giá đất sẽ được thực hiện và tính toán chia lại như thế nào để trả lại cho người dân cũng chưa được quy định. Nếu sau 50-70 năm, người dân không biết sẽ được tái định cư tại chỗ hay tái định cư chỗ khác, hoặc không biết giá trị tài sản của mình còn lại là bao nhiêu sẽ là một vấn đề lớn đối với người dân.

Theo GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đề xuất quyền sở hữu chung cư theo niên đại công trình là phương án tiến bộ giống như nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện. Tuy nhiên về mặt xã hội, với một quốc gia như Việt Nam có phù hợp hay không thì cần phải lấy ý kiến rộng rãi. Còn thời hạn 50 năm đến 70 năm cũng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng sao cho nhận được sự đồng thuận của người dân.

Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật