Cập nhật lúc: 7/22/2014 9:47:29 AM

Không còn lệnh bài miễn tử

Ngân hàng nào còn có thể vớt vát được, sẽ được vớt. Ngân hàng nào chỉ còn mỗi cái tên (âm vốn chủ sở hữu) thì khả năng bị buộc phá sản là rất lớn. 

Thống đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho rằng quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu 6 tháng qua “dường như chậm lại”. Tại sao?
 
Con số cập nhật về nợ xấu mà VAMC đã mua không ngừng tăng. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, tổ chức này đã mua hơn 12 ngàn tỷ đồng nợ xấu. Và nếu cộng dồn từ tháng 10/2013 đến nay thì tổng số nợ xấu VAMC đã mua của hơn 30 tổ chức tín dụng (TCTD) là 51.800 tỷ đồng (tính số dư nợ gốc).
 
Đường dài mỏi mệt

Dõi theo cả quá trình của VAMC thời gian qua thì phải thừa nhận nỗ lực rất lớn của đơn vị này. Xử lý nợ xấu là cấu phần quan trọng trong đề án tái cơ cấu ngành ngân hàng. Thế nhưng VAMC vẫn chỉ mua vào mà chưa bán ra một cách chính thức theo kiểu thuận mua vừa bán theo thị giá – một hướng đi đã được đưa ngay từ khi xây dựng đề án thành lập VAMC. Thực tế VAMC có bán ra, nhưng là bán tài sản và thu hồi nợ gốc, lãi (được khoảng 1.000 tỷ đồng). 

 
Vướng nhất của VAMC là thủ tục pháp lý. Đã rất nhiều lần ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên có văn bản kiến nghị NHNN, Chính phủ, nhưng cho đến lúc này ngay cả đến cơ chế tiền lương của cán bộ, nhân viên VAMC cũng… chưa có (!); nói gì đến những quy định phức tạp hơn về việc chọn đối tác để bán, cơ chế xác định giá bán các khoản nợ xấu đã mua…
 
Song vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay không phải chỉ là bán nợ xấu mà là nợ xấu đang tiếp tục tăng. Nếu so với tốc độ tăng nợ xấu những năm trước (2011 đến 2013), nguồn tin của Doanh Nhân đề nghị không đưa con số cụ thể nhưng cho biết tốc độ tăng bình quân của nợ xấu trong những tháng đầu năm 2014 vẫn vượt ngưỡng an toàn. Tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành đã ở mức hai con số.

Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại nợ xấu đang được che giấu. Vì theo quy định tại Thông tư 09 của NHNN về cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ áp dụng từ 20/3/2014 và đến 1/4/2015 các TCTD được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
 
Việc này, theo NHNN, đã góp phần kiềm chế nợ xấu gia tăng, tạo điều kiện cho khách hàng được tiếp tục vay vốn với mặt bằng lãi suất hiện hành. Như vậy, giả sử các TCTD không được cơ cấu lại nợ, chuyển nhóm nợ đúng theo quy định trước đây (Quyết định 493, ban hành năm 2005) thì nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng sẽ là bao nhiêu?
 
Một vấn đề khác, nếu kinh tế không hồi phục, cầu của nền kinh tế không được cải thiện thì những khoản vốn cho vay của ngân hàng thương mại (NHTM sẽ có thêm những khoản cho vay của ngân hàng bị mắc kẹt ở bất động sản, chứng khoán, thậm chí ở cả nông nghiệp… và như vậy thì nợ xấu sẽ gia tăng mạnh hơn. Cũng vì thế nguồn tin của chúng tôi cho biết: NHNN không chỉ tiếp tục theo dõi, giám sát, đưa một số TCTD vào danh sách phải sáp nhập, hợp nhất mà “tổ chức nào yếu kém quá sẽ phải cho phá sản”.
 
Giải quyết sở hữu chéo bằng chiếc kéo đặc biệt?

Đây không phải lần đầu từ “phá sản” được nhắc đến trong ngành ngân hàng, nhưng với “truyền thống” không để ngân hàng nào “chết” trong suốt gần 60 năm qua (tính từ khi ngân hàng tách biệt thành hai cấp: NHNN và các TCTD) nên vẫn còn nhiều ý kiến nghi ngờ khả năng NHNN sẽ cho khai tử một TCTD nào đó. Tình hình nay đã khác.
 
Chuyện sáp nhập, hợp nhất các tổ chức tín dụng không còn mới, thậm chí đang dần trở thành… “chuyện thường ngày ở huyện”. Nếu như vài năm trước người ta dùng những cụm từ mỹ miều, đầy mật ngọt như “kết hôn”, “về cùng một nhà” thì nay nhiều ngân hàng rơi vào trường hợp bị thôn tính, hay buộc phải chuyển nhượng vì tỷ lệ nợ xấu quá cao, có khả năng âm vốn chủ sở hữu. 

 
Mùa đại hội cổ đông vừa qua đã có hàng loạt cái tên được nhắc đến sẽ sáp nhập: Sacombank với Southern Bank; Maritime Bank với MDB; PG Bank với VietinBank… Nhưng trong 6 tháng đầu năm 2014, NHNN mới chỉ đồng ý cho một trường hợp sáp nhập hai ngân hàng, một ngân hàng được mua công ty tài chính và một ngân hàng khác được đồng ý về mặt nguyên tắc để mua công ty tài chính.
 
Có vẻ sốt ruột với tiến độ này, tại Hội nghị sơ kết ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm, ngày 9/7, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Từ trước tới nay chúng ta mới tái cấu trúc ngân hàng nhỏ, nhưng trong 6 tháng cuối năm, chúng ta tái cấu trúc cả các ngân hàng thương mại cổ phần lớn, nên các TCTD chuẩn bị tinh thần”.
 
Một trong những nguyên nhân khiến cho quá trình tái cơ cấu chậm là do bị níu giữ bởi những sợi dây sở hữu chéo, khiến cho phần vốn ảo trong hệ thống ngân hàng không hề nhỏ. Và sau một thời gian để các đơn vị tự sắp xếp, thì đến nay NHNN đã chính thức có đề án trình Chính phủ nhằm giải quyết cơ bản tình trạng này.
 
Trong đề án đó, điểm mấu chốt là Chính phủ đã đồng ý để NHNN toàn quyền quyết định đối với phần vốn mà các doanh nghiệp nhà nước thoái khỏi các TCTD (theo cơ chế hiện hành phần vốn này do SCIC quản lý). Khoản nào NHNN cần mua lại thì NHNN sẽ mua lại để trực tiếp tham gia cổ phần vào các TCTD. Nếu NHNN không mua lại mà khi các cổ đông lớn rút vốn ra, NHTM đó còn quá nhỏ thì có thể sẽ bị ngân hàng thương mại nhà nước nắm giữ nốt phần còn lại. Như vậy ngân hàng nào còn có thể vớt vát được, sẽ được vớt. Ngân hàng nào chỉ còn mỗi cái tên (âm vốn chủ sở hữu) thì khả năng bị buộc phá sản là rất lớn.
 
Dự kiến trong tháng 7/2014 Chính phủ sẽ thông qua đề án này. Nếu vậy NHNN sẽ có trong tay một "chiếc kéo" đặc biệt để xử lý sở hữu chéo. Hãy chờ xem kết quả cuộc "đại phẫu" với công cụ sắc bén hơn này.

Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật