Bức xúc nhất được nhiều DN chia sẻ là chuyện bị cán bộ thuế “hành”.
Hàng ngàn cá nhân và doanh nghiệp (DN) đã đem bức xúc bấy lâu nay đến chất vấn cơ quan thuế trong buổi đối thoại giữa Cục Thuế TP.HCM và người nộp thuế nhân tuần lễ lắng nghe ý kiến người nộp thuế sáng 15-11.
Bị thuế “hành”
Ông Đặng Văn Thuận (P.Bến Nghé, quận 1) kể đầu tháng 11-2012, được cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra tại DN, nhưng đoàn kiểm tra lại yêu cầu DN mang bản chính các tài liệu liên quan như hóa đơn đầu vào đầu ra, sổ kế toán, hợp đồng mua bán hàng hóa, bảng lương… đến trụ sở cơ quan thuế.
Sau khi kiểm tra xong lại yêu cầu DN lên lấy tài liệu về và nói khi nào lập xong biên bản sẽ báo DN lên lấy. Tuy nhiên đến nay hơn một năm, DN chưa được mời lên ký biên bản. “Xin Cục Thuế cho biết trường hợp này là thế nào?” - ông Thuận hỏi.
Cũng theo ông Thuận, nhiều trường hợp DN bị nhũng nhiễu đã lên phản ảnh cơ quan thuế, nhưng không hiểu sao hôm sau đoàn kiểm tra biết hết thông tin DN phản ảnh. “Cơ quan thuế nên có cách nào giúp DN đang bị kiểm tra xem lại có đúng không? Nên chăng lãnh đạo Cục Thuế có cơ chế tiếp riêng những DN muốn phản ảnh tình trạng cán bộ thuế nhũng nhiễu để kịp thời chấn chỉnh, tránh trường hợp cán bộ thuế phải ra tòa như vừa qua” - ông đề nghị.
Ông Nguyễn Đình Tấn, cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, thừa nhận có tình trạng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của DN để nhũng nhiễu. “Khi thanh tra đặt vấn đề không thống nhất đề nghị DN ghi ngay vào biên bản, sau đó có văn bản giải trình, khi đó người có trách nhiệm ký quyết định xử lý sẽ xem lại kiến nghị của DN và yêu cầu đoàn kiểm tra giải trình. DN có vướng mắc đến trực tiếp phòng tuyên truyền hỗ trợ, nếu không giải quyết được nữa thì gặp tôi, tôi sẽ giải quyết” - ông Tấn nói.
Đại diện một DN khác cho biết sau khi kiểm tra thấy hồ sơ DN tốt, cán bộ thuế đòi kiểm kho. Rồi cán bộ thuế không hài lòng lợi nhuận thì nói giá bán của DN thấp quá đòi phiên ngang giá của các DN cùng ngành nhằm nâng doanh thu lên.
“ Chúng tôi hỏi trên cổng thông tin đối thoại thì Cục Thuế lại khẳng định chi cục thuế làm đúng. Chúng tôi thật sự bấn loạn” - đại diện DN nói. Bà Trần Thị Lệ Nga, cục phó Cục Thuế, nói DN có quyền yêu cầu cán bộ thuế đưa ra chứng cứ xác đáng để có cơ sở bác hồ sơ của DN.
“Cán bộ thuế không bằng lòng thì phải chứng minh, không thể nói miệng. DN có quyền tranh luận với cơ quan thuế” - bà Nga nói.
Bán căn nhà duy nhất nhưng không được miễn thuế
Bà Ngô Ngọc Ba (80 tuổi, P.Tân Định, quận 1) đem tất cả hồ sơ giấy tờ nhà đến hội nghị và cho biết tháng 5 vừa qua bà bán căn biệt thự được mua hóa giá trước đó để chia cho các con, hồ sơ mua bán đã công chứng xong nhưng khi đến Chi cục Thuế quận 1 thì bị ách lại. Lý do là trên bản vẽ cho thấy có đến hai thửa đất.
“Chi cục Thuế quận 1 “bắn tin” cho người mua nhà của tôi nói rằng nhắn tôi lên nộp thuế thu nhập cá nhân thì mới được chuyển nhượng” - bà Ba bức xúc.
Theo bà Ba, trước đây do hoàn cảnh khó khăn, bà ngăn một phần diện tích căn biệt thự để lấy chỗ kinh doanh, ở giữa xây bức tường nhằm ngăn bớt tiếng ồn và phía cuối có cửa thông giữa hai bên chứ thực chất không có chuyện tách thửa và cả hai bên vẫn dùng chung một số nhà. Khi bà làm giấy tờ nhà thì trên giấy lại thể hiện có bức tường phân chia giữa hai bên. Cơ quan thuế đã vin vào cớ này để yêu cầu bà nộp thuế thu nhập cá nhân.
“Năm tháng qua tôi phải liên tục lên xuống Chi cục Thuế quận 1 đến Cục Thuế, tuy nhiên không được giải quyết, thay vào đó lại hướng dẫn tôi gửi đơn khiếu nại lên Cục Thuế, Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính. Bộ Tài chính đã có trả lời là yêu cầu địa phương tự giải quyết nhưng cán bộ thuế lại sợ trách nhiệm. Bà Ba yêu cầu Cục Thuế nói rõ cho bà thời gian xử lý chứ không nói chung chung, đại diện Tổng cục Thuế mới hứa sẽ có văn bản trả lời trong tuần tới.
Bị cấm xuất cảnh vì nợ thuế
Ông Đoàn Văn Đức, giám đốc Công ty TNHH xây dựng giao thông Đức Hạnh, lại bức xúc cho biết Công ty có khoản đầu tư thuộc diện bị tranh chấp, đã được giải quyết nhưng đến nay chưa đi vào hoạt động. Dù trước đó DN đã giải trình là bị lỗ nhưng cơ quan thuế không chấp nhận mà vẫn ra thông báo nộp thuế với số nợ gốc 2,4 tỉ đồng. Vì tranh chấp kéo dài 10 năm nên cộng thêm tiền lãi lên đến 6,1 tỉ đồng. DN chấp nhận đi vay ngân hàng để trả và xin giãn thời hạn nộp trong vòng một năm, mỗi quý nộp 25% nhưng Cục Thuế không chấp nhận.
Ông cũng cho biết vì khoản nợ này ông đã bị cơ quan thuế tạm dừng xuất cảnh. “Tôi đọc báo thấy nói rằng chỉ những người nợ thuế mà có khả năng bỏ trốn mới bị cấm xuất cảnh, trong khi tôi còn sống ở đây, còn làm việc mà bị cấm xuất cảnh làm ảnh hưởng quá lớn đến quyền tự do đi lại của cá nhân tôi. Tôi mong cơ quan thuế có trả lời dứt khoát rằng việc cấm tôi xuất cảnh thời gian qua có vi phạm pháp luật hay không?” - ông Đức nói.
Ông Tấn khẳng định cơ quan thuế không làm sai quy định. Tuy nhiên với cam kết của DN trước hội nghị, ông đồng ý cho DN được giãn nộp thuế và yêu cầu DN gặp ngay bộ phận cưỡng chế nợ thuế làm cam kết để cơ quan thuế có cơ sở rút lại lệnh tạm dừng xuất nhập cảnh. “Mong DN thực hiện cam kết đúng thời hạn, nếu quá hạn chúng tôi sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế” - ông Tấn nói.
Gỡ khó cho hoàn thuế
Bà Trần Thị Lệ Nga cho biết tối 14-11 Bộ Tài chính vừa ban hành văn bản tháo gỡ việc hoàn thuế cho các DN có hàng tồn kho. Theo đó, nếu DN có hàng tồn kho thì cơ quan thuế sẽ yêu cầu giải trình, nếu hợp lý thì sẽ hoàn. Trường hợp DN giải trình không hợp lý, cơ quan thuế sẽ chuyển qua kiểm tra trước hoàn, nếu đúng sẽ hoàn cho DN, không thì sẽ thông báo cho DN biết.
Chậm cập nhật công nghệ
Ông Nguyễn Đăng Hải, đại diện Công ty điện tử Samsung nói phần mềm TS24 để báo cáo thuế online có nhiều chức năng như tra xét tình trạng thuế online, nộp công văn online nhưng nhiều lần DN nộp văn bản qua kênh này thì Cục Thuế không phản hồi hoặc nói là không đến cơ quan thuế. Bao giờ thì cơ quan thuế nhận các văn bản của DN qua online? Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng cơ quan thuế nên cải tiến cách làm việc.
Theo Ánh Hồng
Tuổi trẻ