Cập nhật lúc: 11/3/2013 12:26:13 PM

Nghịch lý "vốn cạn, tiền thừa"

Trong khi niên vụ cà phê mới đang đến, số đông DN đang đứng trước nguy cơ không còn đủ nguồn lực để kinh doanh, thậm chí có thể phải ngưng hoạt động. 

Chưa bao giờ doanh nghiệp (DN) ngành nông, lâm, thủy sản rơi vào tình trạng như hiện nay, khi những hướng dẫn hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) tại Công văn số 7527/BTC-TCT đến nay mới được triển khai, khiến DN cạn vốn trong khi lượng tiền hoàn thuế ứ đọng ở các cơ quan thuế.

Cà phê, gạo gặp khó
Bàn về những vướng mắc, khó khăn của DN nông nghiệp trong việc hoàn thuế GTGT tại buổi đối thoại trực tiếp giữa DN với lãnh đạo Cục Thuế, Hải quan TP.HCM diễn ra cuối tuần qua, ông Nguyễn Nam Hải, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho hay, Công văn 7527 của Bộ Tài chính ra đời từ tháng 6/2013 về cơ chế hoàn thuế GTGT có nhiều bất cập, gây khó khăn cho DN.

Thực tế ngành cho thấy có DN từ tháng 2 đến nay vẫn chưa được hoàn thuế. Một số trường hợp có số tiền hoàn thuế lên đến vài chục tỷ đồng.

Theo ông Hải, các DN ngành cà phê nhất trí về việc Tổng cục Thuế ngăn chặn hành vi gian lận thuế, nhưng đồng thời phải có cơ chế để tạo điều kiện giải quyết khó khăn cho DN. Việc giữ tiền hoàn thuế quá lâu, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn hiện nay, như trói chân DN.

"Như trường hợp của Công ty CP Xuất nhập khẩu cà phê Intimex đã hơn 6 tháng trôi qua, nhưng vẫn chưa được hoàn thuế GTGT đã nộp, con số ước tính khoảng từ 10 - 15 tỷ đồng.

Trong khi niên vụ cà phê mới đang đến, số đông DN đang đứng trước nguy cơ không còn đủ nguồn lực để kinh doanh, thậm chí có thể phải ngưng hoạt động", ông Hải cho biết.

Cơ quan thuế áp dụng cách hoàn thuế "hoàn trước, kiểm sau" bao gồm những điều kiện gồm: thứ nhất, mua trực tiếp của nông dân, thứ hai mua thông qua một ngành trung gian. Các DN xuất khẩu cho hay, nếu áp dụng cách này rất ít DN thực hiện được.

Đại diện các DN cà phê, ông Hải cho biết: "Tôi không biết các ngành khác thế nào nhưng với ngành cà phê, nếu mua một lượng cà phê lớn từ một đầu mối trong vòng vài ba tháng thì chỉ có các công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng mới làm được. Còn đối với các DN khác, để mua được lượng lớn cà phê bắt buộc phải có chuỗi nhà cung ứng, không thể có một đầu mối. Do đó, một khi một trong những "chân rết" của DN vi phạm về thuế thì cục thuế lại áp đặt toàn bộ lên DN là hết sức phi lý. Các cục thuế nên xử lý ngay trường hợp đó, chứ không nên làm ảnh hưởng đến DN", ông Hải nhấn mạnh.

Không khá hơn các DN Vicofa, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết, nếu không sớm có những sửa đổi từ Công văn số 7527/BTC-TCT thì DN ngành gạo sẽ sớm rơi vào tình trạng mà DN ngành cà phê đang gặp phải.

Thủy sản cũng chẳng hơn

Ngoài các DN gạo, cà phê, DN ngành thủy sản cũng không khá hơn, khi họ cũng đang bị các cục thuế "treo" tiền thuế GTGT đáng được hoàn để tái kinh doanh.

Chẳng hạn, công ty thủy sản T.N có số tiền hoàn thuế lên gần 1 tỷ đồng nhưng không hoàn được, do một trong những đơn vị cung cấp hàng cho đơn vị chưa thanh toán thuế.

Trong khi hiện nay các DN đang gấp rút chuẩn bị cho những đợt hàng cuối năm mà việc quay đồng vốn lại bị mắt kẹt tại thuế, vô hình dung Bộ Tài chính đang gây ra một khó khăn mới cho các DN.

Trước quy định còn nhiều bất cập tại Công số 7527/BTC-TCT đối với trường hợp kiểm trước hoàn sau, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, tình trạng chung của các DN trong ngành hiện nay là không thể kiểm soát được mình đang mua hàng ở "chân rết" thứ mấy và cũng không có quyền lẫn khả năng xem xét các khâu trung gian trước đã kê khai và nộp thuế GTGT theo đúng quy định hay chưa?

Theo đó, ông Hòe chia sẻ, từ đầu tháng 10/2013, Bộ Tài chính cũng gửi công văn yêu cầu VASEP lấy ý kiến của DN hội viên và góp ý cho dự thảo công văn hướng dẫn này. Hai ngày sau, VASEP đã gửi công văn góp ý, trong đó nhất trí với các cách thức mà Bộ đã đưa ra nhằm hoàn thuế nhanh cho các DN mà vẫn đảm bảo chặt việc quản lý thuế.

Cụ thể, VASEP đề nghị cơ quan soạn thảo dự thảo công văn thay thế Công văn số 7527/BTC-TCT, bỏ quy định DN nông, lâm, thuỷ hải sản có kim ngạch xuất khẩu của năm liền kề trước năm phát sinh hồ sơ hoàn thuế từ 10 triệu USD trở lên được hoàn thuế trước, kiểm tra sau.

Đồng thời, điều chỉnh vốn chủ sở hữu từ 30 tỷ đồng xuống 20 tỷ đồng để phù hợp với điều kiện của các DN vừa và nhỏ Việt Nam hiện nay đang chiếm gần 80% tổng lượng DN.

Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Tài chính quy định rõ về thời gian giải quyết hồ sơ hoàn thuế tồn đọng, đồng thời cơ quan thuế địa phương đăng công khai danh sách DN nằm trong diện cảnh báo để tránh rủi do cho DN khi mua hàng qua nhiều khâu trung gian.

Sau nhiều kiến nghị từ các hội ngành nghề, lẫn những DN đầu ngành, phía Bộ Tài chính, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã chỉ đạo Tổng cục Thuế soạn thảo sớm công văn thay thế, trong đó phân loại rõ hồ sơ hoàn thuế theo từng đối tượng DN trong dự thảo công văn hướng dẫn, bổ sung nội dung của Công văn 7527/BTC-TCT.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đã chỉ đạo thời gian hoàn thuế không quá 40 ngày đối với những hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn sau, sau 40 ngày phải hoàn cho DN. Nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm, những chứng từ, hóa đơn không đủ điều kiện hoàn thì tạm loại trừ số tiền hoàn thuế liên quan.

Tuy nhiên trên thực tế, để DN có thể tiếp cận với số tiền được hoàn thì cũng đã đến thời điểm cuối năm 2013. "Liệu chúng tôi có chờ nổi?", đại diện một DN thủy sản than vãn.

Theo ĐỖ PHƯƠNG
Doanh nhân Sài Gòn 

Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật