Cập nhật lúc: 1/16/2015 10:17:55 PM

Sàn vàng chui HGI lụi bại vì mô hình Ponzi

Nổi tiếng với nhiều chiêu thức thu hút khách chơi vàng tài khoản, HGI lại ngập trong khó khăn vì huy động vốn lãi suất cao mà không trả được. 

Nói với VnExpress ngay sau khi HGI bị các cơ quan chức năng đánh sập, chị Nguyễn Minh Thu (thường trú Thanh Hóa) cho biết vào năm 2013, một người bạn của chị rủ rê gửi tiền vào Công ty HGI theo hình thức ủy thác đầu tư.
"Tôi được giải thích là công ty sẽ mang tiền của mình đi đầu tư hộ, lãi cao hơn ngân hàng", chị Thu cho biết. Mức lãi mà chị được hứa trả nếu gửi dài hạn có thể lên tới 2,5% một tháng, tương đương 30% mỗi năm. Tin lời bạn, chị gửi 100 triệu đồng. Tuy nhiên, chị chỉ nhận được lãi trong 4 tháng đầu. Sau đó, công ty lấy nhiều lý do để khất lần. Nhiều lần chị lên tận công ty để đòi nhưng chỉ nhận được những lời giải thích, hứa hẹn.
Chị Thu không phải là nạn nhân duy nhất của Công ty Hà Nội vàng HGI. Khi triệt phá sàn vàng này vào ngày 13/1, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50), Công an Hà Nội phát hiện HGI đã huy động ít nhất 270 tỷ đồng của hàng trăm nhà đầu tư và không có khả năng thanh toán.
Được thành lập vào năm 2009, hoạt động ủy thác đầu tư bắt đầu được HGI mở ra từ năm 2012. Để thu hút khách hàng, công ty này quảng cáo rằng nhà đầu tư sẽ không phải chịu bất cứ rủi ro nào mà vẫn được hưởng lợi nhuận từ 1,5 đến 2% trên số tiền gửi mỗi tháng.
hgi-san-vang.jpg
"Đó không khác gì một mô hình lừa đảo theo hình thức Ponzi (được lấy theo tên gọi của trùm lừa Carlo Ponzi hồi thập niên 20 ở thế kỷ trước tại Mỹ với hứa hẹn dành cho người tham gia một tỷ lệ lợi nhuận cao trong khoảng thời gian ngắn)", anh Thành Nguyễn, từng làm nhân viên của HGI hồi 2013 cho biết. Khi còn làm nhân viên, nhiệm vụ của anh là thu hút được càng nhiều người gửi tiền càng tốt. Ngoài lương cơ bản hơn 3 triệu đồng, anh cho biết được hưởng hoa hồng 0,5% trên số tiền huy động được. Đạt doanh số thì mới có lương. "Tiền lương của tôi lấy từ những người đã gửi tiền từ trước. Lãi trả cho người gửi tiền sau cũng lấy từ đó", anh Thành Nguyễn nói. Làm một thời gian ngắn, anh nhận thấy tính chất lừa đảo của HGI nên đã bỏ việc.
 
Bước đầu theo cơ quan công an xác định, số tiền huy động được từ khách hàng, HGI dành để trang trải hoạt động của công ty, ngoài ra dành một phần để mang đi đầu tư như mua đất, mở xưởng gốm ở Phú Quốc, đầu tư 15 triệu USD vào một công ty tại Mỹ.
Trên các diễn đàn, giới chơi vàng cho rằng chính mảng ủy thác đầu tư đã khiến cho HGI "lụi bại" nhanh chóng. Trong khi mảng vàng tài khoản luôn có lãi vì vai trò nhà môi giới chỉ việc thu phí, mảng ủy thác đầu tư khiến công ty này liên tục phải xoay vòng vốn và kết cục là chính những lãnh đạo cấp cao của công ty kiện cáo lẫn nhau lừa đảo huy động vốn, chiếm đoạt tài sản.
Ngoài hoạt động ủy thác nói trên, "ngành nghề" chính mà HGI theo đuổi từ khi thành lập vào năm 2009 là kinh doanh vàng tài khoản. Trong giới chơi vàng, tên tuổi HGI khá nổi tiếng vì đã tồn tại lâu năm. Cũng giống những sàn vàng bị bắt trước đó như VGX, Khải Thái, HGI hoạt động bằng cách thu phí của những người giao dịch. Theo một biểu phí do HGI phát hành, phí giao dịch bạc, dầu, tiền tệ ở đây là 40 USD mỗi lô, vàng 50 USD; phí mở lệnh/đóng lệnh ở mức 0,08 đến 0,5 USD.
So với các sàn khác, HGI nổi tiếng là có nhiều chiêu trò để thu hút nhà đầu tư và khách hàng mới. Một trong số đó là tổ chức các cuộc thi giao dịch ảo. Những người tham gia sẽ nộp một khoản phí nhất định, được cấp tiền ảo và tham gia thi trên phần mềm giả lập (Demo). Sau mỗi lần tổ chức và quảng bá cho cuộc thi, HGI đã hút được thêm lượng lớn khách hàng sẵn sàng bỏ tiền thật ra để tham gia chơi vàng.
HGI-5-3306-1421323027.jpg
Quảng bá cho một cuộc thi chơi vàng của HGI.
Một chiêu thức nữa của HGI nhằm xây dựng được lực lượng nhân viên trẻ mà không mất phí là thành lập câu lạc bộ dành cho sinh viên các trường kinh tế mang tên Yêu Tài Chính - Young Traders Club. Với danh nghĩa giúp người trẻ tìm hiểu về ngành tài chính, HGI đã dùng những sinh viên này để quảng bá về sản phẩm kinh doanh vàng tài khoản của mình. Ngoài ra, chính các sinh viên cũng là "khách hàng" tương lai tiềm năng, khi HGI liên tục tổ chức các cuộc thi đánh vàng tài khoản cho họ chơi thử.
HGI-3-1212-1421323027.jpg
Bản giới thiệu về câu lạc bộ Yêu Tài chính, trong đó mục đích hoạt động là tạo sân chơi "phi rủi ro lớn cho sinh viên".
Theo những người trong cuộc, đến giai đoạn 2014, HGI còn nghĩ thêm một chiêu thức nữa để có kinh phí tồn tại. Dưới chiêu bài tuyển nhân viên trader, HGI tổ chức các cuộc thi đánh vàng tài khoản, hứa hẹn ai thắng sẽ được tuyển dụng. HGI thu phí từ những người tham gia, kể cả nhân viên đã được nhận vào làm. Khi đánh thua hết tiền, nhân viên phải tự ra đi.
"Nói chung, các sàn vàng 'lậu' trong nước mở ra chỉ để lừa bịp các nhà đầu tư không có kinh nghiệm, ham lãi cao. Hầu như sàn nào cũng có những cách thức can thiệp để khiến người chơi chủ yếu thua, ít khi thắng", anh Thành Nguyễn, người đã có kinh nghiệm làm việc một năm ở HGI kết luận.
Thanh Bình 

Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật