Cập nhật lúc: 11/3/2013 11:05:07 AM

Nhiều doanh nghiệp, công ty bị truy thuế kêu oan

 “Người làm chính sách nên có tầm nhìn dài hạn. Nếu có thay đổi, đặc biệt những thay đổi ảnh hưởng tiêu cực, bất lợi cho DN thì nên có bước đệm để chuyển tiếp."

Cùng với Nhựa Bình Minh, thời gian qua hàng loạt doanh nghiệp niêm yết bỗng dưng nhận được “trát” truy thu và phạt chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), với lý do vi phạm trong đăng ký hưởng ưu đãi dành cho doanh nghiệp cổ phần hóa (CPH) và niêm yết trong giai đoạn 2004-2006.

Nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng kêu oan và bức xúc cho rằng đã làm theo hướng dẫn của cơ quan thuế rồi lại bị chính cơ quan thuế xử phạt.

Làm theo hướng dẫn vẫn bị phạt

Theo nghị định 187/2004,DN CPH sẽ được miễn 100% thuế TNDN trong hai năm đầu kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% trong ba năm tiếp theo. Để khuyến khích DN đã CPH thực hiện niêm yết lên thị trường chứng khoán, những DN niêm yết trong khoảng thời gian từ 2004-2006 sẽ được giảm 50% thuế TNDN trong hai năm.

Ngày 30-9 vừa qua, Công ty CP Viglacera Từ Sơn (VTS) đã bị Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh quyết định truy thu và phạt chậm nộp thuế TNDN hơn 3 tỉ đồng với lý do kê khai và nộp miễn giảm 50% theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về việc ưu đãi doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán giai đoạn 2004-2006.

Cũng trong tháng 9-2013, Công ty CP nước giải khát Chương Dương (SCD) đã nhận được quyết định truy thu thuế TNDN 6,94 tỉ đồng và phạt chậm nộp 3,27 tỉ đồng. Lý do là năm 2009 và 2010 mới khai hưởng ưu đãi 50% thuế TNDN cho trường hợp niêm yết vào năm 2006 (vì phải hết năm 2008 công ty mới hưởng hết ưu đãi từ CPH). SCD cho biết công ty cũng sẽ tiếp tục làm rõ vấn đề này vì công ty chỉ làm theo hướng dẫn của chính Cục Thuế TP.HCM. Trước đó, Công ty CP Kim khí TP.HCM (HMC) cũng bị truy thu 6,91 tỉ đồng thuế TNDN do cơ quan này không chấp nhận cho DN được hưởng ưu đãi 50% thuế TNDN trong năm 2011.

Theo Công ty HMC, doanh nghiệp này đã khai thuế dựa trên chính sách ưu đãi thuế cho DN nhà nước CPH và niêm yết lần đầu vào năm 2004-2006, theo hướng dẫn của Cục Thuế TP.HCM. Cụ thể HMC đã CPH vào năm 2006. Theo quy định, công ty được miễn 100% thuế TNDN trong hai năm đầu có thu nhập chịu thuế và giảm 50% ba năm tiếp theo. Tuy nhiên, cũng vào năm 2006, HMC niêm yết và theo chính sách thuế ưu đãi cho DN niêm yết ở thời kỳ này là giảm 50% thuế TNDN trong hai năm. Theo hướng dẫn của Cục Thuế TP.HCM, DN không thể đồng thời hưởng hai khoản ưu đãi mà khi nào kết thúc ưu đãi từ CPH thì hưởng tiếp ưu đãi từ niêm yết chứng khoán.

Dựa vào hướng dẫn này, HMC đăng ký hưởng ưu đãi thuế với DN CPH giai đoạn 2006-2010. Từ năm 2011, công ty kê khai hưởng ưu đãi do niêm yết chứng khoán. Tuy nhiên tháng 8-2011, Tổng cục Thuế ra thông báo chỉ cho DN niêm yết được hưởng ưu đãi giảm thuế nếu đăng ký từ năm 2008 trở về trước. Đại diện HMC cho rằng công văn này mâu thuẫn với thông báo hướng dẫn của Cục Thuế TP.HCM.

DN có thể kiện ra tòa

Giám đốc một công ty tư vấn thuế cho rằng các văn bản hướng dẫn của các cơ quan thuế, Bộ Tài chính không nhất quán, thậm chí “đá nhau”. Nhiều văn bản gần như hướng dẫn nội bộ, chỉ phổ biến trong phạm vi hẹp nên DN bình thường không biết được. “Người làm chính sách nên có tầm nhìn dài hạn. Nếu có thay đổi, đặc biệt những thay đổi ảnh hưởng tiêu cực, bất lợi cho DN thì nên có bước đệm để chuyển tiếp. Cơ quan thuế cũng phải thông báo rộng rãi để mọi DN thuộc diện bị điều chỉnh đều được biết”, vị giám đốc này đề nghị.

Phó tổng giám đốc một công ty kiểm toán lớn tại TP.HCM cho biết có nhiều khách hàng của công ty bị truy thu thuế vì hướng dẫn bất nhất trong việc áp dụng ưu đãi cho DN CPH và niêm yết lần đầu, nhưng cơ quan thuế không có lý giải thuyết phục. “Cơ quan thuế nói rằng trước đây luật và nghị định chưa nêu rõ nên Tổng cục Thuế phải có hướng dẫn lại. Nhưng việc giãn ra các năm để hưởng lần lượt từng ưu đãi một cũng là do hướng dẫn của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế”, ông này nói.

Luật sư Hà Hải, trưởng văn phòng luật sư Hà Hải (TP.HCM), cho rằng DN làm theo hướng dẫn của cơ quan thuế nghĩa là DN không sai. DN không làm sai thì việc xử phạt họ quá vô lý. Chưa kể văn bản ban hành cuối năm 2011 mà lại đem áp dụng vào những thời điểm trước khi ban hành văn bản để rồi truy thu và xử phạt DN là trái với nguyên tắc bất hồi tố của pháp luật. Ở đây, nếu có bên nào phải chịu trách nhiệm thì đó là cơ quan thuế. “Theo tôi, DN hoàn toàn không thể bị xử phạt, thậm chí không truy thu thuế đã ưu đãi cho họ”, ông Hải nói.

Theo phó tổng giám đốc một công ty kiểm toán, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, việc truy thu thuế TNDN cùng với khoản phạt chậm nộp lớn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến DN niêm yết nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung. Số DN nhà nước CPH và niêm yết trong giai đoạn từ 2006-2008 rất lớn, do vậy trong thời gian tới khi cơ quan thuế đẩy mạnh việc kiểm tra chắc chắn sẽ còn nhiều DN niêm yết bị truy thu số thuế khủng.

Phải xem xét thận trọng

Trong phần trả lời thắc mắc về trường hợp bị phạt và truy thu thuế TNDN của Công ty CP Sông Đà 909 (S99) do DN này đã khai hưởng ưu đãi 50% thuế ưu đãi cho DN niêm yết, trên website của Bộ Tài chính, Bộ Tài chính cho rằng việc ra lệnh phạt cần được xem xét thận trọng vì trong việc điều chỉnh số liệu liên quan đến ưu đãi thuế về chứng khoán niêm yết theo công văn của Bộ Tài chính thì DN không có lỗi. Khi không có lỗi mà bị phạt thì không có cơ sở thuyết phục.

Trước đó, S99 đăng ký hưởng ưu đãi thuế cho DN niêm yết vào các năm 2009 và 2010, do từ năm 2008 trở về trước DN đang hưởng ưu đãi thuế từ CPH. Tuy nhiên, mới đây Cục Thuế Hà Nội đã căn cứ vào nội dung thông báo của Tổng cục Thuế vào tháng 8-2011 không cho DN hưởng ưu đãi thuế dành cho DN niêm yết đăng ký từ năm 2009 trở về sau, đồng thời ra quyết định xử phạt và truy thu thuế với S99.
Theo BẠCH HOÀN - ÁNH HỒNG
Tuổi trẻ
 

Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật