Ngày 12/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi làm việc với ngành ngân hàng trên địa bàn TP.HCM về tình hình hoạt động của ngân hàng trên địa bàn thành phố.
Ngay khi vào đầu cuộc họp, ông Trần Du Lịch đã nêu vấn đề nổi cộm hiện nay: “yêu cầu các ngân hàng giải thích tình trạng ngân hàng thừa tiền không cho vay được còn DN khát vốn thì lại không vay được?”.
Ý kiến của các ngân hàng đều cho rằng môi trường hiện nay không thuận lợi cho tăng trưởng tín dụng. Ông Phạm Duy Hiếu, Tổng giám đốc ABBank, cho biết hiện tỷ lệ từ chối khách hàng rất cao, cứ 10 khách hàng nộp hồ sơ vay vốn thì ngân hàng phải từ chối đến 7- 8 khách hàng.
Ngân hàng thừa tiền nhưng khó cho DN đang "ngáp ngáp" vay . Ảnh minh hoạ
Với tình hình bế tắc vốn như thế này, theo ông Võ Ngọc Kình – Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Hồ Chí Minh, hiện nay phân DN thành 03 loại. DN loại 1 hoạt động tốt nhưng không vay. DN loại 3 là những DN “chết” rồi ngân hàng không cho vay được. Còn DN loại 2 là những
DN “ngáp ngáp”, nếu bơm tiền thì “ông sống ông chết”. Đây là loại DN mà ngân hàng cần phải cứu, nhưng nếu ngân hàng giảm chuẩn cho vay thì khó vì các quy định về cho vay không thay đổi. Nếu cho vay thì rủi ro.
Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank cũng cho biết hiện cho vay DN rất khó và môi trường cho tăng trưởng tín dụng là khó khăn trong thời gian tới. Đối với DN loại 2 cần cứu thì ngân hàng cũng cân nhắc dữ lắm. Đối với những DN có dự án thật sự tốt thì không ngại, Sacombank cũng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để tái cơ cấu một DN. Tuy nhiên, với những ngành khó khăn thì cũng e dè. Chẳng hạn, Sacombank vừa qua cũng giảm doanh số cho vay thủy sản.
Ông Đỗ Duy Hưng, Tổng giám đốc ngân hàng Bản Việt chia sẻ, DN cần vốn mà ngân hàng không cho vay được là vì phải tìm khách hàng phù hợp. Ngay cả đối với những khách hàng chuyển từ ngân hàng khác qua thì chúng tôi phải tìm hiểu kỹ mới cho vay.
Tại ACB dư nợ 4 tháng đầu năm nay hầu như không tăng đối với DNNVV. Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, theo đánh giá của ACB thì đối tượng DNNVV thiếu tài sản thế chấp do giá trị của tài sản đảm bảo sụt giảm so 2012 khi thị trường suy giảm, hoặc vướng quy hoạch treo… Trong khi giá trị tài sản đảm bảo giảm không đáp ứng được nợ mới cần vay. Bên cạnh đó, khi xét cho vay, ngân hàng còn tính đến liệu bản thân DN đó có đầu tư ngoài ngành hay không và có thuộc 05 lĩnh vực ưu tiên?
Trong thời gian qua, một số DN đã lấy vốn lưu động vay của ngân hàng để mua thiết bị (tài sản dài hạn) nên bị mất cân đối vốn, ngân hàng không dám cho vay những DN đó nữa. Thêm nữa, hiện tình trạng công nợ quá hạn của DN nhiều, đòi nợ khó, ngân hàng thấy DN bán hàng không đòi được nợ nên cũng khó mà cho vay mới.
Bên cạnh đó, tình hình cơ cấu lại nợ cho DN theo Quyết định 780 của NHNN trong thời gian qua cho thấy những DN vượt được để khỏe lên không nhiều khiến ngân hàng cũng chùn tay cho vay ra.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, tháng 4 OCB tăng trưởng tín dụng lại âm dù tháng 3 vẫn cho vay được. Theo ông Tùng, các khoản nợ có khó khăn thì ngân hàng mới tiến hành cơ cấu lại nợ thì xác suất rất lớn là nó lại khó khăn, gây nợ xấu cao. Nhưng nếu không áp dụng lúc đó thì nhiều DN chết.
Dù ngân hàng đã mở nhiều hình thức cho vay và đã mạnh dạn cho vay tín chấp bằng dòng tiền nhưng nhiều lãnh đạo ngân hàng cho rằng việc quản lý dòng tiền của DN cũng rất khó khăn. ông Đỗ Duy Hưng cho rằng, thực ra ngân hàng chỉ quản lý được 30-40% dòng tiền của DN mà thôi, Nên nếu DN vay 10 đồng mà dùng hết 10 đồng cho sản xuất kinh doanh chính thì không sao, nhưng DN chỉ sử dụng 5 đồng cho việc chính thì ngân hàng khó quản lý dòng tiền của họ đi đâu.
Đề cập đến giải pháp tháo gỡ tắc vốn hiện nay, ông Phạm Quang Thuần, Phó Tổng giám đốc VAB, cho rằng ngành ngân hàng nên có điều chỉnh mọt số cơ chế chính sách cho vay để tạo diều kiện vay. Vì tình hình kinh tế đang khó khăn mà vận dụng quản lý trong tình hình thị trường tốt vào trong hiện nay thì vẫn tắc vốn.