(DĐDN) - Tại Hội thảo “Chuyển động kinh tế vĩ mô và triển vọng tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam”, TS Cấn Văn Lực – Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT, Phó TGĐ và Giám đốc trường Đào tạo BIDV khẳng định: “Đến thời điểm này, bức tranh kinh tế của Việt Nam năm 2013 được xem là đang “Ấm lên từ đáy””.
TS Cấn Văn Lực phát biểu tại Hội thảo
“Đáy” ở đây theo cách nói của TS Cấn Văn Lực là chỉ năm 2012. Năm 2012 được xem là “đáy” thứ hai sau “đáy” năm 2008. Nhìn vào những mặt tích cực của kinh tế tài chính trong 9 tháng đầu năm 2013 thể hiện rõ một số phương diện: động thái chính sách quyết liệt, cụ thể hơn; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; xuất nhập khẩu tăng khá; FDI và giải ngân ODA đạt mức khá; tỷ giá cơ bản ổn định, lãi suất giảm mạnh, thị trường vàng ở mức bình ổn hơn; thanh khoản hệ thống ngân hàng thương mại ổn định; tốc độ tăng hàng tồn kho đã giảm dần (từ 21% tháng 6/2012 xuống còn 8,8% tháng 9/2013 so với cùng kỳ); thị trường chứng khoán lình xình nhưng có mức tăng trưởng khá.
Tuy nhiên, dù có một số mặt tích cực nhưng bức tranh kinh tế tài chính 9 tháng đầu năm 2013 cũng còn nhiều khó khăn. Tăng trưởng GDP 2013 được dự báo ở mức thấp (tương đương 2009); lạm phát được kiểm soát nhưng có thể quay trở lại; môi trường kinh doanh chưa được cải thiện nhiều; nợ xấu còn ở mức cao; tín dụng tăng trưởng thấp (chủ yếu do sức cầu yếu); giá vàng tuy đã bình ổn hơn nhưng khoảng cách chênh lệch với giá thế giới còn lớn; thị trường bất động sản còn rất khó khăn; các gói hỗ trợ còn chậm đi vào cuộc sống; số doanh nghiệp giải thể, doanh nghiệp ngừng hoạt động còn tăng so với cùng kỳ năm 2012. Tăng trưởng xuất nhập khẩu không bền vững thể hiện tỷ trọng các mặt hàng điện tử khá tốt nhưng các tỷ trọng các mặt hàng của Việt Nam có thế mạnh thì tăng trưởng không đáng kể.
Kinh tế thế giới năm 2014 dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn (trên 3,2% so với mức khoảng 2,6% năm nay, trừ khi có biến cố bất khả kháng lớn như chính trị, thiên tai…). Động lực tăng trưởng chủ yếu là do phục hồi mạnh hơn từ Mỹ (tăng trưởng dự báo 2,7% so với mức 1,7% năm 2013); khối đồng tiền chung Châu Âu chính thức thoát khỏi suy thoái, khối BRICS (trừ Trung Quốc) và các nước mới nổi sẽ có đà tăng trưởng cao hơn năm nay.Từ những nhìn nhận khái quát bối cảnh trong và ngoài nước nêu trên, TS Cấn Văn Lực cho rằng, với các giả định về nhân tố nội tại như tổng mức đầu tư toàn xã hội không đổi (vẫn ở mức khoảng 30% GDP), xuất khẩu tăng trưởng khoảng 15% nhưng sức cầu (về đầu tư doanh nghiệp và tiêu dùng) tăng mạnh hơn…theo đà phục hồi; Việt Nam sẵn sàng tận dụng cơ hội tham gia TPP; thì mặc dù cần phải xem xét thêm và tính toán cụ thể nhưng dự báo ban đầu tạm đưa ra GDP có thể tăng trưởng cao hơn 2013 (khoảng 5,5%; CPI khoảng 7 – 7,5%; tín dụng có thể tăng trưởng 13 – 15%).
Theo đó, chính sách tiền tệ - tín dụng trong năm 2013-2014 nên tiếp tục ‘thận trọng và linh hoạt’; tiếp tục xử lý nợ xấu và VAMC chỉ là một trong số các giải pháp được đưa ra; Hoàn thành cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém còn lại; Cần chặt chẽ hơn đối với phân loại nợ; quản lý chặt chẽ thị trường vàng và thị trường ngoại hối. Phối hợp giải bài toán tăng trưởng tín dụng, thúc đấy hỗ trợ thị trường bất động sản. Khả năng tiếp tục giảm lãi suất là có nhưng rất thận trọng và chỉ giảm nhẹ.
Đối với doanh nghiệp cần thực hiện quyết liệt tái cơ cấu về chiến lược, tổ chức, hoạt động, tài chính và quản trị… Nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp bằng việc áp dụng các thông lệ và chuẩn mực về quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và phân tích kinh doanh nhằm giảm chi phí, phát triển đúng và bài bản…
N.Phương