Chỉ còn hai tháng nữa là hết năm tài chính. Sau doanh nghiệp, giờ đến các ngân hàng “thấm đòn”.
Bán nợ xấu, tái cơ cấu, cắt giảm chi phí…chỉ giúp các ngân hàng thương mại sống sót lay lắt. Muốn duy trì hoạt động và tăng trưởng, họ vẫn phải trông vào tăng trưởng tín dụng. Nhưng trớ trêu thay, đầu ra của tín dụng hiện vẫn bế tắc.
Đâu là lối thoát?
Để giảm chi phí, từ năm 2011, khi tín dụng bắt đầu tăng chậm lại, nhiều ngân hàng đã cắt thưởng, giảm lương của nhân viên. Đến giờ phút này, viện đến lý do “tái cơ cấu”, các ngân hàng ngày càng mạnh dạn sa thải nhân viên. Những ai may mắn được ở lại thì phải chấp nhận làm đủ thứ việc, từ huy động vốn, mời chào mở thẻ, cho vay… đến thu hồi nợ. Không chỉ nhân viên, đã có không ít “sếp”, đang từ chỗ một bước lên xe, hai bước ra bàn nhậu, giờ bị điều chuyển về bộ phận thu hồi nợ.
Nhưng những giải pháp này dẫu sao cũng chỉ mang tính tình thế. Nguồn sống của ngân hàng chủ yếu vẫn là tín dụng. Thế nhưng, tính đến ngày 14/10/2013, tăng trưởng tín dụng mới đạt 6,18%. Cái đích 12% trở nên xa vời vợi dù cácngân hàng thương mại(NHTM) không ngừng nỗ lực. Đã có dự báo tăng trưởng tín dụng năm nay giỏi lắm chỉ có thể đạt 10%. Ngành ngân hàng bị coi là có lỗi trong việc tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm dừng ở mức 5,14% và dự báo cả năm khó đạt mức 6% như kế hoạch.
Vì sao GDP tăng thấp? Điều dễ nhận thấy nhất là sản xuất công nghiệp phục hồi chậm. Doanh nghiệp– nguồn đóng góp chính vào GDP – lại giải thể hàng loạt, hoặc hoạt động cầm chừng. Chính vì vậy, dù muốn hay không, các NHTM đã, đang nỗ lực đẩy tín dụng ra, bởi cứu doanh nghiệp cũng là cứu chính mình.
Mức lãi suất cho vay hiện nay được đánh giá là đã thấp kỷ lục: trần lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ) là 9%/năm. Mặt bằng lãi suất tiền đồng trong 8 tháng đầu năm 2013 đã giảm khoảng 2-5%/năm so với đầu năm, lãi suất cho vay giảm 3-5%/năm và đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005 – 2006. Đến cuối tháng 8/2013, tỷ trọng các khoản vay có lãi suất đến 13%/năm chiếm khoảng 74,97%; tỷ trọng các khoản vay có lãi suất từ 13-5%/năm chiếm khoảng 16,77%; tỷ trọng các khoản vay có lãi suất trên 15%/năm chiếm khoảng 8,26%.
Lãi suất cho vay thấp, ngân hàng lại rất “nhiệt tình”, thế nhưng tín dụng vẫn không tăng. Vướng mắc chính là chỗ ngân hàng không tìm được khách hàng đủ điều kiện vay vốn. Khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp vướng vào nợ xấu, hoạt động cầm chừng. Với hai lý do này, khó có ngân hàng nào dám cho vay tiếp, vì bản thân số nợ xấu của ngân hàng đang không ngừng tăng, mà“đầu ra” của nợ xấu – bán cho VAMC – cũng chưa thông.
Lãi suất: giảm rồi, giảm nữa
Hiện lãi suất cho vay của các NHTM nhà nước ở mức 9-10,5%/năm và 9,5-11,5%/năm ở khối NHTM cổ phần. Một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả đã được các NHTM cho vay với mức lãi suất chỉ 6,5-7%/năm. Với mức lãi suất này, có thể nói ngân hàng chấp nhận lỗ về lãi suất; bù lại bằng việc thu được phí dịch vụ (thông thường, kèm với hợp đồng tín dụng, ngân hàng sẽ đề nghị khách hàng sử dụng thêm các dịch vụ liên quan: trả lương qua tài khoản, dịch vụ quản lý dòng tiền, dịch vụ thanh toán, ngoại hối…). Nhưng cách này chỉ có thể áp dụng với những khoản cho vay lớn, với những khách hàng VIP. Còn nhìn chung ít có ngân hàng nào chịu nổi mức lãi suất cho vay không bằng lãi suất huy động. Lãi suất không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ 1-1,2%/năm; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng khoảng 5-7%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng khoảng 6,5-7,5%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 7,5-9%/năm.
Tuy nhiên, hiện lãi suất huy động USD phổ biến ở mức 0,25%/năm (tổ chức) và 1,25%/năm (dân cư); trong khi lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 4 -7%/năm đối với ngắn hạn; 6-7%/năm đối với trung và dài hạn. Như vậy có sự chênh lệch từ 2% đến 4%/năm giữa lãi suất huy động và cho vay bằng USD. Đây là mức chênh lệch khá lớn trong bối cảnh hiện nay, vì vậy các ngân hàng hoàn toàn có thể giảm lãi suất cho vay bằng USD.
Cũng có ý kiến lo ngại, khi giảm lãi suất cho vayngoại tệ, tín dụng ngoại tệ sẽ tăng, tác động đến tỷ giá. Nhưng lý do này không thuyết phục. Bởi cùng với tốc độ tăng chậm của tín dụng nói chung, tín dụng ngoại tệ khó có khả năng tăng đột biến đến mức tác động đến tỷ giá. Vì trong số tăng trưởng tín dụng 6,18% nói trên thì tín dụng bằng đồng nội tệ tăng 10,4%; tín dụng ngoại tệ giảm 11,55%. Mặc dù việc tín dụng ngoại tệ giảm được cho là phù hợp với tiến trình chống đô la hóa nền kinh tế của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhưng trong bối cảnh này, có lẽ sự nghiệp chống đô la hóa nên tạm gác lại. Hơn nữa, thời gian qua NHNN đã mua vào một lượng ngoại tệ không nhỏ, cộng thêm nguồn kiều hối lên đến 7,5 đến 8 tỷ USD (tính đến hết quý III/2013). Nguồn ngoại tệ này không nên để “chết” trong két sắt. Lãi suất cho vay bằng ngoại tệ giảm sẽ kích thích tăng tín dụng, có lợi cho NHTM và hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn.
Có điều, “chơi” với ngoại tệ không đơn giản. Sẽ là rủi ro không nhỏ đối với cả ngân hàng và doanh nghiệp khi NHNN điều chỉnh tỷ giá (theo cam kết của NHNN thì từ nay đến cuối năm họ vẫn được quyền điều chỉnh thêm 1-2% nữa). Vì vậy, khi vay vốn bằng ngoại tệ, tốt nhất doanh nghiệp nên sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Thà thêm một chút chi phí còn hơn gánh chịu rủi ro từ biến động tỷ giá.
Theo Thái Thanh
Doanh nhân