Tổng công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global) vừa quyết định phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ từ 6.200 tỷ đồng hiện nay lên 12.400 tỷ đồng. Một trong những mục tiêu của Viettel Global trong đợt phát hành lần này là có thêm vốn để thực hiện đầu tư vào một số dự án.
Trong 3 năm tới, Viettel Global dự định đầu tư vào các thị trường mới, sau khi đã bỏ vốn vào Lào, Peru, Mozambique, Campuchia, Haiti, Cameroon, nhằm thực hiện mục tiêu phục vụ 1 tỷ dân vào năm 2020.
Trong khi đó, các kế hoạch đầu tư của Viettel Global vào Kenya, Ethiopia, Kenya, Tanzania… vẫn đang được xúc tiến.
Trong khi đó, Hoàng Anh Gia Lai - một trong những tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam - mặc dù đang nỗ lực thực hiện tái cấu trúc, đặc biệt với hai lĩnh vực thủy điện và bất động sản, song vẫn quyết tâm triển khai Dự án khu phức hợp 440 triệu USD ở Myanmar, cùng với việc triển khai song hành các dự án Cụm công nghiệp Mía đường và Trung tâm Nhiệt điện; Nhà máy Chế biến mủ cao su; trồng cao su ở Lào và Campuchia.
FPT cũng đang từng bước nối dài cánh tay ra nước ngoài. Năm 2012, Tập đoàn đã đạt doanh thu trên 90 triệu USD từ thị trường nước ngoài, tăng 30% so với năm 2011.
Thậm chí, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT không giấu giếm khát vọng về một bước ngoặt định mệnh của FPT ở thị trường Singapore và ASEAN. “Đã đến lúc chúng ta ganh đua với các tập đoàn danh tiếng thế giới đến từ Mỹ như Acenture, IBM, HP; đến từ Ấn Độ như Tata, Wipro, Infosys; đến từ Trung Quốc như Neusoft, Hisoft… tại thị trường Singapore. Thua trận này, con đường lên top 500 Forbes Global là rất xa xôi. Thắng trận này sẽ thắng trong cả khu vực ASEAN và tiếp theo là khắp địa cầu”, ông Bình chia sẻ khát vọng.
Cùng góp mặt tại các thị trường nước ngoài còn rất nhiều tên tuổi khác. Đó là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, với thị trường 14 nước và có tổng trữ lượng dầu khí đã xác định tương đương 170 triệu tấn dầu. Năm 2012, tổng doanh thu từ khai thác dầu khí đạt 587 triệu USD; doanh thu cộng dồn đến hết 2012 đạt trên 1,23 tỷ USD; tiền chuyển về nước đạt trên 360 triệu USD.
Đó còn là Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đang không ngừng mở rộng kế hoạch trồng cao su ở Lào, Campuchia; hay C.T Group đang nỗ lực với kế hoạch hợp tác đầu tư 2 dự án bất động sản có tổng vốn đầu tư 150 triệu USD ở Myanmar.
“Các doanh nghiệp Việt Nam như BIDV, Vietnam Airlines, Hoàng Anh Gia Lai, Đạm Phú Mỹ, Phân bón Năm Sao... đều đã bước đầu khẳng định vị thế tại các thị trường Lào, Campuchia, Myanmar”, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào, Campuchia, Myanmar phát biểu.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, lũy kế tới ngày 20/12/2012, Việt Nam đã có 712 dự án đầu tư ra nước ngoài cho còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 12,4 tỷ USD; vốn thực hiện ước đạt 3,8 tỷ USD; mang về 430 triệu USD lợi nhuận, chủ yếu trong lĩnh vực dầu khí, viễn thông, cao su.
9 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt đã đạt mức kỷ lục - khoảng 3 tỷ USD. Trong số này, một số dự án lớn đã được ghi nhận như Dự án Công ty liên doanh Rusvietpetro của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại Liên bang Nga tăng vốn đầu tư lên tới 1,4 tỷ USD và Dự án Thăm dò muối mỏ tại Lào của Tổng công ty Hóa chất Việt Nam, tăng vốn 518,9 triệu USD.
“Điều này cho thấy, các doanh nghiệp trong nước đã mạnh hơn”, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài bình luận.
Cũng giống như khi thu hút được các tập đoàn hàng đầu thế giới vào Việt Nam, khiến tên tuổi nước Việt trên bản đồ kinh doanh thế giới được nâng lên một bậc, việc các doanh nghiệp Việt không ngừng vươn cánh tay ra thị trường nước ngoài cũng là một lời khẳng định cho sức mạnh doanh nghiệp Việt.
Theo Báo đầu tư
Xem thêm: Thành lập công ty cổ phần đầu tư nước ngoại, thành lập công ty đầu tư trong nước,
thành lập công ty tnhh nước ngoài, công ty 100% vốn nước ngoài, đầu tư ra nước ngoài, cốn đầu tư trong nước, vốn đầu tư ra nước ngoài