Trong Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra những thành tựu và hạn chế của Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ vừa qua đồng thời đề xuất phương hướng, nhiệm vụ cho Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ tới.
Trình bày báo cáo Tóm tắt Tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp; vào năm cuối của nhiệm kỳ, đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lụt liên tiếp tác động nặng nề đến sự phát triển của đất nước.
"Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sát sao, quyết liệt của Đảng, Chính phủ, sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của Quốc hội và sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng và quyết tâm của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và của cả hệ thống chính trị, nước ta vẫn đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên mọi lĩnh vực", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Trình bày bản báo cáo tóm tắt từ bản chính thức dài 144 trang được gửi tới các đại biểu Quốc hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh báo cáo gồm 2 phần lớn gồm kết quả công tác nhiệm kỳ và kiến nghị phương hướng nhiệm vụ cho nhiệm kỳ sắp tới.
Về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đồng thời kiên quyết, kiên trì, quyết tâm trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
"Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tiếp tục được triển khai quyết liệt, đồng bộ, bài bản, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, xử lý các hành vi sai phạm theo phương châm: không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã tạo ra sức răn đe, cảnh tỉnh lớn", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng nêu rõ việc thực hiện và quyền hạn của Chủ tịch nước trong lĩnh vực Lập pháp; Hành pháp và Tư pháp cũng như Quốc phòng – an ninh và công tác xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước trong hoạt động đối ngoại và hoạt động của Phó Chủ tịch nước cũng được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước báo cáo trước đại biểu quốc hội và cử tri cả nước.
Những ưu điểm, hạn chế của nhiệm kỳ Chủ tịch nước 2016-2021 cũng được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng báo cáo đồng thời chỉ ra nguyên nhân của kết quả đạt được cũng như nguyên nhân của các hạn chế, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Trong phần đề xuất phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kiến nghị Chủ tịch nước làm tốt hơn nữa nhiệm vụ, quyền hạn trong nhiệm kỳ tới bởi nhiệm kỳ 2016-2021 đã sắp kết thúc.
5 đề xuất phương hướng, nhiệm vụ được Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu ra gồm: Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ trong việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp; Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện tốt Kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Tham gia chỉ đạo công tác ngoại giao của Đảng, Nhà nước, công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới; thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; Tập trung chỉ đạo công tác quốc phòng - an ninh, và hội nhập quốc tế và quan tâm lãnh đạo và tổ chức, triển khai các phong trào Thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả, gắn các phong trào Thi đua yêu nước với việc "Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
"Qua thực tế vừa qua, chúng ta mạnh dạn xin kiến nghị cơ quan lãnh đạo khóa sau, rút kinh nghiệm từ khóa này, phát huy ưu điểm, khắc phục bằng được hạn chế, tồn tại mà chúng tôi nêu. Mong khóa tới, hoạt động của Chủ tịch nước sẽ có tiến triển tốt hơn", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết.