Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý hạn chế ban hành thông tư, nhất là để các cục, vụ ban hành rồi bắt cả nước thực hiện theo thì phải "bắt tận tay day tận trán", không để “rế cao hơn nồi”.
Tổ công tác thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh sáng nay họp phiên đầu tiên bàn về việc xây dựng công cụ và kế hoạch cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025.
Rào cản rất lớn
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, năm nay Thủ tướng quyết tâm tập trung cho cải thiện môi trường kinh doanh, tạo dư địa phát triển rất lớn.
“Chúng tôi cũng rất quan tâm việc ban hành 1 nghị định sửa nhiều nghị định, nhưng phải kiểm soát việc ban hành thông tư vì rào cản rất lớn ở đây”, ông Dũng lưu ý.
Trong đó, cần cải cách mạnh việc xuất nhập khẩu ở cửa khẩu, giảm kiểm tra chuyên ngành, giao dần cho cơ quan kiểm tra, thay vì các bộ ngành xuống thì giờ bộ ngành không xuống nữa.
Bộ trưởng nêu kinh nghiệm của Anh 72 năm cải cách và ban hành 1 văn bản đã huỷ 3 văn bản cũ. Việc này thực hiện rất hiệu quả. Sắp tới, Anh sẽ có chuyên gia giúp ta cải cách, VPCP sẽ là cầu nối thúc đẩy, hỗ trợ.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, cần nghiên cứu xây dựng bộ công cụ cắt giảm, cách thức tính chi phí tuân thủ để có minh bạch hoá, đánh giá sự tích cực của các bộ, ngành, địa phương. Bởi có những bộ đưa lên như thế nhưng không hoàn toàn như thế; có bộ chần chừ để xuống kiểm tra chuyên ngành trực tiếp.
Chủ nhiệm VPCP cũng lưu ý, phải tiến tới hạn chế ban hành thông tư. Ban hành nghị định đủ điều kiện rồi thì không cần thêm văn bản hướng dẫn nữa. Ông cũng nêu tình trạng, một nghị định nhưng có khi có 5-7 thông tư của bộ đưa ra.
“Nếu không còn những bộ ngành co kéo quyền lợi thì không cần ban hành những văn bản về thủ tục hành chính nữa”, Bộ trưởng nhấn mạnh cải cách phải được lượng hoá bằng ngày công và bằng tiền.
“Ví dụ ở Bộ Y tế, 1 văn bản của Cục An toàn thực phẩm ban hành nhưng cả nước phải theo. Vậy thẩm quyền ai ban hành cái này? Ta phải xác định rõ thẩm quyền, không phải một lãnh đạo của cục, vụ ban hành văn bản mà cả nước phải thực hiện, rào cản vô cùng nhiều, 'rế cao hơn nồi'", Bộ trưởng lưu ý.
Những trường hợp này phải xem xét, "bắt tận tay day tận trán" và đưa lên báo chí chứ không để tự tung tự tác.
Bãi bỏ những công cụ quản lý không phù hợp
Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu đồng ý với mục tiêu từ nay đến 2025 cắt giảm ít nhất 20% văn bản và chi phí tuân thủ thủ tục.
Theo ông Hiếu, phải tính đến con số khả thi. Việc bãi bỏ hoàn toàn cả văn bản các nước cũng làm như vậy. “Còn kiểm soát không thống kê việc sửa đổi thì rất dễ bị vượt qua rào cản, vì có khi họ chỉ sửa 1 chữ thôi”, ông Hiếu lưu ý.
“Ví dụ như nhân lực bao nhiêu, tiền lương bao nhiêu mà mình cố định con số trong nhiều năm thì mới theo dõi được. Thậm chí có thể so sánh giữa các bộ ngành”, ông Hiếu phân tích.
Phó chánh Văn phòng Bộ Tài chính Nguyễn Đình Trường cho rằng nếu đặt mục tiêu cắt giảm văn bản thì có thể cắt giảm văn bản đó nhưng điều kiện kinh doanh, thủ tục, kiểm tra chuyên ngành không cắt giảm thì không đáp ứng mục tiêu.
Hiện nay đang đề cập đến cắt giảm văn bản mà chưa đề cập đến mục tiêu cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hoá thủ tục hành chính, đơn giản hoá kiểm tra chuyên ngành.
Về số lượng cắt giảm 20% văn bản, để bảo đảm tính khả thi thì phải trên cơ sở rà soát của các bộ. Nếu ấn định các bộ đều phải chắt giảm 20% thì chưa khả thi.
Như năm 2018, Bộ Tài chính đã ban hành 1 nghị định sửa 14 nghị định liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, qua đó cắt giảm 129/370 điều kiện kinh doanh của Bộ Tài chính.
“Để bảo đảm tính khả thi, tôi cho rằng là yêu cầu các bộ, ngành rà soát đề xuất các phương án cắt giảm. Trên cơ sở đề xuất đó, VPCP tham mưu báo cáo Thủ tướng ban hành một quyết định riêng đối với từng ngành, lĩnh vực vì hiện nhiều bộ ngành đã cắt giảm tương đối nhiều. Nếu giờ áp đặt một mức khống chế nữa, đánh đồng các bộ ngành thì tính khả thi chưa cao”, ông Trường phân tích.
Viện phó CIEM cho rằng, tư duy của Chính phủ ở đây không phải bãi bỏ cơ học các văn bản hay các quy định mà đòi hỏi phải thay đổi tư duy quản lý, làm sao đạt hiệu quả, nhưng có phương thức khác, ít tốn kém, ít chi phí cho DN.
“Còn chúng ta vẫn tư duy cũ, chỉ bãi bỏ công cụ quản lý thôi thì tôi là bộ tôi cũng chống, vì lấy gì để quản lý. Tôi đồng ý với Chính phủ là phải bãi bỏ những công cụ quản lý không phù hợp”, ông Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, có rất nhiều các quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh, không phải là điều kiện kinh doanh, cũng không phải là kiểm tra chuyên ngành nhưng đó là một loạt các quy định khác tạo ra rất nhiều chi phí cho DN.
“Đề nghị lần cải cách này rộng hơn rất nhiều, tổng thể, toàn diện, đặt ra tham vọng rất lớn của Chính phủ trong việc cắt giảm chi phí”, Viện phó CIEM nhấn mạnh.
Các bộ ngành muốn sửa gì thì sửa nhưng phải giảm được chi phí cho DN thì đây mới là cái tốt. Con số chi phí này chỉ có ý nghĩa khi so sánh với tỷ lệ 20% nên sẽ không để cho bộ ngành tự tính toán con số về chỉ tiêu tài chính.