(Dân trí) - “Muốn phát triển thì phải đổi mới, phải trải thảm đỏ mời chào khách hàng, thế nhưng đằng này lại tỏ thái độ độc quyền, bao cấp để chờ người ta đến. Ngành đường sắt trồng cây sung rồi ngồi chờ sung rụng, làm việc theo kiểu quả trứng - con gà”.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng phản ứng gay gắt như vậy trước cách thức làm ăn của ngành đường sắt trong cuộc họp bàn về việc Nâng cao năng lực, chất lượng vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không để giảm tải cho vận tải đường bộ, diễn ra chiều 18/4.
Độc quyền, bao cấp
Trong bối cảnh hoạt động vận tải đường bộ đang quá tải và có nhiều bất cập, không ít chủ hàng đã tính tới những cách thay đổi phương thức vận chuyển hàng hóa của mình, tuy nhiên sau khi tìm đến ông chủ của những toa tàu thì các doanh nghiệp lại lắc đầu ngao ngán với suy nghĩ “lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn”!
Phải mất 6-7 tiếng đồng hồ chạy xe từ Lào Cai về Hà Nội để có mặt tại cuộc họp quan trọng về nâng cao năng lực và chất lượng vận tải dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Đinh La Thăng, nhưng đại diện công ty gang thép của tỉnh miền núi này cũng chỉ nói ngắn gọn rằng: “Với công suất 500.000 tấn phôi thép/năm thì nhu cầu vận chuyển là rất lớn, vậy nhưng chúng tôi làm việc với đường sắt nhiều lần rồi mà vẫn chưa có kết quả”.
Còn bà Vũ Thị Huyền Đức - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Mía đường 1 - cho biết: “Hàng hóa của chúng tôi phải di chuyển từ Thanh Hóa ra Hà Nội rồi chuyển tiếp đi cung ứng tại thị trường các tỉnh biên giới phía Bắc. Chúng tôi ký hợp đồng vận chuyển 10.000 tấn đường với đường sắt nhưng cả tuần nay vẫn chưa được xếp lịch chạy tàu”.
Theo bà Đức, thủ tục đã xong xuôi mà hàng hóa lại bị ùn đọng, vì quá sốt ruột nên bà đã phải mạnh dạn nhắn tin điện thoại cho Bộ trưởng Đinh La Thăng thì vấn đề mới được tháo gỡ.
Ngành đường sắt trồng cây sung rồi ngồi chờ sung rụng, làm việc
"Ngành đường sắt trồng cây sung rồi ngồi chờ sung rụng, làm việc theo kiểu quả trứng - con gà”
Một trường hợp khác, từ một nguồn hàng hóa nhưng có tới 70-80% được vận chuyển bằng đường bộ còn đường sắt chỉ là 10%, giải thích cho tỷ lệ chênh lệch quá mức này, ông Đỗ Doãn Hùng - Tổng Giám đốc Tổng Công ty đạm Hà Bắc - cho biết, do chi phí bốc xếp đường sắt cao nên hiệu quả vận tải thấp. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến đạm Hà Bắc ít qua lại với đường sắt là vì sự độc quyền đến mức khó chịu của ngành vận tải này.
“Làm việc với đường sắt có gì đó mang tính bao cấp, độc quyền và có vẻ không cần tới nhau. Đường sắt vào tận kho của công ty tôi nhưng 1 tuần nay tàu chưa về để vận chuyển khiến hàng hóa bị tồn đọng. Chúng tôi đang tính tới việc tận dụng vận tải thủy để giảm áp lực cho đường bộ” - ông Đỗ Doãn Hùng thẳn thắn nói.
“Hàng nhiều mà không chở thì chỉ có bị... thần kinh”
Trước những vấn đề mà doanh nghiệp nêu ra, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu đại diện các đơn vị vận tải đường sắt giải thích rõ ràng và trả lời có hay không sự bao cấp?
Ông Vũ Tá Tùng - Tổng Giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn - cho rằng lúc này đang là cơ hội lớn nhất đối với đường sắt, bởi chưa phải tiếp thị mà lượng hàng hóa đặt vận chuyển đã rất nhiều.
Theo ông Tùng, hệ thống đường sắt từ khu công nghiệp Sóng Thần (tỉnh Bình Dương) đến tỉnh Lào Cai dài gần 2.000 km, nhưng hiện hoạt động vận tải chủ yếu “bí” từ Vinh trở ra, việc xuất khẩu hàng sang Trung Quốc gặp khó khăn vì bị đọng lại ở Lào Cai, nếu giải quyết được ở Lào Cai là sẽ thông suốt.
Tuy nhiên, nói về lỗi ứ đọng, ông Tùng phân bua: “Lỗi không riêng của đường sắt mà do chủ hàng không chịu bốc dỡ, thậm chí còn nghỉ ngày lễ mà vẫn tận dụng toa xe của đường sắt để chứa hàng. Yêu cầu đặt ra là phải điều toa xe để giải quyết luồng hàng từ phía Nam ra”.
Ông Nguyễn Văn Chung - Tổng Giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội - cũng lên tiếng: “Mặt nào chưa tốt thì chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt, mặt khác chúng tôi cũng mong muốn bạn hàng chia sẻ”.
Thừa nhận sự ách tắc đang xảy ra ở đoạn Lào Cai, ông Chung giải thích việc ký hợp đồng rồi nhưng không cấp được toa xe để vận chuyển hàng cũng chính vì sự ách tắc này. Trong khi đó, bạn hàng không muốn chở ban đêm vì sợ giá cao (đêm 40.000 đồng/tấn, ngày 20.000 đồng/tấn), ban ngày cũng sẽ tranh thủ được thủ tục hải quan để xuất hàng sang Trung Quốc.
“Khách hàng nhiều mà không chở thì chỉ có bị thần kinh, vấn đề là do không đủ năng lực để vận tải, từ hạ tầng đến việc xếp dỡ. Tuy nhiên chỉ nhiều khách ở tuyến Hà Nội - Lào Cai, còn Hà Nội - Hạ Long, Quảng Ninh thì nhu cầu thấp” - ông Chung cho hay.
Ở cấp cao hơn, ông Nguyễn Đạt Tường - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam - đề cập đến vấn đề cước phí, ông Tường nêu lên giá cước vận chuyển của đường sắt thấp nhưng giá bốc xếp lại không do đường sắt mà là đơn vị khác làm nên hàng lên được tàu thì khách phải chịu cước phí cao. Đây cũng là lí do khó cạnh tranh, phải đẩy giá xuống thấp hơn nữa thì không thể được. Ông Tường cho biết nếu hàng hóa tập trung giao cho đường sắt bốc xếp thì sẽ đảm đương được, nhưng nếu hàng ít không ổn định thì cũng khó làm.
Khi Bộ trưởng vào cuộc
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, chuyển biến nhìn thấy rõ ràng sau 15 ngày “siết” xe quá tải trên đường bộ là việc các chủ hàng bắt đầu tìm đến đường sắt, tuy nhiên vấn đề lại cũng nằm ở đường sắt.
“Báo cáo của đường sắt rất dài nhưng tóm lại là để đường sắt phát triển và nâng cao năng lực vận tải thì phải đầu tư hạ tầng và cấm đường bộ. Ngành đường sắt trồng cây sung rồi ngồi chờ sung rụng, phải có phương án đổi mới chứ anh làm việc theo kiểu quả trứng - con gà thì giải quyết sao được vấn đề” - Bộ trưởng Đinh La Thăng gay gắt.
Tháo gỡ sự ách tắc của ngành đường sắt, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng việc khách không chịu dỡ hàng thì có thể phạt, phạt thật cao thì chủ hàng sẽ phải sợ mà dỡ hàng, như thế sẽ giải phóng được ách tắc. Khách không muốn chở hàng ban đêm thì phải có chính sách khuyến khích như giảm giá 50% thì mới thu hút được. Bên cạnh đó, phải căn cứ vào năng lực của mình mà làm, khi ký hợp đồng phải có ngày tháng cụ thể và phải có xe để chạy thì mới nhận, vậy mà để khách chờ 10 ngày không có xe vận chuyển làm hàng hóa bị đọng nên họ phàn nàn là đúng, họ bảo bao cấp là có cơ sở.
“Vấn đề nằm ở chính ngành đường sắt chứ không phải do ai khác. Muốn phát triển thì phải đổi mới, phải trải thảm đỏ mời chào khách hàng, thế nhưng đằng này lại tỏ thái độ độc quyền, bao cấp để chờ người ta đến. Năng lực bốc dỡ không đủ, chi phí thì cao, khách muốn xếp toa đi trước lại phải “chạy” tiền và qua cửa “cò” theo cơ chế xin - cho, nhận vận chuyển nhưng không chịu trách nhiệm đến cùng, giải quyết sự thì việc lâu, thế thì ai người ta đến? Phải tăng năng lực vận tải, cải cách thủ tục hành chính, chống tiêu cực thì khách hàng mới đến với mình.” - Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ trích.
Có lẽ chưa bao giờ việc giảm tải cho đường bộ lại “nóng” như bây giờ. Theo Thứ trưởng GTVT Trương Tấn Viên, các Vụ trưởng Vụ Vận tải trước kia chỉ biết lo cho an toàn giao thông và trật tự vận tải chứ chưa có giải pháp hay công việc cụ thể nào để thay đổi hoạt động vận tải.
Trước thời Bộ trưởng Đinh La Thăng, ngành GTVT chưa từng có cuộc cải tổ vận tải nào có quy mô lớn và tính chất quyết liệt như hiện nay, bởi thế mà vận tải đường bộ lâu nay quay cuồng với muôn vàn vấn đề và có những tác động không nhỏ đối với đời sống xã hội. Trong khi đó, các loại hình vận tải khác, đặc biệt là đường sắt với vai trò là xương sống của hệ thống vận tải quốc gia lại chưa làm tốt trọng trách của mình để “chia lửa”, và cũng bởi thế mà cuộc họp với mục đích bàn tới năng lực của 4 loại hình vận tải nhưng cuối cùng lại “nóng” lên ở lĩnh vực đường sắt.
Châu Như Quỳnh