TTO - Nên chuyển đổi các hộ kinh doanh thành cá nhân kinh doanh hay đưa vào quy định để thúc lên doanh nghiệp là vấn đề đang được nhiều chuyên gia thảo luận, tranh cãi.
Dịch vụ Chuyển đổi hộ kinh doanh sang công ty.
Sáng 4-4, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Toạ đàm nghiên cứu khuôn khổ pháp lý cho hộ kinh doanh theo Luật doanh nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc - chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam - hiện có 1,6 triệu hộ cá nhân kinh doanh cá thể mà cơ quan thuế đang quản lý, cấp mã số thuế và 3,4 triệu hộ không có đăng ký kinh doanh.
Cần có chính sách riêng cho hộ kinh doanh
Mặc dù có vai trò quan trọng tăng trưởng kinh tế, sản xuất gắn với ngành nghề truyền thống nhưng do đặc thù mô hình này thường gọn nhỏ trong gia đình nên thủ tục hành chính dễ dàng, không cần hội đồng thành viên, giám đốc.
Hộ kinh doanh cũng thường áp dụng hình thức nộp thuế theo tỉ lệ trên doanh thu hoặc thu thuế khoán dẫn tới việc cơ quan quản lý chưa sát với doanh thu thực tế phát sinh của hộ kinh doanh cá thể nên có hiện tượng thất thu thuế.
Bà Cúc cho rằng khi sửa đổi Luật doanh nghiệp không nên đưa hộ kinh doanh vào và nên làm chính sách, khuôn khổ pháp lý riêng cho hộ, sau đó có cơ chế chuyển đổi như khuyến khích, ưu đãi.
Ông Lê Duy Bình - giám đốc Economica Vietnam - cũng cho rằng nếu đưa hộ kinh doanh cá thể vào Luật doanh nghiệp thì không phù hợp với quy định quốc tế. Bởi khi đưa vào luật, cần phải làm rõ sự khác biệt giữa hình thức doanh nghiệp tư nhân hiện tại với doanh nghiệp là hộ kinh doanh cá thể.
Tạo cơ chế thuận lợi hơn
Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico, cho rằng không nên yêu cầu hộ kinh doanh phải chuyển đổi mà phải thừa nhận những hộ đã có đăng ký kinh doanh (với 1,6 triệu hộ), khi đạt đến quy mô nhất định là một loại hình doanh nghiệp.
Còn với 3,4 triệu hộ kinh doanh còn lại chưa có đăng ký kinh doanh vì quy mô nhỏ, theo ông Đức cần phải có yêu cầu bắt buộc là đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, không nên đặt vấn đề đưa những hộ này lên doanh nghiệp.
Vấn đề đặt ra khi chuyển đổi là chưa nên đòi hỏi thay đổi với hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu/năm đang được miễn thuế, mà các hoạt động như kế toán cần duy trì như cũ, hoặc nâng cấp nhưng vẫn phải đơn giản hơn so với chế độ kế toán với doanh nghiệp.
Về lâu dài, cần phải có quy định theo lộ trình tăng dần yêu cầu mỗi năm khoảng 10% trở thành doanh nghiệp.
Theo bà Tạ Thu Lan, phó vụ trường Vụ quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa (Tổng cục thuế), Nhà nước không có hỗ trợ với hộ kinh doanh, nên cần tạo khuôn khổ pháp lý để nâng đỡ chứ không phải tìm cách quản họ chặt hơn.
Theo đó, cơ quan thuế hiện quản lý phân loại theo quy mô, ví dụ hộ lớn thì đang quản lý như một doanh nghiệp, còn trên 90% hộ nhỏ chỉ nuôi sống gia đình thì quản lý theo cách truyền thống.
Sẽ đưa quy định pháp lý hộ kinh doanh vào Luật doanh nghiệp
Ông Phan Đức Hiếu, phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), thành viên ban soạn thảo Luật doanh nghiệp, cho rằng việc đưa hộ kinh doanh vào luật hay không không quan trọng, bởi đó chỉ là yếu tố kỹ thuật. Vấn đề quan trọng là sẽ xây dựng nội dung, cơ sở pháp lý thế nào để tạo đà phát triển khu vực hộ kinh doanh.
Theo đó, nguyên tắc là mọi nguồn lực đầu tư phải được tối đa hóa, những gì đang cản trở quyền tự do kinh doanh thì phải được gỡ bỏ. Mục tiêu là trao quyền kinh doanh đầy đủ cho các đối tượng này bị hạn chế bởi hình thức hay quy mô.
"Sẽ không đưa hộ kinh doanh vào luật nào khác, mà chúng tôi nhận trách nhiệm đưa vấn đề này xử lý trong Luật doanh nghiệp. Tuần sau sẽ có dự thảo đầu tiên để có góp ý sát thực hơn" - ông Hiếu nói.
NGỌC AN