Ông “bầu” bóng đá xứ Thanh, doanh nhân Nguyễn Văn Đệ đã thẳng thắn chỉ trích lối làm việc của giới công chức tỉnh Thanh Hóa...
Bầu Đệ đã thẳng thắn trút những bức xúc khiến người nghe không khỏi giật mình vì sự thẳng thắn của một doanh nhân tại hội thảo về dự thảo Luật hỗ trợ
doanh nghiệp nhỏ sáng 11/7 có sự hiện diện của ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm VP CP và lãnh đạo Bộ KHĐT.
Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa.
Doanh nghiệp như… cá nằm trên thớt
Theo ông Đệ, nhiều năm nay, có thể nói là do phát triển quá nóng, Chính phủ muốn một tay nâng đỡ doanh nghiệp lớn, nhưng lại quên mất rằng tay còn lại phải nâng đỡ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), mặc dù đã có sự quan tâm nhưng chưa thật sự sâu sắc.
Một số chính sách không phù hợp nên khi Chính phủ nâng đỡ DN lớn tạo ra sự méo mó trong thị trường, dẫn đến sự thua thiệt cho hàng vạn DNNVV. Các DN lớn được bao thầu dự án, được giao đất sạch và lấy ngân sách nhà nước để giải phóng mặt bằng. Thế nhưng DN lớn lại làm ăn rất thủ đoạn, họ thuê nhân công ngắn ngày để trốn nộp thuế, trốn đóng bảo hiểm và các nghĩa vụ khác với người lao động.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đệ, một số địa phương bao thầu cho các DN lớn thực hiện những dự án, các DN lớn lại bóc lột và chèn ép DNNVV chứ không hề có thị trường bình đẳng. DNNVV làm thuê cho các DN lớn không biết đến bao giờ mới lấy được tiền, "mà đụng vào mấy ông lớn này thì kinh lắm, họ quan hệ từ trung ương đến địa phương".
“Với những DN lớn nhưng họ phát triển bằng vốn, bằng năng lực của họ thì tôi đồng ý, nhưng DN lớn mà sử dụng ngân sách nhà nước và quan hệ thì họ lại quay ra bóp chết DNNVV. Đó là thực trạng mà các nhà hoạch định chính sách cần thấu hiểu để có được chính sách tốt hơn,” ông Nguyễn Văn Đệ nói.
Song song với Luật Hỗ trợ DNNVV, ông Đệ đặt câu hỏi tại sao không đề cập đến vấn đề đạo đức của những người thực thi công vụ khi tình trạng công chức vi phạm luật công chức ở các tỉnh bây giờ rất nhiều và họ bao biện cho nhau, nạn chèn ép đối với DN và với nhân dân ngày một nghiêm trọng.
“Tôi nói ví dự như ở tỉnh Thanh Hóa, tình trạng của DNNVV như cá nằm trên thớt, mặc dù đã có Hiệp hội Doanh nghiệp thật, nhưng Hiệp hội đứng ra bảo vệ cho một thành viên lép vế là người ta quay sang "đánh" Hiệp hội ngay.
Doanh nghiệp Việt Nam có tới 90% là nói vi phạm cũng được mà không vi phạm cũng được. Nếu như phát triển nóng thì nói là vì sự phát triển của đất nước thì không có lỗi, nhưng nếu quay sang hỏi về giấy phép con, giấy phép xây dựng… thì kiểu gì cũng có lỗi. Chỉ cần có đơn của Hiệp hội gửi lên là ngay ngày hôm sau người ta quay ra đánh chúng tôi ngay. Cách đây 2 ngày Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa họp ban chấp hành, các doanh nghiệp nói với tôi rằng anh chớ có nghỉ, vì đến như anh mà người ta còn đánh thì bọn em chết,” doanh nhân Nguyễn Văn Đệ bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Đệ cho rằng cần loại bỏ ngay cơ chế xin – cho ở các địa phương, trong đó có tỉnh Thanh Hóa, nơi ông đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.
Tiêu cực không bao giờ hết?
Đúng như câu chuyện dư luận đang râm ran trong mấy ngày qua về việc ông Đệ xung đột với Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa Đào Vũ Việt, ông Đệ một lần nữa bày tỏ bức xúc về chuyện này:
“Một ông Giám đốc Sở Xây dựng, không hiểu có ai bao che cho mà quyền lực ghê gớm thế. DN chúng tôi đến còn không tiếp. Đây không phải là trường hợp duy nhất mà gần như phổ biến ở tỉnh. Chúng tôi làm một cái mái tôn để làm nhà bảo vệ tài sản cho dân khi đến khám bệnh mà người ta còn đòi dỡ đi, trong khi khu đất bỏ hoang cả chục năm không ai động đến. Mấy tháng nay Chính phủ vào cuộc rất quyết liệt, nhưng thực sự là không ngấm được xuống địa phương, mấy DN làm ăn tử tế ở địa phương luôn vào thế yếu. Với các quan chức thì cứ quan ra quan, dân ra dân, đừng có mà lẫn lộn. Tôi nghe báo chí nói Chính phủ đồng hành với DN mà thấy như chuyện ở đâu đâu, chứ ở địa phương không có chuyện đó”.
Ông Đệ cho rằng Luật thì tốt nhưng nếu đội ngũ thực thi pháp luật không thay đổi, thì Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa tới đây khi ra đời cũng chỉ để cho có mà thôi. Chúng ta vất vả, bỏ công sức và chất xám ra nghiên cứu dự án luật, Quốc hội ngồi lại với nhau để cho ra Luật, thế nhưng nếu như công chức địa phương cứ trả thù trả đũa nhau thế này Luật có cũng như không.
Ông Đệ nói tiếp: “Cho nên tiêu cực không bao giờ giảm được ở địa phương, tôi đề nghị các anh cho đoàn công tác đặc biệt vào trong Thanh Hóa mà tìm hiểu xem tôi nói có đúng hay không. Lợi ích nhóm bao trùm một cách ghê gớm. Bây giờ công chức đủ rồi, no rồi, thì phải vì dân vì đằng nào cũng đủ ăn đủ tiêu rồi, tôi đề nghị công chức phải vì sự phát triển của dân, đừng vì lợi ích nhóm và quan hệ. Cần phải ra một bộ luật để thay thế Luật Công chức hiện hành, phải quy định rõ công chức vi phạm, không vì quyền lợi của dân thì phải cho nghỉ. Thực tế Luật đối với trung ương là cởi mở, nhưng tới địa phương thì lại méo mó”.
Lên tiếng sau những bức xúc của doanh nhân Nguyễn Văn Đệ, Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định việc hỗ trợ DNNVV là một hoạt động dịch vụ công chứ không phải là xin –cho. Đây là dịch vụ phải cung cấp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là xây dựng một nhà nước kiến tạo, tạo lập. Và các cơ quan công quyền và cơ quan dịch vụ công phải khắc phục.
Ông Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm: “Nhà nước có trách nhiệm cung cấp dịch vụ công, nhưng tôi cũng xin lưu ý là dịch vụ công hoàn toàn có thể chuyển giao cho các tổ chức xã hội để họ thực hiện, chứ nếu nhà nước cứ ôm đồm làm tất cả dịch vụ công liên quan đến DN thì chắc chắn nhà nước sẽ phải phình bộ máy của mình ra rất nhiều. Do vậy, nhà nước không nên đẻ thêm bộ máy hỗ trợ DNNVV, mà nên tạo điều kiện để các tổ chức xã hội tham gia cùng với nhà nước trong việc cung cấp dịch vụ công, cái gì mà xã hội và thị trường làm được thì nên để cho xã hội và thị trường làm. Điều tôi mong muốn ở Dự Luật này là làm sao có được hai chữ “bình đẳng” và bỏ đi hai chữ “xin – cho”.
Liên quan đến câu chuyện ứng xử của công chức tỉnh Thanh Hóa đối với cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định VCCI sẽ có nhóm công tác làm việc chính thức với tỉnh Thanh Hóa sau đó sẽ có báo cáo với Thủ tướng.