Cập nhật lúc: 4/28/2014 11:59:03 PM

Thủ tướng: Làm chủ doanh nghiệp khó lắm

Thủ tướng tự nhận mình sẽ khó thành công nếu lãnh đạo doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn như hiện nay, vì vậy ông hứa tạo điều kiện tối đa để cộng đồng kinh doanh ngày một lớn mạnh. 

Người đứng đầu Chính phủ đã tâm sự như vậy khi đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp sáng 28/4.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hội nghị này chủ yếu là để Thủ tướng lắng nghe ý kiến của đại diện khối doanh nghiệp dân doanh, từ đó chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tìm giải pháp, tạo thuận lợi để khu vực kinh tế này phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.

Mở đầu hội nghị, những khó khăn và kết quả của cộng đồng doanh nghiệp đạt được trong mấy năm qua đã được ông Lộc dồn nén trong hai từ “vượt cạn” và “nỗ lực phi thường”. Ông nói: “Đây là đội quân chủ lực đóng góp vào tăng trưởng và làm giàu cho đất nước” và hy vọng giai đoạn tái khởi động khu vực doanh nghiệp sẽ được bắt đầu từ chính cuộc đối thoại này, với sự lĩnh xướng và điều hành của Thủ tướng.


Thủ tướng với các đại biểu doanh nhân Ảnh:VGP
Coi đây là cơ hội hiếm nên cộng đồng doanh nghiệp ngoài việc trình lên Thủ tướng hơn 300 kiến nghị cũng đã tranh thủ gần 4 giờ đồng hồ để trực tiếp phản ánh bức xúc trong các vấn đề về thuế phí, tiếp cận nguồn lực và hành trình cam go vượt qua những thủ tục hành chính rườm rà.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam, thời gian gần đây Chính phủ đã có nhiều cải cách về thuế, giải quyết vướng mắc về thủ tục hải quan cho doanh nghiệp song vẫn còn nhiều vướng mắc. “Tinh thần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về thuế, thủ tục hải quan cứ giảm dần từ cấp cao và mất đi ở cấp cơ sở, khi đến cấp tổ đội thì hầu như không còn. Nhiều khi cùng một quy định nhưng gây hiểu khác nhau ở các cấp, giữa cục thuế này và cục thuế kia khiến doanh nghiệp rất mệt mỏi”, bà Cúc nói.

Ngoài ra, bà Cúc cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra của Chính phủ, của bộ, ngành cần tránh chồng chéo. Thậm chí, cơ quan thanh kiểm tra không ít trường hợp coi phải phát hiện nhiều sai phạm, truy thu được tiền thì mới là “thành tích”. Bà Cúc từng là Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nhiều năm trước khi về hưu và tham gia công tác tư vấn thuế cho doanh nghiệp.

Phó chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam thì nêu khó khăn nhất với doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) là tiếp cận vốn vay. “Các ngân hàng hiện nay rất thận trọng cho doanh nghiệp SME vay, thủ tục cho vay ngày càng khắt khe, các doanh nghiệp mới thành lập càng khó khăn khi vay vốn…Trong khi chính sách bảo lãnh, các quỹ tín dụng ưu tiên cho SME hiện còn rất thiếu”, ông Nam than vãn.

Chủ tịch Công ty Hợp Lực Nguyễn Văn Đệ thì ấm ức về chuyện tiếp cận nguồn lực một cách bất bình đẳng giữa hai khối doanh nghiệp Nhà nước – tư nhân. “Chúng tôi gửi cán bộ của bệnh viện đi đào tạo trong trường y thì mất 20 đồng, trong khi người của bệnh viện công đi học chỉ mất có 10 đồng”, ông Đệ bức xúc.

Lãnh đạo một doanh nghiệp cực chẳng đã dẫn ra câu chuyện của chính doanh nghiệp mình. Hơn 10 năm trước, doanh nghiệp ông cần 2 tuần để hoàn thiện thủ tục mở cả chuỗi 30 nhà hàng pizza. Trong khi hơn một năm trước thôi, để xin mở thêm 2 nhà hàng mới, doanh nghiệp này cần tới 14 tháng vẫn chưa xong. Phải đến khi có sự can thiệp của hai Bộ Kế hoạch Đầu tư và Công Thương thì địa phương mới đồng ý.

Tưởng rằng sau vụ này, việc mở thêm nhà hàng sẽ thuận lợi hơn, nhưng mới đây khi xin mở tiếp 3 cơ sở mới, công ty lại gặp trở ngại với Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội. “Một câu chuyện cụ thể thôi, nhưng khi nhìn vào mới thấy thực chất các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài bị cản trở bởi thủ tục quan liêu”, ông nói chua chat.

Ghi nhận những phản ánh của doanh nghiệp, Thủ tướng thừa nhận, công cuộc cải cách hành chính có nhiều bước tiến nhưng vẫn còn vướng mắc, cản trở phát triển doanh nghiệp. Người đứng đầu Chính phủ chỉ ra rằng, việc cải cách thủ tục chủ yếu phải chú trọng khâu thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh. “Doanh nghiệp được kinh doanh bất cứ cái gì pháp luật không cấm, nhưng thực tế phát sinh nhiều thủ tục. Nếu không tiếp tục cải thiện thì doanh nghiệp sẽ bị hạn chế, sức cạnh tranh kém, và năng lực cạnh tranh cả nền kinh tế cũng sẽ thua sút so với các nước khác”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu doanh nghiệp phải chủ động tái cơ cấu, nâng cao năng lực quản trị để giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh. “Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện, sẽ có các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tái cơ cấu nhưng doanh nghiệp cũng phải nỗ lực, phải cả từ hai phía. Không ai có thể làm thay doanh nghiệp được”, Thủ tướng nói.

Chí Hiếu 

Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật