Trong 7 nhóm nhiệm vụ Chính phủ đề ra thời gian tới, "phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng".
Sáng 20/5, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV khai mạc tại Hà Nội. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình nói những tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 6,79%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,71%, thấp nhất trong 3 năm qua.
Theo ông, thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí được triển khai quyết liệt; các cơ quan chức năng cũng đã đẩy mạnh phòng chống tội phạm; triệt phá nhiều vụ án rất lớn về ma túy, tổ chức đánh bạc trên mạng, tội phạm hình sự nghiêm trọng...
Bên cạnh kết quả đạt được, lãnh đạo Chính phủ đề cập đến nhiều tồn tại, hạn chế, trong đó kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc do giá dầu thô, xung đột thương mại, căng thẳng địa chính trị ở nhiều nơi diễn biến bất ổn, khó lường.
"Sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn; dịch tả lợn châu Phi lan rộng và tình trạng nắng nóng, thiếu nước ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống", ông nói.
Ngoài ra, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng vặt của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa được ngăn chặn hiệu quả. Tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp ở một số địa phương; còn nhiều vụ tai nạn giao thông, cháy nổ nghiêm trọng.
Chính phủ đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới; đầu tiên là "kiên định mục tiêu củng cố nền tảng vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng".
Liên quan đến việc tăng giá điện 8,36% từ ngày 20/3, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình cho hay, các cơ quan chức năng đang "thanh tra, làm rõ việc tăng giá điện, phương pháp tính và thu tiền điện, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật".
Trong các nhóm giải pháp tiếp theo, Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp có kế hoạch, giải pháp cụ thể tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại - coi đây là chìa khóa, là động lực để chuyển đổi mô hình tăng trưởng; phát triển mạnh hạ tầng viễn thông, Internet băng thông rộng, sớm đưa vào hoạt động mạng di động 5G...
"Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có năng lực cạnh tranh khu vực, quốc tế", Phó thủ tướng nói.
Chính phủ cũng đề cập đến việc tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển sinh đại học năm 2019; kiên quyết không để xảy ra sai phạm, gian lận thi cử.
Ngoài ra, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình cho biết cơ quan chức năng sẽ đẩy nhanh tiến độ, sớm ban hành các kết luận thanh tra đối với các vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
"Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, đầu tư công, các dự án BT, BOT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ...", ông nói.
Thẩm tra báo cáo nêu trên, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ đóng góp của ngành du lịch với tăng trưởng kinh tế; làm rõ tình hình tồn ngân Kho bạc Nhà nước, việc sử dụng nguồn vốn này.
Cũng theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, tình trạng chuyển giá, lỗ giả lãi thật còn tồn tại. Vì thế, ông nói Chính phủ cần đánh giá chính sách ưu đãi với doanh nghiệp FDI, hoàn thiện chính sách thu hút vốn ngoại.
Mặt khác, chi phí không chính thức giảm nhưng còn cao, gia nhập thị trường khó khăn; doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp nhiều khó khăn và tiếp cận vốn hạn chế. Vấn đề chuyển đổi số tạo thuận lợi cho phát triển nền kinh tế số chưa được triển khai.
Về một số mặt hàng thiết yếu tăng giá vừa qua, như điện, xăng dầu, dịch vụ y tế..., ông Thanh nói Chính phủ cần tăng cường dự báo, đánh giá đầy đủ và cảnh báo, đưa ra phương án dự phòng, điều chỉnh phù hợp; đánh giá toàn diện việc tăng giá xăng, điện tác động tới phát triển kinh tế xã hội.
Trước đó phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, kỳ này Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 9 dự án luật...
Cụ thể, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ theo quy trình tại một kỳ họp; cho ý kiến bước đầu về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi); quyết định việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.
Quốc hội cũng sẽ thảo luận các báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý đất đai tại các đô thị.
"Tôi trân trọng đề nghị các vị đại biểu tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dành thời gian nghiên cứu kỹ các tài liệu, tập trung cho ý kiến, thể hiện quan điểm rõ ràng về từng nội dung, nhất là đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, tạo sự thống nhất cao để Quốc hội có những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân", bà Ngân nhấn mạnh.
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV dự kiến làm việc trong 20 ngày, bế mạc vào 14/6.