Cập nhật lúc: 10/5/2014 3:09:25 PM

'Có thể kiện nếu Cục Điện ảnh, thanh tra 2 Bộ xử phạt Căn hộ số 69'

"Cục điện ảnh tiến hành các công việc ngoài chức năng như vậy cũng là sai", luật sư Trần Anh Dũng cho biết. 

Để nhìn nhận rõ hơn, có nhiều góc nhìn hơn về vấn đề xử lý dự án "Căn hộ số 69" của Cục Điện ảnh hay của thanh tra Bộ TTVH&DL và thanh tra Bộ TTTT đang xem xét, chúng tôi có cuộc trao đổi với anh Trần Anh Dũng, Đoàn Luật Sư Hà Nội thuộc Công ty Luật Yulchon để dư luận rộng mở, có cái nhìn đa chiều.
Hình ảnh dự án "Căn hộ số 69"
Thưa anh, Cục Điện ảnh có sai hay không nếu đòi xem xét, kiểm duyệt “Căn hộ số 69”?
Để xác định Cục có sai hay không thì phải xem “Căn hộ số 69” (CHS69) có thuộc thẩm quyền quản lý của Cục hay không, việc đăng tải video lên mạng xã hội (Youtube) có thuộc thẩm quyền quản lý của Cục hay không.
Theo quan điểm của tôi thì CHS69 không thuộc thẩm quyền quản lý của Cục Điện ảnh và việc đăng lên Youtube cũng không thuộc thẩm quyền của Cục. Vì vậy câu trả lời ở đây là Cục điện ảnh không có thẩm quyền xem xét vấn đề này.
Anh có thể nói rõ hơn được không?
Để nói rõ hơn, khái niệm phim thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Điện ảnh và khái niệm phim theo cách hiểu thông thường không phải trùng nhau. Ví dụ: phim sản xuất ở nước ngoài không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Điện ảnh, các video clip được cá nhân làm ra với mục đích phi thương mại cũng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Điện ảnh.
Luật điện ảnh quy định về việc sản xuất phim của cơ sở điện ảnh chứ không điều chỉnh tất cả các phim hay video đăng tải trên mạng xã hội. Mà khái niệm “cơ sở điện ảnh” trong luật đã giải thích rất rõ ràng tại Điều 12 bao gồm doanh nghiệp điện ảnh và đơn vị sự nghiệp điện ảnh.
Ví dụ thế này: một phim do Mỹ sản xuất (có thể do một hãng phim hoặc cá nhân tự bỏ tiền làm phim), được tải lên Youtube không thể được coi nó thuộc quản lý của Cục Điện ảnh theo Luật Điện ảnh được. Nó chỉ thuộc phạm vi của Luật Điện ảnh và thuộc quản lý của Cục khi nó xin được chiếu hay phát hành ở Việt Nam.
Do vậy, ngay cả khi CHS69 là một bộ phim thực sự thì việc nó được tải lên Youtube cũng không thuộc quản lý của Cục điện ảnh. Nội dung của video đăng tải bởi cá nhận trên mạng internet thuộc điều chỉnh của Luật Công Nghệ Thông Tin và Nghị định 72 về internet.
Vì Youtube thực chất là một mạng xã hội chuyên về video, chị có thể đăng bất cứ sản phẩm nào của chị lên đó, kể cả là “phim” do chị thực hiện (và nếu chị muốn gọi nó là phim) thì Cục Điện ảnh cũng không có quyền quản lý đối với video này. Giống như việc chị viết văn, làm thơ, tải bài hát, tải clip… lên facebook.
Đây là môi trường mạng xã hội, khi chị xuất bản, phát hành các sản phẩm tại Việt Nam thì chị mới cần tuân thủ các quy định về xuất bản, phát hành và các quy định liên quan đến sản phẩm đó. Còn trên mạng, chị chỉ thuần túy chịu trách nhiệm về nội dung chị đưa lên internet mà thôi.
Luật sư Trần Anh Dũng cho biết: "Cục Điện ảnh cũng không có quyền quản lý đối với video này"
Bản thân Cục điện ảnh cũng đang lúng túng trong việc định hình CHS69 có là phim hay không, nhưng phía Cục đã gửi công văn lên thanh tra Bộ VHTT&DL, Bộ TTTT để đòi làm rõ 2 việc: Kiểm tra quy trình sản xuất làm phim; kiểm tra về nội dung phim của sản phẩm CHS69?
Như trên đã nói Cục Điện ảnh không có thẩm quyền nên dù Cục có xem hay chưa xem nội dung CHS69 thì việc Cục điện ảnh tiến hành các công việc ngoài chức năng như vậy cũng là sai.
Như vậy, bản thân anh Nguyễn Thành Nam (Nam Cito) và êkíp làm phim có thể khiếu nại với Cục Điện ảnh không?
Theo tôi thấy thì chưa có kết luận của Cục Điện ảnh, Cục cũng chưa có quyết định hay hành động nào gây tổn hại đến quyền lợi của Nam vì thể chưa có cơ sở để khiếu nại hay khiếu kiện. Chỉ khi Cục điện ảnh ra văn bản hay có hành động xâm phạm rõ ràng, còn việc Cục “nghe hơi nồi chõ” rồi không ra được kết luận nào thì cũng không có cơ sở cho rằng Cục xâm phạm quyền lợi của mình. Tôi vẫn thấy trên kênh Youtube, “Căn hộ số 69” vẫn được phát, xem và comment bình thường.
Vậy bản thân Bộ VHTT&DL với Bộ TTTT có quyền xem xét và xử phạt quy trình sản xuất cũng như nội dung của CHS69 hay không, thưa anh?
Tôi nghĩ là không. Nếu thanh tra Bộ VHTT&DL thì không có thẩm quyền, vì họ phải xác định phim thuộc phạm vi của Luật Điện ảnh chứ không phải bất cứ phim gì, video gì cũng thuộc điều chỉnh Luật Điện ảnh.
Không thể lấy phim Holywood không phát hành ở Việt Nam ra phạt vì nó chống phá nhà nước, hay vi phạm thuần phong mỹ tục được. Vậy nên, thanh Tra Bộ VHTT&DL không có quyền đối với các video clip được đăng trên mạng xã hội.Phạm vi thanh tra đã quy định rất rõ theo Điều 16 Nghị định 71/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thanh tra văn hóa, thể thao và du lịch:
Còn Thanh Tra Bộ TTTT thì có thể kiểm tra nội dung đăng lên mạng. Họ sẽ phải theo kiểm soát việc tuân thủ pháp luật chuyên ngành, trong trường hợp này là Luật CNTT và Nghị định 72 về internet. Theo Điều 21 Nghị định 140/2013/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thanh tra thông tin và truyền thông, thanh tra ngành thông tin có nhiệm vụ kiểm tra việc tuân theo pháp luật của ngành mình.
"Thanh tra Bộ VHTT&DL không có thẩm quyền xem xét và xử lý, Thanh tra Bộ TTTT có thanh tra thì cũng khó có thể kết luận nó vi phạm các hành vi này được".
Và cũng theo Luật CNTT Điều 12 và Điều 5 của Nghị định 72về các hành vi bị cấm, theo quan điểm của tôi, việc đăng tải video CHS69 lên một tài khoản cá nhân trên mạng xã hội không thuộc bất cứ hành vi cấm nào như quy định tại trên. Tôi đã xem qua video này, không thể coi nó là sản phẩm đồi trụy, kích động bạo lực, chống phá nhà nước… Nên dù Thanh tra Bộ TTTT có thanh tra thì cũng khó có thể kết luận nó vi phạm các hành vi này được.
Còn nếu thanh tra thông tin truyền thông cho rằng có vi phạm hành chính thì họ phải nêu ra căn cứ luật rõ ràng. Nếu cho rằng sản phẩm của họ vi phạm thì vô số những video khác đăng trên youtube sẽ được xử lý thế nào? Nhất là những video do người nước ngoài đăng tải.
Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý với chị là theo Nghị định số 28/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet, không có quy định phạt nào có thể áp dụng tương tự cho trường hợp CHS69. Vì vậy, nếu thanh tra cho rằng họ có vi phạm thì phải chỉ rõ vi phạm quy định nào và mức phạt là bao nhiêu.
Nghị định 28 không hề quy định về hành vi vi phạm như tải lên mạng những video dung tục và nếu thanh tra cố gán ghép chụp mũ CHS69 vào điều khoản nào đó thì tôi cho rằng họ đang tự làm khó bản thân mà thôi. Trong trường hợp này phía anh Nam hoàn toàn có quyền khiếu kiện.
Điều 16. Nội dung thanh tra chuyên ngành văn hóa, thể thao và du lịch
Thanh tra đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch bao gồm:
1. Di sản văn hóa;
2. Nghệ thuật biểu diễn;
3. Điện ảnh;
4. Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm;
5. Quyền tác giả, quyền liên quan;
6. Thư viện;
7. Quảng cáo (trừ quảng cáo trên các phương tiện báo chí, mạng thông tin máy tính và xuất bản phẩm);
8. Văn hóa quần chúng, Văn hóa dân tộc và Tuyên truyền cổ động;
9. Hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa;
10. Văn hóa phẩm (trừ xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật về xuất bản);
11. Xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm;
12. Chương trình quốc gia, dự án đầu tư thuộc lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch;
13. Hoạt động của các hội, hiệp hội, liên đoàn và tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch;
14. Lĩnh vực gia đình;
15. Thể dục, thể thao cho mọi người;
16. Thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp;
17. Hoạt động kinh doanh dịch vụ thể thao;
18. Tài nguyên du lịch, quy hoạch du lịch, môi trường du lịch;
19. Khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, đô thị du lịch;
20. Hướng dẫn du lịch;
21. Kinh doanh du lịch;
22. Xúc tiến du lịch và giao lưu văn hóa;
23. Thông tin đối ngoại trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch;
24. Việc thực hiện các quy định khác của pháp luật liên quan đến hoạt động văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch.
Điều 21. Hoạt động thanh tra chuyên ngành thông tin và truyền thông
1.Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật, quy trình, quy phạm, chất lượng, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân nêu tại khoản 2 Điều 2 Nghị định này, bao gồm:
a) Các quy định về báo chí (bao gồm báo chí in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, thông tấn);
b) Các quy định về xuất bản (bao gồm xuất bản, in, phát hành);
c) Các quy định về thông tin đối ngoại;
d) Các quy định về quảng cáo trên báo chí (bao gồm báo in, tạp chí, báo điện tử, phát thanh, truyền hình), trên môi trường mạng và trên xuất bản phẩm; quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin;
đ) Các quy định về bưu chính;
e) Các quy định về viễn thông;
g) Các quy định về tần số vô tuyến điện;
h) Các quy định về thông tin điện tử;
i) Các quy định về công nghệ thông tin, điện tử (bao gồm công nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin và an toàn thông tin số);
k) Các quy định về thông tin cơ sở (tuyên truyền, cổ động);
l) Các quy định về hạ tầng thông tin và truyền thông;
m) Các quy định của pháp luật về bản quyền đối với sản phẩm báo chí, chương trình phát thanh, truyền hình đã mã hóa, xuất bản, tem bưu chính, sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông; quyền sở hữu trí tuệ các phát minh, sáng chế thuộc các ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông;
n) Các quy định về dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông;
o) Các quy định khác của pháp luật theo thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Hoạt động thanh tra chuyên ngành thực hiện theo quy định từ Điều 51 đến Điều 56 Luật Thanh tra và từ Điều 14 đến Điều 28 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP.
Điều 12 Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Cản trở hoạt động hợp pháp hoặc hỗ trợ hoạt động bất hợp pháp về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; cản trở bất hợp pháp hoạt động của hệ thống máy chủ tên miền quốc gia; phá hoại cơ sở hạ tầng thông tin, phá hoại thông tin trên môi trường mạng.
2. Cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm mục đích sau đây:
a) Chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân;
b) Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, kích động dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc;
c) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác đã được pháp luật quy định;
d) Xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân;
đ) Quảng cáo, tuyên truyền hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm đã được pháp luật quy định.
3. Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động công nghệ thông tin; sản xuất, lưu hành sản phẩm công nghệ thông tin trái pháp luật; giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác; tạo đường dẫn trái phép đối với tên miền của tổ chức, cá nhân sử dụng hợp pháp tên miền đó.
Triệu Vương (Theo Báo Đất Việt)
 

Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật