(Dân trí) - Làm việc với Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng) chiều ngày 2/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, Công ty "lâm nạn" là một bài học kinh nghiệm và đề nghị Công ty không nên đầu tư trái ngành nghề để tránh sai lầm như trước đây.
Tại buổi làm việc, báo cáo với Chủ tịch nước, đại diện Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam (gọi tắt là Cty Phương Nam) cho biết, vào khoảng năm 2007, Cty Phương Nam từng được xếp thứ 3 cả nước về xuất khẩu tôm với kim ngạch đạt trên 90 triệu USD.
Tuy nhiên, do việc mở rộng đầu tư không hiệu quả cùng với sự tác động của khủng hoảng kinh tế nên từ tháng 12/2011 đến tháng 5/2013, Cty Phương Nam lâm vào tình trạng mất cân đối vốn, hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, gần 1.500 lao động bỏ việc, kim ngạch xuất khẩu năm 2012 chỉ đạt 1,9 triệu USD. Tổng nợ các Ngân hàng khoảng 1.596 tỷ đồng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Cty Phương Nam.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Cty Phương Nam.
Để cứu Cty Phương Nam trước nguy cơ phá sản, nhiều cơ quan ban ngành đã vào cuộc, tiến hành tái cơ cấu lại hoạt động của Cty. Ngày 7/6/2013, Cty Phương Nam được Sở KH-ĐT Sóc Trăng cấp giấy đăng ký kinh doanh mới với thành phần cổ đông mới để triển khai sản xuất kinh doanh.
Đại điện Cty Phương Nam cho biết, kể từ sau tái cơ cấu đến nay, trong năm 2013, Cty đã sản xuất được 1.500 tấn sản phẩm tôm đông lạnh, với kim ngạch xuất khẩu đạt 17 triệu USD (tăng gấp 10 lần so với năm 2012) và lợi nhuận trong 6 tháng sau tái cơ cấu đạt 8,5 tỷ đồng. Hiện nay, Cty vẫn tập trung sản xuất các mặt hàng giá trị gia tăng như tôm Tempura, Nobashi, tẩm bột…(chiếm 80% trong tổng số sản lượng xuất khẩu).
Báo cáo với Chủ tịch nước kế hoạch hoạt động của Cty trong năm 2014 , ông Trần Văn Trí (chồng bà Diệu Hiền) - Phó Chủ tịch HĐQT Cty Phương Nam - cho biết, Cty sẽ tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh với việc đẩy mạnh thị phần xuất khẩu qua Mỹ (chiếm 50%), Nhật, Châu Âu, các nước Trung Đông, Hàn Quốc, Malaysia, Canada...
Giá xuất khẩu trung bình của năm 2014 khoảng 11,95USD/kg với sản lượng đạt khoảng 3.600 tấn/năm (300 tấn/tháng). Ước kim ngạch xuất khẩu trong năm 2014 khoảng 43 triệu USD, lợi nhuận ước đạt 20 tỷ đồng.
Ông Trí cho hay, Cty Phương Nam đã tiến hành thương lượng theo hướng trả dần nợ cũ trong năm 2014 và các năm tiếp theo với 27 nhà cung cấp nguyên vật liệu. Còn với tổng số nợ các Ngân hàng trước khi tái cơ cấu khoảng 1.596 tỷ đồng thì sau khi góp vốn và xử lý các tài sản không tham gia sản xuất, tổng số nợ của Cty giảm xuống còn khoảng 1.300 tỷ đồng.
Cty cũng đã bán hết lượng hàng tồn kho của giai đoạn trước tái cơ cấu khoảng 264 tấn, trị giá 20 tỷ đồng. “Qua đánh giá, tổng giá trị các tài sản còn lại khoảng 800 tỷ đồng, Cty đã đóng lãi cho các Ngân hàng khoảng 500 tỷ đồng. Các Ngân hàng đã đồng thuận theo hướng khoanh nợ, giãn nợ cho Cty trong 5 năm”, ông Trí cho biết.
Theo ông Trí, dù việc tái cơ cấu có hướng thuận lợi nhưng Cty vẫn còn nhiều khó khăn, để Cty ổn định và phát triển, ông Trí kiến nghị, cơ quan thuế cần xem xét gia hạn thời gian thu nợ thuế của giai đoạn trước tái cơ cấu đến năm 2016 cũng như miễn giản thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm, từ 2014- 2016. Các Ngân hàng nên xem xét khoanh nợ, giãn thời gian thu nợ trong vòng 15 năm theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Cty Phương Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, trước đây Cty Phương Nam là một Cty có tiếng, việc Cty "lâm nạn" là một bài học kinh nghiệm cay đắng do đầu tư trái ngành nghề. Theo Chủ tịch nước, nếu Cty chuyên chế biến cá, tôm thì đã không đến nỗi.
Chủ tịch nước cũng đã đánh giá cao việc tái cơ cấu của Cty Phương Nam là có hiệu quả, khi năm ngoái đạt kim ngạch xuất khẩu 17 triệu USD và năm nay dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu 43 triệu USD.
Để Cty phát triển ổn định, vững mạnh, Chủ tịch nước yêu cầu Cty không nên đầu tư trái ngành nghề để tránh bị sai lầm như trước đây. Còn các kiến nghị của Cty, Chủ tịch nước cho biết, tất cả đã có luật, cứ theo luật mà làm. Tuy nhiên, có cái nào khó thì nên bàn bạc, làm việc với cơ quan chức năng để có hướng xử lý.
Huỳnh Hải