Những chỉ số do các ngân hàng trong và ngoài nước cho thấy: đơn đặt hàng mới, sản lượng sản xuất, giá cả đầu ra, giá cả đầu vào... đều tăng.
Trong khi đó, lượng hàng tồn kho giảm cộng với số lượng đơn đặt hàng mới tăng cao hơn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sản xuất từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, thực tế mà doanh nghiệp (DN) đang phải xử lý không lạc quan như vậy, nếu không muốn nói là vô cùng khó khăn! Thăm các DN thuộc nhóm xuất khẩu mũi nhọn như cà phê, dệt may, thủy sản mới thấy rõ thực tế này.
May mặc: Xoay xở tứ bề
Trong khi DN xuất khẩu đối diện với sự cạnh tranh gay gắt từ các nước Banglades, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Campuchia thì DN kinh doanh nội địa lại bị siết giữa hai "gọng kìm": hàng Trung Quốc và hàng giả, hàng nhái của các cơ sở nhỏ trong nước!
Đến thời điểm này, Công ty Minh Long Hưng đã tồn kho đến 10 tỷ đồng (cao hơn năm ngoái đến 4 tỷ đồng) nhưng có khả năng số hàng tồn sẽ tăng lên 12 tỷ đồng vào dịp cuối năm.
Nghĩa là lượng "hàng nằm kho" của Công ty năm nay cao gấp đôi so với năm ngoái. Với một DN nhỏ kinh doanh hàng thời trang trẻ em như Minh Long Hưng thì đây quả là số tiền không nhỏ khi mùa hàng Tết đang về.
Ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty Minh Long Hưng, cho biết, hàng của Minh Long Hưng là hàng thời trang trẻ em mùa Hè nhưng năm nay, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên mưa nhiều, còn miền Bắc lại lạnh sớm nên không bán được.
Đã vậy, tình trạng làm giả, làm nhái của các cơ sở nhỏ trong nước cũng khiến Minh Long Hưng khốn đốn. "Hễ sản phẩm của Minh Long Hưng có mặt ở đâu thì hàng giả, hàng nhái xuất hiện ở đó. Hàng giả, hàng nhái đã làm giảm doanh thu của Công ty từ 25% - 30%", ông Sinh cho biết.
Không những thế, dù đã tiết giảm mọi chi phí để có giá bán thấp nhất nhưng Minh Long Hưng cũng gặp khó khi đối diện với hàng Trung Quốc giá rẻ đang tràn ngập thị trường.
Doanh số sụt giảm, hàng tồn kho tăng buộc Minh Long Hưng phải cho nghỉ việc khoảng 20% lao động, chỉ giữ lại những người giỏi và những vệ tinh mạnh.
Nếu căn cứ thực tế sản xuất, Minh Long Hưng sẽ phải giảm nhiều hơn số lượng lao động, tuy nhiên, ông Sinh vẫn phải "nuôi quân" để có công nhân cho năm sau. Vì ngành may cần nhiều lao động, nếu cho công nhân nghỉ nhiều khi DN khó khăn thì vào đầu năm sau sẽ không có người làm.
Tuy không phải giảm lao động như Minh Long Hưng nhưng Công ty TNHH TM-SX Hương Mi (Hami) cũng giảm 20 - 30% doanh thu so với năm trước. Ông Trần Bá Dũng, Phó giám đốc Hami, cho biết, vào thời điểm năm ngoái, túi cặp học sinh còn bán lai rai nhưng năm nay không bán được, số lượng hàng trả lại từ các đại lý khá nhiều.
Nhóm sản phẩm ba lô, túi xách du lịch cũng ế vì ảnh hưỡng bão lũ. Mặc dù đã thực hiện các chương trình giảm giá, khuyến mãi nhưng hai tháng qua, sức mua vẫn không tăng.
Hiện Hami đang "đánh vật" với hàng nhái, giả vì những sản phẩm này đã len lỏi vào hệ thống phân phối của Công ty. Ông Dũng cho biết, với giá rẻ hơn, chiết khấu cao hơn lại cho nợ thanh toán dài hơn nên các nhà bán lẻ không ngần ngại thay hàng Hami bằng hàng nhái. Đó là một nổi lo mà Hami chưa giải quyết được.
Hiện "công nghệ nhái" của các cơ sở nhỏ này rất tinh vi, có thể làm ra những sản phẩm y chang Hami mà ngay cả nhân viên Công ty cũng khó phân biệt được. "Hàng nhái không chỉ ảnh hưởng đến thị phần mà còn làm giảm sức mua và niềm tin của người tiêu dùng vào thương hiệu Hami", ông Dũng nói.
Khó khăn là thế nhưng Hami vẫn phải sản xuất để duy trì 200 công nhân, chuẩn bị cho mùa kinh doanh "tựu trường" năm sau. Hàng tồn kho nhiều, thiếu vốn quay vòng kinh doanh nhưng các DN vẫn không thể vay ngân hàng vì thủ tục khó khăn.
Ngân hàng thì đòi tài sản thế chấp nhưng khi mang nhà xưởng, máy móc... để thế chấp thì thủ tục rất nhiêu khê. Đã vậy, định giá tài sản của ngân hàng rất thấp trong khi lãi suất cho vay cao.
Vì vậy, dù đã có gần 25 năm sản xuất, kinh doanh mặt hàng này nhưng "Mình phải tự xoay xở, khả năng tới đâu làm tới đó chứ không vay vốn ngân hàng", ông Sinh cho biết.
Bà Nguyễn Thị Điền, Tổng giám đốc Công ty May Thêu Đan Giày An Phước, cho biết, đó là tình hình chung của các DN may mặc trong nước. Bởi, "tất cả các chi phí đầu vào tăng trong khi sức mua ngày càng giảm.
Ngoài những khó khăn chung về sản xuất, hiện tại, vấn đề chi phí vận hành, trong đó, chi phí thuê mặt bằng rất cao cũng làm cho ngành thời trang Việt Nam khốn khó.
DN phải tốn rất nhiều chi phí, trong khi hàng Trung Quốc tràn ngập các cửa hàng đa số là tiểu ngạch, không phải chịu bất cứ chi phí gì!". Khó là vậy nhưng các DN lại phải chuẩn bị đối diện với đợt tăng lương mới.
Các ngành khác ít ảnh hưởng nhưng ngành may đông công nhân nên nguồn quỹ lương cho người lao động mỗi khi tăng lương không phải là nhỏ. Rồi chuyện lương, thưởng Tết cũng khiến DN thêm nhiều lo toan.
Trong khi DN kinh doanh nội địa khó với hàng tồn kho, hàng giả, hàng nhái thì DN xuất khẩu lại gặp khó khi phải cạnh tranh với các nước xuất khẩu hàng dệt may như Ấn Độ, Banglades, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Campuchia.
Là một trong 5 thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới với gần 4.000 DN, thu hút 2,5 triệu lao động nhưng ngành vẫn đối diện với nhiều bất ổn.
Năm 2012, ngành đã tạo doanh thu gần 20 tỷ USD (chiếm 15% GDP cả nước), 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu đạt 14,8 tỷ USD (tăng 17% so với cùng kỳ 2012) nhưng cạnh tranh với các nước xuất khẩu may mặc khác trên thế giới là một bài toán khó khăn của DN Việt Nam.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3, cho biết, trong khi lương công nhân ở Campuchia chỉ ở mức 50 USD/người/tháng, Bangladesh 60 - 70 USD/người/tháng thì lương công nhân Việt Nam là 250 USD/người/tháng.
"Lương công nhân ở Việt Nam quá cao sẽ làm giảm tính cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác. Khi thị trường bình thường sẽ không có vấn đề nhưng khi thị trường chững lại thì chuyện cạnh tranh giá cả hoàn toàn không đơn giản", ông Hồng nói.
Khi không thể cạnh tranh với các nước bằng giá nhân công, các DN đành trông chờ vào lợi thế khi Việt Nam tham gia Hiệp định Hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Khi đó, thuế xuất nhập khẩu vào một số thị trường sẽ bằng 0% sẽ giúp DN gia tăng hơn nữa sự hiện diện của mình trên bản đồ may mặc thế giới.
Thế nhưng, để hưởng được thuế suất 0%, các DN dệt may phải áp dụng công thức "từ sợi trở đi". Điều đó có nghĩa là các khâu sản xuất từ kéo sợi, dệt - nhuộm - hoàn tất và may phải làm được tại Việt Nam. Đây là một cái khó cho DN, vì đến nay, hầu hết nguyên liệu may mặc ở Việt Nam chủ yếu nhập từ nước ngoài và 88% trong số đó nhập từ các nước không nằm trong khối TPP.
Thủy sản: Vô phương chạy vạy
Bên cạnh một số cơ hội mới mở ra thì những khó khăn đối với các DN xuất khẩu thủy sản trong những tháng cuối năm vẫn còn rất khắc nghiệt.
Hai tháng trước, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC) ra tuyên bố ngành sản xuất tôm Mỹ không bị thiệt hại bởi tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Do vậy, các DN Việt Nam không những sẽ không bị áp thuế chống trợ cấp mà Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ban hành mà sẽ còn được hoàn lại tiền thuế ký quỹ từ quyết định sơ bộ trước đó.
Đây được xem là kỳ tích hiếm hoi trong lịch sử kiện chống trợ cấp của các DN thủy sản, cụ thể là ngành tôm Việt Nam. Điều này đã trở thành cơ hội cho DN Việt mở rộng thị phần xuất khẩu tại thị trường Mỹ.
Doanh nghiệp xuất khẩu: Xoay như chong chóng (1)
Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, chia sẻ: "Khi nhận được thông tin, nhiều DN xuất khẩu thủy sản thấy như trút được gánh nặng. Kể từ khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá lần đầu tiên năm 2004, gần chục năm rồi tôm Việt Nam mới được "minh oan" và còn thoát khỏi thuế chống trợ cấp".
Song trên thực tế, đây chỉ là một trong số rất nhiều "nút thắt" cần phải gỡ cho các DN trong ngành như vốn, nguyên liệu, thị trường, chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, thuế... Chẳng hạn, việc tăng mức thuế suất nhập khẩu của một số mặt hàng thủy sản cũng đang khiến nhiều DN đứng ngồi không yên.
Dù kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng cao, 9 tháng đầu năm 2013 đạt 4,7 tỷ USD, dự kiến sẽ đạt khoảng 6,5 tỷ USD vào cuối năm 2013, nhưng với mức tăng thuế suất nhập khẩu như Bộ Tài chính dự kiến, sản xuất, xuất khẩu của DN thủy, hải sản sẽ còn gặp khó khăn hơn, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay.
Xuất khẩu cá tra trong quý III/2013 đạt 424 triệu USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái và tổng xuất khẩu 9 tháng đạt gần 1,3 tỷ USD, giảm 1,4%. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của cá tra trong lĩnh vực thủy sản bị sụt giảm từ 28,6% xuống còn 26,5%.
Theo ông Lĩnh, nếu không có sự hỗ trợ hoặc hợp lực tạo sự khép kín trong ngành, thì DN ngành thủy sản khó "có cửa" cho các DN nhỏ tồn tại. Bên cạnh đó, hàng loạt ảnh hưởng của những đợt bão vừa qua cũng đã để lại nhiều hệ lụy cho các DN "còn sống" đến thời điểm này.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hải sản giảm mạnh hơn so với dự đoán của nhiều DN, trong đó có nguyên nhân là thiếu nguyên liệu.
Nhiều DN buộc phải chọn phương án nhập khẩu nguyên liệu để chế biến xuất khẩu do nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng khoảng 30% công suất của nhà máy.
Thế nhưng, chính sách, thủ tục hải quan rắc rối đã khiến DN đang có nhu cầu khó tiếp cận được nguồn nguyên liệu mới. Nếu tiếp cận được thì đơn vị phải tốn phí lưu kho dài ngày tại cảng, làm chi phí sản xuất đội lên nhiều.
"Thực tế của các DN hiện nay là làm cũng chết mà không làm cũng chết. Tình hình còn trì trệ hơn khi gần đây, các DN trong nước còn bị thương lái Trung Quốc tranh mua tôm các loại với mức giá cao", ông Lĩnh than.
Doanh nghiệp xuất khẩu: Xoay như chong chóng (2)
Doanh nghiệp xuất khẩu: Xoay như chong chóng (3)
Cà phê: Loay hoay tám hướng
Hơn một năm trước, hàng loạt đơn vị kinh doanh cà phê nhỏ lẻ lần lượt "chết yểu". Còn bây giờ, ngay cả các công ty lớn trong ngành cũng lâm vào cảnh "chết dở" vì nợ quá hạn hàng ngàn tỷ đồng.
"Đại gia" cà phê Thái Hòa được xem là điển hình của tình trạng nợ nần mà DN trong ngành đang đối mặt. Trong báo cáo tài chính cho thấy THV có vốn điều lệ 550 tỉ đồng nhưng các khoản vay và nợ ngắn hạn lên tới 676,7 tỉ đồng, vay nợ dài hạn 14,2 tỉ đồng và chỉ tính riêng trong năm 2011, Thái Hòa phải trả lãi vay 72,3 tỉ đồng, tức cao gấp 3,5 lần số tiền mà công ty này làm ra.
Ông Nguyễn Văn An, Tổng giám đốc Thái Hòa thừa nhận thua lỗ, nợ nần hiện nay của Thái Hòa là do sử dụng nguồn vốn sai mục đích, sử dụng vốn ngắn hạn vào đầu tư dài hạn mà chủ yếu là trồng cà phê và cao su.
Nhưng còn những khó khăn khác dắt dây những khoản nợ khổng lồ của DN trong ngành. Theo ông Nguyễn Công Thành, Giám đốc Công ty Inexim Lâm Đồng (Đức Trọng, Lâm Đồng), đơn vị chân rết, phụ trách thu mua cà phê nguyên liệu cho Công ty CP XNK Đắk Lắk, các DN cà phê đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do không mua được hàng.
Nguyên nhân không cạnh tranh lại với các DN nước ngoài vì giá mua thấp. Điều này xuất phát từ các chi phí đầu vào cao, do áp lực từ lãi suất ngân hàng đã khiến nhiều DN điêu đứng. Ngay như Inexim Lâm Đồng, cũng rất khó thu mua đủ mức chỉ tiêu mà phía Đắk Lắk đặt ra vào mỗi vụ.
Thực tế, DN cà phê gặp khó khăn chủ yếu là DN kinh doanh thuần túy thương mại. Nguyên nhân những DN này không chủ động được vùng nguyên liệu. Vì vậy mặc dù giá cà phê tương đối ổn định nhưng các DN kinh doanh thuần túy, nếu không vượt qua được áp lực tài chính thì cũng khó tồn tại.
224 ngàn tấn
Niên vụ cà phê 2012/2013, do bất lợi về thời tiết nên năng suất và sản lượng đều giảm so với niên vụ trước: năng suất bình quân đạt gần 22 tạ/ha, cà phê nhân xô đạt hơn 410 nghìn tấn, giảm 15%. Cả niên vụ, Đắk Lắk chỉ xuất khẩu được hơn 224 ngàn tấn, giá trị kim ngạch hơn 460 triệu USD, thấp nhất trong vòng 5 năm qua cả về lượng và giá trị kim ngạch. Dự kiến niên vụ 2013/2014, sản lượng cà phê Đắk Lắk đạt hơn 430 nghìn tấn, xuất khẩu khoảng 300 ngàn tấn.
Ông Công Thành cho rằng, phần lớn các DN trong nước phải vay và chịu lãi suất rất lớn (từ 18% - 20%/năm) dẫn đến nần ngày càng tăng. Thứ hai, nguồn lực tài chính của hầu hết DN cà phê trong nước đều rất thấp.
Nhưng do không chủ động được vùng nguyên liệu mà phải thu mua lại từ những đại lý nhỏ hơn và số ít người nông dân, giá cà phê lên xuống thất thường nên cũng có nhiều DN đã ký hợp đồng mua hàng với người dân nhưng vẫn không mua được hàng do giá cao.
Xét ở khía cạnh nào đó, việc tăng giá thu mua là hoàn toàn có lợi cho người trồng cà phê, nhưng nếu không có giải pháp hợp lý thì thị phần cà phê Việt sẽ hoàn toàn rơi vào tay khối ngoại.
Do vậy, nhiều DN cho rằng, để không mất thị phần, các DN Việt Nam cần phải liên kết và đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu đến các nông hộ, có như vậy mới mong cứu vãn tình thế.
Bởi lẽ người nông dân vốn dĩ chịu thiệt thòi rất nhiều trong sản xuất và tiêu thụ, vì vậy họ chỉ chấp nhận bán nông sản của mình cho nơi mà họ được đãi ngộ tốt.
Hồi đầu năm, nhiều dự báo khả quan về tình hình xuất khẩu nông sản Việt Nam, dự kiến sẽ đạt khoảng 131 tỷ USD, tăng khoảng 14% so với năm 2012 và cao hơn 4% so với chỉ tiêu đề ra năm 2013.
Trái lại, tới thời điểm này, chứng kiến sự suy giảm đồng loạt của nhiều mặt hàng, trong đó có cà phê, với mức dự báo sụt giảm cao nhất, khoảng 24% so với những mặt hàng nông sản có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Trước thực tế hết sức nghiêm trọng này của ngành cà phê, bài toán được đặt ra là có nên thanh lọc và hạn chế lượng DN xuất khẩu cà phê?
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), hiện nay cả nước có đến 200 DN tham gia xuất khẩu cà phê. Số lượng DN như vậy là quá nhiều trong khi nguồn hàng không ổn định.
Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa, Chính phủ và các DN cần có chính sách khuyến khích tăng tiêu thụ cà phê trong nước qua các kênh truyền thông. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, chế biến cà phê tiêu dùng quy mô nhỏ.
Đặc biệt, nên có chính sách hỗ trợ những dự án xây dựng nhà máy cà phê tiêu dùng quy mô lớn. Điều này không chỉ tạo được lực cầu bảo hộ giá cho cà phê Việt Nam, mà còn có thể giúp DN tránh được thực trạng bị ép giá do xuất khẩu cà phê thô như hiện nay.
Theo HỒNG NGA - ĐỖ PHƯƠNG
Doanh nhân Sài Gòn