Do “hiện tượng” Samsung, Hàn Quốc đã vươn lên trở thành thị trường VN nhập siêu lớn thứ 2 (khoảng 10 tỷ USD).
Ngày 21-11, Nhóm Tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô của Ủy ban Kinh tế Quốc hội (UBKT) đã công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô 2013 nhìn lại năm 2012 với những nhận định thẳng thắn: gánh nặng thuế khóa ảnh hưởng tới doanh nghiệp, doanh nghiệp nhà nước gây nợ xấu...
Vẫn chủ yếu là lắp ráp...
Mặc dù công nhận một số thành tích của năm 2012, trong đó có lạm phát giảm, xuất siêu nhưng báo cáo khẳng định việc nhập siêu khu vực sản xuất trong nước liên tục ở quy mô lớn đã phản ánh năng lực khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu chưa chuyển biến. Xuất khẩu của VN 2012 nhờ công lớn của điện thoại di động và linh kiện.
Nhưng báo cáo khẳng định đây vẫn chủ yếu là lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Samsung vào VN, khiến xuất khẩu điện thoại, linh kiện của VN tăng vọt, nhưng nhập khẩu điện tử, máy tính, linh kiện… cũng tăng rất mạnh, khiến giá trị gia tăng xuất khẩu của các nhóm hàng này không lớn.
Do “hiện tượng” Samsung, Hàn Quốc đã vươn lên trở thành thị trường VN nhập siêu lớn thứ 2 (khoảng 10 tỷ USD).
Xuất khẩu của VN vào một số thị trường như EU, Mỹ, Nhật tiếp tục tăng cao, theo báo cáo, cũng có thể giải thích bởi hàng hóa xuất khẩu ở VN vẫn thuộc chuỗi giá trị thấp, đáp ứng nhu cầu bình thường của các nước, trong khi Trung Quốc đang dần rời bỏ chuỗi sản xuất này để chuyển sang chuỗi giá trị cao hơn…
DNNN gây nợ xấu
Cũng theo báo cáo, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã gây ra nợ xấu đáng kể cho hệ thống tín dụng. Hiện có đến 30/85 tập đoàn, tổng công ty tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu trên 3 lần, đặc biệt có 07 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ trên 10 lần (như TCT Xây dựng công nghiệp; TCT Xây dựng Công trình giao thông 1, TCT Xăng dầu quân đội; TCT Phát triển đường cao tốc…). Nợ vay của 12 tập đoàn kinh tế Nhà nước lên tới gần 218.740 tỷ đồng. Trong đó dư nợ lớn nhất thuộc về những “ông lớn” như Tập đoàn Dầu khí (PVN - 72.300 tỷ), Điện lực (EVN - 62.800 tỷ đồng), Than & khoáng sản (Vinacomin - 19.600 tỷ đồng).
Dẫn số liệu của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, tính đến cuối 2012, nợ xấu của DNNN chiếm 11,82% tổng nợ xấu của hệ thống các TCTD, nhóm nghiên cứu đã tính ra như vậy số nợ đã lên đến 24,95 nghìn tỷ đồng (chưa bao gồm nợ xấu của Vinashin tại các tổ chức tín dụng trong nước ước khoảng 19,8 nghìn tỷ đồng năm 2010).
Về tái cơ cấu nền kinh tế, báo cáo nêu ngay điều kiện tiền đề để tái cấu trúc (thay đổi tư duy và cải cách thể chế) cũng chưa có tiến triển tích cực. Thiết kế và vận hành thể chế chưa thực sự “dung hợp” để có thể phân bổ nguồn lực nền kinh tế có hiệu quả. Phân cấp quản lý và mối quan hệ giữa trung ương - địa phương thiếu tính hệ thống và phối hợp, thiếu sự giám sát dẫn đến tình trạng khai thác các nguồn lực kém hiệu quả. Vì vậy, nền kinh tế vẫn chưa đi vào quỹ đạo ổn định vĩ mô và tăng trưởng bền vững.
“Gánh nặng thuế phí”
Báo cáo cũng nêu rõ tình trạng huy động vào ngân sách của VN và chi ngân sách của VN cũng cao hơn nhiều nước. Đặc biệt, việc chi tiêu công được duy trì ở mức cao, thâm hụt ngân sách nhà nước nhiều năm ở mức gần 5%, theo nhóm nghiên cứu, đã làm phát sinh nhiều vấn đề làm ảnh hưởng tới ổn định vĩ mô nền kinh tế như lạm phát cao và bất ổn, đầu tư dàn trải...
Nhóm nghiên cứu thực hiện báo cáo cũng cảnh báo hiện tượng đang được xem là bình thường, đó là dòng tiền ”bị kẹt” trong hệ thống được các ngân hàng đã được các ngân hàng mua trái phiếu Chính phủ (TPCP) hay tín phiếu ngân hàng nhà nước. Tổng khối lượng TPCP, TPCP bảo lãnh và tín phiếu Chính phủ phát hành trong năm là khoảng 200 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 10 tỷ đôla Mỹ)... Điều này dẫn đến rủi ro là các dòng vốn đang được phân bổ thiếu hiệu quả, thay vì đưa vào khu vực tư nhân (thông qua hình thức vay tín dụng sản xuất) thì đang dần chuyển hướng nhiều hơn vào khu vực công. Nó một mặt tạo “cơ hội” để tình trạng nợ công tiếp diễn và gia tăng, gây rủi ro nợ công đã được nhiều nghiên cứu cảnh báo; một mặt, dẫn đến hiện tượng đầu tư công “lấn át” đầu tư tư nhân, phân bổ nguồn lực chưa hiệu quả...
Đề xuất chính sách, Báo cáo kinh tế vĩ mô 2013 cho rằng nên giảm số DNNN. Nhà nước không nên đặt tiêu chí cứng rằng phải nắm giữ 100% cổ phần hoặc cổ phần chi phối (75% hay 65%) ở các DNNN trong một lĩnh vực nào đó (như theo Quyết định số 14/2011/QĐ-TTg ngày 4/3/2011). Việc tuyên bố như vậy vô hình trung tạo ra cơ cấu cứng nhắc cho nền kinh tế và cản trở quá trình cải cách DNNN... Ngoài ra cần giảm thuế, phí; đảm bảo doanh nghiệp có thể đoán định được biến động lãi suất để hoạch định kế hoạch kinh doanh; tiếp tục đảm bảo ổn định vĩ mô... Đặc biệt, phải giảm quy mô chi tiêu công và thu hẹp vai trò của nhà nước trong nền kinh tế, nhà nước chỉ nên cung cấp những dịch vụ quan trọng. Bản thân việc cắt giảm các khoản chi tiêu, theo báo cáo, nên dựa trên việc đánh giá hiệu quả chứ không nên thực hiện cắt giảm đồng loạt theo tỷ lệ cố định. Cắt giảm quy mô chi tiêu NSNN cũng được cảnh báo sẽ khó có thể thực hiện nếu không thực hiện cải cách hành chính, tiết kiệm chi tiêu...