Tiếp nối sự thành công của 2 chương trình CEO talk show trước, tối 22/8, CLB 2E đã tổ chức buổi tọa đàm CEO talk show số 3 tại Hà Nội.
Các diễn giả tại talk show số 3
Chương trình được tổ chức nhằm kết nối các bạn trẻ và những CEO trẻ của Hà Nội, giúp các bạn trẻ có thêm những kiến thức cũng như thúc đẩy niềm đam mê kinh doanh.
Buổi talk show số 3 có sự chia sẻ của ông Phan Văn Học - CEO Công ty CP SOHACO; bà Trần Ngô Thiên Lý – Giám đốc Công ty CP Ninh Khương - Khu vực Hà Nội; ông Phan Văn Sơn - Giám đốc nhân sự công ty cổ phần Vĩnh Tường.
Với chủ đề “ Kết nối doanh nghiệp – Định hướng tương lai” các diễn giả đã mang đến cho các bạn trẻ những kiến thức, kinh nghiệm thực tế khi lập nghiệp cũng như giải quyết những băn khoăn của các bạn sinh viên về cơ hội việc làm trong tương lai từ góc nhìn nhà tuyển dụng.
Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã chia sẻ lại những câu chuyện ngày đầu khởi nghiệp của mình giúp người nghe hiểu hơn những khó khăn hay thuận lợi mà người trẻ có thể gặp phải khi lập nghiệp.
Với câu hỏi: "Sinh viên vừa ra trường có nên khởi nghiệp ngay không hay nên đi làm lấy kinh nghiệm trước rồi mới khởi nghiệp?", ông Phan Văn Học cho rằng, nếu cảm thấy mình đã trau dồi được nhiều kĩ năng cũng như kiến thức khi còn ngồi trong ghế nhà trường rồi thì hãy tự tin đứng ra khởi nghiệp. Vừa khởi nghiệp vừa học. Dám làm mới có thành công.
Một bạn sinh viên đặt câu hỏi
Liên quan đến câu hỏi "Làm thế nào để cân bằng giữa công việc và gia đình?", bà Trần Ngô Thiên Lý chia sẻ: Phụ nữ làm chủ doanh nghiệp rất khó khăn nên người phụ nữ cần tạo được động lực cho chính bản thân mình. Bà đã dẫn chứng ngay câu chuyện của bản thân. Đó là lấy những điều bình dị nhất của gia đình làm động lực phấn đấu. Điều đó giúp bà cân bằng được gia đình và công việc.
Bạn Nguyễn Văn Đoàn, tới từ một trường cao đẳng trăn trở: "Nhiều sinh viên học đại học ra còn thất nghiệp, thì những bạn học cao đẳng nghề như em làm sao có được việc làm?". Ông Phan Văn Sơn khẳng định: "Với kinh nghiệm hơn 10 năm đi tuyển nhân sự cho các công ty, tôi thấy rằng hiện nay doanh nghiệp thiếu người rất nhiều. Đơn giản là doanh nghiệp không thể tìm được người phù hợp.
Các bạn sinh viên cần tìm hiểu doanh nghiệp cần gì, như vậy mới mong tìm được công việc phù hợp với mình, chứ không quan trọng là học cái gì". Ông Sơn đã dẫn chứng về một vài trường hợp đi học ngành này nhưng khi ra trường lại làm việc và phát triển ở một ngành khác hoàn toàn tốt.
Tại buổi tọa đàm, các diễn giả cũng khuyên các bạn trẻ muốn khởi nghiệp cần kiên trì, trau dồi kĩ năng mềm thật tốt khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đặc biệt là dám làm và không sợ thất bại vì khi đã dám làm thì kết quả có thế nào cũng đã là thành công.
Theo Hoàng Sang/Báo Diễn đàn Doanh nghiệp