"Đè cổ" dân thu hàng chục khoản thu khác nhau.
Thực tế này đang khiến người nông dân nghèo ở xã thuần nông như Thiệu Công, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) rất bất bình, bức xúc.
Theo phản ánh của người dân, họ đang phải è cổ đóng các loại như phí làm đường, phí xây nhà văn hóa, phí vệ sinh đường, quỹ văn hóa, quỹ bê tông nhà văn hóa, quỹ thiết chế nhà văn hóa, quỹ khuyến học,... mỗi khẩu phải đóng hàng chục khoản phí, với mức đóng lên đến cả tiền triệu/vụ mà trong đó các khoản cao nhất là khoản xây dựng nông thôn mới.
Vợ anh Hoàng Văn Quy đang trao đổi với PV về các khoản thu khiến gia đình chị phải oằn mình ra để đóng góp.
Qua tìm hiểu được biết, việc thu phí vụ 5 (vụ chiêm, dân địa phương thường gọi vụ chiêm là vụ 5 (tháng 5) và vụ 10 là vụ mùa (tháng 10)- PV) năm 2014, riêng UBND xã Thiệu Công tiến hành thu 4 khoản phí gồm: khoản thu phí 20kg lúa/sào/năm (thu kích cầu xây dựng nông thôn); quỹ người cao tuổi/khẩu/năm; quỹ đền ơn đáp nghĩa; quỹ
an ninh quốc phòng. Bên cạnh đó, HTX Nông nghiệp xã Thiệu Công tiến hành thu phí quản lý HTX và các khoản thu dịch vụ nông nghiệp khác gồm có: Khuyến nông, xây dựng kênh mương và bảo vệ thực vật với tổng của ba khẩu thu là 11,5kg/sào. Địa bàn toàn xã Thiệu Công cũng tiến hành thu nhiều khoản thu khác nhau với mục đích để duy trì hoạt động của xã và thôn.
Trong đó có nhiều khoản thu mà người dân trong toàn xã không được biết là thu để làm gì, nhưng họ vẫn phải đóng như: phí xây dựng nông thôn, khoản thu này xã đã tiến hành thu (thu kích cầu xây dựng nông thôn) với số tiền là 381.000đ, nhưng ở các thôn lại vẫn tiếp tục tiến hành thu, với số tiền của khoản phí này là 458.600đ.
Phiếu thu sản vụ 5/2014 của hộ anh Kỳ Lân nhưng không có dấu của UBND xã Thiệu Công.
Anh Hoàng Văn Quy, trú ở thôn Liên Minh, xã Thiệu Công cho biết, nhà anh có 4 khẩu, với 1 sào ruộng, tuy chỉ có một sào nhưng vụ này nhà anh Quy cũng phải đóng góp mất hơn 1 triệu đồng tiền các khoản cho xã và thôn. “Các anh thấy đó, như vụ này là được mùa may ra sào ruộng đó được hơn 3 tạ lúa, tính ra làm 5 tháng trời mỗi tháng được 60kg lúa, nào là tiền phân, giống, công cày bừa thì lỗ to anh à. Những các khoản của xã và thôn vẫn bắt buộc phải đóng, nếu không thì cả ngày bị rêu rao trên loa truyền thanh của cả thôn và xã thì nhục lắm", chị vợ anh Quy đang bế đứa bé khóc thét chia sẻ với PV.
Khi tìm hiểu vụ 5 vừa qua, nhà anh Quy phải đóng những khoản sau: Phí quản lý HTX 630.300đ, thu xây dựng nông thôn 381.000đ, thu xây dựng thôn 458.600đ + 60.000đ tiền rác, quỹ đền ơn 22.000đ, giao thông 110.000đ, CSNCT 20.000đ, quốc phòng 40.000đ (tổng cộng là 1.154.900 đồng), cộng với 4 khoản thu của xã như đã nêu ở trên.
Trong khi đó ở một phiếu thu khác thì lại có dấu của UBND xã đóng.
Trong đó chưa kể đến hàng loạt các khoản thu dịch vụ của HTX. Có một điều đặc biệt là khi tiến hành thu thì ở các phiếu thu của cả xã và thôn thu số tiền lên đến cả tiền trăm nghìn nhưng đó chỉ là một phiếu thu thông thường không hề có đóng dấu của đơn vị thu.
Ở thôn Liên Minh, khi PV tìm hiểu được biết, gia đình anh Kỳ Lân cũng đóng góp các khoản tương tự như gia đình anh Quy với số tiền lên đến cả triệu đồng trong vụ 5 này, nhưng trong phiếu thu của hộ gia đình này có những khoản thu khiến người dân cũng không hiểu đó là khoản thu gì như: thu thiết chế nhà văn hóa 37.750đ (trong khi đó gia đình anh cũng phải đóng cả hai lần quỹ xây dựng nhà văn hóa cho cả xã và cả thôn ở mức 381.000đ và 458.600đ). Tổng số tiền hộ anh Kỳ Lân phải đóng cho phiếu thu này là 532.450đ, cộng với một khoản thu ở phiếu thu khác là thu đất sản thôn vụ 5/2014 là 330.000đ thì tổng số tiền nhà anh Kỳ Lân phải đóng là 862.450đ.
"Có nhiều khoản đóng góp vô lý, chúng tôi có biết và có ý kiến nhưng thôn lại tiến hành họp thôn và lấy ý kiến rồi lại thống nhất, chúng tôi cũng không đồng ý nhưng có được đâu, cuối cùng rồi lại phải đồng ý theo kiểu gượng ép, mặc cho đa số các thành viên trong cuộc họp hôm đó không đồng ý nhưng thôn vẫn ký là 'các thành viên thống nhất cao' với khoản thu đó nên dân nghèo chúng tôi vẫn phải đóng", bác Phạm Văn G. một người dân thôn Xuân Quan 2 cho biết.
Một hộ gia đình ở thôn Nhân Mỹ cho biết, diện tích ruộng chính của gia đình chỉ có 2 sào lúa, nhưng trong vụ 5 vừa rồi gia đình này cũng phải đóng hơn chục khoản thu khác nhau. Trong đó nhiều khoản mà thôn đứng ra thu, mỗi khoản thu đều ghi vào phiếu thu nhưng ở phiếu thu này lại không có đóng dấu của UB xã, mà chỉ ghi là phiếu thu.
“Dân chúng tôi chỉ biết è cổ ra đóng là đóng chứ có biết là thu thế nào là đúng là sai đâu”, một hộ dân thắc mắc. Ở một hộ dân khác của thôn này thống kê, trong vụ 5 vừa qua hộ gia đình bác phải đóng 15 khoản thu khác nhau với số tiền gần 2 triệu đồng. Trong khi đó, thu nhập từ 2 sào lúa mà gia đình ông làm cũng không được là bao nhiêu. “Với những khoản thu trên, gia đình tôi phải cố gắng lắm mới có thể đóng nổi, vì là hộ nghèo có hai ông bà già với nhau nhưng vẫn phải chắt chiu để có tiền đóng đầy đủ các khoản nếu không đóng thì cũng bị bêu tên trên loa truyền thanh”.
"Không thu thì lấy gì làm nông thôn mới?" (!)
Tại chỉ thị 24/2007/CT-TTg ngày 1/11/2007, về tăng cường chấn chỉnh việc thực hiện các qui định của pháp luât về phí, lệ phí, chính sách huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân, Thủ tướng chỉ đạo: "Đối với các khoản huy động đóng góp tự nguyện để xây dựng cơ sở hạ tầng, huy động đóng góp mang tính chất xã hội, từ thiện, phải thực hiện theo đúng nguyên tắc tự nguyện. HĐND, UBND các cấp không được ra văn bản bắt buộc đóng góp, không được giao chỉ tiêu huy động cho cấp dưới, không gắn việc huy động đóng góp với việc cung cấp các dịch vụ công mà người dân được hưởng".
Ông Tạ Minh Hoàn – Chủ tịch UBND xã Thiệu Công đang trao đổi với PV.
Mang những điều người dân nơi đây đang bức xúc tìm đến trao đổi với ông Tạ Minh Hoàn – Chủ tịch UBND xã Thiệu Công thì được ông Hoàn cho biết: "Tất cả các khoản thu đó là do thôn thu chứ xã chúng tôi không liên quan. Những khoản thu như các anh phản ánh là có thật nhưng, đó là các khoản đã nằm trong phương án đã được UBND xã và HĐND xã thông qua, đồng ý cho các thôn thu nên các thôn mới thu như thế. Xã chúng tôi không thu thêm khoản gì ngoài 4 khoản thu là; phí 20kg lúa/sào/năm (thu kích cầu xây dựng nông thôn); quỹ người cao tuổi 5.000 đồng/khẩu/năm; quỹ đền ơn đáp nghĩa 22.000đ; quỹ an ninh quốc phòng 40.000đ/năm. Chúng tôi thu thế là để xây dựng cho dân, và để tiến hành xây dựng nông thôn mới vì đến nay chúng tôi mới đạt có 14 tiêu chí thôi".
Khi PV hỏi ông Hoàn về tổng số các khoản mà cả thôn và xã thu của dân như thế là bao nhiêu khoản tất cả thì ông Hoàn ấp úng và nói: “Làm sao tôi biết được, vì đó là các khoản thu của thôn và của HTX nên tôi không thể biết hết được”.
Theo điều tra PV được biết, vừa qua trên địa bàn xã Thiệu Công, huyện Thiệu Hóa người dân nơi đây đang phải gánh tổng các khoản thu là trên 15 khoản thu với những khoản thu “trời ơi, đất hỡi”. Tuy nhiên, các hộ dân vẫn phải đóng cho xong "chứ nếu không khi gia đình có việc xin con dấu họ lại gây khó khăn cho con em" (?).
Trong khi đó, cũng trao đổi về vấn đề này thì ông Trịnh Đình Thai - Bí thư Đảng bộ xã Thiệu Công nói: "Anh em chúng tôi rất quan tâm đến các khoản thu này, đó là thu để làm cho dân chứ chúng tôi có làm gì đâu. Tất cả các khoản thu đó đều đã được bàn bạc và thống nhất trong Đảng ủy, UBND, có ý kiến đến các anh đó chỉ là những trường hợp cá biệt, tôi thừa nhận là có thật đó là những trường hợp muốn hưởng lợi nhưng lại không muốn đóng góp ấy mà! Trong đó có một số hộ họ cố tình chống đối nhưng anh em chúng tôi làm tất cả đều vì phong trào của địa phương cả chứ chúng tôi cũng không tơ hào gì ở đây cả".