Cập nhật lúc: 5/28/2014 5:06:46 PM

Không ai bị lừa, sao mang tội lừa đảo?

264 tỷ đồng tiền mua cổ phiếu Thép Hòa Phát đã nhận lại đủ và thừa nhận sai sót nhưng các bị cáo vẫn bị buộc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Vụ án Bầu Kiên đã trải qua 7 ngày xét xử sơ thẩm. Hôm qua 27/5, tòa án chính thức bước sang phần tranh tụng.
 
Trong ngày đầu tiên tranh tụng, các luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hải Yến và Nguyễn Đức Kiên về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đề nghị của Viện Kiểm sát, hình phạt cho bị cáo Kiên là 30 năm tù giam, bị cáo Thanh từ 9 – 10 năm tù giam và bị cáo Yến từ 7 – 8 năm tù.
 
Ở tội lừa đảo, các luật sư bảo vệ cho 3 bị cáo đều có chung khẳng định cáo trạng quy tội lừa đảo là không thỏa đáng, không có căn cứ.
 
Hòa phát đã nhận đủ 264 tỷ đồng và thừa nhận sai sót

Theo cáo trạng, Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI) sở hữu gần 30 triệu cổ phần của Công ty CP Thép Hòa Phát (Thép Hòa Phát). Tháng 5-2010, ACBI thế chấp hơn 22,4 triệu cổ phần này cho ACB. Tháng 4-2012, ông Trần Đình Long (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát) và ông Trần Tuấn Dương (Tổng Giám đốc Thép Hòa Phát) đề nghị bán lại 20 triệu cổ phần Thép Hòa Phát nhằm tăng sở hữu vốn của tập đoàn này tại các công ty thành viên.
 
Sau đó, ACBI ký hợp đồng bán 20 triệu cổ phần cho Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát và nhận 264 tỷ đồng. Cáo trạng cáo buộc các bị cáo biết rõ cổ phần thế chấp nhưng vẫn bán cho Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
 
Cáo trạng buộc tội lừa đảo, nhưng đối tượng bị lừa ở đây là Thép Hòa Phát lại không hề bị thiệt hại gì. Tại tòa sáng ngày 24/5, đại diện công ty này đã xác nhận rằng 264 tỷ đồng chi ra để mua 20 triệu cổ phiếu thép Hòa Phát đã được nhận lại từ cơ quan điều tra.
 
Tại phiên tòa ngày 26/5, ông Mai Văn Hà, Phó Tổng giám đốc đại diện cho Thép Hòa Phát, xác nhận đã biết rõ việc số cổ phần này đang được thế chấp tại Công ty Chứng khoán ACB (ACBS). Chính ông Hà ký vào giấy đề nghị phong tỏa 20 triệu cổ phần bị thế chấp cùng với ACBI. Tuy nhiên, sau đó… quên không thông báo với hệ thống văn thư nên toàn hệ thống công ty không biết.
 
Khi bị luật sư truy hỏi về sơ suất của phía Hòa Phát trong việc thông tin không đầy đủ tới lãnh đạo, ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Thép Hòa Phát nói: “Sơ suất không phải từ phía tôi mà do anh Mai Văn Hà. Lúc đó, tôi không biết. Chính vì không biết cổ phần đã bị phong tỏa nên khi hai bên ký kết hợp đồng, tôi chỉ xác nhận”.
 
Những lời khai này của đại diện Thép Hòa Phát minh chứng rằng, trong vụ mua cổ phiếu này rõ ràng từ phía Hòa Phát đã biết cổ phiếu bị thế chấp và chính Hòa Phát sai sót. Điều này cũng được Nguyễn Đức Kiên nói rõ trong các phiên tòa trước, thậm chí cho rằng chính ông mới là người bị hại.
 
Không rõ tội danh, không xác định người bị hại sao lại là lừa đảo?

Trong phần bảo vệ cho các bị cáo ngày 27/5, luật sư Nguyễn Thị Minh Thanh và Trần Đình Tuấn bào chữa cho bị cáo Trần Ngọc Thanh cho rằng, hình phạt Viện kiểm sát đưa ra quá nặng vì hành vi thì có nhưng là tội gì, tội danh như thế nào? Hành vi của ông Thanh chưa đủ cấu thành tội này và cũng không phải là đồng phạm của ông Kiên. 

Theo luật sư Thanh, ông Trần Ngọc Thanh là giám đốc công ty ACBI, ông Thanh buộc phải ký văn bản nhưng không có động cơ, mục đích và không chiếm đoạt tiền, không được ăn chia, hưởng lợi từ khoản tiền 264 tỷ đồng mà cáo trạng buộc tội các bị cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Hòa Phát. Ông Thanh chỉ nhận lương hàng tháng và đơn thuần là tuân lệnh lãnh đạo theo nhiệm vụ của người lao động.
 
Còn theo luật sư Tuấn, điều tra thực tế cho thấy, đến ngày 7/9, trước khi bị khởi tố và bắt giam 10 ngày, ông Thanh mới biết 264 tỷ đồng mà mình đã ký là để chi cho các hoạt động chuyển nhượng cổ phần Thép Hòa Phát của ACBI với Hòa Phát nhưng Hòa Phát chưa nhận được cổ phiếu theo hợp đồng chuyển nhượng. Luật sư cho rằng, Viện kiểm soát truy tố ông Thanh việc biết rõ cổ phần đang bị thế chấp nhưng vẫn làm theo ông Kiên nên phạm tội đồng phạm là không khách quan.
 
Bảo vệ cho bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến, luật sư Phạm Gia Phong khẳng định, khi xác định vai trò đồng phạm, thì những người đồng phạm sẽ không phải chịu trách nhiệm về hành vi vượt quá của người khác mà trước đó không có sự bàn bạc thống nhất, tiếp nhận ý chí, mục đích của nhau. Hải Yến không có hành động gian dối, chiếm đoạt mà chỉ làm theo, buộc phải làm theo chỉ thị của lãnh đạo với tư cách người làm công ăn lương. 

Luật sư Phong cho rằng, xét đây là vụ lừa đảo thì không thỏa đáng. Bởi lẽ đây là một vụ giao dịch mua bán cổ phiếu, có thỏa thuận của các lãnh đạo chủ chốt, có hợp đồng ký kết giữa các bên… Trong thương vụ mua bán này không có dấu hiệu phạm tội vì 20 triệu cổ phiếu Thép Hòa Phát mà ACBS đang quản lý vẫn thuộc sở hữu của ACBI (chỉ chấm dứt khi tài sản bị tiêu hủy hoặc xác lập lại quyền sở hữu của chủ sở hữu…và chỉ bị hạn chế quyền liên quan phát sinh). 

Hơn nữa, luật sư đưa ra lập luật, Viện kiểm sát cho rằng biên bản HĐQT ACBI đã bị lập khống, theo khái niệm “khống” và các quy định tại Luật doanh nghiệp thì đây không phải biên bản khống. Giao dịch nói trên chỉ là giao dịch dân sự kinh tế mà ACBI ký với ACBS và MTV Thép Hòa Phát. Hành vi đó không cấu thành tội lừa đảo. 

Luật sư Long dẫn lại lời mà đại diện của MTV Thép Hòa Phát khẳng định là khi ký xác nhận không hề băn khoăn và không cần thiết phải xem biên bản HĐQT. Như vậy về mặt chủ quan là không có thủ đoạn, nên không thể là lừa đảo.

Luật sư cũng đặt câu hỏi, ở đây ai là người thiệt hại? Không xác định được! Vì vậy, việc cáo buộc tội danh này là chưa đủ cơ sở. Đặc biệt, cáo buộc những người lao động – những người tuân theo người sử dụng lao động – là đồng phạm là không có cơ sở.

Các luật sư Ngô Huy Ngọc, Vũ Xuân Nam, Hoàng Đôn Hùng bào chữa cho bị cáo Kiên cũng cho rằng quy kết bị cáo Kiên vào tội lừa đảo là không chính xác, không có căn cứ.
 
Theo các luật sư, số cổ phiếu Thép Hòa Phát đã được thế chấp ông Kiên hoàn toàn không che giấu. Trách nhiệm này là của Hòa Phát vì ông Mai Văn Hà đã ký văn bản xác nhận phong tỏa nhưng quên không báo cáo lại. Vậy đây không phải trách nhiệm của ông Kiên. Trách nhiệm của Hòa Phát là phải biết, chứ không phải nói không biết là xong. Ông Kiên tin tưởng rằng phía Hòa Phát đã biết nên cáo trạng kết luận gian dối ngay từ đầu là không có căn cứ.
 
Hơn nữa, việc giao dịch cổ phiếu giữa ACBI và Thép Hòa Phát không phải lừa đảo vì đây là giao dịch dân sự bình thường, chỉ chấm dứt theo biên bản thanh lý hợp đồng ngày 16/3/2013. Tức là sau ngày bị bắt rất lâu (tháng 8/2012), hợp đồng vẫn đang tồn tại, các bên vẫn thực hiện quyền lợi trách nhiệm của mình. Pháp luật nào xen vào giao dịch dân sự của các doanh nghiệp với nhau khi họ vẫn đang thực hiện?

 
Luật sư cho rằng quy ông Kiên tội chiếm đoạt hoàn toàn 264 tỷ đồng là không đúng vì đây là giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp chứ không phải cá nhân với nhau. Chiếm đoạt là chuyển dịch bất hợp pháp tài sản của người khác thành của mình. Nhưng ở đây, quyền sở hữu 20 triệu cổ phiếu này và quyền sở hữu 264 tỷ đều ghi nhận màu sắc của 2 pháp nhân với nhau. 264 tỷ Hòa Phát chuyển cho ACBI, dù có vấn đề thì cũng thuộc trách nhiệm của pháp nhân chứ đâu phải của cá nhân?
 
Và quan trọng nhất, các bị cáo bị buộc tội lừa đảo nhưng 264 tỷ đồng đó bên bị Thép Hòa Phát đã nhận lại đủ và thừa nhận sai sót thì sao lại gọi là lừa đảo. Giao dịch kinh tế chịu quan hệ điều chỉnh của luật Thương mại, luật Dân sự và khi hợp đồng này đang tồn tại trên thực tế, các bên không có khiếu nại tố cáo thì không có căn cứ  để áp dụng luật hình sự, quy kết Kiên vào tội lừa đảo.
 Hải Minh - N.Hằng
 Theo Trí Thức Trẻ 

Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật